Ghé vào nhà,đọc Một Ngày Vui Buồn của anh . Ngồi yên đọc để hiểu thêm về tình thân là một chỗ êm ả ,gắn bó của con người.
Từ ngày kỷ niệm sinh nhật của điều gắn bó mà anh đã giữ gìn là điều đẹp.Còn khi anh ngậm ngùi tiếc nhớ bạn bè là điều quý ( những người ra đi đã không mất anh.Anh giữ họ ở lại trong anh... )
Cám ơn anh Sơn đã vào đây chia sẻ tâm tình. Anh nhớ giữ gìn sức khoẻ, viết đều tay cho mọi người thưởng thức những bài độc đáo của anh.
Tình thân.
Anh NGỤY XƯA thân mến,
Đọc mấy dòng tâm sự của anh làm tôi rất xúc động. Năm 1974, tôi đang dạy tại một trường cấp 3 ở miền Trung. Ngày 20/01, buổi sáng lên lớp, trước khi bắt đầu giờ giảng, tôi cho cả lớp đứng lên, dành một phút mặc niệm cho Anh NGỤY VĂN THÀ cùng 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã anh dũng hy sinh trước quân thù.
Gần đây, để tưởng nhớ anh NGỤY VĂN THÀ và đồng đội, tôi có làm bài thơ ngắn, post lên đây, anh đọc, như một kỷ niệm, anh nhé:
Cám ơn anh Kiều Giang đã chia sẻ tâm tình và bài thơ đặc biệt viết cho Nguỵ Văn Thà. Nhân đây cũng xin gửi anh bài thơ tôi vừa nhận được qua email của một người từ Hà Nội, viết theo tâm sự của bà quả phụ Nguỵ Văn Thà, bài thơ mộc mạc nhưng đầy nỗi nhớ thương:
LỜI THƯƠNG TỪ BÀ QUẢ PHỤ NGỤY VĂN THÀ (Phỏng theo lời kể của bà Huỳnh Thị Sinh)
Anh ơi nhớ chăng?
Hôm đó ra đi anh đã quay về mấy bận
Nói đang sửa tàu hư, rồi anh gọi em hoài!
Từ chung cư Nguyễn Kim ngó xuống nhìn
Em đã thấy anh xách va li quay lại
Và gọi với lên “Tàu còn sửa đến mai!”
Nhưng tàu sửa xong ngay và anh đi, đi mãi
Đi đến tận bây giờ rồi ở mãi “Chốn Bồng Lai”!
Em đã quen với những cuộc ra đi như vậy
Nay Vũng Tàu, Nha Trang mai Đà Nẵng, Hoàng Sa
Được ở nhà mươi hôm anh chăm sóc ba con gái
Đứa chín tuổi, đứa sáu năm còn bé út lên ba
Các con cũng đã quen với những chuyến xa ba
Nên mỗi lần chia tay không đứa nào dám khóc
Chỉ bé lớn một lần ngồi cầu thang lau nước mắt
Bị bé út “lêu lêu” làm chị nó phải cười xòa
Nhưng cái lần cuối này anh đi em thấy điềm rất lạ
Anh đứng dưới sân nhìn lên mắt như đẫm lệ nhòa
Anh đi rồi làm suốt đêm em không sao chợp mắt
Vì có tin quân mình đang đụng giặc tại Hoàng Sa!
Chiều hôm sau tin báo về
Anh đã bị giặc bắn chìm cùng tàu HQ10 – Nhật Tảo!
Sau khi đã phá tan hai chiến hạm của giặc Tàu
Nhưng trừ con lớn, hai đứa sau vẫn không hề hay biết
Ngày nào chúng cũng ngồi chờ: “Ba của chúng con đâu?”
Em khôn xiết khổ đau tháng ngày ngồi ngóng đợi
Và hy vọng thời nay Trời còn có phép màu
Giúp kéo tàu Hộ Tống Hạm lên đưa anh về một buổi
Thăm lại các con thơ cho chúng vợi buồn đau!
Anh ơi!
Ba mươi chín năm rồi! Anh đã tròn tuổi bảy mươi
Các con của chúng ta nay cũng đã thành gia thất
Nhưng em không thể nào tin là anh yêu đã mất
Vì đêm nào em cũng nghe tiếng anh gọi: “Em ơi!”
Khi đươc trở về trời, ai cũng cần nấm đất
Để vợ con ngày tết, ngày mất còn có chỗ cắm nhang
Nay anh nằm dưới biển sâu nơi giặc Tàu cưỡng chiếm
Ba mươi chín năm trời hồn xác dạt lang thang!
Không có anh nhưng vì còn các con, em phải sống!
Rồi bán dần thứ nọ thứ kia để nuôi chúng trưởng thành
Nay nhà ở cũng đang phải chờ, mấy năm liền thuê trọ
Nên chưa có chỗ đặt bàn thờ để treo ảnh của anh!
Anh Thà ơi!
Em nhớ lắm ngày xưa mỗi lần về nghỉ phép
Anh đưa cả bốn mẹ con em tới phố Nguyễn Tri Phương
Ăn ốc luộc chấm mắm gừng mồm út cay bật khóc
Anh cười hiền ôm dỗ con ngó phụng phịu mà thương!
Ôi ước gì em và các con được một lần ra đảo
Để thả 74 vòng hoa tang trên biển cả bao la
Nguyện cầu hương hồn 74 các anh được về quê ăn tết
Để các anh thôi bị giặc Tàu xéo dày giữa Hoàng Sa!
Đến mùa bão, ngư dân ta hay vào Hoàng Sa lánh nạn
Vẫn thường bị quân Trung Quốc đuổi ra giữa biển khơi
Hồn các anh có thiêng xin hãy cứu đồng bào gặp nạn
Vì dân Việt Nam mình còn khổ lắm, các anh ơi!
Ôi giá em đưa được anh về Trảng Bàng như anh từng ao ước
-Nếu anh hi sinh, xin em để xác anh được về lại quê nhà!
-Để được nằm gần má, gần ba, gần ông bà nội ngoại!
Có ai ngờ xác anh nay trôi dạt mãi Hoàng Sa!
Em không dám mơ các anh sẽ được vinh danh, tạc tượng
Mà chỉ ước biển đảo quê hương không còn giặc xâm lăng!
Cho đất nước bớt lầm than, dân thôi phải bị lao tù oan trái
Để Hoàng Sa sớm trở về Đất Mẹ Cửu Long Giang!
Hà Nội, 18/1/2013
Ts. Đặng Huy Văn