Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 8 của 20 trang, bài viết từ 106 đến 120 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Ct.Ly 25.04.2013 14:58:39 (permalink)
NgụyXưa 07.05.2013 02:28:06 (permalink)

Một Nơi Trong Trí Tưởng

Bạn thân,
 
Mới đây đọc bài “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” của tác giả Cao Đắc Vinh (http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=793420) viết về ông thân sinh, tôi chợt thấy mình có những ý nghĩ vu vơ. Ông cụ còn khoẻ mạnh nhưng đã trên 100 tuổi nên đôi lúc không còn minh mẫn, hiện sống ở California nhưng thỉnh thoảng vẫn yêu cầu các con lấy vé xe hoả cho mình về … Sơn Tây, một nơi trong trí tưởng!
 
Trước khi qua đời vào năm 84 tuổi, bố tôi cũng đã ở trong tình trạng như vậy, đang cư ngụ tại San Jose nhưng nhiều lần vẫn nói các con gọi cho bố chiếc xích lô ra bến xe để về Thuận Tốn, một làng nhỏ ven sông Hồng thuộc Bắc Ninh, như thề là bố tôi còn đang sống tại Hà Nội 36 phố phường vào thập niên 1950!
 
Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi cũng là Thuận Tốn, nhưng 5 tuổi tôi đã ra Hà Nội, 11 tuổi vào Sài Gòn, 15 tuổi lên Đà Lạt, 18 tuổi ra Nha Trang, và năm 20 tuổi theo chiến hạm xuôi ngược bến bờ VN, không ở một nơi nào lâu, thỉnh thoảng được về Sài Gòn, tạm gọi là nhà, để chờ lần tới ra khơi. Mười hai năm quân vụ nhưng cho đến lúc tan hàng rã ngũ vào năm 1975, tôi thật tình không ở một nơi nào liên tục gọi là nhà lâu được tới hai năm.  
 
Năm nay tôi bước vào tuổi 70 rồi đó bạn. Bẩy mươi bây giờ đâu còn là “cổ lai hy”, thế nhưng cũng đã nhiều lần quên trước quên sau, và tôi chợt có ý nghĩ vu vơ không biết là ngày nào đó tôi sẽ hỏi con trai tôi, đứa bé sinh ra và lớn lên ở Mỹ, lấy vé xe lửa hoặc gọi xe xích lô cho tôi về nơi nào? 
 
Có lẽ đó là một nơi dù không phải là nhà nhưng là một chỗ tôi chưa bao giờ quên. Tôi nghĩ đối thoại của bố con tôi khi ấy có thể sẽ là như thế này:
 
-         Gọi cho bố chiếc taxi ra bến Bạch Đằng.
-         OK, nhưng mà “Dad” ra bến Bạch Đằng làm gì?
-         Chiến hạm sắp khởi hành, trễ tàu là tù đấy, “you” không biết sao?
 
Có lẽ con tôi sẽ nhẹ thở dài, im lặng dìu tôi ra công viên gần nhà, để tôi ngồi trên ghế đá nhìn mây bay, âm thầm nghĩ về ngày tháng cũ mà như vừa mới xảy ra đâu đó hôm qua.
 
Bạn thân,
 
Kim Khánh bạn tôi, tên viết tắt là K.K., bạn bè cùng khoá gọi là “Caca”  hay “Củ  Cải”, qua Mỹ làm việc hơn 30 năm cho một hãng điện tử, đến khi hồi hưu mà mỗi lần nằm mơ thấy trễ tàu vẫn giật mình thức dạy, thao thức cho đến khi trời trở sáng. Hơn 30 năm an bình trên nước Mỹ không để lại một ấn tượng nào trong khi 12 năm quân vụ ở quê nhà khắc sâu vào tâm khảm như thể là vẫn còn đang sống trong thời chiến, đang quay cuồng với những ngày lênh đênh cùng sông nước và sóng gió biển khơi. 
 
Bạn tôi chưa quên, và tôi nghĩ tôi cũng chưa bao giờ quên, thế nhưng nếu có ai hỏi tôi là có muốn sống lại một đời như cũ có lẽ là tôi sẽ lắc đầu vì thật tình tôi cũng như bất cứ ai, không bao giờ yêu thích chiến tranh. Tuy nhiên tôi vẫn còn yêu biển, vẫn còn say mê ngắm sóng bạc đầu buổi sáng, nhìn mặt trời lặn cuối chân trời và ngàn sao lấp lánh trong đêm đen. Thỉnh thoảng tôi vẫn cùng bạn bè viễn du trên những du thuyền tới những vùng biển lạ, thăm những hải đảo xa xôi để nhớ Cù Lao Xanh, Cù Lao Ré, Cù Lao Chàm, Trường Sa, Hoàng Sa và những nơi thân quen của đất nước hình chử S mà tôi bao giờ cũng vẫn yêu thương.
 
Chỉ là những chuyến đi ngắn ngủi, thế nhưng cũng đủ vui cho những ngày còn lại của cuộc đời. Tôi lại sắp lên đường, lần này bạn đi cùng với tôi nhé, để chúng mình nhắc nhở với nhau về những tháng ngày xanh, về những nơi đã đi qua trong quá khứ mà một đời không quên.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
May 5, 2013
NgụyXưa 03.06.2013 00:27:24 (permalink)

Tưởng Như Là Tình Yêu

 Bạn thân,
 
Thường thì khi viết về bạn bè tôi luôn luôn dùng tên thật của bạn vì tôi chỉ viết với tấm lòng thương mến nhưng với J. xin cho tôi được dùng tên tắt vì người yêu của bạn ta là người nổi tiếng trong cộng đồng, và nhất là trên các diễn đàn.
 
Khi J. “cặp” người đàn bà ấy anh em chúng mình ai cũng ngạc nhiên vì dù từng là Quan Năm tàu thủy nhưng J. cũng như chúng mình vẫn chỉ là những kẻ vô danh trong lúc người đàn bà ấy, N., đã là người có tiếng tăm, đã có dăm ba cuộc tình, và cuộc tình nào cũng kết thúc trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Anh em chúng mình “cá” với nhau chắc là cũng chỉ sáu tháng hay một năm  J. rồi cũng sẽ ôm một nỗi buồn.  Lạc quan như Ngụy Xưa cũng đoán nhiều lắm là hai năm.
 
Sáu tháng trôi qua, một năm rồi hai năm trôi qua, tất cả anh em chúng mình đều là “người thua cuộc”. Thua nhưng chẳng ai buồn, mừng là đằng khác vì mối tình của J. và N. vẫn đằm thắm, J. vẫn bảnh bao với những tiện nghi của cuộc sống mới, và hơn thế nữa  J. và N. như bóng với hình. Cuộc họp mặt hàng tháng nào của anh em chúng mình cũng có hai nhân vật đó, và không những thế N. còn đôi lần khoản đãi anh em. Tôi nghĩ là N. đã thấm mệt với những cuộc tình trong quá khứ nên chấp nhận J. như người người yêu cuối đời, và tôi đã dùng một bút danh khác, viết một truyện ngắn về mối tình của hai người, vui với hạnh phúc của những người yêu nhau.
 
Đúng ba năm ba tháng và ba ngày cuộc tình của J. và N. bỗng dưng tan như “hoa sóng trong đại dương”.  J.  buồn buồn thông báo cho bạn bè biết, trong một lần họp mặt hàng tháng, là tình yêu của J. và N. đã tan vỡ, và J. là người chủ động chia tay, tuy nhiên hai người vẫn còn giữ mối liên lạc liên quan tới việc làm. Anh em chúng mình hình như không mấy ngạc nhiên cho lắm, và cũng không hoàn toàn tin những gì J. kể lại, nhưng chỉ biết kín đáo nhìn nhau thở dài, thương bạn còn mãi long đong vào những tháng năm cuối đời.
 
Đến thăm “bạn ta” ở căn phòng nhỏ nguyên là văn phòng của ông chủ nhà in chúng tôi mới biết rằng J. chưa bao giờ hết yêu, chưa bao giờ quên người đàn bà đã mang đến cho J. những ngày vui mà J. có thể đổi cả thiên thu lấy một nụ cười. Hình ảnh của “nàng” chan hoà trên vách tường, và tên “nàng” nguyệch ngoặc khắp nơi trong căn phòng bừa bộn với sách báo. Ừ, quên làm sao mùa thu dịu êm lúc bắt đầu cuộc tình! Vì lý do riêng tư nào đó hai người chia tay tuy nhiên tôi biết J. vẫn mong nối lại nối lại mối tình. Người đàn ông đầy tự ái nên J. không mở lời, thế nhưng tôi tin là chỉ một lời mời gọi của N. chắc là J. sẽ quên hết giận hờn. Tôi không biết là N. có còn chút thương nhớ nào dành cho J. hay là trái tim đã khô héo vì những tan vỡ trong quá khứ nhưng tôi không nghĩ là người ta có thể dễ dàng gạt bỏ nhau ra khỏi cuộc đời khi đã từng yêu thương nhau. Tôi thương bạn, và tôi thầm mong.
 
Bạn thân,
 
Tôi chắc là bạn và tôi khi còn trẻ cũng đã từng làm tan vỡ những mối tình vì tự ái. Bây giờ  tóc không còn xanh, và tôi không đủ tư cách để khuyên can những người như J. và N., thế nhưng khi viết về mối tình của họ tôi muốn gửi gấm tới những người trẻ tôi quen một chút tâm tình. Không cuộc tình nào không có sóng gió, nhưng khi vẫn còn thương nhớ những mùa thu dịu êm thì hãy “Gọi Người Yêu Dấu”, vì biết đâu chẳng xóa tan được những hiểu lầm, và nối lại được tình thân nồng thắm trong cuộc đời.
 
Tôi đã trải qua một thời kiêu hãnh, và tôi đã biết thế nào là nhớ thương. Mong là lúc nào bạn cũng vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
June 1, 2013
Ct.Ly 16.06.2013 17:27:12 (permalink)
NgụyXưa 17.06.2013 01:13:14 (permalink)
Cám ơn công tử Lỳ rất nhiều. Vài ngày nữa là summer chính thức bắt đầu (6/21), thân chúc em những ngày hè rực rỡ, Florida nắng ấm chan hòa, và nhớ là Cali lúc nào cũng mở rộng vòng tay.
 
Tình thân,
NX
NgụyXưa 26.06.2013 10:12:16 (permalink)

Hoa Rơi Trên Lối Cũ

Bạn thân,
 
Mùa hè bắt đầu trong thung lũng với những ngày nắng chan hoà, nghe “Ngày Tháng Hạ” của P.D., lòng chợt thấy bâng khuâng:
 
Ngày tháng hạ, mênh mông buồn
Lòng vắng vẻ như sân trường
Hàng phượng vĩ cũng khác thường
Nhỏ tia máu trên con đường


http://www.youtube.com/watch?v=nknadJhw3EM
 
Âm điệu bài hát “mênh mông buồn”, tưởng như là nhạc  của  ban Phượng Hoàng hơn là tình ca của Phạm Duy, khơi dậy kỷ niệm của những ngày trẻ dại, mặc dù tôi đã xa sân truờng rất lâu.
 
Mùa hè với tôi cũng đầy kỷ niệm. Buổi sáng thức dậy mở cửa ra vuờn sau thấy hoa lựu vương vãi trên sân tôi buồn buồn nhớ những câu thơ cũ viết về một người bạn của mình ngày xưa:
 
Khi anh về hoa rơi trên lối cũ
Chim đã xa rừng và lá đã thay màu
Mây cũng u buồn bay đi viễn xứ
Và chúng mình thôi không còn có nhau.
 
Bạn tôi bị lưu đày trên núi rừng Bắc Việt hơn mười năm, khi trở về thành phố mới biết gia đinh đã tan vỡ, người vợ mang con vượt biên, và đã gá nghiã với người khác, nên bạn tôi chỉ còn biết ngậm ngùi chấp nhận số phận hẩm hiu. 
 
Ngày bạn sang Mỹ tôi đón bạn về ở với mình, hai đứa hàng đêm ngậm ngùi nhắc chuyện xưa, thế nhưng cũng chỉ được ít lâu bạn giã từ cõi tạm vì hai buồng phổi rách nát, hậu quả của những ngày lao lực trong trại tập trung “cải tạo”.  Người vợ cũ từ Âu Châu qua chít vành khăn tang trắng, nhỏ dòng nước mắt nhớ thương thêm một lần, và là lần cuối cho một người đã có thời dấu yêu.
 
Tôi không bao giờ quên được ngày u buồn khi thân xác bạn được đưa vào lò hoả thiêu vì đó là ngày 5 tháng Năm, ngày lễ độc lập của Mexico, ngày người Mễ ở San Jose xuống đường tưng bừng trong lễ hội, còn anh em Bảo Bình chúng mình, đứng “vẫy tay chào buồn, anh đi”! Gần mười năm rồi đó bạn, thế nhưng hàng năm cứ thấy người Mễ đội nón rộng vành, mặc áo quần xanh đỏ, chạy xe thành từng đoàn, bóp còi inh ỏi, kỷ niệm ngày vui của họ, thì cũng là ngày tôi nhớ bạn cũ đến thẫn thờ.
 
Bạn thân,
 
Tôi yêu và quí bạn, thế nhưng mùa hè năm nay tôi ngậm ngùi chia tay một người bạn đã nhiều năm gắn bó vì một lý do không tiện nói ra.  Nghĩ mãi về một câu nói đã mòn: “ở đời có một trăm chuyện thì tới chín mươi chín chuyện không được hài lòng” để an ủi chính mình.
 
Dù sao thi cũng  chỉ là một cơn mưa  trái mùa của những ngày hè rực rỡ. Chúng ta vẫn luôn luôn yêu đời và yêu thương người, phải thế không bạn thân?
 
Ngụy Xưa
June 25, 2013
 
NgụyXưa 11.07.2013 05:02:46 (permalink)

Ngày Tháng Hạ

Bạn thân,
 
Cám ơn bạn đã gửi lời thăm hỏi. Tôi vẫn thong dong với ngày tháng hạ, và ngày nào cũng là chủ nhật của những tháng năm vàng. Mùa hè năm nay thời tiết nước Mỹ không được ôn hoà, miền Đông mưa gió ngập lụt trong lúc miền Trung và miền Tây nóng như thiêu, cháy rừng khói lửa mịt mù, thế nhưng nơi tôi cư ngụ gần San Diego khí hậu vẫn ôn hoà, ban đêm gió lùa qua song cửa, đủ lạnh để đắp một tấm chăn mềm.
 
K. vẫn ngồi nhà telecommute còn tôi cắm cúi … học thi, không phải thi lấy bằng cấp để mũ áo xêng xang vì cái thuở ấy đã xa rồi, mà thi để lấy lại bằng lái xe vì tôi bị tickets nhiều quá nên Nha Lộ Vận (DVM) đòi khảo sát lại, và xem mắt tôi có còn nhìn thấy đường! Ngày trẻ lái xe sport hai cửa, hung hăng chạy mù trời, bị phạt tơi bời cũng đáng tội, còn bây giờ lái xe 5 cửa to đùng,  đầu óc lơ mơ nên cũng vẫn cứ bị phạt dài dài. Trước đây tôi đã phải thi lại … hai lần mới đậu vì tưởng mình “ngon” không chịu học bài, lần này sợ bị … vợ mắng nên đành mở PC xem trước mấy bài thi, còn cái vụ đo mắt thì yên chí, mắt càng già càng sáng (đúng cả nghĩa bóng lẫn nghiã đen), không cần đeo kính vẫn lái xe được như thường, may mắn hơn ông bạn CaCa (KK), che mắt phải mới biết mắt trái đã mù!
 
Vừa rồi bị phạt vì tôi ung dung … quẹo trái, không để ý là đèn signal đã đổi từ màu vàng sang đỏ, tiền phạt có hơn 500 U.S. dollars, nhưng nhằm nhò gì vì tôi sắp … giàu to rồi bạn ạ. Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được email của mấy anh Ả Rập nhờ rửa tiền, hoặc của mấy ông ba Tàu báo tin tôi được thừa hưởng gia tài của của một người cùng họ, và món tiền nào cũng vài chục triệu Mỹ kim chứ bộ ít sao! Có cả con cháu nữ hoàng Anh hồ hởi cho biết là email address của tôi may mắn trúng số, và yêu cầu tôi gửi tên họ, địa chỉ để họ gửi cho vài triệu bảng Anh!
 
Đùa với bạn tí cho vui chứ trên cái cõi đời ô trọc này làm gì có chuyện dễ dàng như vậy. Giả dụ mà bạn cũng nhận được những loại thư như thế (tôi chắc là có), và nếu bạn mà liên lạc với mấy tên bịp bơm đó thì họ sẽ yêu cầu bạn gửi cho họ vài chục dollars “phí tổn” để họ làm thủ tục gửi tiền cho bạn, rồi sau đó quên bạn luôn. Trong một triệu người nhận được email thế nào cũng có một vài người ngây thơ nên những lá thư như vậy vẫn được gửi ra đều đều. Thường thì tôi xóa ngay khi nhận những lá thư như thế, nhưng cũng có những lần bực mình, thay vì gửi tin tức cá nhân tôi chỉ gửi hai chữ: “F. U.”, và có lần dư thì giờ vì không có việc gì làm, tôi viết dài dòng hơn, đại khái “nước Mỹ lúc này đang gặp khó khăn về tài chánh, ngân quĩ thiếu hụt, thay vì gửi tiền cho tôi xin ông gửi thẳng cho tổng thống Obama về Nhà Trắng, chỉ cần ghi “White House” là thư tới nơi, không cần địa chỉ dài dòng”.  Chắc là đọc thư tôi mấy tên bịp bợm trong thế giới mạng thế nào cũng chửi thề ồn ào.
 
Mùa hè cũng có những ngày vui. Bạn bè và thân quyến từ xa về thăm, tâm tình chuyện ngắn chuyện dài nhiều đêm tới khuya mới chia tay. Hai cô bé từ Pháp qua thích nơi hoang dã này nên giã từ trong lưu luyến và mong có ngày trở lại. Chỉ tiếc là mẹ tôi năm nay quá yếu nên không thể theo em tôi xuống đây, đi bộ trên con đường ven biển để nhớ về thành phố Nha Trang của một thời xa xưa. Tôi đã gặp nhiều bạn văn nhưng cũng còn những người tôi chưa gặp một lần, mặc dù vẫn còn liên lạc mật thiết. Mùa hè rồi sẽ qua, mùa thu dịu êm sẽ về để tôi thương nhớ đầy vơi nhưng cũng xin cám ơn cuộc đời đã cho tôi những tháng ngày yên vui.
 
Bạn thân,
 
Tháng tới tôi sẽ lại đi xa, tới thăm một nơi mà 50 năm xưa tôi đã tình cờ đến một lần để sống lại chút kỷ niệm của thời hoa niên. Biển bên đó mấy hôm nay sóng gió, nhưng với chúng mình thì cũng chỉ là bình thường vì những tháng năm nhọc nhằn trong quá khứ đủ cho chúng  vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Mong bạn lúc nào cũng yên vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
July 10, 2013 
 
Nguyệt Hạ 17.07.2013 03:44:13 (permalink)
 
Nhận được "Tin Vui" từ anh Ngụy Xưa, Nguyệt Hạ xin chia vui cùng anh.
Thi gì cũng là thi, đậu rồi, mừng rồi, có khao không ạ?
 
Em đang cần tài xế chở đến thăm anh đấy.
 
Vui ít ít thôi nhé anh,
Nguyệt Hạ
 
 
NgụyXưa 25.07.2013 02:37:58 (permalink)

Thi gì cũng là thi, đậu rồi, mừng rồi, có khao không ạ? 

Ở vào tuổi chợt nhớ chợt quên như vậy là “có tin vui trong giờ tuyệt vọng”.
Thanks, Nguyệt Hạ.
 
***
Dòng Thời Gian
 
Bạn thân,
 
Buổi tối hôm đó tôi vừa đếm thêm một ngày bình yên của cuộc đời thì cơn suyễn kéo đến sau khi bị ói mửa vì những cơn đau quặn. Hơi thở ngắn và đứt đoạn, cái Pro-Air inhaler  không còn hiệu nghiệm mặc dù tôi đã hít thật mạnh nhiều lần. Tôi nằm vật ra giường cố gắng chịu đựng, hy vọng là rồi cũng như mọi lần, cơn suyễn sẽ đi qua, thế nhưng K. không yên lòng nên gần nửa đêm đã cố gắng lái xe đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu.
 
Phòng emergency đầy người chờ đợi tuy nhiên người y tá trực đã vội vã để tôi lên xe lăn, đẩy ngay vào phòng trị liệu khi nghe K. báo cáo là tôi đang bị asthma attack. Người ta nói may mà tôi tới kịp nếu không ngừng thở vài phút là tiêu đời! “Chỉ là khó thở mà nhiều người chết vì suyễn, ông biết không?” Vị bác sĩ trẻ nói với tôi sau khi đưa hai ống oxygen vào mũi và bắt tôi hít thật mạnh hơi thuốc bốc ra từ máy nebulizer gắn vào miệng. Những sensors được gắn khắp người để đo áp suất, theo dõi hoạt động của tim phổi, và y tá lấy máu từ cánh tay đem thử nghiệm. Thuốc trụ sinh cũng được bơm vào mạch máu vì sợ rằng tôi bị nhiễm trùng khi nôn mửa. Ba mươi phút sau nhịp thở của tôi mới trở lại điều hoà, và hơn một giờ sau tôi cảm thấy như đã bình thường. Người y tá bắt đầu gỡ những sensors, và tôi nghĩ là mình sẽ được cho về lại nhà. Thế nhưng …
 
Kết quả thử máu làm bác sĩ lo ngại, những con số đỏ lòm trong tờ print-out có nghĩa là các cơ quan nội tại của tôi không hoạt động bình thường, ông ta nói nhiều danh từ chuyên môn mà tôi không hiểu hết, và kết luận là tôi còn phải ở lại phòng cấp cứu để làm thêm vài thử nghiệm. Ông ta nói thêm, tùy theo kết quả thử nghiệm có thề tôi sẽ được di chuyển tới một bệnh viện chuyên môn để giải phẫu ngay. Họ lại để tôi nằm yên trên giường và người y tá da đen to lớn đẩy tôi khắp bệnh viện trong lúc K. lo âu ngồi chờ. Có máy móc nào họ đem áp dụng cho tôi hết, Ultra sound, Xray, MRI … May mà họ không bắt tôi thử phân và nước tiểu vì tôi ghét mấy cái chuyện này!
 
Gần 5 giờ sáng họ mới lại đẩy tôi về phòng cấp cứu nơi K. ngồi chờ. K. lo âu hỏi tôi “Có mệt không”, tôi mỉm cười nói đùa bằng tiếng Anh “Yes, but I’m still alive.”  Người y tá bật cười, nhe hàm răng trắng nhởn, chúc tôi bình an trước khi ra khỏi phòng. Nửa giờ sau bác sĩ mới trở lại, cho tôi biết là tim gan phèo phổi của tôi đều bình thường, và xin lỗi là đã “hành” tôi đủ điều vì ông ta không yên tâm với kết quả thử máu, và một phần vì tuổi tác của tôi. Ông ta để tôi ra về sau khi cho một đơn thuốc dài thòng, và yêu cầu tôi hôm sau đến gặp bác sĩ gia đình ngay để được theo dõi sức khoẻ.
 
Về tới nhà khi trời gần sáng, tôi thao thức không ngủ được vì hậu quả của thuốc chích nhưng trong lòng thật an vui. Tôi không sợ chết đâu bạn ạ, có lẽ vì tôi đã có được hầu hết những ước mơ nhỏ bé của đời người, không có gì cho tôi còn phải phàn nàn hay tiếc nuối nếu một ngày nào đó tôi vĩnh viễn ra đi, và hơn thế nữa tôi “cao số” lắm. Ngày xưa chiến hạm do tôi chỉ huy bị pháo kích, mảnh đạn làm rách tung một tà áo nhưng tôi không trầy một mảnh da! Ở vào tuổi này, sau mỗi cơn đau ốm tôi lại thấy yêu đời hơn, quí trọng cuộc sống hơn, và tha thiết với người thân và bạn bè hơn. Ngoài một gia đình êm ấm, tôi vẫn còn những người bạn từ thời thơ ấu, từ những ngày lê la trên ghế nhà trường, và từ những tháng năm dựa vai nhau trong đời quân ngũ. Sáu mươi tuổi tôi mới bước vào con đường văn chương, và trong thế giới mênh mông đó tôi đã gặp biết bao nhiêu người cho tôi thương yêu và trân quí. Một người đàn ông đã 80 tuổi mà tôi chưa gặp mặt bao giờ mới đây viết cho tôi: “Hai quyển sách trước của anh tôi đọc đi đọc lại không biết chán, còn khuyến khích các con tôi đọc vì chúng nó ở vào hoàn cảnh giống như nhân vật trong truyện.” Có lẽ ông bạn tôi nhắc tới “Tình Thư Từ Mười Ngàn Dậm Xa”,  viết về tâm tình của những người trẻ, lớn lên hoặc sinh ra trên đất Mỹ nhưng vẫn còn nghĩ đến Việt Nam, vẫn còn đi tìm cho mình một quê hương.
 
Bạn thân,
 
Cái “bill” gần 10 ngàn dollars cho mấy giờ đồng hồ nằm trong phòng cứu cấp nhưng tôi không có gì phải phàn nàn vì công ty bào hiểm trả gần hết, và tôi thật sự cảm khích sự tận tụy của y tá và bác sĩ đã giúp tôi qua giây phút ngặt nghèo. Tuy nhiên không ai muốn tới phòng cấp cứu nếu tránh được nên tôi đã mua riêng cho mình một cái nebulizer để tự lo cho chính mình khi cần. Bây giờ sức khoẻ của tôi đã gần như bình thường, tôi trôi theo dòng thời gian, thanh thản với cuộc đời, buổi sáng nhìn nắng vàng trước ngõ, nghe chim hót sau vườn với ly café ấm nồng là lúc tôi nghĩ tới những ngày tháng cũ êm đềm, và tôi nhớ tới bạn miền xa nhiều lắm, bạn biết không? Mong là lúc nào bạn cũng an vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
July 22, 2013
 

 
NgụyXưa 08.08.2013 03:50:28 (permalink)
Hãy Cứ Ước Mơ
Bạn thân,
 
Gần 10 năm trước đây bạn khuyên tôi  không nên đi du lịch Trung Quốc vì người Tàu đang giết dân Việt mình trên biển. Tôi không nghe lời bạn, và đã viết cho bạn để biện minh hành động của mình:
 
… “Trống Trường-Thành lung lay bóng nguyệt” đưa tôi đi. Từ nhỏ chúng ta đã học văn chương VN và vô tình chúng ta đã thấm vào trong huyết quản những nét hoang đường kỳ thú của văn chương Trung Quốc. Dù biết chắc rằng phần lớn chỉ là hư cấu nhưng không mấy ai không ao-ước nhìn thấy sông Tiền-Ðường nơi Thúy Kiều gieo mình tự vẫn, thấy Giang Nam nơi Nhậm Ngã Hành bị giam dưới đáy Tây-Hồ, hay thấy chùa Hàn Sơn ở Hàng Châu nơi Trương Kế nằm trên thuyền viết Phong Kiều Dạ Bạc?
 
Hôm nay tôi viết để xin lỗi bạn về những sai lầm trong quá khứ, dù muộn màng, vì tôi đã đi, và tôi đã thất vọng ê chề.  Tháng Năm trời nóng, Vạn Lý Trường thành người đông như kiến,  chen nhau cắm cúi leo dốc, có thấy gì đâu ngoài những viên gạch, và những bức tường! Tôi tới được một vọng đài trên đỉnh cao, nhìn xuống cũng chỉ thấy chân tường nham nhở và dơ dáy. Bên trong thành là những quán bán đồ kỷ niệm rẻ tiền, mua về chỉ làm cho nhà thêm rác rưởi. Làm gì có tiếng trống thúc quân oai hùng, làm gì có bóng trăng mơ hồ theo gót chinh phu như tôi thường tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế nhà trường đọc Chinh Phụ Ngâm! Tây Hồ, sông Tiền Đường và nơi Trương Kế neo thuyền viết Phong Kiều Dạ Bạc cũng tầm thường như bao nhiêu nơi tôi đã từng đi qua, đã thấy tận mắt nên không còn nét kỳ ảo trong văn chương. Những nơi đó đâu có mang hồn sông núi như những địa danh dù rất tầm thường trên đất nước Việt mình.
 
Thú thật với bạn, “Cấm Thành” cũng chỉ giống như cô đào hát đã về già, bôi son trát phấn nhưng cũng không dấu được vẻ tang thương, không có gì cho tôi phải gật đầu thán phục hay ước mơ được trở lại thêm một lần. Không, không bao giờ tôi trở lại, nhất là từ ngày thấy rõ dã tâm bành trướng của phương Bắc, chiếm đất, chiếm đảo và đang Hán hoá dân Việt mình.
 
Thăm viếng những địa danh chỉ là chuyện nhỏ không đáng mang ra đây bàn với bạn. Điều tôi muốn nói là từ lâu bạn đã nhìn thấy dã tâm của người Tàu, trong lúc tôi cũng như bao nhiêu người khác vẫn còn ngu ngơ. Như đã nói, tôi say mê văn chương Trung Hoa, đã từng đọc những tác phẩm cổ điển, và có thời đã coi tôn thờ những nhân vật trong những tác phẩm của Kim Dung một cách điên cuồng đến độ tự học chữ Hán để mong đọc được nguyên tác, thế nhưng chưa đọc được một cuốn sách chữ Hán nào tôi đã bội thực với văn hoá Tàu! Truyện Tàu đầy rãy trong những thư viện online. Phim Tàu nhan nhản trong Youtube và Netfix.  Dã tâm bành trướng và Hán hoá đất Việt của Trung Hoa đã quá rõ ràng cho nên đã từ lâu tôi không còn đọc lại những pho kiếm hiệp mà tôi từng say mê. Truyện nào viết về nước Tàu tôi không đọc, phim Tàu tôi không xem. Tôi không muốn tâm hồn tôi bị Hán hoá, thế nhưng buồn thay, bạn biết không, bây giờ nhiều tác giả người Việt cũng thi nhau viết truyện … Tàu!
 
Hàng hoá độc hại của Tàu đang giết dần mòn dân Việt, và ngay trên nước Mỹ này hầu như tất cả đồ gia dụng đều nhập cảng từ Trung Hoa. Tôi cũng nhất định không mua bất cứ món gì “made in China” nếu tôi tìm được món hàng “made in USA” hay bất cứ từ một nơi nào không phải là Tàu, dù giá có đắt hơn. Chỉ là một hành động tiêu cực, nhưng thực tình tôi không biết làm gì hơn khi mà những người đang cai trị nước Việt của chúng ta chấp nhận sự xâm nhập của Trung Quốc, và bắt bỏ tù những người yêu nước biểu tình bày tỏ tấm lòng tha thiết với quê hương!
 
Bạn thân,
 
Tôi căm thù bọn người với tham vọng biến nước Việt của chúng mình thành một mảnh đất riêng của họ nhưng thực ra tôi không bao giờ ghét bỏ người Tàu. Bạn bè tôi có người sinh ra ở Trung Hoa lục địa, có người nguyên gốc Đài Loan. Tôi cũng đã từng có những mối tình với những người con gái mang hai dòng máu Hoa Việt, và bây giờ con trai tôi cũng đang “date” một cô gái người Tàu. Dân tộc nào cũng có những người tốt và người xấu, và chắc bạn cũng đã đọc “Người Trung Hoa Xấu Xí” của Bá Dương, thế nhưng người Việt mình cũng có những cái đáng buồn. Tôi chỉ không muốn Việt Nam mình bị Hán hoá, để bất cứ lúc nào tôi cũng có thể trở về, tự do đi lại trên quê hương, nghe tiếng thông reo trên núi rừng Đà Lạt, ngắm nhìn mặt trời ló dạng trên biển Đông, nghe tiếng nói hiền hoà của những người dân miền sông nước Cửu Long, mà không phải xin chiếu khán của Tàu! Chỉ là một ước mơ nhỏ nhoi thế nhưng sợ rằng rồi  đường về quê xa lắc vì bọn người cai trị u mê!
 
Chỉ nghĩ tới ngày nước Việt không còn, tôi đã muốn khóc vì đâu có niềm đau nào xót xa hơn! Tôi biết bạn cũng rất buồn, nhưng hãy cứ ước mơ là hồn thiêng sông núi sẽ giúp dân tộc mình giữ được quê hương. Hãy cứ ước mơ nhé, bạn hiền.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Aug. 8, 2013 
 
NgụyXưa 14.08.2013 23:49:23 (permalink)

Một Lần Xa Bến

 
Bạn thân,
 
“Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về”.  Tôi sửa một chữ trong bài hát của TCS để kể cho bạn nghe về một người con gái tôi gặp gỡ năm nào tại San Juan, Puerto Rico.
 
Hơn bốn mươi năm rồi đó bạn! Tàu ghé bến, tôi lên bờ lang thang trong thành phố lạ, lúng túng với tấm bản đồ thắng cảnh trong tay, ngơ ngác nhìn, không biết đi về hướng nào. Cô ấy thình lình xuất hiện, mỉm cười chào hỏi người khách lạ, và bằng broken English hai chúng tôi làm quen với nhau, để có với nhau một kỷ niệm mà qua bao nhiêu năm dài tôi vẫn không quên. Cô sinh viên nhỏ nhắn dễ thương đó muốn thực tập Anh ngữ nên trở thành tour guide, nắm tay tôi chen chúc trên những chuyến xe bus đông người, đưa tôi rong chơi khắp thành phố, và cuối cùng tới một bãi biển cát trắng, nước trong xanh như đôi mắt người con gái gốc Tây Ban Nha tôi vừa quen. Tôi nhờ một người lạ chụp cho chúng tôi một bức hình, và cô ấy đã ôm lấy tôi, ngả đầu trên vai như một đôi tình nhân.  
 
Chia tay nhau và không hẹn bao giờ gặp lại vì tôi biết chỉ là bèo nước tương phùng một lần ngắn ngủi, và cô ấy cũng không thể nào tới tiễn đưa tôi ngày hôm sau vì chiến hạm cặp cầu trong quân cảng của Hải Quân Hoa Kỳ, người dân địa phường không được quyền vào. Tàu tách bến đi về hướng kinh đào Panama, tôi đứng trên đài cao nhìn về thành phố, bâng khuâng nhẹ thở dài vì nhớ người.
 
Tấm hình chụp chung với cô gái đó tôi mang trên người nhiều năm, cho đến khi tôi quen và yêu một người con gái bên bờ sông Hàn. T.N. “tịch thu” tấm hình vì không muốn tôi nhớ tới bất cứ ai ngoài người tôi đang yêu. Tuần tới tôi trở lại San Juan, đi lại một đoạn của đường biển xưa, và cũng là để sống lại một giây phút êm đềm của đời thủy thủ. Tôi không nghĩ là sẽ có một phép lạ cho tôi gặp lại người con gái năm xưa đó, và nếu có gặp lại cũng đâu có thể nào nhận ra nhau. Tôi đâu còn là người thủy thủ trẻ trung năm nào, và cô ấy bây giờ có lẽ cũng đã là một bà già tóc bạc da mồi. Kỷ niệm một thời đẹp như giấc mơ, gặp lại nhau làm chi cho thực tế phũ phàng. Tôi đã thất vọng não nề với thắng cảnh Trung Quốc người đông như kiến, chen lấn  nhau mà chẳng thấy được gì, nào đâu có “trống trường thành lung lay bóng nguyệt” huyền ảo của thơ văn như tôi viết cho bạn trong lá thư vừa qua.
 
Bạn thân,
 
Một người bạn văn hỏi trong cuộc đời lang bạt tôi có mối tình nào sâu đậm hay chỉ là thoảng qua như một lần ghé bến. Thú thật với bạn là tôi có nhiều lần gặp gỡ, và lần nào cũng để lại cho tôi những rung động để trở thành những kỷ niệm không quên. Người con gái tôi gặp ở San Juan năm nào đó không thể coi là một người tình, chỉ là thoáng qua thế mà tôi vẫn nhớ, như vậy làm sao quên được những người đã cho tôi bờ môi nóng và da thịt mềm, dù thời gian có ngắn ngủi hay  đã có nhau một năm hay một tháng của cuộc đời.
 
Mùa hè Carlsbad nắng vàng vẫn rực rỡ, nhưng khi tôi từ San Juan trở về trời sẽ lại sắp vào thu, và mùa thu dịu êm là mùa thu cho tôi nhớ người. K. vẫn ở bên tôi thật dịu dàng, buổi sáng vẫn pha cho tôi ly cà phê ấm nồng, vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt thương yêu mỗi khi tôi húng hắng ho vì cơn suyễn, và vẫn thường đếm những buổi sáng có nhau bên đời vì không ai biết là mình còn lại bao nhiêu năm trong cuộc sống. Mối tình nào cũng sâu đậm, nhưng chỉ có mối tình cuối là đáng kể nhất vì đó là tình yêu, và tình nghiã, mà chúng ta mang theo đến phút tận cùng của cuộc đời. Tôi không bao giờ phải một lần xa bến nữa, và bạn cũng vậy, phải thế không bạn thân?
 
Ngụy Xưa
Aug. 12, 2013
thiên thanh 15.08.2013 16:52:31 (permalink)
tt cầu chúc cô chú luôn mạnh khỏe và có một chuyến du lịch thật vui vẻ    
Ct.Ly 20.08.2013 16:22:06 (permalink)
NgụyXưa 26.08.2013 11:15:51 (permalink)
Ct.Ly


Mỗi lần nghe anh Xa Bến là thấy anh tràn ngập bao kỷ niệm, 

Hy vọng lần này kỷ niệm cũ có trở lại hay khg? nhg em biết kỷ niệm Mới còn ngọt ngào hơn bên người Tình Trăm Năm của anh 

Và như thường lệ, mọi người sẽ có cơ hội đọc thêm 1 bài viết " nóng hổi " của anh sau chuyến hành trình này há




Cám ơn cô Lỳ đã vào phòng Văn chuyện trò thân mật với các thành viên và "cõng" bài vào thư viện dùm trong lúc NX đi vắng.
 
Kỷ niệm thuờng đi cùng với mất mát nên NX sẽ viết "Có những tàn phai" để kể lể với các bạn.
 
Đi xa nhiều nên cũng chứng kiến được những cảnh lầm than của kiếp người, không biết nói gì hơn là thân chúc Cô Lỳ và các bạn những ngày vụi
 
Tình thân,
 
NX.
NgụyXưa 04.09.2013 01:04:31 (permalink)

Có Những Tàn Phai

 
Bạn thân,
 
Khi tôi trở lại, thành phố không còn như xưa! Các cao ốc ngất ngưởng mọc lên khắp nơi như muốn thách thức bầu trời xanh. Chỉ còn lại toà cổ thành đen xì với những khẩu đại bác cổ lỗ sĩ vì người ta muốn giữ lại một chút lịch sử cho thành phố San Juan này. Hơn bốn mươi năm rồi còn gì, và lẽ dĩ nhiên tôi cũng không thể nào nhận ra cô gái đã tình cờ gặp gỡ, đưa tôi đi thăm nơi chốn đó một ngày vui năm nào.
 
Từ Embassy Suite hotel tôi  bước lần ra bãi biển. Biển vẫn xanh ngát đến tận đường chân trời. Một đoàn sinh viên đang nô đùa trên bãi cát trông thân quen, thế nhưng tôi cũng không chắc đây là bãi biển năm xưa tôi đã đứng chụp hình với người con gái đó. Tất cả chi còn là kỷ niệm, và kỷ niệm nào rồi cũng “có những tàn phai”.
 
Tôi có nhiều gặp gỡ trong đời thường cũng như đã kết bạn với nhiều người trên phố ảo. Có những người tôi đã gặp mặt, có người chưa bao giờ thấy nhau một lần, và một số vẫn còn giữ mối tình thân nhưng cũng có nhiều người đã chìm vào chân mây cùng với tháng năm. Vừa rồi một bài tùy bút của HLC có nhắc tới hai thi sĩ mà cô ta rất yêu thích, đó là “cpsn” và “V”. Hai người này tôi đều đã gặp, và “V” còn gửi tặng chúng tôi một bài thơ với lời mở đầu thân thiết:
 
“Gửi Trần Quang Thiệu, Ngô Đồng, Nguyên Nhân, Chu Lai, Trịnh Khánh Thiêng, Sương Mai, Mạc Phương Đình, Hoàng Dung...cho một ngày vui rất ngắn và một nỗi nhớ rất dài...”
 
Để nghe năm tháng cuồng điên nhớ
một giấc hải hồ đã khuất xa
Mùa thu thay áo vàng quá khứ
Gió thoảng Tây Hồ những bước qua

Màu trắng em yêu còn mãi đó
Một khối tình si vẫn nặng lòng
biển cứ ngàn năm con sóng vỗ
để chúc thư tình viết chẳng xong

Mưa cho tình nồng hương tóc rối
theo tôi qua mãi những con đường
nào biết thời gian đi rất vội
về thôi năm tháng đã mù sương

Gửi bạn miền xa tình một thưở
lưu lạc quê người những nhớ quên
Như một cành lan ngày bỗng gió
vẫn đợi ai về hong nắng lên..

Vọng Âm
07-10-2007


Tôi biết hai anh còn đâu đó trong thế giới ảo thế nhưng đã từ lâu lắm tôi không nghe tin. Riêng “Cô Nương” HLC (mà tôi thường gọi là đùa là “bà già giết giặc” vì những bài viết gay gắt chống Việt gian) vẫn còn liên lạc với tôi nhưng đa số những người mà anh VÂ đề tặng đã ít còn xuất hiện trên diễn đàn. Vừa rồi qua Australia tôi đã có ý định đi tìm vợ chồng NN/CL, nhưng tiếc thay du thuyền chỉ đi đến Sydney, hãy còn cách xa Brisbane một đoạn đường quá dài, nên tôi vẫn chưa có dịp gặp lại hai người bạn văn.
 
Thành viên rời bỏ diễn đàn vì càng ngày “blog” và “social networks” như Facebook, Twitter càng thịnh hành. Ở những nới đó bạn bè liên lạc với nhau trong vòng thân quen, hầu như không bị kẻ lạ làm phiền đến độ phải yêu cầu Ban Điều Hành can thiệp như trên diễn đàn. Đôi khi người ta bỏ đi vì bất đồng ý kiến với BĐH, với thành viên khác, hoặc vì hiểu lầm hay thất vọng với những người mà một thời họ đã coi như người thân. Tôi cũng đã có những lần lỡ lời khiến bạn bè xa cách thế nhưng ở đời mấy ai tránh được lỗi lầm! Nhớ một thời tôi tung tăng trên diễn đàn, hầu như vào “nhà” nào cũng để lại lời làm thân, và đã có những người bạn miền xa nhớ nhau không đo bằng ngàn dậm, mà bằng cả tinh hà. Bây giờ họ ở đâu, và có bao giờ nghĩ tới những ngày vui khi có nhau?
 
Bạn thân,
 
Tôi mới trở lại thăm “Thung Lũng Hoa Vàng”, nơi tôi sinh sống hơn ba mươi năm trước khi tìm về nơi hoang dã này. Bạn bè tôi còn ở đó nhưng hầu như ai cũng đã “có những tàn phai”. Quỳnh, vợ mới qua đời, chiều chiều lê bước chậm chạp lên chùa nghe kinh kệ, Lập với hai bàn chân mỏi không còn lái được xe, Nghiã im lìm trên xe lăn, lặng lẽ nhìn tháng ngày qua … và tôi nữa, những cơn suyễn thỉnh thoảng kéo đến làm hơi thở gấp gáp như thể vừa chạy đua tới cuối đường. Còn đâu người của biển trên boong tàu gió lộng, và còn đâu những chiều hoàng hôn êm đềm ở những bến bờ yêu thương! Đời sống rồi một ngày cũng sẽ qua, xá gì kỷ niệm của những ngày tháng cũ, phải thế không bạn thân?
 
Hãy cứ chắt chiu và yêu thương cuộc đời còn lại, bạn nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
9/3/2013
 
Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 8 của 20 trang, bài viết từ 106 đến 120 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9