Ngày Đó Chúng Mình
Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 9 của 20 trang, bài viết từ 121 đến 135 trên tổng số 294 bài trong đề mục
NgụyXưa 18.09.2013 01:40:28 (permalink)

Sóng Thời Gian

 
Bạn thân,
 
Hồi mới sang Mỹ anh em chúng tôi đều sống chung dưới một mái nhà, và ngay cả khi đã lập gia đinh em gái tôi và chồng cùng Timmy, đứa con đầu lòng bé như con mèo nhỏ, vẫn còn ở chung với chúng tôi.  Thằng bé lớn lên èo uột, lúc nào cũng bám áo mẹ, và mỗi lần gặp tôi vẫn e dè vì “sợ …bác”, mặc dù tôi rất yêu thương trẻ con!
 
Hơn ba mươi năm rồi đó bạn. Tuần rồi tôi về San Jose dự lễ đính hôn của Timmy với một cô giáo tóc vàng. Thằng bé ngày xưa bây giờ đã là người lớn, đã thành công trên đường đời, đã đi khắp thế giới vì công việc trong nghành an ninh điện toán,  gặp bác bây giờ đã biết cười ngỏn nghẻn, nhắc nhở với bác về những ngày thơ dại và nhất là cám ơn bác đã về, đại diện gia đình làm MC trong lễ đính hôn. Bố vợ tương lai của Timmy hiện đang dạy tại một trường college gần nhà, nguyên là một anh lính cứu hỏa da trắng trông rất bụi đời nhưng vui tính. John ngồi nghe chúng tôi nói về những ngày gian truân của những người di cư khi mới tới nước Mỹ, và về những thành công của lớp người sau, gật gù thán phục và vui mừng có Timmy là con rể tương lai. Quyến luyến khi chia tay, John hẹn gặp lại tháng Feb. năm tới khi đám cưới Timmy và Sarah diễn ra tại Maui.
 
Có con thành gia thất là một niềm vui. Bạn tôi K.K. (“Củ Cải”) có thằng con nha sĩ hơn bốn mươi tuổi vẫn chưa lập gia đinh, mỗi lần nhắc tới K.K. chỉ biết nhẹ thở dài. Thế nhưng mới đây ông con trai đó về VN làm từ thiện cùng với một phái đoàn bác sĩ, gặp một cô gái yêu kiều con nhà lành ở tỉnh lẻ nên nhất định chấm dứt đời độc thân. Đám cưới ở VN, “Củ Cải” vui lắm nhưng nhất định không về, chỉ đóng bộ, chụp hình, quay phim để con trai mang về trình chiếu trong ngày đám cưới. “Củ Cải” xin lỗi không về vì bà vợ không bay được đường dài, và vì “quan ta” vẫn còn hận đám người khiến “quan ta” phải làm người di tản buồn mất mấy chục niên!
 
Phải nói thêm một chút về ông bạn này. Năm 1975 “Củ Cải” trấn thủ căn cứ Nhà Bè, có mấy chục giang đĩnh trong tay nên ngày 30 tháng Tư trong lúc thiên hạ chạy tán loạn ra bến Bạch Đằng, chen nhau mong lên được tàu Hải Quân, thì họ hàng nhà “Củ Cải” gồm hơn trăm người, lặng lẽ sang Nhà Bè xuống tàu nhỏ ra biển rồi lên tàu lớn di tản một cách âm thầm. Thế hệ thứ hai, và thứ ba, của hơn một trăm người di tản năm xưa đó bây giờ đông lắm, có tới hơn một ngàn người, đa số đều thành công trên đất hứa, đều mang ơn “quan ta” nên nếu “quan ta” có sa cơ thì chỉ cần mỗi người góp 10 dollars một tháng là “quan ta” sẽ sống rất huy hoàng!  Đùa thế thôi chứ “quan ta” lúc này cũng nhà cao cửa rộng, đâu có thua bất cứ anh Tây say hay anh Mỹ ngọng nào!
 
Bạn thân,
 
Đa số người trong  thế hệ thứ hai của chúng mình đã thành gia thất, và hình như chỉ có “Chị Tư” Quyên và tôi là còn con cái độc thân. Ông con trai 32 tuổi của tôi vẫn chưa có vợ, date cô nào cũng chỉ được ít lâu là chia tay. Thằng bé không xấu trai, cũng có địa vị trong xã hội và gần như “financial independent” thế nhưng không có cuộc tình nào vững bền có lẽ vì chưa … tới số!  Y phục của thằng bé là quần Jean, áo T-shirt và giày vải dù đang đi chơi với bồ nên không có cô gái nào muốn tiến xa hơn. Con trai tôi vẫn tự do như chim trời, và chắc chẳng bao giờ có được cơ duyên như con trai ông “Củ Cải” vì thằng bé không nói được tiếng Việt, không bao giờ muốn về VN. Đó cũng là niềm ân hận của tôi vì quá bận bịu với sinh kế những ngày mới tới đất nước này nên thằng bé trở thành Mỹ con, giống như quả chuối vỏ vàng.
 
Tôi không có gì lo nghĩ, bạn ạ. Hãy cứ để sóng thời gian trong biển đời đưa đẩy. Tôi mong là bạn lúc nào cũng yên vui với tuổi già vì tương lai của con cháu chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn những tháng năm lận đận trong cuộc đời sóng gió của chúng mình. Nếu bạn đã “tu” hơn mười niên trên núi rừng Bắc Việt thì bây giờ có lẽ bạn đang sống trong giấc mơ, phải thế không bạn thân?
 
Ngụy Xưa
Sept. 16, 2013  
Nguyệt Hạ 18.09.2013 23:23:14 (permalink)
NgụyXưa


...  Timmy, đứa con đầu lòng bé như con mèo nhỏ, ..... và mỗi lần gặp tôi vẫn e dè vì “sợ …bác”, mặc dù tôi rất yêu thương trẻ con!



 
Chào anh Ngụy Xưa,
 
Ngày xưa, ôi thời vàng son nay còn đâu, lúc đó có lẽ anh còn "có UY" lắm nên cháu Timmy mỗi lần gặp là "... SỢ...bác" , bây giờ thì thôi rồi, anh "hiền khô"....
 
Thế là anh sắp đi dự đám cưới, có dịp đi Maui, another vacation.
 
Chúc anh vui khỏe
Nguyệt Hạ
 
 
 
NgụyXưa 19.09.2013 06:59:25 (permalink)
Nguyệt Hạ


Ngày xưa, ôi thời vàng son nay còn đâu, lúc đó có lẽ anh còn "có UY" lắm nên cháu Timmy mỗi lần gặp là "... SỢ...bác" , bây giờ thì thôi rồi, anh "hiền khô"....

Nguyệt Hạ

Yes, NX thì đúng là hiền khô thế nhưng trong phòng Văn còn có ông Ngụy Húc, NH hãy coi chừng.
NgụyXưa 26.09.2013 03:14:09 (permalink)

Một Thời Trẻ Dại

 
Bạn thân,
 
Mùa thu Carlsbad đã trở lại, những nụ hoa vàng của bụi cúc sau vườn đã hé nở trong nắng mai, và  những cây phong dọc theo con dốc trước nhà lá đã thay mầu, chỉ vài ngày nữa là rơi ngập lối đi.
 
Mùa thu làm tôi nhớ tới một bài thơ cũ của một tác giả mà tôi cứ mơ hồ nghĩ là Thái Thủy, nhưng gần đây truy tầm trên Internet mới thấy là của Huy Phương:
 
Mùa này hoa cúc đua nhau nở
Thiên hạ xênh xang mặc áo hồng
Một chuyến đò ngang là mấy bến
Mà người ta vội vã sang sông
 
Hôm qua tóc mới tầm vai ấy
Nay đã môi son thấm rượu nồng
Má thắm mấy đời tươi trẻ lại
Còn gì cho chuyện cũ hay không?

 
Năm đó tôi mới 15 tuổi, chưa biết yêu và chưa có người yêu, nhưng vẫn cứ mơ mộng tưởng tượng mình đang là kẻ thất tình, đọc được bài thơ đó trong một tạp chí mua tại bến xe trên đường về Đà Lạt thăm nhà, thấy xúc động nên vẫn còn thuộc vài đoạn cho tới bây giờ.  
 
Vào tuổi đó tôi đang học lớp đệ Tứ trường Trần Lục, một truờng di cư từ ngoài Bắc vào Nam năm 1954, nhưng không có trường sở nên chúng tôi phải học nhờ trường tiểu học Tân Định. Hiệu trưởng là cha Long, thày Thiên Phụng dạy nhạc, thày Ngọc dạy vẽ và thày Doãn Quốc Sỹ dạy văn. Tôi dốt nhạc nên lần nào trả bài cũng bị đuổi xuống  ngay sau khi mở mồm hát được nửa câu, thế nhưng vẫn còn khá hơn anh bạn Nguyễn Hữu Thầm, học từ đệ Thất tới hết đệ Tứ mà năm nào cũng bị điểm âm vì chưa hát đã ôm miệng cười! (Bạn cũ: bây giờ bạn ở đâu? L)
 
Tôi vẽ cũng chẳng ra gì, thầy Ngọc chỉ biết tặc lưỡi lắc đầu mỗi khi chấm bài của tôi, chỉ có môn Văn là tôi tương đối khá hơn cả. Trong một kỳ thi lục cá nguyệt tôi được điểm cao nhất lớp, và được thày Sỹ tặng cuốn “Đêm Giã Từ Hà Nội” của nhà văn Mai Thảo. Tôi đọc đi đọc lại tập truyện đó nhiều lần, và uớc mơ làm người viết văn từ ngày còn trẻ dại đó.
 
Trường Trần Lục sau này có cơ sở riêng, và được đổi tên thành Nguyễn Du, nhưng lúc đó tôi đã về Đà Lạt sống với gia đình. Khung cảnh trữ tình của thành phố cao nguyên càng làm tôi càng thêm yêu thích văn chương. Tập giấy pelure dày của bố tôi được tôi dùng để viết, để xé, để gửi bài cho trang học sinh của tờ báo Ngôn Luận tại Sài Gòn. Gửi nhiều nhưng tôi cũng chỉ có được một bài chọn đăng, cho tới khi tập giấy hết nhẵn. Bố tôi hỏi viết gì mà dùng nhiều giấy quá vậy, tôi nói viết thư cho bạn vì ngượng không dám nhận là mình đang tập viết văn, và mặc dù đã tăng số bạn lên mười lần, tôi vẫn bị bố mắng cho một trận vì phí phạm! Năm 2007 tôi in tuyển tập đầu tay “Về Nơi Mù Sương” nhưng lúc đó bố tôi đã qua đời, tôi không có cơ hội cám ơn bố là nhờ tập giấy ngày xưa mà bây giờ tôi mới “gõ” được như thế này!
 
Bạn thân,
 
Thời trẻ dại của tôi đi đã qua lâu thế nhưng tôi vẫn còn nhớ những chuyện rất nhỏ nhặt của những ngày tháng ấy. Khi đó gia đinh tôi nghèo lắm, mẹ tôi hàng ngày cõng đứa em tôi trên lưng, đi bộ từ trại định cư Du Sinh ra chợ Đà Lạt, không dám đi xe Lam vì muốn để dành vài đồng mua quà cho các con. Đó cũng là một lý do tại sao tôi vào trường SQHQ khi mới học xong trung học lúc chưa đầy 18 tuổi, thế nhưng chẳng bao giờ tôi ân hận là đã nhập ngũ quá sớm vì nhờ thế mà tôi đã đến được những bến bờ xa lạ, gặp gỡ những người tôi yêu thương, và đã sống những ngày rất đáng sống của cuộc đời con trai thời loạn, mặc dù tôi đã ra khỏi VN vài năm trước khi cuộc chiến tàn.
 
Năm ngoái tôi viết “Mùa Thu Yêu Đương” kể với bạn về những người tôi gặp gỡ tại những bến bờ xa lạ, năm nay viết “Một Thời Trẻ Dại” để chia sẻ với bạn một chút kỷ niệm liên quan tới những ngày tháng long đong của cuộc đời.
 
Mong bạn lúc nào cũng yên vui, giữ gìn sức khoẻ vì cũng sắp tới ngày chúng mình viễn du nam bán cầu với nhau. Đi để tìm lại chút hương xưa vì sợ rằng một vài năm nữa chúng mình chỉ còn có thể đứng trên bờ nhìn ra biển, thở dài tiếc nuối những tháng ngày bồng bềnh sông nước đã qua. Nhớ bạn rất nhiều.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Sept. 22, 2013
 
NgụyXưa 08.10.2013 02:16:05 (permalink)

Ước gì …

 
Bạn thân,
 
Năm 1969 nhà văn Duyên Anh  viết “Mơ Thành Người Quang Trung”, lúc đó tôi đã trưởng thành không còn đọc chuyện thiếu nhi nữa, và  người anh hùng đất Tây Sơn là người tôi sùng bái nhưng không bao giờ tôi mơ ước thành người Quang Trung.
 
Khi còn trẻ dại mẫu người hùng tôi mơ ước là những hiệp khách trong những truyện kiếm hiệp của Tàu và những cao-bồi  trong những phim bắn súng cưỡi ngựa của Mỹ. Hai mẫu người khác biệt về không  gian và thời gian, và trông chẳng giống nhau tí nào, thế nhưng cả hai có cùng một lý tưởng, đó là trừ gian diệt bạo, cứu giúp dân lành.
 
Người hùng của tôi trong kiếm hiệp lang thang khắp nơi, dùng thuật phi hành đi nhanh như gió, vượt tường, chạy trên nóc nhà hay trên ngọn cây như trên đất bằng. Thanh kiếm cài sau lưng người là kiếm báu chặt sắt như chém bùn, mỗi lần vung lên là tham quan ô lại đầu rơi máu chảy, và tiền bạc tịch thu được đem phân phát cho dân nghèo, người bị giam cầm oan ức được giải thoát, trở về với gia đinh để cho thân nhân nhỏ những giòng nước mắt mừng vui. Hành hiệp ở một chỗ nào xong là người hùng lại lên đường chu du về một phương trời vô định, cô đơn nhưng lãng mạn đủ cho tôi xuýt xoa, mơ ước giá chi mình …
 
Người hùng trong những phim ảnh về những ngày xa xưa của nước Mỹ cũng cô đơn, một mình một ngựa tiến vào những thành phố hoang sơ, nơi quân gian đang cướp nhà băng hay đang lộng hành phá phách quán rượu, trêu ghẹo đàn bà con gái, coi cảnh sát địa phương như củ khoai! Người hùng xuống ngựa, súng xệ bên hông, và nhanh như chớp quân gian đã bị bắn hạ ngay trong lúc mới vừa chạm tay vào báng súng. “Bắn chậm thì chết”! Luật mà …
 
Tôi ước gì những hình ảnh người hùng đó không bao giờ tàn phai, thế nhưng những năm gần đây thực tế chua xót đã xoá đi những bóng mình tôi đã từng ôm ấp. “Tàu Khựa” cướp đất, chiếm vùng biển đảo thuộc về nước ta từ bao nhiêu đời, và âm mưu Hán hoá Việt Nam làm tôi chán ghét tất cả những gì dính dáng tới bọn người phương Bắc đó. Tôi không còn đọc truyện Tàu, xem phim Trung Hoa hay mua bất cứ thứ gì “made in China”. Người hùng ngày xưa của tôi cũng đã chết rồi.
 
Hoa kỳ cũng làm tôi thất vọng dù tôi đã trở thành công dân nước này, và mang ơn quốc gia đã cưu mang gia đình tôi mấy chục năm. Người ta thường kết tội Hoa Kỳ là “cảnh sát quốc tế”, đem quân đánh khắp thế giới, thế nhưng đó chính là điều tôi thán phục vì Hoa Kỳ không chiếm đất dành dân ở bất cứ nơi đâu, chỉ là thấy chuyện bất bình phải ra tay nghĩa hiệp, như quá khứ đã chứng minh trong các trận thế chiến. Tôi chỉ thất vọng từ khi Hoa Kỳ bỏ rơi bạn bè VNCH, khi tổng thống của tôi cúi gập người trước các vua chúa Trung Đông giầu sang, và để  Nga Sô xỏ mũi dắt đi trong những biến cố gần đây. Người hùng bắn chậm thì chết của tôi không còn nữa, chỉ còn mấy ông nghị sĩ và dân biểu “kên” nhau ờ Hoa Thịnh Đốn khiến chính phủ phải đóng cửa, làm người dân thấy chán mớ đời!
 
Bạn thân,
 
Thằng cháu ngoại của tôi bây giờ chắc chắn không mơ ước làm hiệp khách giang hồ, vung kiếm trừ gian diệt bạo, và cũng chẳng “care” về những cao bồi cưỡi ngựa bắn súng như xưa. Người hùng của con nít bây giờ có lẽ là Spider-Man hay Super-Man, bay trên trên trời với sức mạnh phi thường, vung tay là mây bay gió cuốn, sắt đá gì cũng vỡ tan tành, và xe tăng tàu bay với súng đạn cũng chỉ là đồ chơi!
 
Ừ, ước gì chúng mình cũng là Super-Man  để bay về Hà-Nội. Hiện giờ chúng nó có 16 thằng chứ mấy …, phải thế không bạn thân.
 
Ngụy Xưa
Oct. 6, 2013
 
NgụyXưa 16.10.2013 05:46:04 (permalink)

Mưa Chiều Kỷ Niệm  

Bạn thân,
 
Chiều nay cơn mưa xuống tới Nam Cali, mưa đầu mùa ở nơi này, và mưa khá lớn. Tôi đứng cạnh cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thấy bong bóng nước trên con đường trước mặt, tưởng như nghe được tiếng mưa rơi trên mái tôn của căn nhà xưa cùng với tiếng thì thầm của cơn gió cao nguyên. Mỗi lần mưa xuống tôi thường lang thang trên đường Hùng Vuơng vắng vẻ, mặc cho cái lạnh thâm bờ môi. Lúc đó tôi còn trẻ dại, vừa từ Sài Gòn trở về Đà Lạt sống với gia đình, bỏ lại bạn bè thân thiết sau lưng, nên lúc nào cũng có cái cảm giác “bên trời lận đận”, thích dầm mưa để tìm cái thú đau thương. Con trai mới ngớ ngẩn như vậy chứ  con gái vào tuổi đó đâu có bao giờ đi dưới mưa để suy nghĩ về thân phận mình, phải thế không bạn thân.
 
Tuổi 17 là lúc tôi mới biết yêu nhưng chỉ là yêu thầm vì ngượng ngập không dám ngỏ lời, tuy nhiên có lẽ vì thế mà mối tình đó vẫn đẹp, mỗi lần nghĩ tới vẫn còn thấy nhớ thương.  Con gái Đà Lạt má đỏ môi hồng, “điệu đà” hết chỗ nói, và ở vào tuổi đó thường trưởng thành sớm hơn con trai, cũng đã biết yêu nhưng không hề yêu mấy anh con trai học cùng lớp, mà chỉ yêu mấy ông  thầy! Đã có biết bao nhiêu người con gái “theo … thày bỏ cuộc chơi” để cho biết bao nhiêu khuôn mặt dại khờ cúi đầu dấu tiếng thở dài tiếc thương, và đôi khi  lau dòng nước mắt tủi hờn.
 
Mưa đầu mùa nên nhớ chuyện tình đầu, xin kể bạn nghe, nhưng không phải tình đầu của tôi mà của một đôi sinh viên tôi quen biết. Họ học chung với nhau, yêu nhau tha thiết, chia nhau từng mẩu bánh trong sân trường và hứa hẹn sẽ sống bên nhau suốt cuộc đời này. Cô gái xong MBA, đi làm cho Wal-Mart, người con trai xong Ph. D. về dạy học tại một trường bên miền Đông, mong dành dụm đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ trước khi làm đám cưới. Thế nhưng mùa hè năm ấy vị giáo sư trẻ theo bạn bè về VN thăm gia đinh sau nhiều năm xa cách, đã “lỡ dại” làm cho một cô gái quê mang bầu. Thày chấp nhận trách nhiệm nên đành đoạn chia tay người yêu dấu, cưới cô gái từ VN để rồi làm tan nát cả ba cuộc đời.
 
Cô gái trẻ mới biết yêu lần đầu, hận người tình nên đã kết hôn với một người thua kém mình mọi bề, tỏ lòng khinh khi người trí thức, trả thù người yêu cũ chứ không hề yêu thương cho nên hôn nhân chỉ kéo dài được vài năm là tan vỡ, cô mang con về sống với bố mẹ, ray rứt một nỗi buồn. Người vợ quê mùa của ông giáo sư không thích hợp với xã hội Mỹ nên ít năm sau ngày cưới cũng ôm con về VN, bỏ lại ông chồng trí thức bơ vơ, hối hận vì lỗi lầm.
 
Cô gái tôi quen bây giờ sống buông thả, lao vào những cuộc tình để tìm vui, thế nhưng vẫn không quên được mối tình đầu, mỗi lần thấy mưa rơi lại buồn bã, nhớ người yêu cũ, nhớ lúc che chung chiếc dù nhỏ, mặc cho mái tóc ướt mềm quấn quít yêu thương. Cô ấy thường gọi tôi những lúc thấy bơ vơ, và có lần hỏi tôi làm gì cho hết cuộc đời buồn. Tôi khuyên cô ấy trở về với người yêu cũ vì hai người bây giờ không còn gì vướng mắc nhưng cô ấy lắc đầu, không muốn tắm hai lần ở một dòng sông, dù vẫn còn yêu, và hơn thế “anh ấy đã lên chùa làm cư sĩ, không còn dạy học nữa, chú tâm nghiên cứu Phật pháp để tìm cho mình một đỉnh bình yên”.
 
Bạn thân,
 
Tôi không nghĩ “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, và không hẳn là lúc nào đời cũng “mất vui khi vẹn câu thề” như ông thi sĩ X.D. viết ngày xưa, nhưng có một điều chắc chắn đó là người ta khó quên được mối tình đầu dù đó là cuộc tình đau khổ hay chỉ là cuộc tình câm, “thấy người ta là mặt cứ “đĩn” ra, không nói được một lời” như bạn đã từng chế nhạo tôi ngày xưa.
 
Cơn mưa đầu mùa đã tạnh,  tôi nhìn mây trắng bay qua khung cửa, nghĩ về ngày tháng cũ, cảm thấy bâng khuâng nên viết vài hàng  chia sẻ với bạn một chút tâm tư vì tôi biết là bạn cũng có một mối tình đầu nhẹ như mây trời mà bạn chưa bao giờ quên.
 
Mong là bạn lúc nào cũng vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Oct. 9, 2013
NgụyXưa 29.10.2013 01:32:23 (permalink)

Góc Biển Chân Trời

 
Bạn thân,
 
Năm 1970 tôi gặp và quen thân với Anna, một cô sinh viên người Hy Lạp tại thành phồ Providence của tiểu bang Rhode Island. Khi biết tôi là sỹ quan HQ/VNCH, Anna  reo lên: “Như thế một ngày nào đó tàu anh sẽ ghé thăm nước em, và em sẽ lại gặp anh”. Tôi nhẹ thở dài, nói cho Anna biết là Hải Quân của Viêt Nam nhỏ bé lắm, và chiến tranh đang khốc liệt nên có lẽ chiến hạm của tôi sẽ không bao giờ có dịp tới được những nơi xa xôi như Âu Châu. Hai hàng mi cong của Anna chớp nhẹ, còn tôi thẫn thờ  nhớ tới  bài hát “Tình Ca Người Đi Biển” của Trường Hải. Đã bao nhiêu lần “chiều nay ra khơi, thoáng thấy mắt em nhuốm buồn” trong cuộc đời bồng bềnh này nhưng chắc rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có được một lần chia tay tại một bến bờ nào đó của Hy Lạp!
 
Tôi ước ao được đặt chân tới những nơi xa xôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giáo sư dạy toán chúng tôi năm Đệ Nhất tại trường THĐ trên Đà Lạt là một vị sĩ quan Hải Quân tốt nghiệp từ Pháp về. Ông ấy thường kể cho chúng tôi nghe về những chuyến hải hành xuyên dương, về mặt trời đêm Bắc Cực, về sóng gió mịt mùng của Đại Tây Dương, và về những địa danh như mũi Hảo Vọng (Cap Hope - điểm cực Nam của Phi Châu), như mũi Sừng (Cap Horn - điểm cực Nam của Mỹ Châu).  Tôi nghĩ chẳng bao giờ tôi có thể đến được những nơi đó trong cuộc đời này, dù sau này tôi đã theo chân vị giáo sư đó, vào trường SQHQ Nha Trang, học làm người đi biển. Những địa danh xa xôi đó vẫn chỉ là những nơi trong trí tưởng để cho tôi một thời ước mơ.
 
Đâu ngờ là có ngày tôi đã phải xa lià quê hương thân yêu, trôi dạt tới tận đất nước này. Đời sống mới ở Hoa Kỳ đã đưa tôi đến những nơi xa, rất xa. Mexico, Brazil, England, Germany, Sweeden, Austria … đều đã có vết chân tôi. Vài năm trước đây khi còn làm việc cho Flextronics, tôi đã tới công tác tại một thành phố địa đầu của Thụy Điển, và ở đó tôi đã thấy được mặt trời đêm!
 
Bạn thân,
 
Từ ngày “rửa tay gác keyboard” tôi đã đi tới “góc biển chân trời” trên các cruise ships, thế nhưng vẫn còn nhiều chỗ tôi chưa tới, và muốn “rủ rê” bạn theo mình.   Đầu năm 2014 tôi sẽ đi tới Mũi Sừng. Từ ngày có kinh đào Panama, tàu bè đi từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương đâu còn phải đi vòng qua mỏm đất xa xôi đó nữa, thế nhưng những du thuyền vẫn mang người tới xem vùng đất lạ. Tháng Năm tôi sẽ sang Bắc Âu, đi thăm nhiều thành phố bên bờ biển Baltic, và tháng Mười là miền Nam Âu Châu. Từ Tây Ban Nha tới Ý du thuyền sẽ ghé Hy Lạp, và chắc là tôi sẽ sẽ có giây phút bâng khuâng, nhớ người con gái năm xưa. Anna, bây giờ em ở đâu, có bao giờ em còn nhớ tới mùa thu năm nào khi chúng mình lang thang với nhau trong những rừng cây lá vàng vùng Đông Bắc Hoa Kỳ?
 
Bạn thân,
 
Du lịch bằng cruise ship an nhàn và không tốn kém nhiều nếu bạn lấy vé tàu “cá kèo” như tôi.  Người ta đã viết đầy rẫy trên Internet về những con tàu khổng lồ như một thành phồ nổi, “hồ hởi” về những chuyến đi xa, thế nhưng cũng có những chuyện nhỏ nhặt không mấy vui của những người “Mỹ vàng” khi đến xứ người. Khi chúng tôi tới New Zealand, K. bị nhân viên quan thuế hỏi một câu xóc óc: “Ai tài trợ cho bà đi chơi? Bà có mang trong người “bột trắng” hay không?”  Cứ thấy da vàng là họ coi rẻ và nghi ngờ như thế đó! K. hiền lành nên trả lời tử tế. Nếu tôi bị hỏi chắc là tôi nổi nóng, và có thể bị lôi thôi với họ rồi! Bộ tôi ngu sao mà nói cho “you”  biết nếu tôi có mang ma túy trong người, và tiền nào tôi dùng để đi chơi “is not your damn business”!
 
Dân Mỹ cũng bị các nước Nam Mỹ kỳ thị và chơi sát ván bạn ạ. Khi tới Argentina và Chile các du khách cầm thông hành Mỹ không cần xin visa nhưng phải đóng một loại lệ phi đặc biệt gọi là “reciprocity fee”. Theo website của bộ ngoại giao hai nước đó thì đây là cách họ “chơi” lại Mỹ vì Mỹ bắt dân Nam Mỹ phải xin visa (và đóng lệ phí) để vào đất Mỹ. Tôi nghĩ các nước Nam Mỹ ghét anh hàng xóm nhà giầu nên bắt nộp tiền mãi lộ trong lúc dân các nước Âu Châu, và nhất là China, không phải đóng lệ phí này, mặc dù China cũng đòi hỏi visa với lệ phí rất cao để vào nước họ. “Tám” với bạn các chuyện lặt vặt để nếu có nổi hứng đi giang hồ bạn sẽ không phải ngỡ ngàng, bực mình làm những ngày đi chơi xa mất vui. 
 
Mùa thu Carlsbad buổi sáng có sương mù, nhưng buổi trưa nắng rất vàng, ban đêm đủ lạnh để đắp tấm chăn mềm cho giấc ngủ say. Khi không đi xa tôi thường ra biển nhìn sóng bạc đầu, ngắm những cánh hải âu bay về cuối trời, gửi một chút nhớ thương về một nơi rất xa bên kia bờ đại dương, và tôi thường nghĩ tới bạn, mong bạn có những ngày vui.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Octocber 26, 2013 
 
Ct.Ly 29.10.2013 01:47:18 (permalink)
NgụyXưa 06.11.2013 02:20:14 (permalink)

đừng có dụ hihihi

Khó quá! 
 

Bạn Bè Xa Gần

 Riêng tặng P. Tím.
Bạn thân,
 
Từ ngày bước chân vào thế giới mông lung của Internet tôi đã may mắn quen biết vài người bạn nhỏ, và có những người tôi chưa bao giờ gặp mặt một lần. Họ đều gọi tôi bằng chú, có người ở xa tuốt bên kia bờ đại dương, một năm chỉ viết đúng cho tôi một lần vào mùa thu, và lần nào câu mở đầu cũng là “Hà Nội đã vào thu còn bên đó bây giờ sao rồi chú?”, có người không xa mà cũng chẳng gần, chiều nào trên đường đi làm về cũng thường gọi “Chú ơi”, nhất là những lúc cuộc tình dang dở, cần một bờ vai cho những giọt nước mắt ngà!
 
Mới đây tôi lại quen thêm một người bạn nhỏ nữa từ một nơi rất đông người Việt sống tha hương. Người bạn gốc “Sè Goòng” đó gợi cho tôi nhớ lại tuổi thơ năm nào khi mới từ Bắc di cư vào Nam. Lúc đó gia đinh tôi cư ngụ gần chợ Tân Định, nơi mà thằng bạn Nam Kỳ mới quen xé đôi đồng bạc để mua trái “cóc” từ chú ba Tàu, trong lúc thằng “Bắc Kỳ” (nó gọi tôi như thế) tròn mắt ngạc nhiên. Sau này bôn ba khắp bến bờ VN, Sài Gòn vẫn là nơi tôi coi là nhà mỗi lần tàu về bến, là nơi có những con đường đầy lá me bay cho tôi đưa đón người yêu dấu, và cũng là nơi cho tôi vương buồn mỗi lần từ giã để “em về giữ lại dấu môi hôn”. P. Tím, chú cám ơn Tím đã mang chú lại một vùng trời kỷ niệm, và nhất là mang tới cho chú thêm một tình bạn vào những ngày tháng năm vàng. Những cuốn sách và gói trà móc câu của Tím sẽ giúp chú yên vui mùa đông sắp tới mà không cần bôn ba đi tìm vui ở góc biển chân trời, thế nhưng tình đồng cảm trong văn chương chữ nghiã mới thực ra là những gì chú trân trọng. Tím thích và quí sách hơn đồ trang sức, và thà tới những buổi ra mắt sách hơn là đi shopping. Chú cũng thấy thiếu vắng từ ngày dọn nhà về nơi hoang dã này vì khi còn đi làm cho hãng báo chí Knight Ridder ở downtown San Jose, trưa nào chú cũng vào thư viện của S.J. State University đọc sách, và lựa những cuốn mình ưa thích mượn về để chia sẻ với cô Khanh.
 
Bạn thân,
 
P. Tím còn mang lại cho tôi khung trời Đà Lạt mà đã nhiều lần tôi đã tâm tình với bạn ở nơi đây. Làm sao tôi quên được ba năm cuả tuổi học trò mới lớn khi mà Tím nhắc tới con dốc Hoà Bình, tới con đường lên nhà thờ gần bưu điện và tới quán cà phê Thủy Tạ bên bờ hồ Xuân Hương. Tím cũng như tôi chỉ còn nhớ tới Đà Lạt của một thời hoang sơ khi gió cao nguyên còn lạnh, đồi Cù còn xanh, rừng thông còn reo vui, và mimosa còn nở trong nắng vàng. Bây giờ Đà Lạt của chúng tôi đã chết. Năm 2004 tôi có về qua một lần, để ngậm ngùi, để luống tiếc. Ừ, giá mà đừng bao giờ trở lại …
 
Quả đất tròn hình như nhỏ lại từ khi Internet ra đời. P. Tím và tôi cùng quen với S., một người bạn nét từ khi tôi và Tím chưa biết nhau. Người bạn quen với tôi hiện ở Sài Gòn, cũng gọi tôi bằng chú, và hai chúng tôi đều có chung một quan điểm chính trị. Cha của S. làm việc trong ngành tình báo, năm 1975 bị bắt mang ra Hà Nội, và bị tra tấn đến chết trong Hoả Lò! Ngày Trung Cộng cưỡng chiếm biển Đông, S. và tôi đều đau xót, viết cho nhau những lá thư lá thư thật buồn.
 
Tôi vẫn còn vài người bạn gọi tôi bằng chú như H. từ bên trời Âu (cám ơn H. đã gửi thuốc cho chú) và vài người bạn gọi tôi bằng anh mặc dù người nào tuổi tác cũng còn cách xa tôi vài thập niên, kể cả một người “từ một nơi thật gần”, vẫn liên lạc với tôi hầu như hàng ngày. Tôi cũng còn có những người bạn vẫn gọi tôi bằng “thằng” mặc dù tóc chúng tôi đều đã pha mầu vì đã quen biết nhau từ một thời rất xa xưa, và thân với nhau như thể anh em một nhà.  
 
Khó có thể kể ra đây tất cả bạn bè xa gần mặc dù tôi vẫn rất nhớ. Dạo này tôi “ít nói” vì sợ sơ xuất làm bạn buồn phiền như đã xảy ra một lần trước đây nhưng không bao giờ tôi quên bạn, dù bạn ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu. Cuối những bài tùy bút tôi thường nhắc tới bạn như tôi viết trong lá thư tuần rồi: Khi không đi xa tôi thường ra biển nhìn sóng bạc đầu, ngắm những cánh hải âu bay về cuối trời, gửi một chút nhớ thương về một nơi rất xa bên kia bờ đại dương, và tôi thường nghĩ tới bạn, mong bạn có những ngày vui.”
 
Nếu có điều gì để cám ơn trời thì tình bạn chân thành là một. Sáng nay tôi vừa đọc thư Tania từ Úc. Bao giờ gặp lại được bạn, hở bạn thân?
 
Ngụy Xưa
Nov. 3, 2013
 
NgụyXưa 14.11.2013 02:47:58 (permalink)

Những Phía Không Đường Về

 
Bạn thân,
 
Cũng chỉ là truyện
 
Nó gọi tôi rất sớm khi tôi còn nằm ngủ nướng trên giường. Nó hỏi thăm tôi mà giọng nó có vẻ buồn. Tôi biết là nó đang chờ bác sĩ định ngày để mổ tim, thay một cái valve đã tắc nghẽn, nên hỏi nó bao giờ vào bệnh viện. Nó nghẹn lời: “Chưa biết bao giờ mày ạ, bác sĩ mới cho biết là đầu tao có vấn đề nên sẽ phải giải phẫu óc trước rồi khi nào khoẻ lại sẽ mổ tim sau”. Nó nghẹn lời, tôi cũng bàng hoàng, lâu lắm nó mới nói thêm: “Mày gọi cho tao thường nhé, sợ là rồi không có dịp …”. Hình như là nó khóc, và tôi cũng thấy mắt mình cay cay.
 
Nó là một trong những đưa bạn vẫn gọi tôi bằng “thằng”, vẫn “mày, tao” trong lúc chuyện trò mặc dù chúng tôi đã bước vào tuổi cổ lai hy. Ở vào tuổi này mọi chuyện đều nhẹ như mây bay ngang trời, đâu còn gì tiếc nuối, sinh lão bệnh tử chỉ là vòng tuần hoàn rồi ai cũng sẽ trải qua, thế nhưng tôi thương nó vì những gian chuân cuối đời. Mấy năm trước nó đã trở thành tàn phế vì một cơn đột qụy, liệt nửa thân người, đi đứng và nói năng đều khó khăn, chữa chạy mãi mới đỡ phần nào, bây giờ cái valve tim đã nghẹt, lại còn khối u trên đầu!
 
Đau thật, ngày xưa nó xông pha nhiều năm ở lực lượng đặc biệt, không mất một giọt máu đào thế mà cuối đời lại chịu bao nhiêu là hư hao. Mất mát lớn nhất là người vợ đầu đời bỏ đi theo người khác trong lúc nó miệt mài đèn sách những ngày mới tới đất lạ. Mảnh bằng Master mang về cơm áo nhưng không giữ được mối tình đã có một thời rất mặn nồng. Những đứa con lớn lên dần dần xa lìa tổ ấm, bỏ nó bơ vơ, may mà khi đã gần 50 tuổi nó tìm được một người đàn bà còn rất trẻ, chắp nối với nhau những mảnh tình để ấp ủ nhau những ngày mùa đông.
 
Tôi hỏi nó: “gia đình mày bây giờ ra sao”, nó ngập ngừng cho biết vợ nó vẫn đi về như chiếc bóng, vẫn nấu những bữa cơm để cho nó ăn một mình, và có những chuyện nó không biết, hoặc không muốn biết, vì nó vẫn yêu thương người vợ trẻ của nó hết lòng. Tôi đã nghe những lời bàn tán về người đàn bà đó, về căn nhà họ đang cư ngụ, về cái bảo hiểm nhân thọ bạn tôi dành dụm nhiều năm từ ngày còn đi làm, và về lý do tại sao cô ấy chưa bỏ đi. Tôi thương bạn nhưng tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi cho người đàn bà đã một lần đổ vỡ, và bây giờ lại thêm một lần chua xót cho phận mình, gặp phải người chồng cuối đời tàn tật trong lúc các con chồng cũng ghét bỏ, nghi ngờ mình âm mưu chiếm đoạt tài sản của gia đinh làm của riêng.
 
Người ta đồn là vợ nó hiện đang “chao đảo”. Tôi không tin là điều đó có thật, và nếu có đúng như thế thì đã sao! Trong một truyện ngắn trước đây tôi viết:
 
“Ngân ngậm ngùi ngồi xuống bên chồng, đưa tay vuốt tà áo Văn cho thẳng. Ngày xưa, không cũng chỉ mới vài năm trước đây thôi, nhiều lần Văn tắm xong Ngân thường ngăn không cho Văn cài khuy áo để Ngân có thể úp mặt vào bô ngực nở nang của chồng, hít hà mùi da thịt đàn ông, khúc khích cười hôn nhẹ lên cổ, lên vành tai của Văn để được vòng tay Văn siết chặt, nhấc bổng thân hình đã mềm ra vì ham muốn của Ngân. Nghĩ tới những giây phút ái ân nồng nàn và cuồng nhiệt của ngày tháng cũ làm hơi thở của Ngân ngắn lại, thế nhưng khi ngước ngước nhìn khuôn mặt Văn, thấy cái miệng méo mó và dòng nước rãi chảy dài từ mép, Ngân bỗng thấy nguội lạnh, chỉ còn biết kín đáo nhẹ thở dài.”
 
Tôi biết người đàn bà trẻ đó có những nhu cầu, nếu phải đi tìm vui chốc lát để có thể chịu đựng được cuộc đời khắc nghiệt, dù không còn tình nhưng vẫn còn nghĩa, chăm nom cho người chồng tàn tật cho đến cuối đời. Người đàn bà đó đáng thương hơn là đáng ghét, không biết là bạn có nghĩ như tôi không?
 
Bạn thân,
 
Chúng mình đã chứng kiến bao nhiêu là những oan khiên của cuộc đời. Trái tim của chúng mình bây giờ mềm hơn những ngày chúng mình còn trẻ, khi còn mang những lý tưởng tuyệt đối, nên phần nào chúng mình đã dễ dãi với người và cả với chính mình.  Chỉ mong là chúng mình luôn luôn biết trân trọng tình người, và cố gắng giữ gìn để không như “Con Đường Tình Ta Đi” của P. D.:
 
Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
 
Hãy xót thương và tha thứ cho người đàn bà đó nếu có một ngày nào bạn nghe được những chuyện tình không vui.
 
Thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 12, 2013
 
 
NgụyXưa 20.11.2013 00:44:13 (permalink)

Lời Cám Ơn Muộn Màng

Bạn thân,
 
Tôi vừa có dịp đọc lá thư bạn gửi cho thủy thủ đoàn của Tuần Dương Hạm Ngô Quyền  HQ-17, con tàu bạn chỉ huy 38 năm xưa, và tôi thật bùi ngùi.
 
“Chúng ta ai cũng đều có nỗi băn khoăn về nhau từ giờ phút chia tay vội vã hồi 4 giờ sáng ngày 30/4/1975 ngoài khơi Vũng Tàu. Chúng mình có 187 người, 100 người đã xuống tàu nhỏ về lại Sài Gòn; trong số đó bao nhiêu người đi tù, bao nhiêu người sống sót gặp lại gia đình?  86 người cùng tôi đến được Phi Luật Tân, để rồi cũng tan hàng vội vã tại cầu tàu Subic Bay chiều tối ngày 7 tháng 5 năm 1975, bây giờ cuộc sống của các bạn ra sao?  Xin cầu mong tất cả đều bình yên.”

38 năm nhưng bạn vẫn chưa quên những người lính cũ, mặc dù như bạn viết:
 
Chúng mình  ít thư từ thăm hỏi nhau nhưng không ai trách ai bởi hiểu rằng vì nỗi buồn và niềm ấm ức của người phải bỏ lại quê hương, vì cuộc sống khó khăn của người tỵ nạn, mỗi người mỗi hoàn cảnh, và mỗi bức xúc đều khác nhau.”
 
Tôi biết chắc chắn là những người lính cũ của bạn cũng không bao giờ quên bạn, và hơn thế nữa 1,500 người được bạn vớt trên đại dương mênh mông sau khi họ chạy ra biển trên những ghe thuyền mong manh lúc Sài Gòn thất thủ, cũng không bao giờ quên bạn. Không những thế hậu duệ của 1,500 người đó cũng sẽ nhớ ơn bạn vì nhờ bạn mà tiền nhân của họ tới được bến bờ tự do để làm lại cuộc đời.
 
Đọc những dòng bạn viết về chuyến hải hành cuối cùng đó tôi không cầm được nước mắt:
 
“Tôi trở về phòng, thu vội hành lý sẵn sàng lên bờ, bước ra hành lang hữu hạm, tôi khựng chân vài phút, nhìn quanh tàu lần cuối.  Bỗng dưng trên hệ thống phóng thanh quen thuộc, có tiếng vị sỹ quan thâm niên hiện diện vang lên: "”Mời thủy thủ đoàn tập họp sau lái để tiễn đưa hạm trưởng rời tàu lần cuối".  Chào vĩnh biệt Anh Em xong, tôi bước chân lên cầu thang, đưa tay lên trán, ngẩn ngơ không biết đối tượng nào mình đang chào tay vì lá cờ VNCH đã được hạ xuống để trả lại chiếc tuần dương hạm này cho Hải Quân Hoa Kỳ.”
 
Tôi biết khi bước xuống cầu thang lần cuối  bạn khó cẩm được giọt lệ đọng trên bờ mi, và thủy thủ đoàn còn đó cũng khó cẩm được dòng nước mắt tiễn đưa, nhưng thôi, dù sao đó cũng là chút vinh dự cuối đời hải nghiệp vì bạn hơn ai hết nên hãnh diện về những đóng góp của mình cho đất nước như bạn viết trong đoạn sau cùng của lá thư:
 
“Sau 14 năm với Hải Quân, hơn 11 năm đi biển, chúng tôi phục vụ VNCH trên mọi loại chiến hạm từ  nhỏ nhất đến lớn nhất, hy vọng một ngày nào đó sẽ được lên bờ. Tiếc thay chiến hạm cuối cùng, Tuần Dương Hạm Ngô Quyền HQ-17 không về được bến mẹ. Sau 38 năm lưu vong niềm hy vọng sẽ có được mảnh đất nơi quê hương VN tự do để gửi vùi thân xác không còn nữa. Hôm nay trong tôi chỉ còn lại một chút tình, tình gia đình, tình bè bạn, tình chiến hữu, chúng tôi rất trân qúy gìn giữ, và an phận làm người "”Thủy Thủ Không Tàu"

Trương Hữu Quýnh.”

Bạn thân,
 
Chúng ta đã mất mát rất nhiều để đánh đổi lấy cuộc sống hiện tại. Những mất mát để các con cháu chúng ta được sống một cuộc đời no ấm trên một xứ sở tự do. Tôi chắc là bạn vui mừng và hãnh diện khi thấy tất cả ba đứa con mình bước lên podium nhận lãnh bằng tiến sĩ y-khoa. Những nhọc nhằn, những cay đắng của người di tản buồn đã được đền bù xứng đáng, và hơn thế nữa …
 
Ngày 1 tháng 12 năm nay Dân Sinh Media tổ chức ra mắt DVD “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng”, mô tả lại cuộc triệt thoái trong vòng trật tự của HQ/VNCH và lòng nhân đạo của 43 vị hạm trưởng đã không ngại ngùng sóng gió biển khơi, mang theo hơn 30 ngàn đồng bào tới bến bờ tự do. Riêng chiếc HQ-502 của hạm trưởng Nguyễn Văn Tánh đã chở hơn 5,000 người, và trong lúc đoàn tàu trên đường hải hành từ Côn Sơn tới Subic Bay, HQ-5 của hạm trường Phạm Trọng Quỳnh đã quay lại nhiều lần để vớt những người kêu cứu bằng âm thoại trong đó có Phạm Hậu, tác giả tập thơ “Truyện Chúng Mình”. Bạn Quýnh, tôi biết bạn sẽ về San Jose để gặp lại bạn bè xưa, và để những người được bạn vớt trên biển nói một lời cám ơn muộn màng. Tôi cũng sẽ về, dù rằng tôi không có mặt trong lần di tản đó, để được thơm lây cùng với bạn và các cựu hạm trưởng của khoá Đệ Nhất Bảo Bình, như Tánh, như Quỳnh, như Hùng, như Lập, các  kình ngư trên biển một thời.
 
Mong bạn giữ gìn sức khoẻ để chúng mình còn ngao du vùng xa đất lạ, nhớ về những ngày tháng cũ của đời hải hồ.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 18, 2013 
 
NgụyXưa 27.11.2013 01:51:57 (permalink)

Mong Manh Như Tơ Trời

 
Bạn thân,
 
Trời mấy hôm nay mưa thật buồn., mây ủ ê và gió cũng ngập ngừng.  Buồn hơn nữa khi nhìn thấy hình cháu Th.  nằm bất động trên giường vì căn bệnh quái ác Guillain-Barré Syndrome (GBS). Tôi đọc lá thư  của Tr. thay mặt gia đình gửi cho thân quyến và bạn bè mà lòng bâng khuâng cho cái mong manh của kiếp người.
 
I am writing on my behalf of my little sister Th. Vu whose life took a drastic change last year.  On June 11, 2012 she came into the hospital and was misdiagnosed with having urinary tract infection.  She was sent home with antibiotics.  Twelve hours later, she was unable to walk and was taken to the emergency room where she was diagnosed with Guillian Barre Syndrome (GBS).  Family was informed that Th.  was a couple of hours shy from death because her respiratory system was rapidly failing.  Guillian Barre Syndrome (GBS) is an auto immune disease that attacked her nerve cells which caused her to suffer paralysis from the neck down.  Th. lived in the dark for a while as she was unable to open her eyes, unable to move or voice out for help, dependent upon a ventilator and feeding tube for over eight months. Th. finally was able to eat and drink for the first time in eight months and she was able to come home and sleep with her 6 year old daughter  after being in the hospital and nursing home for over 15 months.   
 
Less than two months later, Th. is in critical care at Hoag hospital fighting for her life again because her blood infection compromised her lungs, heart, kidney, brain and hemoglobin count. She was in the hospital for 23 days and has been transferred to a nursing facility. Presently, her body suffers more damages and she has taken a couple of steps backward in her progress due to this episode. Unfortunately, doctor said she probably will not walk nor improve anymore so her insurance stopped physical therapy. 
 
Thư khá dài bằng Anh ngữ vì các cháu đều sinh ra và lớn lên ở đất nước này  nên tôi xin phép tóm tắt để bạn hiểu rõ vì tôi biết bạn đang rất là bận rộn với những ngày lễ hội gần kề:
 
Cháu Th. hiện giờ đang nằm bất động vì căn bệnh Guillian Barre Syndrome (GBS), một căn bệnh ảnh hưởng tới hệ thống miễn nhiễm khiến cháu không cử động được từ cồ trở xuống. Sau 8 tháng trời nằm trong bệnh viện sống nhờ máy móc, cháu mới lại tự ăn uống được, và sau một thời gian dài tập luyện cháu được cho về nhà sống  với gia đình. Nhưng chỉ hai tháng sau cháu lại phải vào bệnh viện vì máu bị nhiễm trùng ảnh hưởng tới phổi, tim, óc …  Cháu đã nằm ở trong đó 23 ngày, và hiện giờ đã được chuyển sang nhà dưỡng bệnh nhưng bác sĩ nhận định rằng  cháu khó có thể đi đứng lại được nên công ty bảo hiểm cũng ngừng, không bảo trợ việc tập luyện cho cháu nữa.
 
Th. còn quá trẻ, mới vừa 30 tuổi mà sao cuộc đời quá cay nghiệt, một lần tình yêu tan vỡ chưa đủ đau đớn sao mà trời còn hành thân xác Th. cho gia đình và bạn bè thêm xót thương.
 
Bạn thân,
 
Bố của Th.  đáng  nhẽ sẽ cùng đi San Jose với tôi để tham dự họp mặt HQ vào đầu tháng 12 sắp tới, và còn dự trù đi Napa uống rượu vang với nhau cho say mèm, thế nhưng bây giờ đành hủy bỏ chuyến đi, ở nhà chăm sóc cho người con thân yêu vì sợ rằng  chẳng bao giờ sẽ còn những giây phút cho cha con gần gũi nhau như lúc này!
 
Trong cuộc chiến anh em chúng mình đã bao nhiêu lần đau buồn nhìn thấy những thân xác bạn bè ngã gục thế nhưng chưa bao giờ chúng mình thấy yếu đưối và tuyệt vọng như khi thấy hình ảnh của cháu Th.. Bạn hãy cùng chúng tôi cầu nguyện, dù biết rằng thượng đế ở rất xa trên cao, và mấy hôm nay trời đầy mây mù.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Nov. 24, 2013
 
thiên thanh 27.11.2013 15:47:14 (permalink)
bo cầu nguyện cùng chú và gia đình bạn chú ... thương cho con bé 6 tuổi ... 
 
tây có câu:
Aujourd’hui est un cadeau. C’est pourquoi on l’appelle le présent
ngày hôm nay là một món quà. Đó là lý do người ta gọi nó là hiện tại
 
con người thời nay chạy theo sự đẩy đưa của cuộc sống để than vãn về quá khứ và cầu mong một tương lai tốt hơn mà quên cuộc sống hiện tại ... nên đôi lúc cũng nên dừng lại để sống ngày hôm nay và trân trọng nó 
 

 
Ct.Ly 05.12.2013 00:30:42 (permalink)
NgụyXưa 05.12.2013 02:00:24 (permalink)
@Ct.Ly: Take care of yourself. Anh chị và bạn bè trong thư quán lúc nào  cũng mong em luôn được an vui.
 
*** 

Lời Cám Ơn Muộn Màng – II

 
Bạn thân,
 
Trên đường đi San Jose tham dự họp mặt của HQ từ khắp nơi trên thế giới, do Media Dân Sinh tổ chức để thu thập dữ kiện cho cuốn DVD “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng”, sẽ ra mắt vào đầu năm tới, tôi ghé ngang Little Sài Gòn cho vợ chồng Tư Q. quá giang. Tư Q. là  bạn cùng khoá Bảo Bình, là cái thằng tôi đã từng gán cho câu nói: “Về đến VN thì được hàng xóm gọi bằng cụ thế mà chúng mày vẫn gọi tao bằng thằng. Lâu lâu lại còn Đ.M nữa!”  
 
Bạn bè với nhau hơn 50 năm nên chuyện ngắn chuyện dài không rứt khiến cho đường xa ngắn lại, thế nhưng khi chúng tôi tới khách sạn Bilmore  cũng đã có vài người đứng ở lobby nói tiếng Việt líu lo. Tôi chẳng nhận được ra ai cả nhưng cũng gật đầu đầu chào hỏi vì biết chắc đó là “quan ta, dân mình”, xưng tên xong mới ngỡ ngàng nắm tay nhau bùi ngùi: “Trời ơi, commandant đấy ư?” HQ Việt Nam hồi đó có thói quen gọi người chỉ huy của mình là “commandant” thay vì “hạm trưởng”, “chỉ huy trưởng” hay “tư lệnh” vì cấp bậc và chức vụ thay đổi theo thời gian nhưng “commandant” thì lúc nào cũng hợp thời. Gần 40 năm rồi còn gì, ngày đó chúng mình trên dưới ba mươi, bây giờ đa số đã bước qua ngưỡng cửa cổ lai hy, xa cách lâu như thế làm sao mà không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra nhau!
 
Bạn biết là tôi thật sự không phải là người đi tản buồn, không theo đoàn tàu 43 chiếc của HQ/VNCH mang theo 30 ngàn đồng bào tránh nạn Cộng Sản ngày 30 tháng 4 năm 1975, thế nhưng tôi cũng đã về họp mặt để gặp lại bạn bè xưa, người quen cũ, nhất là để nghe lại những câu chuyện bi hùng của của biến cố đau thương. Tôi đã ngậm ngùi nhìn các cựu sỹ quan trên sân khấu mặc quân phục màu trắng tôi yêu, vung kiếm chào quân quốc kỳ trong lúc tất cả mọi người cùng hát quốc ca. “Này công dân ơì …”, tôi hát theo mà thấy mắt mình hình như cay …
 

 
43 chiến hạm thoát khỏi Sài Gòn ngày quốc nạn nhưng 9 chiếc đã tự đánh chìm vì tình trạng kỹ thuật không thể  hải hành viễn dương, 1 chiếc quay lại Sài Gòn mang theo những người đổi ý không muốn di tản, còn lại 33 chiến hạm lớn nhỏ giã từ quê hương, cùng với hơn 30 ngàn người tới Subic Bay làm người di tản buồn. Chỉ có hơn 10 hạm trưởng của các chiến hạm đó hiện diện ngày họp mặt, 7 hạm trưởng  đã qua đời, một số còn lại không về được vì lý do cá nhân. Họ đều được vinh danh, và vị hạm trưởng cao nhiên nhất, một Bảo Bình đã 88 tuổi, đã được một người dân di tản lên diễn đàn nói những lời cám ơn mộc mạc nhưng đầy chân tình. Đại gia đinh 20 người của ông ta di tản trên tàu HQ bây giờ gồm hơn 100 người đang sống trong tự do và hạnh phúc, như thế làm sao mà ông ta có thể quên ơn. Có người con gái năm 75 mới lên ba, được một người thủy thủ trên tàu chia cho miếng cơm cháy lót lòng, bây giờ đã là bác sĩ y khoa, tha thướt trong tấm áo dài quê hương bước lên sân khấu bùi ngùi kể lại chuyện xưa, và gửi một lời tri ơn.
 
Tôi không cần nói hết những gì đã diễn ra trên sân khân khấu. Mai mốt xem DVD rồi bạn sẽ biết, nhưng tôi muốn viết ở đây một chuyện bên lề làm tôi nghẹn ngào. Một vị hạm trưởng kể với tôi rẳng khi đoàn tàu rời vùng biển VN tiến về Philippines, thủy thủ đoàn của anh ấy không hề rối loạn mặc dù lúc đó thực sự không còn một hệ thống chỉ huy chính thức. Người thủy thủ giữ tay lái tàu vẫn nghiêm chỉnh lập lại lệnh từ trên đài chỉ huy truyền xuống trong lúc nước mắt anh chan hoà, đầm đìa trên má vì anh ra đi bỏ lại gia đình vợ con. Lúc đó ai cũng nghĩ một lần ra  đi là một là một lần vĩnh biệt, sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau! Người thủy thủ cầm tay lái này không có mặt trong ngày hội ngộ, “tôi không biết bây giờ anh ta ở đâu”, vị hạm trưởng nói thêm,“người ta tới đây cám ơn tôi, còn tôi, tôi muốn gửi lời cám ơn muộn màng tới anh ấy, và tới tất cả thủy thủ đoàn, đã giúp tôi hoàn hành nhiệm vụ cuối cùng một cách mỹ mãn.”
 
Bạn thân,
 
Ngày 30 tháng tư năm 1975 đa số các quân binh chủng của VNCH đều coi như đã tan hàng, trừ Hải Quân! Đoàn tàu 33 chiếc tới Subic Bay ngày 7 tháng 5 năm 1975. Tất cà mọi người đã trang nghiêm làm lễ hạ kỳ. Đó là ngày chúng ta chính thức rã ngũ, trở thành người di tản buồn. Một lá cờ vàng ba sọc đỏ của một chiến hạm đã được lưu giữ, và được xử dụng trong lễ chào cờ trang trọng tại hội trường Santa Clara Convention Center ngày 1 tháng 12 năm 2013. Sau hơn 38 năm màu cờ vẫn không hề thay đổi, cũng như tấm lòng của những người thủy thủ năm xưa.
 
Mỗi lần gặp bạn bè miền xa tôi vừa vui và vừa xúc động. Lần này bạn không về được vì hai bàn chân mỏi nhưng sẽ còn một lần sau, và lúc nào tôi cũng vẫn đợi chờ. Bạn giữ gìn sức khoẻ nhé.
 
Tình thân,
 
Ngụy Xưa
Dec. 3, 2013
 
 
Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 9 của 20 trang, bài viết từ 121 đến 135 trên tổng số 294 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9