Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 1920 | Trang 20 của 20 trang, bài viết từ 286 đến 294 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 13.02.2021 03:43:50 (permalink)

Hoài Cảm

 
Bạn  thân,
 
Cali bây giờ mới là sáng mồng Một Tết nhưng Sài Gòn đã qua ngày mồng Hai! Vẫn còn là Tết nên thân chúc bạn và toàn gia năm mới Tân Sửu an vui, mọi sự như ý.
 
Cuối năm thiên hạ thường vế quê ăn Tết, hoặc nếu bố mẹ còn trên đời thì về thăm nhà, vì nơi nào  bố mẹ sống thì nơi ấy là nhà, phải thế không? Khi còn nhỏ tôi ra Hà Nội học, chỉ mong nghỉ hè để vế quê tắm sông, bắn chim, câu cá … nhưng cũng chờ đợi đến Tết để được trở lại làng Thuận Tốn xem đấu vật, đánh đu … Làng tôi chỉ cách Hà Nội 10 cây số mà sao hối đó thấy xa quá là xa, còn bây giờ thì nghìn trùng xa cách, chắc chẳng bao giờ về được nữa, mà hình như làng cũ cũng chẳng còn.
 
Quê bạn tuốt ngoài Quảng, có bao giờ bạn trở lại nơi đó không?  Tuy nhiên trong tâm tư quê của tôi và bạn có lẽ là Đà Lạt, nơi chúng mình sống thời hoa mộng của những ngày mới lớn mà dù đi khắp bốn phương trời tôi vẫn còn nhớ thương. Đà Lạt bây giờ chắc cũng không còn như xưa, và không biết ngày nào tôi mới lại có thể trở về thăm thêm một lần. Bạn và tôi dời thành phố đó, mỗi đứa trôi nổi một phương nhưng bạn còn may mắn hơn tôi, sống tại Sài Gòn nên tết nhất vẫn còn có thể về thăm nhà. Riêng tôi có những ngày cuối năm góc biển chân trời, chẳng bao giờ có cơ hội về thăm nhà. Có lần viết mấy câu thơ buồn muốn khóc:
 
Ta từng đi khắp sông cùng biển
Tết đến nào đâu có nhớ nhà
Rượu uống say mèm nên chẳng biết
Hỏi bạn bao giờ xuân mới qua
 
Bạn ta ngồi khóc như mưa gió
Chẳng nhớ bây giờ  đang ở đâu
Mười năm gác núi sông cùng biển
Chẳng được gì hơn một mối sầu.
 
Áo trận chứ đâu nào áo mới
Sương gió nên mầu đã bạc phai
Tóc tai buồn rũ che vầng trán
Nghe bản tình ca chợt nhớ người
 
………………………………
 
Tết đến bỗng dưng có chút hoài cảm, nhớ  những ngày xưa thân ái, nhớ bạn bè nên viết lăng nhăng vài hàng thăm bạn, chia sẻ chút tâm tình. Trong số những bạn bè học chung tại trường THĐ tôi và bạn có lẽ là hai đứa mang chút tâm hồn lãng mạn, yêu thích thơ văn từ lúc mới bước chân vào trung học cho nên trở thành bạn thân, rất thân. Bây giờ chúng ta đã già, và xa cách nhau hơn mười ngàn dậm nhưng tôi và bạn vẫn cảm thấy như rất gần. Chúng mình vẫn còn giữ được mối giây liên lạc mật thiết, và vẫn mong một ngày nào gặp lại, dù chỉ là để nắm tay cho nhau một nụ cười.
 
Sau mùa đại dịch năm tới tôi sẽ cố về thăm lại VN ít ra thêm một lần, sẽ tìm gặp bạn. Lúc này cố giữ gìn sức khoẻ, take care of yourself, dear friend.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Feb. 12, 2021
 
 
NgụyXưa 09.05.2021 07:12:36 (permalink)

Hạt Bụi Nào 

Bạn thân,
 
Vài năm trước đây tôi nhận đươc thư của một người trẻ sống tại Úc, biết nhau qua văn chương, viết cho tôi về  những va chạm giữa người trẻ lớn lên tại hải ngoại và thân nhân/người quen thuộc thế hệ cũ, nhất là những người mới sang định cư sau này.
 
Tôi góp ý cô ấy về một vài kinh nghiệm cá nhân, và  mời cô ấy đọc “Hạt Bụi Nào Trong Mắt” (http://vinasoft.com/HatBuiNaoTrongMat.htm) tôi viết trước đó ít lâu. Mới đây được biết cô ấy đã không còn những băn khoăn của thời đó nữa, vui với hạnh phúc gia đình, trong lúc vẫn duy trì được nếp sống của tuổi trẻ do mình lựa chọn.
 
Xin chia sẻ với các bạn lá thư cũ. Chúng mình cũng đã bước vào tuổi xế chiếu, con cái đã lớn khôn và có đời sống riêng tuy nhiên đôi khi vẫn có những chuyện không hoàn toàn đồng ý với nhau. Chọn một thái độ thích nghi để giữ lấy tình thân, mặc dù có phải chịu chút thiệt thòi.
 
Mong là bạn luôn an khang và hạnh phúc. BTW, It’s Mother's Day. một bông hồng cho những ai còn mẹ.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
May 8, 2021
 
****
Lá Thư Cũ
****
Uyên thân,
 
Có lẽ cả cháu và chú đều thuộc về lớp người đi gữa hai thế hệ cũ và mới. Các con chú đều lớn lên hoặc sanh ra tại Mỹ nên coi trong tự do và privacy như những người trẻ Âu Mỹ trong lúc bố mẹ chú lại rất là VN và conservative vô cùng. Chú cũng đã phải tế nhị thay đổi cách cư xử của mình tùy theo đối tượng thế nhưng đôi lúc cũng không tránh được những va chạm, dù chỉ là nhỏ nhoi.
 
Khi bố mẹ chú mới sang Mỹ (vào năm 1990) chú sợ các con chú không biết cư xử với ông bà như hai cụ mong muốn nên đã mua nhà để bố mẹ chú ở riêng. Thế nhưng chú vẫn phải đưa chìa khoá nhà chú cho bố chú để ông cụ muốn đến nhà chú lúc nào thì đến, mà không cần gọi điện thoại báo trước, trong lúc nếu chú muốn vào phòng các con, chú phải gõ cửa, và phải chờ các con mở cửa mới được vào, mặc dù các con chú lúc đó chỉ mới ở vào tuổi teen!  
 
Kể cho Uyên nghe chuyện nhỏ nhặt đó để Uyên thấy rằng đôi khi chúng mình không thể sống như mình muốn vì chúng mình không thể chỉ sống cho riêng mình, mà còn lệ thuộc vào những người xung quanh. Văn hoá VN trọng người già nên chưa già mà đã muốn người ta gọi bằng … cụ (như cụ Cố Hồng trong “Số Đỏ” của nhà văn V. T. Phụng) trong lúc ở Úc, ở Mỹ ai cũng muốn dấu tuổi, và nếu được khen “trông trẻ quá” là thấy hớn hở trong lòng, phải thế không? Chú phần nào cũng bị ảnh hưởng bởi cả hai nền văn hoá khác biệt đó nên đã phản ảnh nếp sống “mới” của mình trong “Tình Thư Từ Mười Ngàn Dậm Xa” và “Về Nơi Mù Sương”, đồng thời cũng không quên con người rất VN của mình lúc nào cũng tha thiết với gia đinh, bạn bè và xa hơn một chút, với đất nước nơi mình sinh ra, trong những bài tùy bút dưới tên “Ngụy Xưa”. Ai cũng muốn có một đời sống mà mình coi là thích nghi thế nhưng “lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ” (V.H.C) nên phải chịu những nhọc nhằn. Mong là Uyên đừng quá băn khoăn, cứ sống sao để cho lòng mình thảnh thơi là đủ.
 
Thực ra thì chú cũng rất thông cảm với những lớp người “cũ”, nhất là những người có tuổi mới xa quê hương. Truyện ngắn “Hạt Bụi Nào Trong Mắt” của chú là tâm tình của những người như bố chú, như song thân của Uyên.  Những lớp người đó cũng có những niềm riêng mà thế hệ đi sau nhiều khi không thấy phù hợp nhưng nếu họ còn sống thì họ còn ôm ấp mãi những gì họ tin là “giá trị cổ truyền”.
 
“Generation gap” là một vấn đề của tất cả những người di dân tìm đất hứa, chứ không phải chỉ của riêng chúng ta, và hình như không có một giải pháp nào toàn vẹn, nên chú cũng chỉ có thể chia sẻ với Uyên một chút cảm nghĩ mà thôi. Mong lúc nào Uyên cũng sống vui.
 
Chú cũng có hai người bạn văn ở Brisbane.  Bạn bè đồng ngũ của chú ở bên đó còn vài người ở Melbourne và Sydney, họ cũng đã nhiều tuổi, không biết là có thể gặp nhau thêm một lần! Rất mong một ngày nào được đón tiếp bạn bè của chú từ bên đó, và gia đình Uyên tới California.  
 
Chú không dùng Facebook vì sợ … nghiện. Cô K. có account nhưng cũng chỉ dùng khi để thông tin cho các con khi cô chú đi chơi xa. Cháu cứ dùng email liên lạc với chú, dù chỉ vài dòng đủ để biết là từ nơi xa xôi đó vẫn có những người đồng cảm, và một lòng ưu ái văn chương VN.
 
Thân chúc cháu và gia đinh những ngày an vui. Hẹn cháu thư sau.
 
Tình thân,
Chú  Ngụy.
March 3, 2016
 
 
NgụyXưa 25.12.2021 03:36:06 (permalink)
Như Một Lời Xin Lỗi


Bạn thân,

Giờ này ở VN đã là Xmas Day, không biết bạn đang ở Sài Gòn hay là đã về Đà Lạt với người thân. Trước hết xin chúc bạn và gia đình một mùa lễ hội êm đềm và một năm mới 2022 an vui, hạnh phúc và thịnh vượng. Cũng xin gửi bạn một lòi xin lỗi chân thành vì trong thời gian dài vừa qua tôi hầu như không giữ được mối giây liên lạc mật thiết với bạn, Thực tình tôi không bao giờ quên bạn, nhất là vào những lúc khó khăn như lúc này tôi vẫn thường nghĩ tới các bạn miền xa, luôn luôn cầu mong cho tất cả được yên lành trong lúc trời đất nổi cơn gió bụi vì Covid-19. Noel năm nào cũng gợi nhớ những kỷ niệm của một thời xa xưa trên thành phố cao nguyên mù sương, nơi bạn và tôi đã có những ngày hoa mộng.

Gia đình tôi may mắn mọi người đều được bình an. Các con tôi vẫn làm việc tại nhà, (and they love it). Tôi đã phải hủy bỏ hầu hết các chuyến đi chơi xa trong hai năm vừa qua, tuy nhiên mới rồi vì nhớ biển nên đã cùng một số bạn bè bay qua Florida, lên tàu thăm viếng vài nơi trong vùng biển Caribbean Sea, những nơi tôi đã đi qua hơn một lần, và mới về đến nhà được hơn tuần lễ. Mặc dù thủ tục lên tàu phiền phức nhưng chuyến đi không gặp gì trở ngại, trong lúc một chuyến tàu khác chạy sau đó có một ngày, có hơn 10 người nhiễm Covid-19 lúc trở về bến. Coi như là mình may mắn!

Những ngày gặp gỡ cùng bạn bè thật đầm ấm, ước gì cũng có bạn đi chung. Tôi mong là mùa xuân sang năm tất cả sẽ trở lại bình thường để lại có thể tung tăng góc biển chân trời. Tôi cũng muốn về thăm VN ít nhất thêm một lần. K. chưa biết gì về sông nước miền Nam, và mong một ngày nào đó được đặt chân tới Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, etc ….

Dạo này tôi hầu như không viết và cũng ít vào các diễn đàn như xưa. Những biến đổi trong những tháng ngày qua đã ít nhiều ảnh hưởng tới tâm tư và sinh hoạt của mọi người. Nhiều lúc tôi thấy mình ngơ ngác, như không biết đi về đâu, chỉ giết thì giờ với hoa lá sau vườn. Tôi vẫn sống thường xuyên tại Carlsbad, thỉnh thoảng lên Little Saigon thăm bạn và thân nhân, ở lại Tustin một hai ngày, nơi tôi có một căn nhà nhỏ, vì bây giờ tôi không còn được như xưa, ít dám lái xe đường xa, nhất là ban đêm. Tết sắp tới tôi 80 tuổi ta, (sinh năm Quí Mùi) già thật rồi nên làm cái gì cũng phải từ từ, nếu không sẽ bị K. cằn nhằn!

Tình hình Omicron lúc này không biết sẽ đưa tới đâu nhưng nếu có cơ hội qua Mỹ, tới San Diego hoặc Little Saigon, thì bạn nhớ gọi cho tôi. Vẫn mong có dịp gặp lại bạn để nhắc nhở lại những kỷ niệm một đời khó quyên.

Take care of yourself, stay safe, be happy and have a wonderful life.

Tình thân,

Ngụy Xưa
12/24/2021
 
 
NgụyXưa 28.01.2022 05:28:30 (permalink)

Gửi Về Những Thành Phố Cũ

 
Thoáng một cái mà tôi đã xa Milpitas, thành phố nhỏ trong Thung Lũng Hoa Vàng, gần 14 năm! Khi tôi tới đó “Cánh Đồng Ngô” hầu như chỉ là một vùng đất hẻo lánh, rải rác vài ruộng rau và vuờn cây ăn trái, dân cư thưa thớt sống quanh một nhà máy đã bị đóng cửa của hãng xe Ford. Thế nhưng rồi thành phố vươn lên cùng với kỹ nghệ điện tử, và tôi sống ba mươi năm ở thành phố đó như là một giấc mơ. Trong cuộc đời lưu lạc này tôi đã từng đi qua và sống tại nhiều nơi, Khi còn ở Việt Nam, sinh ra tại một làng nhỏ thuộc Bắc Ninh nhưng rồi chiến tranh đưa đẩy ra Hà Nội, tới Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang,  trôi dạt qua đến Mỹ một thời tại New Port RI, và sau đó là Monterey, Salinas, Milpitas, Carlsbad của California nắng ấm hiền hoà. Milpitas là nơi tôi cư ngụ lâu nhất, nên dù đã xa nhưng vẫn thường nhớ tới, và mong có dịp tìm về.
 
Thành phố đó là nơi các con tôi sinh ra và lớn lên, là nơi tôi lập nghiệp lần thứ hai trong đời và cũng là nơi tôi chập chững bước vào con đường văn chương chữ nghiã, là nơi gặp lại những người bạn cũ phiêu bạt từ quê nhà và những người bạn mới làm việc chung trong các công ty hi-tech cũng như những người bạn văn trên các diễn đàn, để có những kỷ niệm một đời không quên.
 
Mới đây qua email bạn nhắc lần gặp mặt năm nào làm tôi nhớ tới những người bạn văn trên diễn đàn này một thời rất thân. Cuộc đời vui, cuộc đời buồn, những người bạn văn đó bây giờ vẫn còn đâu đó, dù không (hoặc chưa) có dịp gặp lại nhưng tôi tưởng chừng như họ qua màn sương vẫn ở cạnh bên mình, xin cho tôi gửi tới các bạn lời thăm hỏi, và thân chúc các bạn những ngày an vui.
 
“Cánh Đồng Ngô” đã thay đổi, rộng lớn hơn và trù phú hơn, tôi cũng đã di chuyển về vùng núi non tại miền nam Cali xa xôi để an dưỡng tuổi già, không còn hăng say tham dự vào các diễn đàn như trước đây, nhưng thỉnh thoảng vẫn vào những nơi chốn thân quen để tìm lại chút hương xưa. Tôi cũng đã trở về thăm Milpitas vài lần vì ở nơi đó tôi còn có một số thân nhân và bạn bè đồng ngũ  đã từng cùng phục vụ dưới một màu cờ. Các bạn tôi bây giờ già yếu lắm, thấy bạn mà bùi ngùi vì có những người nhiều lúc ngơ ngác như thể “hồn theo ngọn sóng về đường biển xưa”! Nơi đó cũng có phần mộ của song thân tôi, tôi về thắp nén nhang để gọi thầm: “Mẹ ơi”, để nói nhỏ: “Con về thăm bố nè”. Nơi nào có bố mẹ thì nơi ấy là nhà, có thể nào cho tôi gọi thành phố đó là nhà trong quãng đời còn lại này hay không?
 
Bạn thân,
 
Tôi cũng không quên được những thành phố ở quê nhà VN, nơi có dấu chân tôi. Tôi hầu như không còn thân nhân sống ở những thành phố đó nhưng vẫn có một số bạn học và một số bạn văn sống rải rác từ Bắc tới Nam. Lá thư vừa rồi tôi viết cho thằng bạn già thời trung học, (chúng tôi vẫn xưng hô mày/tao dù đã 80), để nhắc nhở tới những ngày hoa mộng tại thành phố trên cao nguyên Lâm Viên, và hẹn hò một ngày gặp lại, nhưng không biết là có thể trở về nơi đó thêm một lần.  Viết cho những người bạn văn mong một ngày gặp mặt nhưng vẫn chưa về được. Cô Vi ơi, tha cho chúng tôi đi để cho tôi lại lại một ngày theo sóng trùng khơi, ghé vào Hạ Long thăm Hà Nội, xuôi nam tới Nha Trang, về lại Sài Gòn, dù chỉ là một ngày cho thương nhớ đầy vơi.
 
Cuối năm thường có những bâng khuâng, nhớ về ngày tháng cũ, và thường nghĩ tới các bạn miền xa. Nhân dịp này thân chúc các bạn một năm mới Nhâm Dần an vui, thịnh vượng, và nhất là sức khoẻ dồi dào.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Jan. 27, 2022

NgụyXưa 19.04.2022 07:54:08 (permalink)
Thư Gửi Người Thày Cũ

Kính thày,

Tuần qua được gặp lại thày, và được nghe thày nói chuyện, con thật là xúc động, tưởng như mình vẫn là cậu bé thơ dại mới mười bốn mười lăm tuổi đang ngồi trên ghế trường trung học Trần Lục năm nào. Hơn 60 năm trước chúng con, những đứa học trò nhỏ được thày hé mở cánh cửa thơ văn, để cho chúng con biết được tâm tình của tiền nhân, và nhất là tấm lòng thiết tha với quê hương Việt Nam. Không những thế thày còn thổ lộ tâm tư nói qua về những tác phẩm của chính thày. Bao nhiêu năm rồi nhưng chúng con vẫn còn nhớ “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều”, “Khu Rừng Lau”, và nhất là “Dòng Sông Định Mệnh”, vừa lãng mạn nhưng cũng thật nồng nàn trong tình yêu.

Con nhớ được hai câu thơ cổ: “Bất tri tam bách dư niên hậu. thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Thưa thày, bây giờ người dân Việt vẫn đọc truyện Kiều và vẫn thấy thấm thiá với triết lý nhân sinh của thi hào Nguyễn Du. Con biết là đa số các tác phẩm của thày vẫn nằm trong tủ sách của các gia đình Việt Nam, và dù chưa được tới thư viện quốc gia Hoa Kỳ tại Washington D.C. nhưng một người bạn của con sống tại vùng đó cho con biết là nơi đó có nhiều tác phẩm của thày. Ba trăm năm sau chắc chắn là vẫn có những người tìm hiểu văn chương Việt Nam, và tên tuổi của thày hậu thế sẽ không quên.

Từ lúc con trưởng thành đời sống bôn ba đây đó nhưng đến lúc tuổi về chiều con cũng cầm bút ghi lại chút tâm tình của chính mình và của bạn bè trong những tháng ngày qua. Con ước mơ mình có được tâm hồn trong sáng, thiết tha với cuộc đời như những gì bàng bạc trong các tác phẩm của thày, thế nhưng dù đã in được ba tuyển tập, mang sách tới định biếu thày mà cứ sợ làm thày thất vọng nên tới thăm thày mà không dám đưa. Con vẫn như đứa học trò nhỏ, rụt rè, nhút nhát trước mặt người thày dạy học mình năm xưa.

Thày đã hơn 100 tuổi nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện cũ, và nhất là thân thể vẫn còn mạnh khoẻ, thật là đáng mừng. Chúng con kính chúc thày luôn an khang, và cho phép chúng con thỉnh thoảng ghé thăm thày, nghe thày kể chuyện, ôn cố tri tân, như ngày nào dưới mái trường xưa.

Xin thày nhận nơi đây tấm lòng thành thật tri ân của chúng con.

Ngụy Xưa – TQT
April 18, 2022
 
NgụyXưa 02.11.2022 05:29:52 (permalink)

Như Một Lời Xin Lỗi.

Bạn thân,
 
Tôi hứa với bạn cùng lãng du góc biển chân trời để nhớ về những ngày tháng cũ thế nhưng tôi đã không làm được vì tôi gặp vài chuyện không may trong thời gian qua. Để tôi kể cho bạn nghe như một lời xin lỗi, vì quả tình tôi rất băn khoăn về những gì mình đã hứa mà không làm được trong lúc tôi rất quí mến bạn.
 
Tháng 9 vừa qua tôi và một số thân nhân đi một chuyến cruise sang Mexico để xả stress sau một thời gian dài bị “cắm trại”. Luật lệ về phòng ngừa Covid gần như không còn, và hầu như chẳng ai mang mặt nạ trên con tàu hơn 5 ngàn người. Khi về tới Mỹ tôi thấy đau cổ họng, chạy tới hospital xin thử nghiệm mới biết là mình bị Cô Vi hỏi thăm. Vì tôi đã có tuổi, thêm vào đó là bệnh suyễn lâu đời, nên bác sĩ cho tôi uống Paxlovid, một thứ thuốc còn đang thử nghiệm. Năm ngày sau thử test lại, kết quả là negative, tôi mừng là mình đã tai qua nạn khỏi, yên tâm nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Thế nhưng chỉ chừng một tháng sau …
 
Sáng ngày 10/25/2022 tôi vẫn sinh hoạt như thường lệ, uống cà phê, ăn sáng, ra thăm vườn tược, đi bộ loanh quanh như một cách vận động nhẹ nhàng. Khi trở vào nhà bỗng dưng tôi thấy hai vai rất mỏi, tay run, trán toát mồ hôi nên nghĩ là mình có lẽ bị cúm, xin K. một pha cho một ly Theraflu để uống như những lần cảm cúm trước đây. Trong lúc K. sửa soạn, tôi bắt đầu thấy tức ngực và mệt nhọc nên chạy vô phòng nằm nghỉ. Khi K. mang thuốc vào, tôi chỉ mới uống một hớp thì đã bắt đầu nôn mửa dữ dội, nên tôi nhờ K. đưa vào Kaiser Urgent Care.
 
Khi được tôi mô tả triệu chứng nhân viên ở đó kết luận ngay là tôi bị "heart attack" và kêu 911 đưa tôi sang Palomar Emergency Hospital.  Họ giữ tôi ở đó hai ngày để làm tất cả những thử nghiệm cần thiết, mỗi ngày lấy máu cả chục lần, mấy lần Xray, mấy lần Ultra Sound, cho uống thuốc làm máu loãng, và cuối cùng thử Covid để biết chắc là tôi không có vi khuẩn truyền nhiễm trong người (PCR Test). Trong thời gian này tôi yếu đuối như một người gió có thể thổi bay, đêm ngày đều mất ngủ, nhiều lúc ho tới nghẹn thở, phải được cho thuốc cấp cứu. K. và hai con tôi đều được vào thăm. Nhiều năm trước đây tôi cũng đã từng nằm bệnh viện vì đau ở bụng dưới, mẹ tôi vào thăm, đưa tay xoa nhẹ và an ủi: “Con đừng lo nữa, có mẹ đây”. Mẹ tôi đã mất được ba năm. Tôi nhớ tới mẹ, nghẹn ngào nói với các con tôi bằng tiếng Anh: “I miss my Mom”, nắm tay các con, dặn đò đôi điều, và chúng tôi đều nước mắt lưng tròng.
 
Kết quả PCR test cho thấy là tôi đã không còn vi khuẩn trong người, và tôi được chuyển sang Scripps Hospital tại La Jolla để làm procedure tìm ra nguyên nhân tại sao tôi bị heart attack. Phòng thử nghiệm to lớn với những máy móc tối tân tôi chưa bao giờ thấy trong đời. Vị bác sĩ còn rất trẻ an uỉ tôi: “Đừng lo sợ, tôi sẽ cho thuốc giảm đau trong lúc đưa dụng cụ vào trong mạch máu từ cánh tay lên tới tim để dò xét. Ông sẽ thức tỉnh trong lúc chúng tôi làm việc”. Tôi ậm ừ nhưng rồi quá mệt nên thiếp đi, chẳng hề biết họ làm những gì. Khi được đánh thức dậy mới biết là thử nghiệm đã xong. Rất may là họ chỉ tìm thấy một blood clot nhỏ, không có mạch máu nào bị nghẽn, và valve cũng như tim đều không có vấn đề. Tôi sẽ được điều trị bằng vài loại thuốc (aspirin là chính) chứ không cần giải phẫu hay làm by-pass hoặc stent như trường hợp của những người bị nặng. Hú vía!
 
Mấy giờ đồng hồ sau tôi được bệnh viện cho về. Tìm hiểu thêm trên Internet tôi được biết là blood clot cũng có thể là hậu quả của Covid. Lúc này tôi vẫn còn mỏi mệt vì bị mất máu nhiều do thử nghiệm, cần tĩnh dưỡng một thời gian và sẽ còn phải gặp doctor chuyên về tim mạch vào tuần tới để theo dõi. Tôi đã phải hủy bỏ tất cả những chuyến đi xa trong năm nay và năm tới, và mặc dù từ Carlsbad lên Little Saigon chỉ hơn một giờ lái xe, tôi cũng sẽ không thể lên tham dự những lần họp mặt hàng tháng để chúng mình thăm hỏi lẫn nhau. Hẹn hò cùng nhau về thăm quê hương thêm một lần cuối đời cũng đành gác bỏ, “đời mong manh quá, xá chi phân mình” (Lam Phương).
 
Bạn thân,
 
Bài học tôi nhận được là khi nghi ngờ gọi ngay 911 chứ đừng chần chờ, Tôi may mắn sống sót lần này nhưng nhớ là chúng mình đã già, chuyện gì cũng có thể xảy ra ngày mai như một vị tổng thống của Mỹ đã nhận định. Một lần nữa xin lỗi bạn vì hứa mà không giữ được lời, và thân chúc bạn luôn luôn an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 1, 2022
 
 
Ct.Ly 20.01.2023 18:35:53 (permalink)
NgụyXưa 19.04.2023 04:09:38 (permalink)

Tháng Tư Và Nỗi Nhớ

 
Riêng tặng Tư Quyên
Bạn thân,
 
Cám ơn bạn đã gửi điện thư chúc mừng ngày sinh nhật của tôi. Sáu tháng sau cơn bạo bệnh sức khoẻ của tôi đã hầu như bình thường. Tôi yêu đời hơn, và tâm hồn cũng lắng đọng hơn. Với những người được gọi là “Old Salt” như chúng mình thì tám mươi tuổi vẫn chưa già, vẫn còn thiết tha với màu biển xanh và những ngày tháng cũ. Phải thế không, bạn thân?
 
Bạn cũng hỏi tháng Tư có gì đáng nhớ. Bạn biết mà, có nhiều chuyện chẳng bao giờ có thể quên. Ngày 16 tháng Tư 60 năm trước, tháng Tư năm 1963, chúng mình dời quân trường Nha Trang về phục vụ tại hạm đội, vui cùng biển rộng sông dài để rồi 12 năm sau đó, tháng Tư năm 1975, cúi đầu buồn bã, tàn giấc mơ xưa. Ngày tháng đó bạn theo chiến hạm trong chuyến hải hành cuối cùng làm người di tản buồn. Tôi đã từng viết gửi cho các bạn miền xa: “Chúng mình có hơn mười năm hải vụ cho đến ngày mất nước tan hàng. Tôi không muốn nhắc đến tháng tư đen nhưng viết về bạn bè tôi không thể nào không nhắc đến cảnh bi hùng trong vịnh Subic Bay năm 1975. Mấy chục ngàn người đứng trên boong tầu chào quốc kỳ lần cuối, nhìn lá cờ vàng được kéo xuống từ đỉnh cột buồm, cất tiếng hát nghẹn ngào với dòng nước mắt tuôn rơi! Những bộ quân phục được cởi ra, những cặp lon được ném xuống lòng biển, những cặp mắt u buồn nhìn xa xôi.” Bốn mươi tám năm rồi đó bạn, dù là “trăm năm trong cõi người ta” thì 48 năm cũng là nửa đời người, không quên được, mà “đành quên sao anh?”
 
Tôi thật tình xúc đông khi xem tấm hình kỷ niệm bạn đính kèm với điện thư. Bức hình một nhóm 11 sinh viên sỹ quan khoá Đệ Nhất Bảo Bình  của Trường Sỹ Quan Hải Quân Nha Trang trong quân phục giao mùa, quần trắng áo dạ đen, phù hiệu vàng, chụp tại Đà Nẳng trong một chuyến viễn du thực tập trên Dương Vận Hạm Cam Ranh, vài tháng trước ngày tốt nghiệp. Trong hình ai cũng mắt sáng môi tươi, hạnh phúc với giấc mơ đầu đời, thế nhưng tôi lại man mác buồn với lời chú thích: “Mười một người nhưng đã chết hết tám, chỉ còn lại có ba.”
 
 
 
 
Trong những người đã qua đời có hai người vị quốc vong thân khi tuổi còn rất xanh, ba người bị đày đoạ nhiều năm trong những trại tù Việt Bắc, qua Mỹ sống lây lất một thời gian rồi nhắm mắt xuôi tay. Ba người khác theo chiến hạm trong chuyến hải hành cuối cùng, làm người di tản buồn vì trở thành “hạm trưởng không tàu”, sống với dĩ vãng cho đến phút cuối đời.
 
Ba người trong hình còn sống thì một người chọn cho mình “riêng một góc trời”, hầu như không còn liên lạc với anh em. Riêng bạn nụ cười vẫn tươi như trong tấm hình năm cũ. Bạn đang có những ngày hạnh phúc thế nhưng chắc là cũng có những lúc thoáng buồn, nhớ lại những năm tháng còn mặc áo “sương gió nên màu đã bạc phai”. Chiến hạm do bạn chỉ huy bị thủy lôi, chìm xuống đáy sông Năm Căn trong một cuộc hành quân. Bạn sống sót nhưng Trợ Chiến Hạm HQ-225 đã không có ngày trở về bến cũ thân quen. Tôi cũng đã từng phục vụ trên chiến hạm đó một thời gian, nhớ lại những ngày lang bạt trên sông nước miền Nam tôi vẫn thấy bồi hồi. Mỹ Tho, Vĩnh Long, Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ …có  bao giờ  tìm lại được những hình bóng xưa?
 
Bạn thân,
 
Tôi đang chuẩn bị “vượt biên” vào ngày 30 tháng Tư sắp tới, lên tàu tại Long Beach, California, 5 ngày sau sẽ tới Vancouver, Canada, rồi từ đó đi tiếp lên Alaska ngao du thêm 8 ngày. Alaska thì bạn và tôi đã tới thăm hơn một lần thế nhưng tôi vẫn muốn trở lại vì phong cảnh đặc thù. Mỗi lần tới đó, nhất là vào những ngày hè nắng ấm, tôi thường liên tưởng tới những vùng vịnh của Việt Nam mình. Phú Quốc, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng …, Trường Sa và Hoàng Sa nữa,  nơi nào cũng có dấu chân chúng mình trên đường xuôi ngược bến bờ Việt Nam!  Muốn trở về thăm lại bến cũ thêm một lần cho nỗi nhớ thêm đậm đà mà không biết bao giờ mới có thể đi.
 
Được biết là bạn và gia đình sẽ qua thăm Hawaii vào dịp này nên tôi không rủ bạn đi cùng lên Alaska, Sẽ còn nhiều dịp cho anh em mình cùng nhau viễn du. Một lần nữa cám ơn bạn đã gửi cho xem tấm hình kỷ niệm. Bạn bảo trọng giữ gìn sức khoẻ. Thân chúc bạn và gia đinh những ngày an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
16 tháng Tư, 2023.
Thanh Vân 30.04.2023 00:41:43 (permalink)
Chúc anh Ngụy Xưa đi du lịch vui vẻ nha
Thay đổi trang: << < 1920 | Trang 20 của 20 trang, bài viết từ 286 đến 294 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9