Văn_Những Kỷ-niệm_A.

Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 33 bài trong đề mục
Tác giả Bài
Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 15.08.2012 04:03:21
Thư Gửi Thầy Cô Giáo Cũ.


Hoa-Kỳ, ngày .. tháng.., năm 20..

Thầy (Cô) kính mến,

Thầy (Cô) có còn nhớ những kỷ-niệm dưới mái trường Trung-Học XYZ của niên-khóa 196.-196., với những đứa học-trò mà Thầy (Cô) đã từng đánh-giá "học ra học, chơi ra chơi" không ?
Mới đó đã hơn mấy mươi năm rồi Thầy (Cô) nhỉ ? Em có cảm-tưởng như một giấc mộng mà em mới vừa tỉnh giấc!

Năm ấy, Thầy (Cô) mới vừa ra trường từ Đại-Học Sư-Phạm Sài-Gòn, trông còn trẻ-trung và đầy nhiệt-quyết, về quê nhà phục-vụ với tất-cả tâm-huyết, mong đàn em sẽ trở thành những người thật hửu-ích cho xã-hội. Vào lớp, Thầy (Cô) miệt mài dạy cho đến hết phút cuối cùng, thậm chí đôi lúc còn thêm giờ...Tận-tình giải-thích những thắc mắc của chúng em cho đến khi nào chúng em đã hiểu rõ. Nếu có bế-tắc, Thầy (Cô) thật-thà bảo chúng em là Thầy (Cô) cần nghiên-cứu thêm ... Sự chân-thật này làm chúng em vô cùng cảm-mến và kính-phục.

Thầy (Cô) rất bình-dân, luôn gần-gũi, tìm hiểu những khó-khăn, động-viên, khuyến-khích và giúp-đở chúng em với tất-cả chân-tình . Nói tốt cho Thầy (Cô) quá nhiều sẽ là một sự dư thừa ... Đối với riêng em, Thầy (Cô) đã là một gương mẫu mà em cố-gắng noi theo. Và như Thầy (Cô) thấy đó, em nối gót theo Thầy (Cô), đã trở thành một "kẻ đưa đò chở khách sang sông", như Thầy (Cô) từng nói, những người khách viễn-hành sẽ trở thành những người tiến-bộ hơn kẻ đưa đò đang và sẽ "dặm chân một chỗ" nơi đây. Đó không phải là một lời than-thở, một ganh-tỵ mà là một lý-tưởng, một thiên-chức, một niềm vui thật to tát của nhà giáo chúng ta, phải không Thầy (Cô) ?

Trở thành một đồng-nghiệp với Thầy (Cô), em thật tình rất hãnh-diện; Thầy (Cô) có chia xẻ niềm hãnh-diện ấy của em không ? Thầy (Cô) có thấy sự làm việc nhiệt-tình của mình ngày nào đã không phí, ít nhất là có một học-sinh âm-thầm "trả ơn" khi nó đã cố-gắng tối-đa để trở thành người hửu-ích cho xã-hội như ước muốn của Thầy (Cô)? Thật ra không chỉ có mình em tạo cho mình một nghề-nghiệp khiêm-nhường, mà Thầy (Cô) có cả một "đám" học-sinh đã trở thành những người có kiến-thức và địa-vị thật cao sau này .
Em đã theo dõi hành-trình của Thầy (Cô) từ ngày em rời trường, rời tỉnh nhà ... Và đến 197.., em đã tìm về "đầu quân" với Thầy (Cô) ở trường Trung-học mà Thầy (Cô) là Hiệu-Trưởng. Đây là một trong những ước mơ tha thiết của em đã trở thành sự thật.

Sau 1975, những biến-động dạo ấy đã làm thầy trò chia cách ... Mỗi người đã bị lôi cuốn vào con lốc nghiệt-ngã ...
Thật vô cùng vui mừng khi nối liên-lạc lại với Thầy (Cô) vài năm gần đây. Em đã chỉ thỉnh thoảng gọi thăm với những lời nói thông thường nhưng có lẽ Thầy (Cô) đã không rõ được những ý-nghĩ thầm kín trong tâm-tư của em. Tự nhiên hôm nay, những ngày tháng cuối năm ở đất người với không-khí lễ hội của năm này, em chợt nghĩ đến Thầy (Cô) và các thầy cô khác của em, và cả đám học–sinh cùng lớp với em ngày nào nay tóc cũng đã muối tiêu hay bạc trắng, em muốn viết một lá thư như một lời cám-ơn Thầy (Cô) và cả với Quý Thầy Cô khác, đã dầy công dạy dỗ em nên người .
Và em muốn nhắc thêm một kỹ-niệm nữa ... : chắcThầy (Cô) còn nhớ, em là một học-sinh nghèo, và hoàn-cảnh sống đã có lần em bị bịnh nặng. Khi biết được, Thầy (Cô) đã biếu cho em những liều thuốc quý báu; những liều thuốc đã giúp em thật nhiều cho cơ-thể lẫn tâm-hồn . Đã cảm-ơn và sẽ mãi mãi cám-ơn Thầy (Cô). Và dỉ-nhiên em cũng luôn cảm-ơn Quý thầy cô khác đã dẩn dắt em từ lớp vỡ lòng cho đến lúc ra trường đời ...

Nhân dịp năm hết Tết đến, em kính chúc Thầy (Cô) và gia-đình luôn được VẠN SỰ TỐT LÀNH.

Kính thư,

Một học trò cũ.

A.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2013 06:43:43 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 16.08.2012 07:56:23
Chiếc Áo Tết Vải Vàng

(Viết để nhớ mẹ tôi)

Năm 1945, ba tôi qua đời tại quê nội. Vì hoàn cảnh đặc biệt nên năm sau má mang con về với bà ngoại đã già cũng đang đơn chiết một mình.
Từ dòng sông An-Lương quê nội quê mùa, chúng tôi thối về dòng sôngTân-Qui quê ngoại càng quê mùa nghèo khó hơn. Những năm này thực dân Pháp vẫn còn cai trị nước ta, hay bố ráp vùng sâu có du kích chống Pháp bám trụ mà quê ngoại tôi là một. Những năm bốn mươi này đại đa số dân chúng nghèo khó thiếu ăn, thiếu mặc; về mặc thì áo quần tả tơi vá víu thậm chí có người mặc bằng bố tời (dùng làm bao bì đựng lúa gạo).
Những ngày cuối năm năm ấy, má gom góp được vài nải chuối, buồng cao, dừa khô, rau cải…chèo tam bảng len lỏi sông rạch chằng chịt miền quê đi chợ Vãng (Vĩnh Long) để bán kiếm tiền may đồ Tết cho con. Với mớ tiền chắt chiu dành dụm trước đó, má gom đủ tiền mua một khúc vải vàng ( màu của áo thầy tu), loại vải thô mà tôi trộm nghĩ dạo đó chỉ có thứ này mà thôi. Má đưa tôi xem, nói “sẽ may đồ Tết cho con của má nếu còn đem về được tới nhà”. Với trí óc con nít đâu hiểu gì, lòng chỉ biết mừng rơn cười cầu tài, nở cờ trong bụng mà khờ khạo chẳng biết nói hoặc ôm má để tỏ lòng cám ơn ( như con nít khôn ngoan nhanh lẹ bây giờ). Dù còn bé, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mồn một lời má tôi nói (cũng như khung cảnh lúc ba tôi mất).
Trên đường về, đến một nơi vắng vẻ má tôi dừng lại, bảo tôi cổi áo (một cái áo sơ mi đen vá nhiều lổ), quấn khúc vải mới quanh bụng tôi, buộc chặt rồi mặc áo trở lại. Má bảo tôi ngồi yên gần trước mủi tam bản; cẩn thận không động đậy nhất là lúc dừng lại trạm kiểm soát của du kích nơi kiểm soát an ninh, hàng hóa mang ra, mua vào từ vùng địch…Má tôi biết rằng khúc vải này sẽ bị tịch thu nếu bị bắt gặp vì có người đã từng bị như vậy.
May mắn họ xét từ đầu chí cuối chiếc tam bảng nhưng không để ý đến đứa con nít như tôi. Thế là năm ấy má đã may cho tôi một áo sơ mi mới ngắn tay để tôi tung tăng vui Tết trong khi má và ngoại vẫn chỉ mặc bộ quần áo cũ thường ngày.
Nụ cười luôn nở trên môi má trong những ngày Tết khi má đã cho tôi một mùa Xuân vàng rực như những cành mai đầy hoa nở rộ trước sân nhà. Bản thân tôi siêng năng hơn trong phận sự đốt nhang bàn thờ tổ tiên mỗi tối và bình nước trà của ngoại trên bộ ghế giữa nhà luôn đầy ắp. Tôi nói chuyện huyên thuyên với ngoại, với má hơn thường ngày, đủ mọi chuyện “trên trời dưới đất”.
Tình thương đằm thắm của má mà đặc biệt là trong những ngày Tết năm ấy đã là chất liệu giúp tôi biết phải làm gì để cho má vui lòng.
Má đã thành người thiên cổ vào một trong những năm khó khăn nhất của thập niên bảy mươi, hình ảnh má nằm trên giường bịnh đau buồn hỏi tôi “Con đang lo cho má đó hả?” khi mà chúng tôi đang lo cất trại để làm một cái tiệc cưới nho nhỏ cho em gái lại trùng hợp với lúc má biết mình sắp lâm chung. Tôi không cầm được nước mắt trả lời trong nghẹn ngào “ Đâu có má ơi! Lo đám cưới cho em con đó” “Thôi đừng gạt má!” Tôi không nhớ nét mặt má lúc ấy ra sao vì màng lệ đã che mắt tôi rồi!
Bà con góp ý là lo "đôi bạn" cho em gái tôi để em khỏi bơ vơ với đời ở căn nhà tổ phụ này khi má tôi mất vì biết chắc rằng má tôi không qua khỏi và tôi cũng sẽ phải lưu lạc xa nhà sau này.
Xong đám cưới cho em là mẹ cũng vĩnh biệt chúng tôi.
Chiếc áo vàng và hình ảnh buồn hiu ốm o của má với những câu hỏi xé lòng ( và còn nhiều kỹ niệm khác nữa) mãi mãi nằm trong ký ức tôi


A.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2013 06:44:26 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 22.08.2012 00:39:19


Những Ly Chè Đậu Đỏ


Có dạo tôi biết nhà của ĐHM, bạn chí-cốt, ở thị-trấn Phụng-Hiệp (Phong-Dinh) nhưng chưa một lần đến chơi vì chúng tôi có thể gặp nhau bất-cứ lúc nào tại phố-thị Cần-Thơ. Vào lúc muốn tìm thăm bạn để tạm-biệt đi làm ăn xa, tôi đành phải cầu may đi hỏi thăm láng-giềng của bạn mà thôi.
Bằng xe gắn máy, từ Cần-Thơ lấy quốc-lộ 1 về cuối miền đất nước, tôi đến xóm nhà trước khi gặp cầu Phụng-Hiệp như M. chỉ-dẫn lúc trước; rất may bà con cho biết gia-đình bạn vẫn còn ở nơi này.
Vợ của M. ân-cần tiếp đón và cho biết chồng đang đi làm việc đến tối mới về nên chỉ đường cho tôi đến gặp bạn hiền ngay.
Tại nơi làm việc là lò sản-xuất đường bên dòng kinh Búng Tàu hiền-hoà, cạnh những đống mía ngổn-ngang vừa chất lên bờ từ ghe thu mua, những đống bã mía vừa ép xong còn mùi thơm hấp-dẫn đám ruồi, với vẻ ngạc-nhiên cùng tột, với đôi chân không…cân-đối nhau (vì bị mìn, không chết là may), bạn “cà nhắc” ùa chạy đến ôm chầm tôi mừng-rỡ. Không ngờ hai đứa còn gặp nhau sau hơn mười năm từ khi bắt-buộc phải lìa bỏ Cần-Thơ, nơi hai đứa đã có thêm rất nhiều kỹ-niệm đầm-ấm không kém so với những kỹ-niệm thời còn đi học.
Tức-khắc, bạn giao công việc cho người khác, cùng tôi trở về nhà để hàn-huyên. Một bửa cơm đạm-bạc được chị M. nấu nhanh đải khách; ba món canh chua tôm bông so đũa, hột vịt xào khổ qua và cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng. Ôi bửa cơm tái ngộ rất “truyền-thống của dân Nam Bộ” sao mà hấp-dẫn vô cùng; càng ngon hơn khi nó chan-hoà tình bạn thân-thiết của hai hàn-sinh đã từng chia ngọt xẻ bùi cũng như cay đắng thuở nào. Tay vừa cầm đũa, miệng đã hỏi đáp “túa xua” từ lúc bắt đầu bửa cơm tái-ngộ dẫn cho đến khuya hôm ấy; đêm tôi ở nhà bạn lần đầu (và có lẽ là lần cuối). Hỏi han nhau những gì đã xãy ra khi chúng tôi phải lìa bỏ mọi công việc đang làm ăn ở Tây-Đô để trở về nguyên-quán năm nào. Khoảng thời-gian sau đó chúng tôi cùng trãi-nghiệm những tình-huống tương-tự với nhau; những truân-chuyên rồi cũng qua đi để cuộc sống trong hoàn-cảnh mới được hình-thành.
Thật là thoải-mái và hạnh-phúc khi chúng tôi có dịp quay về dĩ-vãng, thuở hai đứa được trúng tuyển vào trường Collège de Vĩnh-Long mà sau đó không lâu được đặt tên bằng quốc-ngữ Trung-Học Công-Lập Nguyễn Thông và tiếp theo đổi thành là Trung-Học Tống Phước Hiệp.
Đối với học-trò khờ khạo của trường nhỏ miền quê vừa đậu Tiểu-học như chúng tôi, chập chững lên phố-thị vào trường trung-học là một biến-cố vĩ-đại của đời mình. Bao nhiêu khó-khăn, ngỡ-ngàng khiến mình vừa lo sợ vừa bị kích-thích trên bước đường học-hành xây-dựng tương-lai.
Dạo đó, M. và tôi chưa quen biết, mãi đến cấp lớp đệ nhị (hay 11) do một tình-cờ mà từ đó bắt đầu chơi thân khi biết hoàn-cảnh giống nhau: cùng là học-trò nghèo từ quê lên tỉnh-lỵ, được tha-nhân giúp-đở cho ở trọ miễn phí mà còn xem như con cháu trong nhà.
Cuối niên-khóa lớp đệ nhị, chúng tôi phải đi thi Tú-Tài 1 cho nên mọi môn học cần phải chăm-chỉ trao-dồi cẩn-thận nhất là những môn chánh như Toán, Lý Hóa và Việt văn . Năm ấy có một vị giáo-sư Việt Văn rất tích-cực dạy dỗ chúng tôi. Thầy soạn rất nhiều tài-liệu cho học-sinh tham-khảo, nhiều bài thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát…bắt chúng tôi học thuộc lòng để có tài-liệu dẩn-chứng khi làm luận văn. Thầy cần “quay rô-nê-ô” bài vở để phát cho tất cả học-trò của thầy. Thầy giao cho hai đứa tôi làm việc này. Rô-nê-ô là lối in thông-dụng thời đó: đánh máy bài viết lên giấy stencil, loại giấy đặc-biệt rất dai không thấm ướt, máy đánh chữ sẽ đụt lỗ trên giấy khi đánh chữ. Sau đó giấy này được gắn lên “máy rô-nê-ô” quay bằng tay, bài viết in ra được đóng lại thành tập như quyển sách. Công việc này đòi hỏi phải kiên-trì, chăm-chỉ, kỹ-lưỡng…Thầy cho chút ít thù-lao trích ra từ tiền do học-sinh góp lại cho chi-phí. Sau giờ học, hai đứa “tác-nghiệp” bằng cách nhờ máy đánh chữ, và máy quay rô-nê-ô của văn-phòng của nhà trường. Một đứa đọc bài cho đứa kia đánh máy và thay phiên nhau…
Sau những giờ “làm việc” nhọc-nhằn, để tự tưởng thưởng cho mình khi có tiền thù-lao, hai đứa thường đạp xe lên miếu Bảy Bà*(nơi này lúc ấy có bán hàng ăn vặt,thức uống trên những xe đẩy nhỏ cho học sinh), tọa-lạc giửa Trung-Học Bán Công Nguyễn Thông (lúc ấy trường Trung-học công-lập Nguyễn Thông đã đổi tên thành Trung-học công-lập Tống Phước Hiệp và trường Trung-học bán công của tỉnh nhà mới dùng tên Nguyên Thông) và Trung-học Tư-thục Long Hồ, để thưởng-thức những ly chè đậu đỏ rất ngon, béo và ngọt và có lẽ …càng ngon/ngọt/béo hơn khi để tâm-hồn bay theo những tà áo dài trắng thướt tha trước mắt. Nhớ bạn tôi ăn chè đậu đỏ …với cái miệng rất dễ thương: không bao giờ thiếu những cái chép miệng và đôi lúc có cả …hít hà!!!
Say-sưa nhắc những kỹ-niệm khác nữa cho đến quá khuya, nhưng phải tạm dừng lại để đi ngủ khi chúng tôi nghe được tiếng “tằng hắng” của chị M. vẫn chưa an giấc.


A.
August 8, 2012

*Miễu đã trùng-tu và ghi là “Di-Tích Cửa Hữu Thành Long-Hồ”


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/EA360E5C1FD2491F8EF23FA4B7A7C56B.jpg[/image]

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/EAF90922D849459A923632B3B10EC601.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2013 07:00:29 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 27.08.2012 06:25:33
Người Bán Cá


Như bao phụ nữ khác khi lớn lên theo lối mòn xã hội, dì Hai có chồng rồi có con. Sống trong vùng quê thời chiến tranh Pháp Việt, ngày đêm phải đối diện thường trực với sự bất trắc, gia đình dì phải tản cư ra ven tỉnh lỵ, nơi bình an hơn.
Là nông dân chân chất, chỉ có “ba chữ” để đọc được báo chứ đâu có tay nghề gì để tìm được công việc chốn đô thị: chồng dì theo học nghề thợ mộc, dì xách rổ theo chân chủ đất vốn là một người bà con xuống chợ để tập tành mua bán cá tìm chút ít tiền lời để cho gia đình độ nhật qua ngày.
Cá thì phải có mùi tanh, hôi. Người bán buôn cá làm sao không dính được mùi cá, nhưng mùi cá đâu có biến con người thành cá được; mà thật ra con cá con tôm vốn đâu có nguy hiểm mà ngược lại còn bị hiến thân làm thực phẩm để nuôi sống con người. Đâu phải là tiểu thư khuê các, bước đầu ngửi mùi tanh của cá, không nói ngoa vì nơi tập trung nhiều cá tôm mùi có nồng nặc hơn khi ở quê vốn cũng thường làm cá nấu ăn, dì Hai cũng có phần khó chịu nhưng điều đó dì vượt qua đễ dàng. Bản tính hiền lành, thân thiện, chịu khó, thương người …không vì mùi tanh của cá mà biến chất, trái lại ở môi trường sống của giai cấp nghèo khó này, kiếm ăn từng bửa đã làm con người của dì được tốt hơn.
Ở đâu cũng vậy, chợ cá, chợ trái cây, chợ vải, chợ giày, thậm chí những nơi cao sang quyền quý cở nào cũng có kẻ tốt người xấu. Cho nên ở chợ cá này dì cũng đã gặp những hạng người “tay bằng miệng, miệng bằng tay” nhưng khi những người này gặp dì cũng phải nể nang cái điềm đạm hiền hậu của dì.
Buôn bán cò con vốn liếng không là bao mà đôi lúc dì lại mua những mớ hàng “cá …thiu nếu không muốn nói là thối” của những bà cụ nghèo trong quê đem ra bán đổi gạo. Vì từ tâm mà dì làm như vậy.
Thời ấy, rất nhiều bà con vùng quê xa xôi tản cư ra chợ, tìm nơi cất một căn nhà nhỏ vùng ven tỉnh lỵ để cho con cháu trọ học hoặc phòng khi cuộc chiến sôi động trong quê thì có chỗ tạm trú. Dì Hai cũng thế. Nhà của dì Hai rất nhỏ nếu không muốn nói là cái chòi. Nhà có ba phần: phân nửa phía sau là cái phòng cho dì và con gái, phân nửa trước là nơi để bàn thờ, một bàn với bình trà và vài cái ly, một "cái chái" là nơi bếp núc và cũng là nơi ăn cơm. Còn chỗ nào có khoảng trống nữa thì tối lại bày ghế bố (loại xếp) ra cho chồng và đứa con trai ngủ qua đêm.
Trong xóm có một người học trò…nghèo, rất nghèo nên đang “ở trọ” trong một cái lò rèn để đi học. “Phòng trọ” không cửa nẻo là nơi chứa dụng cụ, bụi bậm, gần sông ban đêm gió thổi … “ào ào”. Tắm giặt dưới sông, tự nấu nướng, đèn dầu lửa leo lét học bài…
Nhà dì Hai chật hẹp, tiền bạc không có, chỉ có …nghề bán cá và tấm lòng thương người bao la, dì hai một hôm đã kêu đứa học trò khó đó đến ở với dì: “Có mắm, ăn mắm, có muối ăn muối, có cá ăn cá…với gia đình dì, trải ghế bố dưới chái bếp mà ngủ cháu ạ! Hẩm hiu với dì đi chắc đở tủi thân cháu hơn!”
Khi chiến tranh Pháp Việt chấm dứt, nhưng năm hoà bình cho phép dì trở về quê cũ, người láng giềng kế bên muốn mua căn nhà của dì, mục đích để có đất rộng hơn, dì Hai, người bán cá, đồng ý nhưng với điều kiện là để cho người học trò khó tiếp tục ở cho đến khi xong bậc Trung học.
Nay thì dì dượng Hai đã về với cát bụi từ lâu. Hai người con của dì dượng cũng thế.
Kẻ đã một thời nhờ ơn đùm bọc của những bạn hàng chợ cá (là những người thở cái không khí tanh tưởi, dẫm chân trên những vũng nước bẩn , đã vọc tay trong những chậu chứa tôm cá hôi tanh) giúp đở học hành đổ Tú Tài để rồi thành “sĩ phu” đến hôm nay còn sống sót, xin ghi lại câu chuyện nhỏ của một món nợ to không bao giờ trả nỗi kiếp này và cả những kiếp sau của tôi.


A. viết theo lời kể của bạn
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2012 09:23:48 bởi Anh Tú >
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 03.09.2012 04:02:59

MỘT CẢNH ĐỜI

(Kính tặng chị Tư H.,người thủ tiết thờ chồng suốt đời.)


Có một thị trấn nghèo nàn nằm bên giòng sông hiền hoà nước ngọt quanh năm nối liền sông Tiền và sông Hậu của Cửu-Long-Giang. Thị trấn này chỉ có một con đường duy nhất mà hai bên là những căn phố nhỏ nhắn buôn bán đủ loại hàng hoá cung cấp cho nông dân quanh vùng.
Nơi đó có cửa tiệm vợ chồng chú thiếm Hai. Bà con bên ngoài thấy họ chăm chỉ làm ăn, hòa thuận, gọi nhau ngọt nào “anh anh em em”, nghĩ rằng đó là một cặp vợ chồng thật hạnh phúc. Bỗng nhiên không rõ vì lý do gì, người vợ bỏ đi và chồng phải quán xuyến mọi việc nhà.
Ở tuổi còn thanh xuân và cũng cần có người phụ giúp bán buôn, nên chú Hai có ý tìm người tục huyền. Cuối cùng chú để ý đến cô Ba cùng lứa tuổi, hiền lành, đảm đang, sắc vóc bình thường như phần lớn những người gái quê của Nam Kỳ Lục Tỉnh trái ngọt cây lành.
Bắt đầu hằng ngày họ gặp nhau chào hỏi, nói chuyện nắng mưa dẫn lần đến thân quen rồi thương yêu. Chú nhờ cha mẹ đứng cưới xin cô Ba đàng hoàng bằng mọi thủ tục cổ truyền.
Cuộc sống chấp nối của cặp đôi này, chồng một lần hôn nhân lở vở, vợ là gái còn son xem ra cũng hoà thuận và hạnh phúc vô cùng. Năm sau người vợ mới của chú Hai hạ sinh một trai kháu khỉnh.
Thời gian âm thầm trôi qua…..Bổng đất bằng dậy sóng, người vợ cũ của chú trở về với một đứa con nhỏ. Chú hoan hỉ đón hai người vào nhà. Ai đâu ngờ chú Hai đã tráo trở phản bội cô Ba,người đã đặt tất cả lòng tin yêu vào mình.
Họ phải sống chung một nhà và cô Ba lại bị người vợ trước, thiếm Hai, ăn hiếp trước sự thờ ơ không rõ là cố ý hay vô tình của ông chồng.
Ai cũng nói: Chú Hai bị vợ bỏ, cưới hỏi cô Ba một cách đàng hoàng thì rõ ràng cô Ba ở cương vị vợ chánh hợp pháp dù là đến sau. Nhưng vốn hiền lành và không được sự che chở của chồng, cô đành chịu thiệt thòi, chán nản bồng con trở về nhà mẹ, bán buôn cò con để nuôi đứa trẻ vô phước của hôn nhân đổ vở một cách thật vô lý và bất công với cô.
Vì cách hành xử vô đạo lý của mình, Chú Hai đã đánh mất tình cảm tốt đẹp của bà con ở thị trấn đã dành cho. Người đàn ông này đã xem cô Ba và đứa con máu mủ của mình như người xa lạ; càng tệ bạc khi không có một sự cấp dưỡng, giúp đở dù nhỏ nhặt nào. Người đàn bà hiền hậu cam phận chịu đựng hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, sống một mình nuôi con khôn lớn, không lời oán trách.
Chẳng những thiếm Hai chua cay, hách dịch với cô Ba …mà đám con của thiếm cũng giống như mẹ, đối xử và xem mẹ con của cô như kẻ thù, có lẽ vì sợ chia phần tài sản của chú Hai chăng?
Thời gian trôi qua âm thầm, người lớn thành người già, trẻ con thành người lớn, tất cả rồi cũng phôi pha.
Đến một ngày chú Hai bịnh qua đời, thiếm và đám con tiếp tục sống thoải mái với cơ ngơi của chồng/cha để lại.
Bây giờ cô Ba đã già, bịnh hoạn, bán buôn thua lỗ. Anh Thảo, con trai của cô nay đã lớn, lập gia đình, phải thức khuya dậy sớm, làm việc cực nhọc kiếm tiền nuôi mẹ, bà ngoại và vợ con.
Ngày qua ngày vì lao lực , anh ngả bịnh và ra đi để lại người vợ trẻ; còn cô Ba phải chịu cảnh trẻ già khóc măng non.
Một nét son đã điểm lên cho những người phụ nữ hiền thục của Việt Nam là người vợ trẻ của anh Thảo vẫn “ở vậy” thờ chồng, chắt chiu nuôi con, một lòng kính mến /nuôi dưỡng mẹ chồng …. Những thập niên của thế kỷ trước có rất nhiều thiếu phụ miền quê đã hành xữ như vợ của Thảo; còn bây giờ thì sao?
Và có phải là quả báo nhãn tiền hay không mà một số con cái của chú thiếm Hai đã sớm theo chú Hai và thiếm thì bị bịnh hoạn hành hạ khổ sở trước khi lìa đời?
Còn những đứa con của anh Thảo, dưới sự chăm sóc của chị Thảo, cộng với tình yêu thương rất mực của bà nội nay đã khôn lớn và thành danh trên đường đời. Những đứa con này là những người hiếu thảo đã chăm sóc, nuôi mẹ và nội; dù làm xa cũng thường xuyên cố gắng về thăm hai người ruột thịt yêu dấu của mình.
Phải chăng đây là một bi hài kịch của xã hội con người vốn có trí óc, có suy nghĩ mà đã dẫm lên đạo lý làm người để mang tiếng xấu với hậu thế nói chung và cho bà con lối xóm của mình nói riêng. Và cuộc sống vẫn còn ý nghĩa khi có những người -như gia đình anh chị Thảo- còn giữ được những nếp sống đạo đức tốt đẹp của xã hội ta.

A.
July 2012

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 07.09.2012 23:55:38


Trứng Trời

(Để nhớ ba tôi)


Hôm nay, tôi rất xúc động khi tình cờ biết được tâm sự của một người bạn vắng cha từ lúc còn trong bụng mẹ đã tìm được lại tình phụ tử sau hơn nửa thế kỷ. Bạn đang tận hưởng hạnh phúc to lớn này mà bạn ngỡ rằng chỉ có thể gặp trong mơ. Hạnh phúc đã tỏa sáng ngời lên mặt bạn, ở ánh mắt long lanh, ở nụ cười rạng rỡ, ở lời tâm sự chia sẻ với bạn bè một cách tha thiết, nồng ấm…tình cha con.
Bạn ơi,
Bạn chỉ vô phước nửa đời người thôi bạn ạ, nửa còn lại bạn hãy tận hưởng tình cha con thiêng liêng, tuyệt vời nhé bạn. Bạn hạnh phúc hơn tôi đó vì cha của tôi giã từ cõi đòi này khi tôi vừa lên năm và dỉ nhiên tôi vĩnh viễn mất cha.

***
Xưa, tuổi đời qúa ít ỏi, tri thức vừa mới chập chửng trong bộ óc non nớt, tôi chỉ nhớ một vài kỹ niệm với cha thân yêu mà tôi xem đó là những hạnh phúc hiếm quý nhất của đời mình. Nó cứ hiển hiện về thật ấm áp mỗi dịp gặp những tình tự về cha mà tôi xem đó là những hạnh phúc tìm lạị.
Ba má tôi vì hoàn cảnh sống đời trôi nổi, rày đây mai đó.
Có lần chúng tôi đã sống một thời gian tại Cái Khế (Cần Thơ) trong một ngôi nhà lá nhỏ nghèo nàn. Trước nhà là một con đường cho xe hơi cũ kỹ với đất đá lồi lõm vì không được bảo quản, bên kia là một con rạch nhỏ mà mỗi chiều tôi thường đến tắm rửa, vui đùa. Một hôm sau khi tắm xong vượt lộ về nhà, tôi đã bị một xe đạp đụng phải, té và trán bị thương đến nay vẫn còn vết xẹo:

Nhớ thuở xưa theo giòng đời xuôi ngược
Ba má tôi trôi nổi đến Cần Thơ
Sống lam lũ một thời gần Cái Khế
Cảnh cũ người xưa nhớ mãi đến giờ.

Có những lúc tình cờ tay xoa mặt
Chạm vết trầy trên trán: vết yêu thương.
Thương mẹ cha, thương giòng Bassac
Ấm áp lòng khi mỗi lúc soi gương!

Một chiều, qua bên kia đường đi tắm
Ở rạch con nho nhỏ nước lững lờ
Khi đùa giỡn vướng chân té ngã
Vết thương thành dấu ấn thuở ấu thơ.


(Trích Vết Thương Trên Trán_2010_A.)



Thuở ấy vì còn bé nên sự hoài niệm các khoảng đời không liên tục.
Tôi lại nhớ có lúc chúng tôi đã sống trên một chiếc tam bảng với cái mui tròn làm bằng lá (lá dừa nước thì phải?), nấu cơm bởi chiếc cà ràng ở phía sau lái. Cuộc sống gom gọn trong lòng chiếc tam bảng với cảnh gạo chợ nước sông không biết kéo dài bao lâu. Má tôi là người lo mọi việc cho cuộc sống lang thang này: cơm nước, chèo chống, thuốc men trị bịnh cho ba tôi… Một buổi sáng, chiếc tam bảng cấm sào trên dòng rạch nhỏ, nước ròng chảy siết cuốn trôi theo những trái mận chín rơi rụng từ những vườn cây của vùng đất phì nhiêu Chợ Lách. Ba tôi ở sau lái, tôi trước mủi tam bảng cùng nhau vớt trái, lựa những trái còn nguyên vẹn để ăn dần. Thỉnh thoảng cha con khoe với nhau mỗi lần vớt được trái ngon với nụ cười vui vô tư bất chợt có được.
Hôm nay hoài niệm về ba nhưng không thể nào không nhắc lại sự gian nan của má tôi, người phụ nữ hiền hoà miền quê sông nước Cửu Long, suốt đời chịu nhiều nỗi truân chuyên, cay đắng. Tay yếu chân mềm phải chèo bơi tam bản di chuyển đó đây, có lần dòng nước chảy quá nhanh làm chiếc mui vướng một thanh cây của cầu khỉ bắt ngang dòng rạch, tưởng đâu nhận chìm “ cả nhà” xuống nước.
Không lâu sau đó, bịnh ba tôi trở nặng, ba mẹ quyết định về ngôi nhà tổ phụ nơi bác Hai của tôi đang quán xuyến. Chúng tôi phải vượt ngang sông Cổ Chiên. Không may khi đang giữa sông thì một cơn giông chợt đến, nước nổi cơn thịnh nộ, những đợt sóng to hăm dọa nhận chìm “cái nhà” và cả chúng tôi xuống lòng sông. Với sức cố gắng vượt bực cùng sự trợ lực yếu ớt của ba đang bịnh hoạn, và hơn hết chắc là sự phò trợ của Phật Trời mà chúng tôi đến bờ phía Vĩnh Long an toàn trong sự hải hùng …vừa giảm bớt.
Về đến nhà bác hai, tôi ngã bịnh. Đứa con nít năm tuổi thì chắc chắn còn “nhỏng nhẻo” “vòi vĩnh” cha mẹ cái này cái nọ, cả những cái mà cha mẹ không thể lo được dù là chiều con. Những “tánh con nít” này lại dai dẳng hơn khi bị bịnh hoạn. Lần đó vì khó chịu trong mình nên tôi khóc dai dù mẹ kiên nhẫn dỗ dành. Ba tôi nhỏ nhẹ hỏi: “Con muốn gì cứ nói, ba sẽ làm lo cho con”. Chắc có lần nghe thấy ai nói “gì đó” mà tôi trả lời : “Con muốn ăn trứng… trời!” và tay tôi chỉ lên trời. Ba tôi đã cười ngất và nói sẽ kiếm “trứng trời” cho tôi ngay. Ba đã nhờ người leo lên các cây cau tìm trứng chim cho tôi.
Chuyện nhỏ mà hạnh phúc ba đã cho tôi rất lớn; nó ngon tuyệt, béo ngậy…mà hương vị đến bây giờ như ở vòm lưởi…và cả trong tim tôi.
                                                                       A. 
September 7, 2012
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2013 07:02:27 bởi Anh Tú >

Nguyệt Hạ
  • Số bài : 1104
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.10.2010
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 08.09.2012 09:01:45



Xin cám ơn tác giả Anh Tú đã viết về tình cha nghĩa mẹ thật sâu đậm qua những giòng chữ chân tình. Dù được sống với cha mẹ thời gian ít hay nhiều, tất cả những kỷ niệm đã có với hai bậc song thân, là con cái chúng ta không bao giờ quên và luôn chắt chiu gìn giữ phải không?

Cũng xin cám ơn nhờ đọc chữ của Anh Tú, NH được đi về lại vùng đất Cần Thơ nơi NH đã có dịp sống và đi học ở đó một thời gian.


Thân chúc tác giả Anh Tú luôn sức khoẻ để tiếp tục viết những sáng tác mới.


Thân mến
Nguyệt Hạ




Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 09.09.2012 05:29:54
Chào Nguyệt Hạ,
Cám ơn Nguyệt Hạ đã quá bước đến mảnh vườn con con này và tặng cho AT những lời khen nồng ấm, cảm thông. Và càng vui khi biết Nguyệt Hạ một thời đã là cư dân Tây Đô yếu dấu của ...Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Chúc Nguyệt Hạ sức khoẻ tốt và niềm vui tràn đầy.
Anh Tú
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 09.10.2012 02:12:57


CON ĐƯỜNG CHÍN CÂY SỐ.


Cũng con đường dài chín cây số ấy nhiều người đi/về quá dễ-dàng thế mà Lê, bạn của tôi, phải gian-nan vất-vả.

Lê mồ-côi cha sớm, mẹ nghèo, được một người thân đở đầu giúp cho đi học.
Thời thập niên 1950 sau khi đậu Tiểu-học, người bà con ấy không muốn cho Lê tiếp-tục học lên. Những bà con lối xóm góp lời bàn ra: Cho nó ở nhà tập làm ruộng rồi lớn lên chút nữa thì cưới vợ cho xong, học bao nhiêu đó đủ rồi! Đây cũng là một nếp sống của nông-dân thời ấy, đặc-biệt áp-dụng khắc-khe với phái nữ, họ chuộng nghề ruộng rẫy, bình-dị, chắc-chắn hơn là học-hành tốn kém, xa vời biết có thành-công hay không?
Bạn tôi buồn rười-rượi nhưng vốn ham học, tính tình này hình như nằm sẳn trong máu của chàng, đã âm-thầm đi thi tuyển vào lớp đệ-thất. Thời đó trường lớp rất hạn-chế chỉ có một trăm tuyển-sinh cho hai lớp đệ-thất nên Lê không được may-mắn như mong muốn.
Chuyện “làm ruộng, lấy vợ sớm” khiến bạn tôi vô cùng sợ hải và tuyệt-vọng. Còn nước còn tát, được thầy hướng-dẫn, bạn lại đi thi lớp tiếp-liên cũng ngoài chợ tỉnh. Lần này thần may-mắn gọi tên. Ngày biết được trúng tuyển, vui buồn/lo-lắng lẫn lộn; buồn lo vì ở ngoài chợ tỉnh thành “tứ cố vô thân”, chỗ đâu mà trọ học và tiền đâu để chi-phí sách vở, cơm nước. Người thân có còn tiếp tục giúp đở cho mình nữa không?

Ngày tựu trường đã đến, sáng sớm phải ra chợ làng để đi xe đò đến lớp với giỏ cơm tẻ nấu sẳn mang theo. Thấy Lê ham học, vẫn “lỳ lợm” đến trường, người thân không đành ngăn cản lại cho một ít tiền để đi xe, mua sách vở. Lúc bấy giờ có người chủ chiếc xe đò thương tình cho bạn quá giang buổi sáng: Lê đứng ké né ở bợ xe lên xuống ở phía sau xe. Buổi chiều khi tan học thì xe đã nghỉ chạy, bạn đành…đi bộ về khi hoàng hôn rơi xuống. Từ trường về nhà dài chín cây số, có nhiều đồn“bót” …và còn phải qua vài cây số đường vườn nữa mới về đến nhà, xa diệu-vợi …phải làm sao đây? Lầm lũi đi khi chậm/khi nhanh, nước mắt lưng tròng buồn cho số phận côi-cúc hẩm-hiu, cháng thầm vái van mặt trời đừng lặn sớm. Đi được nửa đường thì trời chạng vạng, đồn đã đóng cửa, lính canh kêu đứng lại, nghe rõ tiếng súng đạn lên nòng…Bạn mếu máo la lớn lên kể lể sự tình để xin lính mở cửa đồn và may mắn quá họ thông-cảm cho đi qua. Không còn thời gian để về nhà nên Lê đành vào nhà người chị bà con ở gần nơi đó xin tá-túc qua đêm . Người chị cho ăn, cho chỗ ngủ. Đêm về trằn trọc không biết ngày mai mình phải làm sao đây? Tiếp-tục về nhà thì mất buổi học, không về thì thân nhân sẽ lo lắng còn có thể bị la rầy nữa! Sự ham học thắng nên sáng sớm lại xin quá giang xe đò đến lớp với giỏ cơm mới mà người chị đã nấu cho. Hôm nay khi tan học may sao có người bạn cho Lê đi nhờ xe đạp nên kịp về đến nhà.

Nói về giỏ cơm tình-nghĩa: cơm tẻ kèm một cái hột vịt hoặc vài con cá lòng tong kho khô hoặc con khô cá sặc đã là cao-lương mỹ-vị; đôi khi chỉ có miếng dưa leo cùng tí “khô quẹt” (nước mắm nấu cho “sắc” lại) cũng xong. Lê tự biết rằng những giỏ cơm đơn-sơ này không tự trời cao rơi xuống mà từ mồ-hôi công sức, thắm đậm tình thương của người thân dành cho mình nên dặn lòng phải làm sao đừng phụ lòng mọi người.

Trở lại câu chuyện…Như Trời thương người học trò có chí, thời-gian ngắn sau đó trường Trung-học nhận thêm một trăm tuyển sinh nữa và Lê lần này có tên trong danh-sách. Người ta nói sự may-mắn ít khi có hai lần (họa vô đơn chí, phước bất trùng lai) thế nhưng chàng lại ngoại-lệ: vào đệ-thất và những ngày kế tiếp có những người bạn quý thương tình giúp-đở, thay nhau cho Lê quá giang xe đạp về nhà. Sự quyết-tâm đi học như thế đã làm xúc-động mọi người và không thể lợi-dụng lòng tốt của những bạn quý mãi, cuối cùng người thân đở đầu phải kiếm chỗ trọ cho chàng.
H luôn khắc cốt ghi tâm biết ơn những người thân, những bè bạn có tấm lòng thương bao-la đã giúp-đở mình.
Sau những thay đổi của dòng đời nghiệt-ngã, bạn bè cũng chưa có dịp gặp lại nhau Hy-vọng một ngày nào nhờ trời chúng tôi còn khoẻ mạnh có dịp hội-ngộ trước khi bàn-giao hẳn thế-gian này cho thế-hệ tiếp nối.
Con đường chín cây số vẫn còn đó nhưng thời gian đã mặc cho nó chiếc áo mới hơn. Nó sẽ mãi trường tồn trong lòng đất nước Việt mến yêu, gắn bó với những thế-hệ con Rồng cháu Tiên tiếp nối nhau của miền đất Lục tỉnh bên dòng Cửu Long hiền-hoà, con sông lừng danh Đông Nam Á.

Chỉ chín cây số đường xa
Mà bao kỹ-niệm thiết-tha một thời!


Câu chuyện nhà trọ của Lê rất đặc-biệt và cũng là một ngả rẽ giúp bạn tôi tiếp-tục tiến bước được trên con đường học-hành để gây dựng tương-lai. Nay mai tôi sẽ kể tiếp…


A.
July 7, 2011
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.02.2014 02:52:08 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 17.10.2012 07:17:10



“Nhà Trọ"


Lê sẽ không còn đi học vất vả trên Con đường dài chín cây số mỗi ngày nữa mà chỉ một lần mỗi cuối tuần đi về nhà mà thôi vì cuối cùng người thân đã tìm được một nơi ở trọ cho Lê.
Thân-nhân của Lê không có người quen ngoài chợ và càng không có khả-năng tài-chính để mướn nhà. Được sự gợi ý của một người quen, thân-nhân của Lê tiếp-xúc với ông Năm, chủ một lò rèn tại một xóm lao-động nghèo ven sông Cửu.Cái lò rèn nằm ngay bờ sông, ọp ẹp, bụi bậm, dơ bẩn, trống trước trống sau, chỉ có một “phòng” nhỏ với vách lá cũ-kỹ để chứa dụng-cụ. Qua trao đổi biết hoàn-cảnh của Lê, ông Năm tốt bụng thương tình cho bạn tạm trú để đi học: một ghế bố đặt trong phòng dụng-cụ, đem củi gạo nồi niêu để tự nấu ăn, tắm rửa thì dùng nước sông, vệ-sinh thuở ấy có cầu tiêu công-cộng cũng ở ven sông, đêm về học-hành dùng đèn dầu lửa…
Từ “nhà trọ” đến trường chỉ cần đôi mươi phút một lượt đi/về, Lê cảm thấy hạnh-phúc vô cùng khi so-sánh với con đường chín cây số gian-nan đầy bất-trắc.
Bà con quanh lò rèn đột-nhiên có thêm người láng giềng thư-sinh mặt trắng lúc nào cũng “ở rút” trong “phòng” bởi tự ti mặc cảm, nỗi hổ-ngươi vì hoàn-cảnh hàn-vi cũa mình, nhưng Lê biết rằng, qua ánh mắt, họ thương hại mình nhưng không khinh khi. Chỉ thời-gian rất ngắn sau đó bà con đã tỏ ra thật thân-thiện, chuyện trò thăm hỏi và sẳn-sàng giúp-đở Lê những gì cần giúp. Sư đón tiếp nồng ấm của xóm nghèo đã cho bạn thật nhiều an-ủi, nhiều sức mạnh hơn nữa để quyết-tâm học-hành thành-công.
Có cần phải viết ra đây những bửa cơm hẩm qua ngày của Lê không? Gạo, củi, muối, nước mắm người đở đầu cho kèm thêm hai mươi đồng bạc thời đó mà một tờ báo bán-tuần-san có tiểu-thuyết Châu Về Hiệp Phố (có hai nhân-vật chánh là Hoàng Ngọc Ẩn, Lệ Thuỷ) của tác-giả Phú Đức thời đó đã là ba đồng thì một cái hột vịt là thức ăn tiêu-chuẩn với cơm cho một ngày của Lê. Dù vậy người học-trò nghèo này vẫn cảm thấy thật may-mắn, hạnh-phúc, thầm nghĩ người cha vắng số đã phù-hộ để có những người tốt bụng hổ-trợ con đường học-vấn của mình.
Thời-gian sau, có Dì Hai trong xóm với căn nhà lá nhỏ , buôn bán cá tép dưới chợ tỉnh để độ nhật, gia-đình nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân-ái, kêu bạn đến ở với Dì. Dì nói:”Có gì ăn nấy với Dì, chớ cháu ở cái nhà trọ này mãi xem tội quá!” Dì cho Lê tình thương như con / cháu ruột thịt. Từ đó Lê càng cố-gắng học thật tốt hơn nữa và kết-quả kỳ thi bằng Trung-Học Đệ-Nhất-Cấp (cuối niên-học lớp Đệ tứ hay lớp chín) đã đạt được thứ hạng cao.
Đến đây, người thân đở đầu cũng có vẻ không muốn Lê học tiếp-tục nữa nhưng thời điểm này làm sao mà bạn bỏ cuộc được. Dầu sao thì tình-thế hiện-tại vẫn thuận-tiện cho Lê kiên-trì tiến bước lên hơn dạo trước.
Vẫn ở nhà Dì Hai cho hết niên-khóa lớp Đệ Tam (Lớp mười), Dì Hai quyết-định dọn nhà về quê nên bán căn nhà nhỏ cho gia-đình kế bên với điều-kiện là vẫn để cho Lê ở tiếp-tục cho đến khi tốt-nghiệp Tú-tài. Lê thường tâm-sự chuyện này với đôi mắt lưng tròng: “Sao mà có người tốt bụng giúp mình tận tình vô vị lợi như vậy!”
Quới-nhân xóm nghèo này thật nhiều! Không lâu sau đó Lê được Cô Dượng Năm chủ đất khu này, nơi mà Cô Dượng đã quãng-đại cho cả chục gia-đình từ trong các làng quê trốn chạy chiến-tranh thời Pháp thuộc cất nhà trú-ngụ, kêu Lê lên nhà Cô Dượng ở. Cô Dượng đã đối xử với bạn như người thân, các con của Cô dượng xem Lê như người anh cả trong nhà.
Sau này khi đã ra đời rồi Lê vẫn xem nơi đây là nhà, luôn nhớ về và viếng thăm khi có dịp. Mối thâm tình đó đã trở thành ruột thịt tự bao giờ và kéo dài cho đến ngày nay.
Sau hơn nửa thế-kỷ vật đổi sao đời, người xưa dần biến mất, cảnh cũ đổi thay, nhưng xóm nghèo này đã là nơi chốn thân thương của Lê kể từ ngày bạn bước chân vào cơ ngơi làm ăn của Ông Năm Lò Rèn hiền-lành tốt bụng mà mỗi lần nhớ đến thì người và cảnh vật vẫn còn nằm im trong góc tim của Lê vội-vàng trỗi dậy.

A.
August 5, 2011
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.02.2014 06:50:28 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 22.10.2012 19:15:47


HỢP TAN


Gặp gở.


Căn nhà nhỏ của chị Hải kế bên bến nước của một xóm nghèo, với vài chục gia-đình tản-cư từ quê lên, ở ven tỉnh-lỵ bên giòng Cửu-Long. Hầu như ngày nào bà con trong xóm đều gặp chị Hải không sáng thì chiều vì phải xuống bến sông gánh nước, tắm giặt….hoặc mang củi, cây trái ….mua từ những xuồng ghe đem lên nhà.
Thọ, trọ học ở đây, cũng không ngoại-lệ, cứ chiều xuống là mang xà-bông, khăn, áo …đi tắm. Mỗi lần như vậy nếu gặp nhau là họ trao đổi nụ cười và câu nói Thọ thường nhận từ chị Hải là: “ Cậu đi tắm …hả?” Một câu nói thừa-thải nhưng bửa nào mà chị không nói thì chàng lại phân-vân: “ Bộ chị ấy giận mình sao …cà !”.
Chị là thợ may, hằng ngày khách khứa vô ra để đặt may hoặc lấy quần áo được làm xong. Khách-hàng thường là phụ-nữ, già có trẻ có, Thọ cũng chẳng quan-tâm cho lắm.
Hè năm ấy Thọ không về nhà vì phải theo học thêm khoá hè để chuẩn-bị cho niên-khoá tới được tốt hơn
Như thường-lệ Thọ cùng vài bạn sau khi đá banh xuống bến sông bơi lội, đùa giởn với sóng nước cho buổi tắm mỗi chiều. Hôm nay, họ tắm lâu hơn mọi hôm, đùa giởn ồn ào hơn, trỗ tài bơi lội náo-nhiệt hơn vì lẽ phiá sau nhà chị Hải hướng ra sông thỉnh-thoảng thấp-thoáng hai bóng hồng lạ tha-thướt ra vào…
Chiều xuống thấp, đêm về!
Buổi tối Thọ thường đọc sách, làm toán, học bài…Hôm nay, không hiểu sao lòng bồn-chồn không học-hành được mà một thắc-mắc trổi dậy trong lòng…Thọ đi lên đi xuống bến sông, mắt liếc vào nhà chị Hải, một hành-động bất-thường. Đến đêm thì thao-thức, vật lộn với những câu hỏi lởn-vởn trong đầu: “ Họ là ai nhỉ?”, họ là hai cô gái lạ xuất-hiện hôm qua ở nhà chị Hải. Như có gì thôi-thúc trong lòng, chàng tự bảo mình phải tìm cho ra tông-tích.
Vốn là học-sinh nghèo từ quê lên tỉnh nên Thọ chăm-chỉ học-hành cho tốt để vừa lòng gia-đình, xứng-đáng với những lời khen tặng “học-trò khó siêng-năng” của bà con thân thương của xóm nghèo này ban tặng. Dù đến tuổi mơ mộng tình-ái thường tình của thanh-niên lớn lên, Thọ luôn tự nghĩ rằng mình sẽ chẳng có cô nào chiếu-cố vì ăn mặc đơn-sơ với quần áo cũ mèm, ngày lễ nam-sinh mặc lễ phục quần tây/áo sơ-mi trắng còn nhóm học-sinh nghèo như Thọ thì vận bộ bà ba trắng đứng riêng một góc sân trường, vì tự-ti mặc-cảm nên không ăn nói chửng-chạc, văn-vẻ như bạn bè mà trái lại ngâp ngừng, nhút-nhát, e-thẹn…Thế mà bây giờ Thọ nhất thời thay đổi thái-độ, bạo-dạn lân-la đến nhà chị Hải hôm sau để làm quen hai cô em họ của chị từ Sài-Gòn về đây nghỉ hè.
Là thị-dân, sinh ra và lớn lên ở Sài-Gòn, đã hun-đúc cho hai cô lối sống dạn-dĩ, cởi-mở, hoạt-bác, vui-vẻ …Đặc-biệt họ rất thân-tình, không khách-sáo, kệch-cỡm. Những ưu-điểm ấy đã thúc đẩy Thọ thích được kết thân với họ. Thọ có linh-tính hình như chị Hải đã nhúng tay vào sắp xếp chuyện này cho những người trẻ tuổi này có dịp gặp-gỡ để kết thân nhau vì vào lúc gỏ cửa nhà chị để làm quen, Thọ thấy họ chụm lại nói nhỏ với nhau và cười khúc-khích ngó về phía chàng. Nhận-xét ấy không sai bởi sau này khi đã thân quen, chị thú-thật vì mến Thọ nghèo mà hiền-hậu, chăm-chỉ, học-hành giỏi, đứng-đắn nên muốn giới-thiệu với mấy cô em họ, biết đâu…có mối duyên lành?!

***


Những ngày hè trôi qua nhanh. Những kỷ-niệm nho nhỏ nhen nhúm khởi đầu cho tình bạn được hình thành trong lòng mỗi người; người ở lại xóm mhỏ nghèo-nàn và những người trở về thủ-đô phồn-hoa nhộn-nhịp với hẹn ước sẽ gặp lại nhau trong mùa tựu trường.
Thọ thầm so-sánh hai chị em Ngọc và Huyền, hai cô em họ của chị Hải. Cả hai sắc vóc bình-thường nhưng có những nét ngầm thanh-lịch. Cô chị Ngọc tánh tình điềm-đạm, mĩm cười nhiều hơn nói. Cô em Huyền thì liếng-thoáng, líu-lo như chim sơn ca, hoạt-bát, cười nói liền miệng dễ gây chú-ý và cảm-tình với những người tiếp chuyện và chính điều này tình-cảm của Thọ đã nghiêng về Huyền; nàng đang học tại một trong hai trường nữ công-lập nỗi tiếng miền Nam trước 1975 tại thủ-đô Sài-Gòn.
Không hẳn “thảm thương” như hai câu thơ :

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Hàn Mặc Tử


Nhưng gần gần như vậy, Thọ ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt ngày không làm gì được. Chàng mong mau đến ngày tựu trường để có dịp đến thăm hai cô bạn mới. Những buổi chiều đi tắm chàng vẫn thường liếc mắt nhìn lên nhà chị Hải dù biết rằng họ không còn ở đó. Đôi lúc trò chuyện với chị Hải, chàng tìm cách nói khéo để dò hỏi xem cảm nghĩ của Ngọc và Huyền đối với mình ra sao. Hình như nhìn thấu “tim đen” của chàng nên chị trả lời ởm ờ “Tôi cũng không được rõ nhưng….”, chị dừng lại mĩm cười để chàng chờ đợi đôi giây rồi nheo mắt: “ chắc…họ có thể cũng như cậu vậy”. Nghe thế lòng chàng phấn-khởi lên và càng háo-hức tưởng-tượng những tình-tiết lãng-mạn có thể xãy ra trong lần gặp lại sắp đến.

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Nguyễn Du


Tối hôm nay trăng rằm rực-rỡ trên bầu trời không mây, gió thổi nhè nhẹ mang hơi nước từ giòng sông Cửu mơn-man mặt chàng, ngồi bên này bờ sông nhìn sang bên kia bờ hướng Bắc cũng là hướng của Kinh-đô ánh sáng – thành-phố của người con gái vừa gặp-gỡ mà đã cho chàng thật nhiều mơ ước, chàng tự hỏi : “Giờ này em đang làm gì và có nghĩ đến anh như anh đang nhớ em không?

Tìm Thăm


Mùa tựu trường đến là nỗi mừng vui không cùng của Thọ. Chàng khăn gói trở lại Sài Gòn. Sắp xếp mọi việc sẳn-sàng cho việc học xong , chàng vội-vã trong nôn nóng tìm đến địa-chỉ nhà Ngọc và Huyền. Vốn nhà nghèo (thế mà nay lại.. đèo bồng?) nên mọi di-chuyển chàng thường dùng xe đạp, vừa tiết-kiệm, vừa thể-dục lại dể tìm kiếm địa-chỉ lần đầu. Cũng không khó-khăn lắm cuối cùng chàng đã đến trước cửa nhà hai chị em.
Trong ngỏ hẻm của một khu trung-lưu, qua vài lần đổi hướng, một căn nhà đơn-sơ với gát lửng, không sân sau, một khoảng sân trước nho nhỏ có hàng rào cây đủ để …ngăn người lương-thiện, chừng tỏ chủ-nhân của căn nhà là giới trung lưu.
Ba của Ngọc và Huyền là công-chức làm việc ở trung-tâm Sài-Gòn, sáng vác ô đi chiều vác về trên một chiếc xe gắn máy cở nhỏ gọi là Mobylette. Với dáng người nhỏ-nhắn, lịch-sự vừa đủ nên ông có vẻ hơi nghiêm-khắc. Lần đầu chào kẻ lạ như chàng, nhất là đưọc giới-thiệu là người bạn mới của con gái của mình, ông bắt tay lỏng lẻo, cười nửa miệng nói lời xã-giao: “Ở nhà chơi nhe, tôi phải đi làm!”. Dù thế chàng cảm thấy quá đủ, tự tin thầm nghĩ “ông già này” cũng dễ thương và chắc đã có chút cảm-tình với mình.
Mẹ của hai chị em chỉ là phụ-nữ nội-trợ chăm lo cho gia-đình, vui khi có bạn bè của con đến chơi nhất là bạn của con gái vừa mới lớn trong nhà. Bà khoảng trên năm mươi, dáng người trung-bình, trắng-trẻo, vui-vẻ luôn có nụ cười trên môi; lúc còn trẻ chắc bà là một phụ-nữ đẹp. Bà kêu con gái làm nưóc đá chanh đải khách . Ngày nắng Sài Gòn, còng lưng đạp xe vài cây số mà được mời một ly nước “chua lạnh ngọt” như thế thì còn gì bằng, nhất là được người bạn gái mới quen mình ái-mộ mời.
Ngọc và Huyền còn hai em trai và hai em gái; chúng tò mò nhìn người bạn mới của hai chị với mắt cười chào mừng. Một tín-hiệu tốt cho Thọ.
Đây là lần đầu trong đời chàng đánh liều làm điều mà trước kia chàng không bao giờ dám nghĩ tới. Có lẽ đã đến lúc tình-yêu cuả trai gái lớn lên đã chín mùi trong chàng đã khiến chàng can-đảm như thế. Không tránh khỏi sự bỡ-ngỡ phài có của người con trai với mặc-cảm nghèo khó vô-tình đã tạo sự nhút-nhát, ngượng-ngùng bấy lâu thành thói quen; do đó Thọ thiếu kinh-nghiệm trong giao-tiếp với người khác phái. Trong trường-hợp này… mặt yếu lại trở thành mặt mạnh, Ngọc và Huyền tin-tưởng chàng là người tốt.
Giống như một ngẫu-nhiên nhưng được hình thành từ những sự kiện khách-quan lẫn chủ quan là Ngọc vô-hình-chung xem mình là vai chị đối với chàng thể-hiện qua vài cử-chỉ và lời nói. Điều ấy chàng và Huyền vui mừng chấp- nhận và thầm cám-ơn sự tế-nhị của Ngọc.
Sau những phút giây bỡ-ngỡ ban đầu, những câu nói vụng-về lẫn bâng-quơ dần dần dẫn đến rộn-rã vui cười của tuổi trẻ vốn dễ nhanh chóng hình-thành.
Thọ thầm nghĩ nửa giờ viếng thăm lần đầu tiến-triển tốt đẹp như vậy chắc vừa đủ nên viện cớ về để lo cho việc nhập học, chàng chào tạm biệt mọi người và xin phép có dịp sẽ thường đến viếng thăm. Được lời mời chàng trở lại bất-cứ lúc nào là đóa hoa đẹp nở rộ trong lòng chàng hôm ấy.

Hạnh-Phúc


Các chị em của Huyền và Ngọc đã trở lại trường hai tuần rồi cũng như Thọ.
Trường của Huyền và nhà trọ của Thọ tình-cờ nằm cùng trên một con đường, đầu đường thuộc quận Một và cuối đường ở quận Ba. “Em đầu sông, anh cuối sông”! Xưa chàng có bao giờ để ý đến sự liên-hệ này đâu, nay lại thường nghĩ về và thấy thương làm sao những vật vô-tri này, chúng như có phép mầu làm cho tâm-hồn chàng lâng lâng hạnh-phúc.
Ngày xưa muốn nói gì với ai thì chờ hoặc tạo ra dịp mặt đối mặt chớ đâu may mắn như bây giờ có đủ cách liên-lạc bất cứ lúc nào. Chàng muốn ngay bây giờ đạp xe đến thăm Huyền cho thoả sự chờ mong nhưng vì ngại mới có thời-gian ngắn mà đã vội-vàng người ta cười cho. Chàng tự nhủ lòng hãy ráng đợi thêm một tuần nữa vậy. Khi chiều xuống, lúc rảnh rang Thọ đạp xe từ cuối đường đến đầu đường, đi ngang ngôi trường kín cổng cao tường nhìn vào tưởng như thấy nàng trong ấy cho đở nhớ.
Như dự-định, trong một buổi viếng thăm, chàng đã mạnh dạn ngõ lời mời Ngọc, Huyền và các em vào thứ bảy tới cùng nhau đi dạo chợ Sài Gòn và nhân tiện chàng sẽ đải một chầu kem để mừng …sự hình thành một tình bạn mới. Mở lời thật khó-khăn vì đây là lần đầu tiên trong đời…May mắn là đối tượng vui-vẻ nhận lời và chàng rất vui-vẻ…huýt sáo trên đường về nhà trọ.
Kể từ ngày thứ bảy ấy, những vĩa hè của đường Tự-Do, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn….đã đón nhận thêm những bước chân của những người trẻ tuổi ở tuổi mộng mơ bát phố hầu như mỗi cuối tuần; Thảo Cầm Viên, bến Bạch-Đằng là nơi của những buổi pinic vui chơi quên cả giờ về.
Theo thời-gian tình bạn thân-mật hơn cho nên những buổi xem xi-nê được hình thành một cách tự-nhiên. Những rạp chiếu phim như Eden, Rex, Hưng Đạo, Casino...lần lượt đón chào nhóm bạn hửu nửa tá thành-viên đến viếng. Không ai bảo ai như vô tình nhưng thật ra là cố ý chấp nhận cho mối liên hệ thân mật giữa Thọ và Huyền từ từ hình thành cho nên vào rạp thì hai người luôn được sắp xếp ngồi bên nhau.
Đến một lúc nào đó mọi người trong gia-đình Huyền cũng như bè bạn của họ đã phải khen Thọ và Huyền là một cặp xứng lứa vừa đôi. Dù vậy nhưng họ luôn gìn giữ gìn tình-yêu thật trong sáng chỉ với những cái nhìn âu-yếm, những lần nắm tay nhau dạo phố, quá lắm là những nụ hôn phớt má bất chợt của Thọ tặng Huyền mà thôi.
Rồi có những buổi tối trễ tràng sau những giờ học bài mỏi mệt, chợt nhớ em da diết. Cầm lòng không được, Thọ đã đạp xe cọc cạch dưới ánh đèn đêm vượt đường xa đếm thăm Huyền dù biết rằng khi đến nơi có thể người yêu đã vào giấc ngủ. Như thể có “thần-giao cách-cảm” cho nên khi đến nơi, đứng ngoài hàng rào thì chàng đã thấy Huyền trên balcon như chờ đợi. Những bàn tay gởi nụ hôn gió trao nhau cũng đủ thoả lòng của hai kẻ đang yêu tha-thiết. Đã khuya và cũng đã đạt được ý mình mong muốn là chỉ cần như vậy là thỏa dạ Thọ huýt sáo đạp xe trở về.
Cũng có những tuần miệt mài học ôn bài vở để thi lục-cá-nguyệt nên họ phải gát lại những buổi đi dạo phố thường lệ. Dù thiếu vắng những liếc mắt thiết-tha, những nụ cười rộn rã, những bước chân chim của người yêu bên cạnh, Thọ cũng đành chịu. Huyền chắc chắn cũng cùng tâm-trạng nhưng vì là nữ giới, kềm lòng chẳng được nên một chiều thứ bảy nọ chị em của Huyền đã đến nhà trọ của Thọ để viếng thăm. Thôi thì tạm gát lại bài vở đôi giờ để cùng nhau ra phố.
Biết bao kỷ-niệm sâu đậm của mối tình đầu tiên Thọ đã trân-trọng ghi khắc vào lòng. Chàng tự nhủ lòng phải cố-gắng học-hành để đổ đạt ra trường có một nghề bảo-đảm cho tương-lai thì khi đó Huyền sẽ là người cùng chàng đi suốt đường đời. Chàng luôn luôn cố giử mối tình thật trong sạch để tôn-vinh tình-yêu lứa đôi; đó cũng là, theo quan-niệm của Thọ, sự tương kính của lứa đôi làm nền tảng cho tình-yêu lâu dài.
Những lần được dịp đi chơi riêng lẻ, những buổi che dù đi dưới mưa…hai đứa đã từng thỏ thẻ tâm-sự như vậy và siết chặt tay nhau như lời thề thủy-chung.

Duyên Phận.

Nhớ vào những ngày lễ dài hạn Thọ thường ở chơi với gia-đình Huyền suốt ngày như người thân trong nhà. Thậm chí có những lúc Thọ ở lại nhà của Huyền qua đêm. Kể từ khi quen nhau đến sau này hai người luôn luôn giữ một khoảng cách cần-thiết để bảo-đảm tình-yêu của họ thật trong sạch cho nên dù đôi khi Thọ ở chơi qua đêm, hai đứa không bao giờ bị gia-đình phàn-nàn bất cứ chuyện gì mờ ám nào cả. Thọ quan-niệm phải giữ-gìn sự quan-hệ của hai đứa trong vòng lễ giáo cho đến ngày thành-hôn.
Thọ dành thời-gian rảnh rỗi của thời-khoá-biểu sinh-hoạt trong tuần để hẹn gặp với nhau ở một điểm nhất-định, gặp dù chỉ nhìn nhau nói đôi lời hoặc khi thuận-tiện cùng ngồi với nhau bên ly kem cũng đã thấy tình-yêu lên ngôi.
Mọi chuyện ở đời đều thay đổi theo thời-gian: hướng phải hay trái, tích-cực hoặc tiêu-cực. Chuyện tình-yêu của Thọ và Huyền cũng không ngoại lệ.
Chợt có những thất hẹn. Lời giải-thích: Sau giờ học em bận phải học thêm khóa học ở một nhà máy dệt nào đó bên Khánh-Hội thuộc quận Tư. Những tìm hiểu cho biết: Hình như một điều gì đó không ổn cho tình-yêu của hai người xuất-hiện. Một kỷ-sư Hoá-học ở nhà máy Khánh-Hội muốn giúp Huyền một nghề! Có lúc nàng lánh mặt…
Đã không vào yêu thì thôi chớ khi vướng phải thì sự chao đảo dù nho nhỏ của cuộc tình cũng làm buồn bã ít nhiều.
May sao chuyện học nghề rồi cũng chẳng đến đâu vì một lý-do nào đó mà Thọ cũng không cần tìm hiểu chỉ biết cảm-ơn hoàn-cảnh đã trả người yêu của mình trở về vị-trí cũ.
Những buổi dạo phố cuối tuần tiếp-tục cách bình thường đã cho nhau lại những phút giây lãng-mạn, hạnh-phúc.
Để ghi dấu những kỷ-niệm lang thang trên từng góc phố Sài-Gòn, Thọ muốn có một vài tấm ảnh thì luôn luôn bị Huyền khéo léo thối thoát. Một thoáng suy-nghĩ về thái-độ này của người yêu nhưng chàng nhanh chóng biện-hộ cho nàng vì …nàng sống trong sự giáo-dục đạo-đức xưa cũ giữ-gìn này nọ nhưng sau này thì Thọ hiểu rõ đó là cách tính toán lo xa của Huyền.
Bảo lục miền Trung trầm-trọng xảy ra cho bao gia-đình lâm cảnh màn trời chiếu đất cần sự hổ-trợ của mọi người trong nước. Sài-Gòn, thủ-đô của miền Nam Việt-Nam cũng góp phần “Lá lành đùm lá rách”. Chiến-dịch quyên góp quy-mô được hình thành để đi lạc-quyên khắp thành-phố. Lực-lượng học-sinh sinh-viên được huy-động một cách chính-quy. Những tổ học-sinh do một sinh-viên hướng-dẩn được thành-lập để lao vào chiến-dịch. Thọ và Huyền cũng lăn xả vào công-tác với tất cả tình-yêu đồng-bào bừng cháy trong tim.
Sau chuyến công-tác này Huyền bắt đầu thân quen với anh chỉ huy của tổ lạc-quyên, là một sinh-viên y-khoa sắp ra trường. Một bàn cân được thiết-lập trong gia-đình của Huyền và họ đã đánh giá là tương-lai của anh sinh-viên này sẽ sáng sủa hơn của Thọ; kẻ mà chỉ là một giáo-sư trung-học tầm-thường. Và sự kết-luận đó đã là kim chỉ nam của một kế-hoạch giã-từ. Những nhạt-nhoà bắt đầu xuất-hiện vào những ngày Thọ đến thăm người yêu. Cánh cổng vào nhà trước kia em út của Huyền tranh nhau mở mỗi khi chàng đến… bây giờ hai đứa ngó nhau chờ lịnh, cửa vẫn im lìm để Thọ đứng đợi khá lâu. Thậm-chí đôi khi chàng cảm thấy lố-bịch, tủi lòng lẫn chút xấu-hổ đến độ muốn bỏ đi nhưng vì thương Huyền nên cố-gắng kiên-nhẫn đợi.
Lần đầu quen Huyền tại một tỉnh lẻ vào mùa hè năm chàng đậu Tú-Tài 2 và niên-khóa kế là chàng vào Đại-Học tại Sài-Gòn. Bốn năm trôi qua chàng ra trường, rời thành-phố đến một nhiệm-sở xa xôi. Một năm vì nghề-nghiệp phải cách trở người yêu. Chàng đang rơi vào trạng-thái bất an lo-lắng cho mối tình đầu hình như đã mỏng-manh.
Có lần để xác-định rõ thái-độ của Huyền, chàng hỏi:
-Em nghĩ sao nếu anh đưa mẹ đến xin cưới em?
Huyền lơ đảng trả lời:
-Tùy ba mẹ em quyết-định….hay là anh xin cưới chị của em đi!
Những chữ cuối cùng là chén nước lạnh tạt mạnh vào mặt Thọ. Huyền đã đánh-giá chàng quá thấp, thiếu sự tương-kính. Sự kiên-trì mong cứu vãn tình-yêu của Thọ đã đến một giới-hạn mà tự-ái của người con trai có thể chịu đựng. Thọ tự nhủ: trên bầu trời xanh bao la còn có biết bao nhiêu vì sao lấp lánh cớ gì phải nhập nhàng với một kẻ quay lưng. Buồn-bã một chút phải có vì chàng cũng là con người bình-thường nhưng nghĩ ra rằng đó là một may-mắn cho chàng khi đáp số được giải tìm sớm sủa.
Chàng biết mình phải làm sao rồi! Sự cay đắng bất chợt khiến chàng bất động. Cuối cùng chàng nhìn thẳng vào mắt Huyền không nháy mắt như soi rọi quả tim của Huyền xem coi cấu-tạo bởi chất-liệu gì mà tàn-nhẫn với chàng đến vậy. Một phút trôi qua trong sự im lặng của hai người, chàng nhẹ-nhàng:
-Thôi anh về đây!
Thọ tự mình mở cổng, lắc nhè nhẹ cánh cổng tựa nói lời từ-giả với nó rồi từ từ đóng lại. Tình-yêu này rồi sẽ phải khép lại như thế sao?
Thọ không đến nhà của Huyền khá lâu cho đến một hôm…Hôm ấy khi chàng đứng trước cổng thì ngay tức thì Huyền ríu rít chào mừng, tự tay chạy ra mở cửa cho chàng, thân-mật mời ngồi rồi chạy đi làm ly nước đá chanh giải khát, ly nước ngọt-ngào nhắc chàng nhớ lại lần đầu tiên đến đây cũng chính tay Huyền làm và mời. Trước sự việc như vậy lòng chàng nhất thời xúc-động thầm nghĩ: “ Ồ! Bộ em …suy nghĩ lại rồi sao?” nhưng tức khắc chàng đã hiểu ngay tại sao Huyền có thái-độ nồng ấm này. Giải đáp có tức thời khi mà không lâu sau đó Huyền ngõ lời nhờ chàng xem điểm thi Tú-tài 2 của Huyền ra sao?
Lúc bấy giờ Thọ đang làm giám-khảo kỳ thi Tú-tài 2 năm ấy, năm Huyền dự thi. Có lẽ chàng cảm thấy thoải-mái hơn nếu Huyền biết kiên-nhẫn chờ đến khi chàng tự báo tin. Chàng bình-thản và có phần lạnh nhạt:
-Hôm nay anh đến đây cũng vì chuyện này. Em đã đậu rồi. Chúc mừng em!
Nàng mừng-rỡ và cám-ơn chàng.
Thôi thì thông-cảm cho Huyền! Nghĩ cần làm cho hết vai-trò cho phải phép, chàng ngồi nán lại tiếp tục chuyện trò .
Trong câu chuyện, Thọ hiểu thêm rằng bà nội của Huyền có lúc bị bệnh, nằm nhà thương và được sinh-viên y-khoa mà Huyền quen biết dạo trước săn-sóc giúp-đở tận-tình. Gia-đình và kể cả Huyền vô-cùng biết ơn.Anh ấy cũng đã thường đến đây chơi như chàng dạo trước.
Đã rõ lắm rồi ! Tuy-nhiên Thọ, dù sao cũng xem như là bạn thân của nhau, bèn ngõ lời mời Huyền và các chị em đi chợ Sài-Gòn dạo phố và…nhân đó đãi kem mừng Huyền thi đậu. Sau một lúc như đắn-đo suy-nghĩ, Huyền từ-chối nói rằng vì…dạo này ba mẹ khó-khăn nên không thể nhận lời. Thọ đành xuôi theo dòng:
-Đi không được cũng chẳng sao cả….Cám-ơn em.
Chàng lơ-đảng hướng mắt ra khung cửa sổ nhìn bầu trời mùa hè xanh thăm thẳm, không một áng mây mà sao trong đầu chàng hình như có chút mây xám đang lững-lờ trôi. Dầu không ai nói ra lời chia tay nhưng những diễn-tiến đã xãy ra giữa hai người mặc-nhiên phải hiểu rằng bây giờ chỉ còn là tình bạn, lại là một tình bạn nhạt nhòa. Dù đã thế nhưng Huyền nỡ lòng nào đối xử nghiệt-ngã với chàng như vậy? Đành thôi!
Thọ cố-gắng ngồi lại đôi mươi phút nữa, cố tiếp-tục trò chuyện, giử nét mặt bình-thản dù thật ra trong lòng nổi sóng.
Nhưng kịp trước khi Thọ ngõ lời ra về thì Huyền lại nhận lời; có lẽ nàng suy-nghĩ lại dù sao cũng cần tỏ vẻ biết điều một chút: cám-ơn chàng đã giúp đở xem điểm thì mới phải phép.
Đã trễ rồi! Bị hụt-hẫng từ đầu và do đó tự-nhiên thấy thờ-ơ trong chuyện hẹn-hò này, chàng nhỏ nhẹ trả lời bằng hai chữ cám-ơn gọn nhẹ không xác-nhận sẽ chấp-nhận buổi hẹn hay không.
Chàng đã đọc đâu đó những dòng thơ:

Em lạnh nhạt lúc chân anh quay gót
Có buồn không? Khi lòng tự hỏi lòng
Buồn bã đó nhưng tim sao hờ hững
Có gì đâu đời vốn chuyện hư không!


Vâng! Đời người đúng là hư không! Với “sinh lão bệnh tử”, sống đời nghèo khổ hay sung-sướng, vô-phúc hay hạnh-phúc, bình-dị hay danh-vọng, bị áp-bức hay uy-quyền….., từ người dân khố rách áo ôm cho đến vua chúa như Tần Thủy Hoàng rồi cũng sẽ đi đến “một mẫu số chung” là số không mà thôi.
Như vậy thì Thọ ơi! Xá vì một mối tình gái trai cỏn con này mà phải quỵ lụy, khổ sầu? Trời cao đất rộng người đông, sao hằng hà, biển sông khắp chốn, ngàn hoa đua nở ngoài kia…mi hãy vui ngắm sao trời lấp lánh, những cánh hoa thơm, những đóa hoa dại mộc-mạc, rong bước sông hồ, …hãy làm tròn thiên-chức của mình trên con đường mà mi đã chọn, chả lẻ không ý-nghĩa và hạnh-phúc hơn sao?
Chàng chào mọi người ra về mà trong lòng thầm nghĩ là từ-biệt, không ai đưa ra cửa, tự mở rào rồi nhẹ-nhàng khép lại, nhịp bước rời ngõ hẻm ra con đường lớn thênh-thang, thông-thống, sáng đèn hướng về trung-tâm thành-phố.
Thành-phố đã lên đèn. Chàng muốn đi lang-thang để cho sự cô-đơn lên ngôi khi bước chân chàng tự-nhiên dẫn chàng vào lối cũ nơi mà thuở nào chàng và Huyền nắm tay truyền hơi ấm cho nhau trong những tối hẹn hò.

Nhịp bước cô-đơn để buồn trầm lắng
Hàng me đêm đứng im-ắng gục đầu
Cùng bóng mình sóng đôi trên đường vắng
Tự hỏi bao giờ vợi bớt niềm đau?


Chàng chợt dừng lại lề đường trước một bà lão bán thuốc lá, mua một điếu lẻ, que diêm loè lên, hít nhẹ một hơi, ngụm khói bay quanh mặt chàng…Một cảm-giác lạ bắt gặp vì là lần đầu hút thuốc, chàng nâng-niu, vo-ve điếu thuốc và tiếp-tục bước đi….
Đến ngày giờ hẹn, chàng không đến và cũng không rõ Huyền có đến hay không nữa: tất-cả chẳng còn quan-trọng với chàng!
Thôi xem như lỗi của mình vì Thọ đã không đủ tiêu-chuẩn để lo tương-lai cho người hôn phối dưới mắt của Huyền và gia-đình Huyền, thì sự lỗi hẹn này chàng xin chọn để chấm dứt hẳn câu chuyện ước mơ cuộc sống lứa đôi của hai người mà chàng đã đặt rất nhiều kỳ-vọng. Và hơn hết sự kính-trọng giữa hai người yêu nhau đã mất thì thử hỏi chuyện vợ chồng sẽ về đâu?




A.
Octber, 2012
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.03.2014 00:48:50 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 12.11.2012 23:36:24
Tuyết Đầu Mùa


Định cư tại vùng đất này khá lâu tôi có bao giờ để ý tới những trận tuyết đầu mùa đâu.
Nói gì lần đầu tiên gặp tuyết lúc mới định cư tại Hoa Kỳ coi như đã mờ mịt trong ký ức. Lúc đó bở ngở với mọi thứ cho đời sống của một gia đình nơi xứ lạ, ngôn ngữ bất đồng, không tiền bạc, không nghề nghiệp phù hợp với xã hội mới …thì tâm trí đâu để ý đến chuyện tuyết rơi.
Lăn xả vào cuộc sống với hai bàn tay trắng thì tuyết là một trở ngại đáng ghét khi Đông về. Lạnh rét, trơn trợt, càng nguy hiểm hơn khi trở thành nước đá nếu nhiệt độ hạ xuống thấp thì màu tuyết trắng…là màu tượng trưng cho sợ hải..
Phải dọn tuyết cho con đường vào nhà, tuyết rơi ít thì việc này là việc nhỏ nhưng nếu tuyết nhiều hoặc thường xuyên thì cũng …làm đau lưng lắm. Người địa phương nếu có tiền thì họ mua máy thổi tuyết hoặc mướn người cào còn như mình, dân tha phương cầu thực, đã sống và lớn lên tại đất nước nghèo khổ thì chịu khó tự lo toan để tiết kiệm thêm ít tiền mua gạo. Những lần cầm xẻng xúc tuyết … ném tuyết đi đôi khi cũng cho tôi những hoài niệm về quê nhà dấu ái. Vốn xuất thân từ giai cấp bần cố nông, đào rãnh vét mương, đấp bờ ngăn nước…là chuyện thường ngày; rồi những lần lao động xã hội chủ nghĩa đào kinh thủy lợi, đắp đê nuôi tôm xuất khẩu năm nào thì chuyện xúc tuyết chỉ là chuyện đi dạo chơi ngắm cảnh mà thôi. Đôi phút nhớ về như thế cũng đã làm chùn dạ kẻ xa quê hương. Thiển nghĩ dù có nhọc nhằn nhưng đôi bàn chân dẫm lên đất mẹ, đôi tay chay cứng nắm cái xẻng cán bằng cây lưởi thép rèn từ lò rèn thủ công, đầu đội trời xanh thăm thẳm, nắng chang chang, mũi thở mùi đất…nồng mùi rạ mục, mắt nhìn quanh thấy bà con tóc đen, mũi tẹt nói …tiếng độc âm thì tâm tư ấm áp vô cùng. Điều này nói ra nếu có là cường điệu đi chăng nữa nhưng nó là sự thật đã nằm sâu kín trong góc tim khi xa quê cha đất tổ.
Những bở ngở ban đầu nơi xứ lạ rồi cũng qua đi. Nhập giang tùy khúc nhập gia tùy tục, bụng đói thì tay phải làm…để hàm nhai nghĩa là phải hội nhập. Một trong những cái hội nhập phải biết lái xe và phải mua xe, dù mới dù cũ; mua xe để làm phương tiện di chuyển chứ không phải để…làm của, khoe sang. Lần lái xe đầu tiên, cái gì đầu tiên cũng…run, thực tập để thi lấy bằng lái, lần đầu tiên đưa vợ đi chợ đi làm, đưa con đi học, lần đầu tiên lên xa lộ xe cộ như mắc cưởi chạy vùn vụt …đều run! Khỏi nói lần đầu tiên lái xe khi đường có tuyết còn run gắp nhiều lần, xe nó lạn qua lại, thắng thì xe quay đầu hoặc cứ …trườn tới mãi! Riết rồi cũng quen: ngày qua ngày kinh nghiệm tích lũy cho việc lái xe trong tuyết nên bớt sợ hãi nhưng luôn luôn phải cẩn trọng.
Nhớ có lần lái trên đường tuyết đổ bằng chiếc xe con “front wheel drive” (tạm dịch là loại hai bánh trước phát động; loại này khá hơn loại hai bánh sau phát động, và thua loại bốn bánh phát động khi đi trong tuyết) lái một cách khép nép, từ tốn, chậm rãi sát lề thì có chiết xe Jeep “four wheel drive” (bốn bánh phát động) chạy vù qua mặt, vừa qua mặt một đổi thì chiếc xe ấy quay như bông vụ; có lẽ do tài xế thắng gấp thì phải.
Có lúc đi làm “ca” hai,tôi luôn về khuya. Một hôm dưới một trận bảo tuyết giửa đêm, tám hướng tuyết trắng xoá, phải lái xe như rùa bò theo sự đoán mò phương hướng của con đường về nhà. Theo cách này xe bị leo lề đường …dễ xảy ra như chơi. Căng mắt lên để lái xe, miệng niệm “Di Đà” và trời lạnh thế mà thân thể đẫm ướt mồ hôi.
Tuy nhiên, thuở ấy còn…phong độ nên nàng tuyết hành hạ cở nào cũng không có ngán.
Những năm gần đây khi vào tuổi hưu, mỗi lúc Đông về thì bắt đầu để ý đến tuyết đầu mùa, thầm vái trời mùa Đông mỗi năm càng ít tuyết càng tốt vì đã ngán cái lạnh thấu xương và cảnh lom khom xúc tuyết. Dù vậy đôi lúc cũng thấy tuyết đẹp khi nhớ lại thời đi học xem phim L’Arbre De Vie (thuở ấy dịch là Cây Nhân Sinh) mê đào Elizabeth Taylor vận y phục màu đỏ nằm trên tuyết trắng như bông gòn.
Hôm 29/10/2012 nàng “ superstorm” Sandy tấn công vùng Tri-State (New Jersey, New York và Connecticut) ở bờ Đông Bắc Huê Kỳ gây cảnh màn trời chiếu đất, mất điện, mất nhà, dân chúng chưa kịp hoàn hồn thì một trận bão mới gọi là Nor’easter có gió mưa tuyết tấn công nơi này lần nữa. Thật là “họa vô đơn chí”. Có thấy được những hình ảnh tàn phá nhà cửa khủng khiếp tại những nơi mà trung tâm bảo lướt qua làm người dân ở đấy mất tất cả, sống vất vưởng trong giá băng thì mình đang êm ấm trong nhà mới cảm nhận được cái phúc to tát mà mình đang hưởng.
Ngày 7/11/2012, trận bảo mới bắt đầu, tuyết đầu mùa bắt đầu rơi khi trời sắp tối.(P1).
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/73BCAB27668D4E8893BD61D0DF4EDD31.JPG[/image]

Sáng hôm sau thức dậy thấy tuyết đã rơi phủ đầy sân(P2),
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/7A9B73E4786C4A7A8715C3CDB334DB8C.JPG[/image]

tuyết bám trên cành cây, tuyết phủ những đống cây ngả (do Sandy gây ra) được gom lại…(P3,4)
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/87FE1C7E3B68484B92A09797062D3039.JPG[/image]

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/E68BAB1333F74B658F53DD801E3B3F5E.JPG[/image]

Sáng 9/11/2012 do nhiệt độ ấm trở lại, tuyết đã tan phần nào, chúng tôi đến sân vận động gần nhà nơi mà mỗi sáng thường đi bộ. Thấy trên sân có một “tảng đá” bằng tuyết(P5),
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/D6F41920D90C4FECBC51ED276144A072.JPG[/image]

chắc do ai đó đến đùa với tuyết hôm qua đắp thành.
Lạnh lẽo, ướt át …khó làm công việc dọn dẹp ngoài trời, một cháu nội đến trường còn một đứa ở nhà cũng dễ “quản lý”, có chút thì giờ nên ngồi xuống ghi ra bất cứ những ý nghĩ gì liên quan đến tuyết chợt xuất hiện trong đầu để đánh dấu một móc thời gian và chuyển đến bè bạn đọc chơi để … “giết” thì giờ.

A.
Mùa bầu Tổng Thống Hoa Kỳ
November, 2012










<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.11.2012 23:43:55 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 03.12.2012 23:33:52
Ý nghĩ vụn vặt một sáng.


Bắt đầu tháng cuối cùng của năm 2012.
Cứ khoảng ba hay bốn giờ sáng là thức giấc, tôi ít khi ngủ trở lại được ngoại trừ hôm trước đã bị mất ngủ. Mãi rồi trở thành thói quen. Để ngủ được ít nhất sáu tiếng đồng hồ cho mỗi đêm nên tôi phải đi ngủ sớm. Theo dòng thời gian, ta thường trãi qua những điều lạ mà lúc thanh niên ta không bao giờ nghĩ tới.
Không gian thật tỉnh lặng; chỉ có tiếng gõ nhịp của chiếc đồng hồ treo tường dù chạy điện mà tiếng tích tắc vẫn rõ mồn một. Tôi có cảm giác đó là tiếng bước chân của mình như xê dịch dần đến một điểm đích nào đó ở cõi mơ hồ.
Bốn muỗng cà phê xay sẳn cho vào”phin”, một ly nước sôi thêm vào, chờ đôi phút, tôi sẽ có “ly cà phê một mình” pha với một ít sữa bột, không đường. Dân “xây chừng” chắc chẳng có ai thích loại cà phê này đâu; với tôi nó là “số một”…! Ăn cơm chiều sớm mỗi ngày nên qua đêm thức dậy là đói meo. Một lát bánh mì và một trái chuối để lót dạ là tối thiểu..
Tôi tự nghĩ mình cũng còn tốt số - còn có thể tự mình làm ly cà phê / mẫu bánh mì cho cái bụng, còn có cái máy vi tính để viết/để vào mạng đọc tin trao đổi thư từ,...cho “cái đầu”- hơn bao nhiêu người thiếu thốn …ở đâu đó trên trái đất này rồi. Nhìn xuống để có cảm giác dễ sống chớ nhìn lên mỏi cổ khổ sở lắm. Hạnh phúc nho nhỏ cũng dễ dàng tìm, nó ở quanh ta; nhưng hạnh phúc là đủ nghĩa rồi đâu cần phải là nho nhỏ hay là to tát.
Sáng mùng một tháng muời hai rồi! Chỉ còn ba mươi mốt ngày nữa kể cả hôm nay tôi sẽ được thêm một tuổi. Nhanh thật! Mới đó!
Tiếng trống công phu, tiếng gà gáy báo sáng thường lệ nhưng sao hôm nay tôi say sưa lắng nghe; nghe thấy hơi thở mình thật ngọt ngào làm sao! Một ngày mới với sức khoẻ dồi dào cho tôi niềm vui sống: hạnh phúc!
Có ai chia sẻ cùng tôi ý nghĩ vụn vặt này? Nếu có tôi sẽ nhận thêm một hạnh phúc khác nữa và xin cảm ơn.


A.
01 Dec 2012



[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/371E144CD58F430D81FFDB52E8153FA7.JPG[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.12.2012 23:35:17 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 22.12.2012 02:01:02
Giáng Sinh này tôi nghĩ…


Thú thật không thể nhớ khi nào tôi để ý tới lễ Giáng Sinh lần đầu tiên; có lẽ vào các năm cuối của bậc Trung học, sau một thời gian tiếp xúc với cuộc sống thị thành và tuổi đời lớn hơn.
Bắt chước mọi người xung quanh, tôi cũng nhịn ăn để dành tiền mua vài tấm thiệp, tập tành viết lời chúc Giáng Sinh cho vài bạn thân. Dần dần số thiệp tăng theo số bạn quen biết và hòa mình vào những niềm vui dịp lễ này dù tôi là người ngoại đạo.
Những kỷ niệm về lễ Giáng Sinh, tôi còn nhớ một vài cách mờ nhạt, một vài thì rõ ràng.
Vào thập niên 1960-1970, mỗi lúc vào tháng mười hai dương lịch, tôi nôn nao chờ đợi những ngày vui này cũng như bao bạn bè cùng lứa tuổi. Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa miền Nam, Giám mục Ngô Đình Thục cai quản địa phận Thiên chúa giáo ở Vĩnh Long, vốn là anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm, có năm đã tổ chức rất rình rang lễ Giáng sinh. Ngoài giáo dân đi xem lễ còn rất nhiều dân chúng tràn xuống đường để cùng vui, nhất là đi xem đốt pháo bông.
Khi bước chân vào Đại học ở Sài Gòn, sự tham gia vui chơi Giáng Sinh của tôi có phần sôi nổi hơn. Thời tiết tháng mười hai vào đêm gay gay lạnh là dịp để nam thanh nữ tú ăn diện quần áo mùa đông khoe với mọi người và …với đất trời. Tôi nhớ rất rõ, tối ngày hai mươi bốn, nhóm bạn của chúng tôi, chỉ là bạn trai thôi, đã ăn diện và nôn nả chen chân vào dòng người đông nghẹt, nhích từng bước chân ngắn, trên đường Tự Do từ đại lộ Lê Lợi hướng về nhà thờ Đức Bà để xem lễ. Có những cặp đôi trai gái nắm tay nhau cũng hăng hái lăn xả vào đám đông; có lẽ đây là dịp may để chàng ra tay “bảo vệ” người yêu cách hợp tình hợp lý với những cử chỉ thân mật cố ý.
Tôi đã có dịp ăn Réveillon nhưng ăn ở lề đường với chúng bạn mà thức ăn chỉ là miến gà, sâm bổ lượng…Khó mà diễn tả được cảm nhận về cái thú ăn đêm lang thang “rất Sài Gòn” thuở ấy. Nhớ lại thấy thương nó làm sao và sẽ không bao giờ có lại được dù bây giờ cố ý trở lại nơi xưa tìm kiếm.
Một Giáng Sinh nào đó tôi dự pinic với nhóm bạn của một bạn thân lúc đó đang học ở trường Kỷ Thuật Phú Thọ (Sài gòn). Dịp này, tôi quen thêm nhiều bạn mới mà sau này theo thời gian trở nên rất thân tình. Thời ấy còn trẻ nên vui chơi hết mình: có lần tôi được phái đi mua phim chụp hình, bị té Vélo Solex chân bị thương đi cà nhắc mà vẫn không bỏ cuộc chơi. Bây giờ, sau khoảng nửa thế kỷ tôi còn liên lạc nhóm bạn này được phân nửa; như vậy có lẽ đã là điều hạnh phúc.
Khi đi vào cuộc đời, những mùa Giáng Sinh dần dần mất đi không khí sôi động, lãng mạn của tuổi trẻ mà lại có hương vị khác: hương vị thơm tho, nhẹ nhàng, đầm ấm của gia đình hoặc chua chát, đắng cay của xã hội.
Một Giáng Sinh năm nào, vợ chồng chúng tôi ngồi bên nhau, tay trong tay, nhìn dòng người qua lại trên đường phố, vui với niềm vui của họ. Vào nửa đêm tặng vợ một nụ hôn …nồng nàn trên má theo cách rất Á Đông và cùng nhau tìm vào giấc ngủ thật bình yên.
Sau năm 1975, với tôi, Giáng Sinh đã vào quên lảng khi đối diện với những đổi thay của xã hội. Tuy vậy dịp này, một lần trong đời, vào một đêm hai mươi bốn tháng mười hai, tôi đón đêm Giáng Sinh trong đình Tân Giai thuộc Phường ba Thị xã Vĩnh Long cùng một số người giống hoàn cảnh, với một manh chiếu nhỏ, nằm nghĩ ngợi mông lung rồi cố mà ngủ trên tấm ván bề ngang hai tấc, là chỗ dành cho khán giả ngồi xem hát bội (hát bộ) khi cúng đình. Người ta nói Giáng Sinh dạo đó ngủ như thế chúng tôi sẽ được an toàn hơn là ở nhà với vợ con.
Những năm định cư ở ngoại quốc, Giáng Sinh là ngày nghỉ ngơi làm việc ở hảng xưởng, là dịp làm những chuyện cho nhà cửa thay vì vui đón Giáng Sinh. Nói vậy chứ nhìn đám con của mình hợp bạn thuộc các sắc dân khác đón Giáng Sinh với quà cáp gói giấy sặc sỡ, thiệp chúc đủ kiểu, đèn giăng mắc khắp nơi, cây thông giả hay thật…mình cũng vui lây.
Khi ấy con mình còn nhỏ, ngây thơ sống bên cha mẹ, Giáng Sinh vốn không là ngày lễ truyền thống của mình nên tôi thật vô tình thờ ơ với ý nghĩa, sự nhộn nhịp chào đón nó của người bản xứ.
Dần dần tôi biết người dân nơi đây đã xem ngày Giáng Sinh rất quan trọng như ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam mình, ngày họp mặt, tạ ơn Chúa, tạ ơn đời, tạ ơn người với người; người sống với người sống và cả với người chết.
Theo thời gian, con cái lớn có vợ có chồng, sống rải rác nhiều nơi theo nghề nghiệp thì đoàn tụ đại-gia-đình lại một nơi trong ngày Giáng Sinh thật vô cùng khó khăn. Chụp được một tấm hình có đủ mặt mọi người trong gia đình ở một thời điểm nào đó là chuyện…may mắn, hi hửu.
Năm nay tôi đi thăm nhà mới của đứa con gái thứ, nhân đó gặp em gái của nó từ tiểu bang khác cùng đến. Bà xã của tôi ở nhà với con trai lớn chờ cô gái út từ xa về. Con trai áp út thì vẫn ở tại nhà của nó để đón nhạc gia đến viếng. Như vậy đó! Giáng sinh này đại-gia-đình của tôi ở ba nơi.
Cũng có nhiều Giáng Sinh vợ chồng chúng tôi không ở bên nhau vì hoàn cảnh dù buồn cũng phải chấp nhận nhưng không ưu tư. Khi mà tuổi đời chồng chất, tình cảm có phần nhạy cảm hơn chăng mà năm nay, hôm qua đi bộ một mình nơi nắng ấm mà tôi cảm thấy lành lạnh, cô đơn, nhớ nhà hơn bao giờ hết. Qua lễ tôi về nhà, cái ổ của mình, sẽ thấy ấm áp hơn dù nó nhỏ bé, cũ kỷ và ngoài trời đang là mùa Đông rét lạnh. Nhưng lại chạnh nghĩ rồi sẽ có một ngày nào đó ta đi không bao giờ và không thể nào trở về tổ ấm nữa. Và tôi thốt lên hai chữ thường dùng khi sự thể không tránh được: đành thôi!

A
December 21, 2012

<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2012 06:15:19 bởi Anh Tú >
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 06.01.2013 20:12:42
Chuyện Cũ Vừa Đi Qua.


Tôi định khoe với anh chị em một chuyện người khác có thể đã gặp nhưng với tôi là lần đầu. Chúng tôi đã xem đó là một niềm vui trong những ngày cuối năm 2012. Vì quá bận và cũng chờ đợi câu chuyện này đi đến đâu nên mãi đến hôm nay mới bắt đầu viết xuống. Vì vậy tôi đặt tựa bài là Chuyện cũ vừa đi qua…

Từ Lễ Ma Quỷ (Halloween) vào cuối tháng mười, tôi thấy “nó” xuất hiện trong vườn trước nhà tôi, nhỏ nhắn cở ngón chân cái màu đỏ nhưng tôi không chú tâm. Trong thời tiết bắt đầu trở lạnh khi đêm về cho đến sáng, trưa thì ấm lên một chút, tôi nghĩ nó sẽ không tồn tại được lâu. Vào tháng mười một, nhiệt độ đã thấp xuống lắm rồi dù chưa xuống đến không độ C (32 độ F) thế mà nó phát triển bình thường, ngạo nghễ trong không gian khi mà mọi cây khác đều trụi lá. Vì vậy bắt đầu để ý tới nó…cho đến ngày 28 tháng 11, tôi quyết định đặt tên cho nó là Nụ Hồng Mùa Đông; tôi tiếp tục theo dõi và chụp hình…nó.
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/562E0F3C90D144D082F6DC545DC72E57.JPG[/image]

Trong hình 1 bạn thấy chỉ có các cây thuộc họ thông thì luôn xanh lá và ngoài đường còn những đống lá vàng đang chờ nhân viên của tỉnh hạt đến hốt đi. Năm nay do bảo Sandy hoành hành, chúng tôi đang ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, tạo nhiều cây ngả nên chuyện dọn lá đã bị chậm lại; trước kia công tác này luôn luôn xong trước ngày Lễ Tạ Ơn.Năm nay sau ngày lễ này, những đống cây lá vẫn còn nằm chờ…
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/5959E2110E594B9C942CE0B165B7A9CB.JPG[/image]

Trong hình 2, phía sau xa xa các bạn có thấy “nàng Sandy” đã để lại dấu vết? Một cây thông bị nàng bẻ gảy; phần cây gảy cắt đứt đường dây dẫn điện khiến chúng tôi phải xài đèn nến, nấu cơm bằng bếp gas nhỏ loại dùng cho “tả pín lù” trong một tuần trọn.
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/76C8EABA10D54B3A81C3AD38DACBDE72.JPG[/image]

Ngày 18 tháng mười hai tôi đi Florida thăm gia đình của đứa con gái thứ vừa mới dời đến theo công ăn việc làm, nhân đó làm quen vùng nắng ấm bấy lâu nghe tiếng mà chưa biết và cũng vui Giáng Sinh với gia đình chúng nó. Trước khi đi tôi cũng không quên từ giã cánh Hồng Mùa Đông bằng cách chụp một ảnh.
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/F6662CDCCF834493941856B4A9639F8A.JPG[/image]

Sau mười ngày tôi đi xa, trời lạnh gió mạnh mà đóa hồng vẫn còn đó dù vài cánh mỏng đã bắt đầu héo hon đôi chút. Ngày 29 tháng 12, tuyết trắng rơi đầy trời; màu trắng làm nền cho màu đỏ nổi bật, cánh hoa hồng vẫn đẹp rực rỡ, ngất ngưởng rung rinh theo cơn gió đông ve vuốt.
Cần nói thêm là ở chợ thì những bó hoa hồng tươi bày bán hằng ngày không thiếu nhưng những cánh hồng này được trồng từ vùng ấm hay trong nhà kiếng có điều hoà nhiệt độ thích hợp. Khi đi bộ quanh vùng, tôi đã để ý nhưng chẳng thấy một loài hoa nào còn sống.
Ngẩm nghĩ niềm vui nào cũng qua đi, cuộc sống nào- của hoa, cỏ,vật,con người…- đều cũng đến lúc tàn tạ. Đó là quy luật tạo hoá. Biết vậy chúng ta hãy chấp nhận và vui sống với những lúc nào ta có thể.
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/548821E351074DD693C9D3622F6A39A0.JPG[/image]

Cánh Hồng Mùa Đông năm nay đã cho chúng tôi một hạnh phúc quý hiếm đặc biệt. Tôi chụp thêm một ảnh cuối cùng vào ngày tôi viết xong cậu chuyện này.Chúng tôi xin chia sẻ hạnh phúc cỏn con này với tất cả quý bạn hửu và mong tất cả quý bạn cũng nhận được phần nào niềm vui khi đọc bài này.
Chúc tất cả anh chị em luôn luôn được mọi sự như ý trong những ngày tháng sắp tới.


A,
January 4,2013
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2013 20:50:40 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 02.02.2013 18:24:01


Nhà Ngoại Tôi*

(Viết theo ký ức thuở những năm 1946-1954 để đở nhớ nhà)


Nhà của bà ngoại tôi ở Rạch Mương.
Rạch Mương là tên gọi của con sông nhỏ của Tân Thắng/Tân Quy, một ấp thuộc xã Tân Long Hội, Huyện Mang Thít (và theo thời cuộc có lúc là Minh Đức hoặc Cái Nhum, có lúc gọi là quận khi là huyện), Vĩnh Long.
Nếu hướng từ ngọn ra vàm thì hai con rạch láng giềng cách nhau một cánh đồng: bên mặt có rạch Bà Phong, bên trái là rạch Bầu Thiềng. Đến vàm mà vượt sông Mang Thít thì gặp bờ bên kia là làng Tân An Luông, Huyện Vũng Liêm. Trên con đường Vĩnh Long đi Trà Vinh(QL 53), tại một nơi gọi là Ngả ba Cái Nhum có con lộ rẻ trái (TL 903) đi đến quận lỵ Cái Nhum; thời Pháp thuộc, những đồn bót thiết lập được đánh số thứ tự từ 1 đến 8 kể từ ngả ba Cái Nhum cho đến quận lỵ. Theo thời gian người dân quen dùng tên những đồn này như những địa danh. Tỉnh lộ này cắt Rạch Mương tại đồn số 4.
Có những địa danh khác quanh vùng như Bình Phước, Hòa Tịnh, Nhơn Phú, Mương Khai, Gò Ân, Cầu Mới, Quang Phú, Ba Kè, Hòa Hiệp, Bà Tảng, Long Hiệp, Rạch Lá, Đồng Bé…, mỗi nơi tôi đều có ít hoặc nhiều kỷ niệm;hình như chúng còn nằm yên đâu đó trong những ngỏ ngách của tim tôi.

Rạch Mương chảy uốn khúc như con rắn với hai bờ phần lớn chiếm lỉnh bởi dừa nước lẫn với ô rô, cóc kèn dầy kịt…mà lúc cấp bách người dân thường dùng làm nơi trốn tránh bọn lính Pháp bố ráp. Xung quanh lá ô rô có gai nhọn cho nên bọn nhỏ chúng tôi thường dùng chơi trò“đá lá”: ném mạnh lá của mình vào lá của đối phương, nếu gai lá đâm dính là thắng và ngược lại, thua thì bị cú đầu hay bị bún tay (kẻ thua nắm các ngón tay lại, kẻ thắng dùng ngón tay của mình bún lên các chỗ u của lóng tay địch càng mạnh càng tốt).

Ô rô*


Thuở ấy bà con dùng xuồng tam bảng làm phương tiện giao thông là thuận tiện nhất vì đường bộ hai bên bờ sông chỉ có từng đoạn ngắn là lối mòn với cầu khỉ thô sơ cho một cụm nhỏ gồm ba bốn căn nhà lá nghèo nàn. Đi bộ từ cụm nhà này đến cụm kế luôn luôn phải lội ruộng, đôi khi phải lội qua một cái rạch rộng hai, ba thước.

Xuồng tam bảng*


Xuồng ba lá *(khác với tam bảng)


Là vùng đất trủng thấp nên vào mùa nước nổi nền nhà nào cũng bị ngập; ngập từ mắc cá đến đầu gối tùy theo từng nhà. Hiếm hoi lắm mới có một căn không ngập nước .
Nhà bà ngoại của tôi là nhà lá ba căn; nhà lá ba căn cũng có hạng lắm nơi vùng quê. Nhưng với bà ngoại tôi thì rớt hạng vì ông ngoại tôi đã qua đời đã lâu, bà goá bụa một mình với đôi công đất ruộng phải mướn cấy mướn gặt thì thu hoạch đủ ăn chứ có dư tiền đâu để tu bổ. Lâu lâu bán thêm nải chuối, buồng cau, cặp dừa khô, bà đủ mua nước mắm, gói trà chớ không thể làm giàu được.Nền nhà bằng đất. Theo năm tháng được những bàn chân trần của chúng tôi lướt trên mặt đất nên nền nhà trở thành láng mịn, sự xoáy mòn không đều làm lối đi trong nhà nổi “u nần” thì bà con cho là “vải con rồng”mà dân quê tin rằng đó là dấu hiệu báo trước chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt. Thế nhưng bà ngoại tôi đến chết vẫn sống trong cảnh nghèo khổ.
Nhà ngoại tôi cũng không thoát được cảnh nước ngập, thường thường là đến khoảng mắc cá. Ngập như vậy cũng đủ cho nền nhà “lên bùn” khi nước xuống và bàn chân của chúng tôi cũng bị “nước ăn”. Giữa những ngón chân bị nhiễm trùng khiến ta cảm thấy ngứa ngáy, lỡ loét dù không nhiều nhưng rất khó chịu bởi chân ngâm thường xuyên dưới nước dơ bẩn. Không rửa sạch và lau khô sau đó cũng đã là nguyên nhân của bịnh ngoài da này mùa nước nổi. Thoa nước hòa tan bởi phèn chua (cũng thường dùng để lóng nước)và kết hợp thoa thêm bằng ruột trái cau để trị bịnh nước ăn.
Mùa nước nổi đã giới hạn không gian sống của những chú chuột. Chúng thường xuất hiện trên những lùm cây và đã trở thành mục tiêu săn bắt cho đám trai làng. Dùng những cây chỉa: cán bằng cây tầm vong nhỏ vừa nắm tay gắn ở đầu cây một mủi kim loại mài nhọn có ngạnh ngược với hướng đâm nên khi bị đâm là chuột vô phương thoát được. Dạo ấy tôi con nhỏ nên tháp tùng với các chú các anh trên những chiếc tam bảng chèo đi săn chuột mà nhiệm vụ của tôi là “chỉ chọt” nếu lanh mắt phát hiện được nơi các chàng chuột ẩn núp và thu những chiến lợi phẩm bỏ vào giỏ. Thịt chuột đồng sau khi làm sạch (đốt/ lột da/ bỏ bộ đồ lòng…) hoặc được băm nhỏ xào với lá cách xúc bánh tráng, hoặc ướp ngũ vị hương với lá xả đem nướng là món ăn khoái khẩu của dân đồng áng. Nhớ lại những ngày cuối tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm tôi bị kẹt lại nhiệm sở (nơi làm việc) hai ngày vì chiến cuộc khốc liệt nên không thể ra ngoài để mua thức ăn. Chú lao công săn sóc cơ sở mà xung quanh là đồng ruộng, đã hảo tâm tiếp tế cho chúng tôi một bửa cơm với thịt chuột nướng thật thơm ngon, càng cảm thấy đậm đà hương vị hơn khi chúng tôi đang đói meo.

Bà ngoại tôi sở hửu một thửa đất hình chữ nhật khoảng hai công vườn và vài công ruộng. Mé sông trước nhà là đám dừa nước cũng như ở cuối mảnh đất ở phía sau nhà xa xa được gọi là “đầu đất”; dừa nước là một nguồn lợi phụ như chuối, dừa, cau…cộng với nguồn lợi chính là lúa để nuôi sống cho gia đình ngoại. Dừa nước được dùng lợp nhà, dừng vách…nếu những năm không xài thì bán cho người ngoài.

 Dừa nước* 
 
Buồng dừa nước*


Tôi thích nhất là những “buồng dừa nước” tức là những quày trái vì chúng cho một món ăn khoái khẫu. Trái dừa (coconut) có mấy thời kỳ: non, nạo, cứng cạy và khô thì trái dừa nước cũng vậy. Khi trái dừa nước ở trạng thái nạo, như người con gái đến tuổi tròn trăng, chẻ đôi ra ta sẽ có một thức ăn tinh khiết ở bên trong: màu trắng đục, thơm, “ngòn ngọt”, dòn, lớn vừa đủ cho một “miếng lũm”…Mỗi lần tôi theo dõi thấy quày nào đến độ “tròn trăng” (nhìn, đoán và lấy một trái chẻ ra để kiểm chứng) thì chặt lấy để “chén”. Bà ngoại tôi thường nhắc nhở: nhớ chừa một số …để gây giống (buồng dừa nước để già đến một lúc nào đó trái sẽ rụng xuống đất rồi từ từ nẩy mầm đâm chồi).
Trong những cuộc đố vui tôi không quên câu đối liên quan đến đề tài dừa:

Nhỏ thời xuất giáo đâm trời
Lớn thì hứng nước chịu đời cho con.
(Xuất mộc)


Trong một bụi dừa nước: xung quanh là những bẹ dừa đã lớn, gìa nhất ở bên ngoài, tất cả xoè ra còn chính giữa là mầm lá non tượng hình dạng như cây giáo (vũ khí) nhọn hướng lên trời.
Nước dâng cao rồi rút xuống giữa các bẹ dừa vẫn còn nước sẽ là nơi trú ngụ của những chú cá bóng no tròn: cá bóng dừa. Một thức ăn mộc mạc, đơn giản nhưng khoái khẩu khi nấu cá thành một nồi canh rau hoặc một mẻ kho khô .
Đám dừa nước trước nhà có hai khoảng trống: một dùng làm bến sông để đậu tam bảng, một là đường nước dẫn ra / vào cho một “cái xẻo” hình tròn mà đường kính khoảng năm, sáu thước, nơi có một cái “sàn nước” làm chỗ rửa chén, giặt gyạ….Kế bên sàn nước luôn có hai cái lu lớn chứa nước sông lóng phèn dùng cho nhu cầu nấu nướng. Ngoại tôi có hai cái lu khác nữa chứa nước mưa dùng để uống. Mỗi lu có một cái gáo ( làm bằng gáo dừa khô có tra cán) để múc nước.
Thuở ấy nguồn thủy sản rất dồi dào, trên ruộng cũng như dưới sông. Nơi cửa cái xẻo nói trên ngoại tôi mướn người làm một cái đăng và cái đó đặt thường trực để những khi “cực ăn” bà dùng để bắt cá, loại cá thường có nhiều là lòng tong: Khi nước lớn bà rải cám để nhử cá vào ăn. Khi thấy đã có nhiều cà thì bà khép cái đăng lại và đơn giản chờ nước ròng, xẻo cạn nước thì đàn cá …như nằm trên thớt: trong cái đó hay phơi mình trên đáy xẻo .
Người xưa thường nói: Chồng như cái đăng, vợ như cái đó. Thời xưa thì vậy nhưng thời buổi bây giờ thì sao nhỉ?
Vùng đất này thuở Pháp thuộc thì thực dân coi như là vùng địch. Thỉnh thoảng chúng mở những cuộc bố ráp và nhân dịp này bọn lính commando gồm người Việt lẫn dân Phi Châu cướp bóc dân chúng và đôi lúc xảy ra chuyện hảm hiếp phụ nữ. Chúng vơ vét bất cứ thứ gì : quần áo, tiền bạc, gà vịt, thức ăn… Nêú vào dịp Tết thì chúng lấy cả dưa giá, cá kho, bánh phồng, bánh tráng, bánh ít, bánh tét…Có lần ngoại tôi ném giấu những đòn bánh tét vào lu chứa nước rồi sau đó bà quên hẳn. Cả tuần lễ sau bà sực nhớ ra nghĩ rằng bánh tét sẽ hư nhưng ngạc nhiên bánh vẫn còn ăn được ngon lành. Bố ráp là một khổ nạn cho dân thời bấy giờ, những thanh niên phụ nữ phải chạy trốn, người già cả thì ở lại “giử nhà” với tai họa do súng đạn, đánh đập có thể giáng xuống bất cứ lúc nào.
Tôi còn nhớ một hoạt cảnh “lỡ khóc lỡ cười” đã xảy ra chứng tỏ tinh thần người dân hoảng sợ cao độ trong tình trạng vô cùng nghiệt ngã vì chiến tranh. Ngoài những lần bố ráp chính quy, thỉnh thoảng bọn Pháp đột kích bằng tàu sắt đổ bộ loại nhỏ mà người dân gọi là “tàu đầu bằng”. Khi phát hiện tàu Pháp là lúc chúng đã đến nơi rồi vì chúng cho tàu chạy chậm với tiếng máy nổ nhỏ, dân chúng chạy trốn ra sau ruộng mang theo bất cứ thứ gì có thể. Có lần má tôi hoảng hốt chạy trốn cầm trên tay độc nhất một đôi đủa bếp…(dùng cho việc bới cơm).
Vườn của ngoại tôi thuộc loại già nua, được trồng bởi đủ lại cây không có giá trị bao nhiêu như xoài chuối, dừa, cau, mận, tứ quý lẩn với những cây bàng (không có lợi ích, còn gọi là ngô đồng thì phải ?), cây mù u, tầm vong… Tất cả chúng đã cằn cỗi như tuổi già của ngoại, mỗi loại có một ít và cho trái chẳng có bao nhiêu. Nhà không có đàn ông, tôi là thằng con nít, nên vườn tược như rừng hoang, ruộng lúa ngoại và má tôi cũng phải mướn ngưòi phụ giúp nên lợi tức hằng năm chỉ đủ sống qua ngày.
Cây mù u (loại cây này bây giờ có còn không?) là loại cây gổ tốt khi cây đã già, người dân quê thường cưa thành ván để đóng tam bảng. Trái mù u chín rụng xuống được gom lại ủ, ép lấy dầu để đốt đèn. Xác trái mù u sau khi ép dầu được quếch nhuyển trộn với bông gòn để “se” thành cây rọi (đuốc). Tụi nhỏ chúng tôi thường dùng dao chặt vào thân cây mù u để lấy mủ rồi trộn với đất sét loại tốt để vo thành viên đạn bắn “cu li”. Những viên đạn này lâu ngày sẽ trở thành bóng loáng và trở thành “quý giá” với tuổi thơ của bọn con nít chúng tôi. Những viên đạn chỉ là đất sét được dùng để bắn chim bởi “nạn dàn thung”.
Đầu song nhà ngoại kế bên đường đi có hai bụi tầm vông khá to; đây cũng là nguồn lợi kha khá của ngoại. Phong trào thanh niên tiền phong một thời đã dùng cây tầm vông vạt nhọn để đánh Tây, người xưa dùng làm cây tầm vông dựng nêu cho ngày Tết, cây tầm vông còn dùng để làm sườn vách nhà thậm chí có thể dùng thay tre để làm đòn dông cho mái nhà nên cây tầm vông cũng có một vị trí đáng kể trong lòng dân quê.

Một lần về thăm quê ngoại năm 2002 nơi còn đứa em gái của tôi lo phần hương khói tổ tiên, cảnh cũ đã mất dấu hoàn toàn ngoại trừ thửa đất, những nấm mồ của ông bà cha mẹ còn đó đã làm cho tâm tư tôi bùi ngùi thương nhớ.
Tôi bước đi chầm chậm lúc ngó xuống đất lúc ngước lên trời như cố tìm một chút dư hương ngày cũ; không thể thấy mà chỉ cảm nhận chập chờn trong đầu những hình bóng thân yêu của ông bà cha mẹ, hình bóng của đám dừa nước dưới mé sông rất thơ mộng, lãng mạn khi lấp lánh ánh trăng rầm, đám tầm vông đầu ngõ run rinh cánh lá khi gió đùa.
Xa quê nhà nhiều năm, lần về thăm duy nhất cũng đã mười năm qua rồi mà tôi chưa được thêm một lần nào nữa…!!!


A.
January 29, 2013
(18 Tháng Chạp, Nhâm Thìn)
*Những địa danh bây giờ có thể đã thay đổi phần nào.
*Tất cả ảnh từ Internet

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2014 03:40:32 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 04.02.2013 02:58:44


TÔI VẪN Ở NHÀ

(Để tiển bạn tôi, PTH)


Khoảng 8:05 sáng ngày 1 tháng 2 năm 2013, vì đang mùa Đông ở Bắc Bán Cầu nên trời còn tối, tôi có cảm giác còn sớm lắm khi đó điện thoại reo vang.
“Ai mà giờ này đã réo gọi rồi!” Tôi bực mình thầm nghĩ.
Thường ngày tôi không quan tâm vì những cú điện thoại quảng cáo phá rối thường xuyên nhưng hôm nay tự nhiên tôi lại bắt máy…

Lần đầu đến nơi đất khách quê người, tôi cảm thấy “cô đơn” dù bên mình có vợ có con, có anh em ở quanh…Khi còn ở quê nhà ngày nào mà không gặp bè bạn để tán gẩu bên ly cà phê riết rồi ghiền nên bây giờ không còn niềm vui đó nên tôi nói cô đơn là vậy.
Ngày qua ngày nhờ đầu mối này nọ tôi liên lạc được vài bạn cũ cũng có tâm tình như mình, vì ở xa nhau do đó rất vui mà gặp nhau bằng điện thoại.
Rất mừng tìm được H., người bạn thân và cũng là con của một vị ân nhân của tôi ngày xưa. Bác Hai, ba của H., ở Sài Gòn đã tử tế cho tôi ở trọ đi học mà không phải đóng góp gì cả mà trái lại bác còn tốn thêm chi phí điện, nước, v.v…
Chúng tôi định cư ở ven bờ Đông Hoa Kỳ; tôi ở gần cuối phía Bắc và H. ở gần tận phía Nam nên chưa có dịp gặp nhau mà chỉ thỉnh thoảng nói chuyện, thăm hỏi nhau qua điện thoại. Hứa sẽ đi thăm, hoặc tôi xuôi Nam hay H. ngược Bắc. Ai cũng vì chuyện miếng cơm manh áo, vì con vì cháu mà chưa thực hiện được ước muốn này. Kể ra cũng tại chúng tôi không quyết tâm như câu nói “không vì ngăn sông cách núi mà bởi vì lòng người ngại núi e sông”. Ngày qua ngày hai thằng vào “tuổi thất thập cổ lai hy” hồi nào không hay, sức khoẻ suy đồi, thậm chí bị bịnh này bịnh nọ do vậy có những lúc muốn đi xa thăm nhau nhưng sợ di chuyển.
Qua một tuần hay hai rồi ba, tôi không gọi thì H. gọi. Mỗi lần, hỏi thăm sức khoẻ thì bạn mình nói: “Tao khoẻ lắm , không có “cao” nào phá đám như mầy bị đâu”. Tôi mừng cho bạn không như tôi nào “cao máu, cao mở, cao đường” thậm chí còn ăn khó tiêu, “ở cổ”…
Mấy năm gần đây hai thằng đều hưu …nhưng làm công việc mới là giử cháu. H. rất khoái việc này, luôn khoe với tôi về thằng cháu ngoại của mình. Tôi luôn nhắc bạn phải ăn uống kỷ lưởng, thể dục thể thao để giử gìn sức khoẻ, để giúp tiến trình lão hoá đi với tốc độ chậm và qua đó mình có thể sống thêm khoảng đời trời cho thêm càng nhiều càng tốt.
Một hôm con trai của H gọi:
-Ba con bảo con gọi thăm bác vì lâu quá không thấy bác gọi, xem bác khoẻ không?
-Ờ! Bác cũng khoẻ. Cám ơn con gọi. Xin lỗi ba con ….vì bác lơ đểnh đã quên gọi. Ba con đâu cho bác nói chuyện?
-Ba con ở đây nè nhưng ổng đang mệt.
Chúng tôi trao đổi vài câu thì bạn đã than mệt và xin lỗi trao máy lại cho con trai nói chuyện với tôi. Thế là bạn tôi bị bịnh nặng đang ở nhà thương. Tôi bất ngờ và lo cho bạn mình.
Tiếp theo khi thì bạn khoẻ lại, khi thì được biết bạn trở lại nhà thương...rồi lại trở về nhà trị bằng thuốc bắc, thuốc nam. Tôi linh cảm một điều xấu sẽ xãy ra…
Không đi thăm bạn được thôi thì nhờ tấm “cạc get well soon” thay mình vậy!
Chờ ông bưu điện giúp mình đôi ngày để chuyển thư rồi gọi điện thoại xem tấm cạc của mình đã đến chưa, nhưng không ai nhận điện thoại cả.
Hai ngày trôi qua…Như đã nói bên trên: có điện thoại sáng sớm và tôi bắt máy.
Liếc mắt vào máy thấy số của con trai bạn mình…
-Q. đó hả? Bác đã có gọi con. Hôm nay ba con thế nào?
-Ba con khoẻ lắm bác ơi!
-Vậy là bác mừng lắm. Tôi cắt ngang lời của Q.
-Ba con mất rồi bác ơi. Lúc 6:30 sáng nay….Giọng Q. nghẹn lại.
Tôi “chết đứng” và thốt lên “Trời ơi!”.
Vốn đã “ngộ” rằng đời con người là vô thường, sanh lão bệnh tử, tôi biết ai cũng phài đi chung con đường “một chiều” này rồi đến đích sớm hoặc muộn mà thôi nhưng không kềm được nỗi xót xa dâng tràn.
“H. ơi! Gần Tết rồi mà mầy vội đi, sao không chờ qua Tết hả?”
Câu nói tiếc nuối này tôi nghĩ trong đầu và thật tình có một luồng cảm giác lành lạnh chạy từ tim lên mí mắt: không đến nỗi lệ trào nhưng lệ vừa đủ làm ướt hai tròng mắt của tôi.
Bạn tôi ra đi ngày thứ sáu. Thứ bảy tôi gọi lại Q. thì biết rằng thứ hai bạn sẽ “tiếp” người thân, bè bạn đến vĩnh biệt bạn lần chót ở nhà quàn, thứ năm bạn sẽ trở thành cát bụi.
“Thiêu tao đừng chôn. Chôn rồi trong tương lai tụi bây sẽ bỏ tao một mình!” Đó là ước muốn của bạn nói với các con.
Tro của thân xác bạn sẽ được vợ con thờ tại nhà để bạn có thể tâm sự với những người bạn mới bên kia thế giới rằng “ Tôi vẫn ở nhà!
Tất cả bạn học cùng lớp hoặc khác lớp nhưng biết H. đều ngỡ ngàng với tin buồn này. Thôi thì như hồi xưa đến bây giờ, các bạn này đành phân ưu cùng tang huyến và cầu nguyện cho linh hồn H. được an bình nơi cõi vĩnh hằng. Có một bạn nói: “Rồi lần lượt sẽ đến phiên tụi mình, tụi bây ơi!”.
Hôm nay là chủ nhật, 3 tháng 2 nhằm 23 tháng chạp âm lịch, ngày dân Việt khắp nơi đưa ông Táo về trời phúc trình chuyện trần gian, không biết ông Táo có nhớ ghi tên mầy trong danh sách của một người vừa trả xong nợ trần gian?
Vâng, H. ơi! Mầy nợ đời đã trã xong. Có sống là phải có chết. Hãy yên nghỉ đâu đó đi đợi tụi tao sẽ đến gặp lại mầy.


A.
February 3, 2013

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 17.02.2013 05:36:48


NHẪN VÀ MẸ TÔI

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/7D7A6AB67FEF44AB84FAD255779D5EE0.jpg[/image]



Trường học lúc nhỏ, trường đời khi lớn lên,
kể cho mẹ nghe những chuyện người ta ăn hiếp mình,
bao giờ mẹ cũng bảo: “Câu nhịn chín câu lành nhe con!”
Nghe lời mẹ thì cứ tiếp tục bị ăn hiếp và thua thiệt;
dù thế rắc rối được kết thúc gọn.
Khi mẹ còn sống hoặc khi mẹ đã qua đời,
mẹ và chữ nhẫn luôn ở tim tôi.


Anh Tú





[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/102577/2C7C07BF70E9410395933D22CC3CA30A.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2015 05:27:10 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
RE: Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 03.03.2013 00:41:47





MỘT ĐÊM KHÓ NGỦ


Mấy hôm nay trời trở ấm. Tôi cảm thấy ấm hơn vì sáng sớm nhiệt độ chỉ ở vào trên dưới 40 độ F chớ không như lúc trước dưới 32 độ F (0 độ C). Mấy hôm nay chỉ có mưa, thường có mây xám nhưng thỉnh thoảng mặt trời lên chói chang. Tôi thầm nghĩ hình như mùa Xuân sắp trở lại. Định xem những nhánh cây trụi lá có nhú mầm không nhưng chưa làm, tánh tôi hay lừng khừng như vậy!
Tối qua nhìn vào lịch của tháng ba: ngày 10 là Daylight Saving Time starts (đổi giờ), và ngày 20 là Xuân Phân. Đúng là mùa Xuân sắp trở về!
Giới thương mại đã và đang bán hạ giá những món hàng mùa Đông và sửa soạn bày những hàng hoá mùa Xuân. Nét mặt của mọi người tươi tắn hơn mong đợi một mùa vui.
Tôi cũng sẽ bận rộn với việc nhà cửa vườn tược, dù cực hơn mùa Đông nhưng vẫn. ..khoái. Bận rộn sẽ bớt hay không làm thơ.. để có một số bạn “thương tôi” mà “nhắc nhở”, để các bạn đó khỏi phải tốn cơm nhà mà lo cho tôi. Xin cám ơn.
Dù vậy, chuyện trời đất làm sao mà chắc được; những trung tâm dự đoán thời tiết có lúc cũng sai bét; trong tháng ba dương lịch này, dĩ nhiên là vùng tôi ở, biết đâu tuyết cũng sẽ còn rơi.
Đêm về nhiệt độ vẫn hạ thấp do đó máy sưởi rì rầm chạy suốt không như ban ngày. Thú thật dạo này nghe máy sưởi càng chạy tôi lại càng sốt ruột, không sợ lạnh mà là sợ hầu bao vơi nặng do giá dầu chạy máy sưởi cuối Đông luôn tăng lên. Đổ dầu đầy bình xài được tháng rưỡi phải đánh đổi trọn tháng lương hưu. May không chết đói vì có thằng con trai ở chung.
Đêm nay không rõ sao khó ngủ, ngủ được đôi giờ chập chờn, càng dỗ giấc càng khó ngủ và đâm ra bực bội với tiếng đồng hồ đánh nhịp. Không ngủ được khiến đầu óc nghĩ ngợi lang mang: chuyện sống chết, chuyện hỉ nộ ái ố..., chuyện chiến tranh. Chết: thầy cô bè bạn vơi dần…đương nhiên nhưng cũng vẫn buồn. Chuyện đời: sao có nhiều tị hiềm, khích bác, lỗi phải, ích kỷ…Chiến tranh: vì tham lam, hận thù…
Hai giờ khuya có tiếng mở cửa! Thằng con trai đi ra ngoài trời lạnh giá để chạy đi mua thuốc cho con vì con trai (cháu nội của tôi) chợt bị sốt. Tôi vào sờ đầu cháu để xem sao: cháu nhỏ, nhắn ngây thơ, ngơ ngác…ôi thương quá đi thôi.
Nhớ lại hồi xưa vợ chồng lo cho con cũng như con trai của mình lo cho cháu tôi bây giờ: cái vòng lẩn quẩn, lối mòn nhưng sao thiêng liêng quá.
Ngó đồng hồ: 4:29 AM Saturday, March 02, 2013 (ET/USA)! Những hôm khác giờ này tôi cũng đã thức rồi! Lại cà phê, lại ăn sáng, cái bao tử đòi hỏi chớ tôi đâu muốn và may mắn là có cái miếng ăn.
Không quên câu:

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Có thêm ngày nữa để yêu thương!


Bạn bè tôi ơi! Hãy giữ cái yêu thương mà trời ban phát cho mỗi sáng thức dậy!


Anh Tú

<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2015 05:28:21 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 11.05.2013 19:18:26
 
 CHUYỆN MÁY BAY 
Từ thuở còn là thằng bé sáu/ bảy tuổi, thời Pháp thuộc lại ở “vùng xôi đậu” nên thường xuyên đối diện với bố ráp của thực dân, dưới đất thì lính commando gồm dân Phi Châu, có cả dân Việt khố xanh khố đỏ, dưới sông thì tàu sắt đầu bằng, trên trời thì may bay vần vũ, khi thì loại “đầm già” quan sát, khi thì loại “còng cọc” bắn súng ném bom.
Có lần tránh “càng” phải tránh nấp vào con rạch cùn, người lớn thì trầm mình trong đám lục bình, con nít thì trùm áo mưa nằm trên xuồng ngụy trang cũng bằng rau mát. Tự nhiên dù còn bé nhưng sự sợ hải có chừa ai nhưng tánh tò mò còn hiện diện lúc ấy tôi vạch áo mưa nhìn trời coi “bà đầm” lượn lờ tìm mục tiêu.
Lần khác ác liệt hơn. Theo má và bà đi chợ Nhơn Phú thuộc Cái Nhum. Sáng sớm mặt trời vừa lên chợ đã nhóm đông đảo, sương mai còn sót lại mờ mờ quanh chợ, xuồng của chúng tôi vừa đâm mủi vào bến thì, thấp rất thấp, phát hiện ra hai con “còng cọc” hùng hổ, ồn ào bay tới tấn công do có tiếng động cơ lạ thường bất chợt đánh động màng nhĩ, mắt hướng về chúng thì thấy sau đuôi hai con quái vật xịt ra những làn khói đen, mấy giây sau mới nghe thấy tiếng súng đại liên xối xả. Trong hoảng loạn, dân đen rối loạn, kẻ chạy, người núp…Vì còn ở trên tam bản nên má tôi và bà chèo ra sông để rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt nếu nằm dí nơi trọng điểm sẽ hứng biết bao lần bắn phá. Quyết định này là cầu âu nhờ trời phật độ trì và với phán đoán là may ra kẻ thù thấy người đi trên sông …sẽ không phải là mục tiêu. Tiếng nổ “liên tu bất tận” pha với tiếng gầm rú của máy bay, bà và má tôi cấm đầu bơi chèo cật lực mà có cảm giác chiếc tam bản vẫn ù lì một chỗ. Bầu trời như nổ tung tợ sấm sét bổ xuống từng hồi, tiếng đạn “réo réo” nghe rõ mồn một…Khủng hoảng quá, bà và má quyết định tắp vào đám dừa nước bên bờ sông rồi núp trốn dưới nước. Kỳ này má lôi tôi theo. Hai bà niệm Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn liên hồi. Cuộc bắn phá hình như lơi đi, hay vì đã quen với hoàn cảnh, tuy nhiên vẫn cảm thấy rất nguy nan khi vẫn còn ở nơi đây, đâu biết chúng nó bao giờ ngưng, chúng tôi nhảy lên tam bản chèo bơi để cố ra khỏi vùng oanh kích. Nhờ trời cuối cùng chúng tôi đã thoát hiểm.
Trong thời chiến tranh trước 1975, trên bầu trời quê ta đã có bao nhiêu cánh sắt gầm thét phục vụ chiến tranh mà trong đầu thoáng mong một thuở thanh bình, đôi lần đến Tân Sơn Nhất tiển bạn lên đường du học mà ước mơ phải chi gia đình mình khá giả hoặc mình học hành giỏi giắn để được một lần bay lên… trời cao.
Khi ra đời đi làm việc ở Hà Tiên cuối miền đất nước, giao thông cách trở vì vẫn còn ở thời chiến tranh khốc liệt. Ba hoặc sáu tháng mới về thăm nhà một lần, một đoạn đi xe lam ba bánh đường đôi khi bị đấp mô, một đoạn dài hơn đi bằng đò mất nhiều thời giờ, một đoạn thì bằng xe đò. Một chuyến đi như vậy phải mất hai ngày. Một người bạn mách nước là thử làm đơn xin quá giang những chuyến máy bay quận sự liên lạc giữa nơi này với Cần Thơ xem sao. Thử thời vận, có lần tôi được chấp thuận. Xế chiều lên máy bay , mẹ anh Núi nơi nhà trọ đầu tiên buổi sáng đã làm nhiều thức ăn cúng rằm, đặc biệt có nhiều loại bánh ngon vô cùng. Tôi tha hồ, vô tư “chén”!!! và thoải mái, vui vẻ  chờ đi chuyến máy bay đầu tiên trong đời. Một kỹ niệm …khó quên.
Không may cho tôi chuyến bay không là trực thăng mà là loại quan sát L20 di động lên xuống nhanh nhẩu như chim. Tôi nói không may là vì kết quả của chuyến đi này khiến tôi suốt đời không quên. Lên máy bay mà bụng tôi thức ăn còn đầy ắp, cộng với sự cất cánh nhanh lẹ đã khiến thức ăn của tôi sắp trào ra miệng. Tôi cố kềm lại. May sao không chuyện gì xãy ra và thích thú nhìn những cánh đồng lúa bạt ngàn, nhìn dảy núi Sam núi Sập từ trên cao. Đang thưởng thức quê hương gấm vóc, bổng tiếng máy bay “đổi giọng” và cắm đầu xuống đột ngột. Không phải bị bắn rơi mà máy bay đáp xuống Châu Đốc trước khi về Cần Thơ. Chắc các bạn cũng đoán được điều gì xãy ra cho tôi, tất cả thức ăn trong bao tử đã ào ạt nôn tháo ra ngoài!!! Nửa giờ sau máy bay cất cánh nhanh gọn, và bao tử của tôi bị thót thêm để đẩy ra ngoài thức ăn bánh trái còn sót lại. Tôi đã sợ hải rồi, không phải sợ đi máy bay mà sợ chuyện ói mửa bất đắc dĩ này. Chưa hết, khi chấm dứt cuộc chuyến bay ở Cần Thơ thì tiếp theo chuyện chẳng đặng đừng là khi bao tử không còn thức ăn mà vẫn ói ụa thì chất trôi ra là …mật xanh!!! Một chuyến máy bay hải hùng của tôi.
Thời thế đẩy đưa, một chuyến bay của hàng không Thái Lan đưa tôi sang Hoa Kỳ mà trạm tạm dừng tiếp tế thêm nhiên liệu là Frankfurt, Đức Quốc. Quý bạn có đi máy bay đường dài rồi thì biết, mới bắt đầu háo hức nhìn mây bay bên ngoài liên tưởng đến Tề Thiên dằng vân giá võ, đến những nàng tiên nữ múa khúc Nghê Thường, nhưng rồi lần lần mệt mỏi…Sau Frankfurt, maý bay tiến tới bờ Đông của Mỹ Châu vùng đất của Canada, tôi đoán vậy và từ đó theo ven biển xuôi Nam để đến Thành Phố New York. Khi gần đến nơi máy bay hạ thấp cao độ, qua cửa sổ, nhìn xuống thấy những vùng đất xám xịt, màu của đất chết, của sa mạc. Trong lòng thắc mắc nhưng không dám hỏi ai vì sợ lòi ra cái…ngu của mình. Thời điểm đó là cuối tháng ba nên vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cây đã không còn lá và đó là sự giải đáp thắc mắc của tôi sau này.
Sau này có thêm đôi lần đi máy bay nữa nhưng cũng không ghi nhận điều gì đặc biệt. Gần đây trong chuyến bay New York- Florida tôi lại có hứng thú lén ghi vài tấm ảnh, lý do là vì chuyến bay cũng xuôi Nam theo ven biển của Miền Đông Hoa Kỳmùa này thấy đẹp quá, khởi đầu chuyến bay đầy mây sau thì quang đãng, và đặc biệt tôi ghi được bóng của chiếc máy bay có chở mình trong đó in trên đất.



A.
May 10, 2013
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2014 03:42:42 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 25.07.2013 03:18:18
 
 
 
 
NHỚ DÌ
 
Khi sáu tuổi theo má đến ở với bà ngoại, tôi mới bắt đầu có những hiểu biết về những thân nhân bên ngoại. Ngày qua ngày, những kỷ niệm vui buồn xảy ra đầy ắp đời tôi.
Ông bà ngoại có tất cả năm người con mà tôi gọi là dì Hai, dì ba, Má, ? và cậu Sáu. Lúc này, ông ngoại, dì Ba, cậu Sáu đã qua đời từ lâu; riêng người con thứ năm tôi không nghe ai nhắc đến.
Dì Hai còn sống ở làng kế bên.
Dì dượng Ba có hai người con là anh Hai Đài, chị Ba Xứng, cậu Sáu có một con trai mà tôi gọi là “thằng” Hai; ba người cháu mồ côi này đang được sự đùm bọc của bà ngoại già nua góa bụa nghèo nàn.
Năm tháng trôi qua, anh Hai Đài và chị Ba Xứng lập gia đình; thằng Hai thì đi chống Pháp rồi chết ở chiến trường. Tôi đi học, tốt nghiệp rồi ra đời…
Bà ngoại quá vãng, má tôi chỉ còn lại dì Hai là ruột thịt thân thích nhất. Hai người đã thương mến nhau thì bây giờ trong hoàn cảnh mới tình thương càng nhân đôi. Dì Hai xem tôi như con ruột.
Dì Hai là con chim đầu đàn trong đại gia đình bên ngoại, chỉ về mặt tinh thần thôi nhưng vô cùng quan trọng và được mọi người quý kính.
Mỗi lần tôi gặp dì, những câu hỏi thăm tíu tít, ánh mắt có nụ cười, cái đánh yêu lên vai đã biểu lộ tất cả sự trìu mến của dì dành cho người cháu mồ côi cha này.
Mỗi khi dì hoặc má tôi đau ốm là người này lo lắng cho người kia bất kể ngày đêm.
Trước và sau 1975, dì Hai và má tôi đã già và những biến động xã hội khiến hai bà thêm cằn cổi thấy mà thương.
Năm 1979, má tôi bị bạo bệnh không vượt qua được. Khoảng thời gian má tôi hấp hối (kéo dài đôi ngày), tôi với em gái tôi cùng dì Hai thay nhau ở bên cạnh má. Một đêm dì Hai và tôi canh chừng, săn sóc má, thấy tôi mệt mỏi nên dì bảo tôi đi “chợp mắt” để dì lo cho. Cũng muốn nghỉ ngơi một chút rồi sẽ thay phiên cho dì, tôi nghe lời. Quá nửa đêm hôm ấy, dì lay tôi dậy và thì thào “ Thức dậy đi con, má con sắp đi…”. Một đêm đau khổ nhất của đời tôi không bao giờ quên. Dì Hai nức nở khóc thương cho người em duy nhất còn sót lại nay cũng bỏ đi. Là vào tháng bảy mưa Ngâu, mưa khóc cho gia đình bên ngoại tôi mất thêm một thành viên nữa.
Năm tháng trôi qua, dì tôi mái tóc pha sương nay đã bạc và lại thưa thớt hơn, mắt lõm sâu, da “trổ đồi mồi” và nhăn nhúm nhiều nhưng tình thương của dì dành cho tôi vẫn không thay đổi mà còn tăng gấp bội vì nay tôi côi cút cả mẹ lẩn cha, với lại cuộc sống rất bấp bênh.
Rồi một ngày tôi đến gặp dì tựa như thăm viếng bình thường nhưng trong thâm tâm của tôi là từ giã để đi xa không biết bao giờ trở về. Do sợ dì buồn, bịn rịn với nước mắt, lo lắng mà tôi phải dấu diếm chỉ cho con của dì biết mà thôi; sau này nếu biết thì chuyện đã rồi nhưng dì sẽ ít xúc động hơn.
 
Chẳng đặng đừng phải đi xứ xa
Viếng thăm lần cuối giã từ bà
Bâng khuâng chỉ nói bằng ánh mắt
Mai mốt phương trời nhớ thiết tha!
 
Tóc bạc da nhăn mắt lặp loà
Chia ly lưu luyến nắm tay bà
Nén lòng để lệ không vương mắt
Đời sống vô thường nghĩ xót xa!*

Một đứa con gái tôi quay về quê khi cháu tốt nghiệp trước khi đi làm, đã thay tôi đến thăm dì. Đã vào hàng 90, dì còn minh mẫn nhưng sức khoẻ yếu và mắt đã loà; nhìn hình của dì mà tôi rưng rưng nước mắt.
Đến khi tôi về được thì dì đã thành người thiên cổ; tôi chỉ biết tạ tội với dì là “ lỗi tại con, xin dì tha thứ” vì con đã chần chờ.
 
Quay lại quê nhà để viếng thăm
Bà nay yên nghỉ cõi xa xăm
Con quỳ bốn lạy lời cầu nguyện
Gởi đến bà theo hương khói trầm.*

Năm nay mùa lễ Vu Lan sắp đến, con xin viết đôi dòng tưởng nhớ đến dì Hai thương kính…
 
A.
July 21, 2013
*Trích NHỚ XƯA - A.
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2013 07:27:23 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 09.09.2013 05:43:16
PHƯƠNG-THÀNH NỖI NHỚ
 
-Con có gia-đình chưa?
-Dạ thưa thầy chưa ạ.
-Vậy thì chọn nhiệm-sở nào cũng được mà, chọn…xa xa cho phỉ chí trai đi con.
Đó là những lời trao đổi giữa thầy Viện-Trưởng Viện Đại-Học Sài- Gòn, Giáo-sư Trần Quang Đệ, với tôi khi thầy chủ-trì buổi chọn nhiệm-sở của nhóm “thầy giáo mới ra trường” năm 1965 lúc thấy tôi chần chừ mãi trước bảng ghi nhiệm-sở mà không chọn …
Bởi thứ hạng thấp nên tới phiên tôi còn những nơi gần cũng như xa nhưng với giao-thông rất khó-khăn, nguy-hiểm vì dạo đó chiến-sự cũng đã khá sôi động. Lời khích tướng của thầy Viện-Trưởng làm tôi nổi máu giang-hồ, liền viết ngay tên một trường ở miền biên- giới Việt Miên lên giấy chọn.
Tới ngày khăn gói lên đường đến một nơi nghe tiếng nhưng chưa một lần thăm viếng, háo hức vào đời lẫn với sự lo lắng bước đường xa xôi lạ lẫm hiểm-nguy pha trộn thành một cảm-xúc là lạ hấp-dẩn.
Đoạn đường xe Cần-Thơ/ Rạch-Giá lần đầu đi qua, dù bên đường cũng chỉ là những cánh đồng lúa bạt ngàn, những chợ làng nho nhỏ, những nhà lá nghèo nàn hoặc mái ngói nhưng đơn-sơ mộc mạc, những đoạn sông rạch với lục bình trôi ghe xuồng xuôi ngược…mà tôi vẫn thấy như mình du-lịch ở một vùng đất mới.
Phải qua đêm ở phố-thị Rạch-Giá hôm sau mới tiếp tục được cuộc hành-trình. Ngủ khách-sạn, ăn cơm tiệm, hỏi thăm đường đi nước bước cho ngày hôm sau.
Khách-sạn, cơm tiệm một mình….tự-nhiên mình cảm thấy mình đã là người lớn; tôi còn tưởng tượng mai mốt đây sẽ đứng trên bụt gổ trước mặt một đám học trò và bọn chúng cúm núm một thưa thầy, hai cũng thưa thầy nữa kìa…
Sáng tinh sương tôi đã đến bến tàu Rạch-Giá/ Kiên-Lương với mớ hành-trang chỉ là sách vở, đôi bộ quần áo, gói xôi vị cho điểm tâm, hai ổ bánh mì thịt cho buổi trưa và chiều cùng hai, ba tờ nhật báo, tuần báo. Vì đoạn đường này chừng hơn sáu mươi cây số mà tàu đò đưa khách, thường ghé rước hoặc thả khách nên chạy đã chậm còn chậm thêm. Do đó, khách đi đường xa thường mướn cái võng  nằm nghỉ thì được thoải mái hơn. Tôi chọn một cái võng giữa tàu để tránh bớt khách lên xuống. Lần đầu tiên đi tàu kiểu này nên cũng thú-vị; treo mình “ tòn ten” ngắm cảnh lạ đường xa, nghiền ngẫm mấy tờ báo, rồi chìm vào giấc ngủ …chập chờn.
Thuở ấy tuyến đường bộ Rạch-Giá / Hà-Tiên dài khoảng chín mươi chín cây số, nếu tôi không lầm, gập ghềnh lổ hang, sỏi đá …với những cây cầu cũ kỹ. Bên cạnh đó vì chiến-tranh nên đường bộ không an-toàn. Xe hơi chỉ chạy một đoạn ngắn từ Rạch-Giá chứ không chạy suốt đến Kiên-Lương, Hà-Tiên. Vì lẽ đó phương-tiện giao-thông chính là đường sông. Những khách buôn bán, nông-dân, phụ-nữ hoặc trẻ con, người già thường đi suốt tuyến đường tàu nhưng những thanh-niên, hoặc ai có làm việc cho chánh-quyền đương-thời thì chỉ đi đoạn đường Rạch-Giá/ Kiên-Lương (hoặc ngược lại), còn đoạn Kiên-Lương / Hà-Tiên thì lên đường bộ đi bằng xe Lam, nhanh và an-toàn hơn.
Ngủ rồi thức. Ăn, đọc báo rồi ngủ. Cuối cùng tàu cũng đến trạm Kiên-Lương, nơi có nhà máy xi-măng tân-tiến của Nam Việt-Nam, khai-thác núi đá vôi vùng này, cung-cấp xi-măng cho cả nước và hình như có xuất-cảng nữa. Quận Kiên-Lương trẻ tuổi với nhà máy xi-măng đang phát-triển nên nhà cửa, quán xá khá khang-trang so với những quận nghèo nàn khác lúc bấy giờ. Nhìn những ngọn núi đá vôi (không cao to), nhìn khu nhà máy xi-măng độ sộ với những ống khói nhả khói mịt mù (ngày đêm), một niềm vui bất chợt đến vì sự tiến-bộ về nền công-nghiệp của nước nhà. Ước mong chiến-tranh đừng lan đến nơi này…
Xe Lam lên đèo xuống dốc trên con đường đất đỏ dài cở ba mươi cây số, làm tung lên những làn bụi đỏ phía sau, chạy dọc theo mé biển đưa tôi đến quận Hà-Tiên tịch-mịch, cổ-kính. Bên trái là biển thuộc vịnh Thái-Lan lần đầu nhìn tận mắt, bên mặt là rừng thưa lai rai mái nhà lá đơn-sơ, thỉnh thoảng gặp vài người dân quê mộc mạc đi chân đất bên đường, vùng đất mới với cảnh, người mới làm nao nao lòng khiến tình thương quê-hương trong tôi dạt dào hơn. Bãi biển Thuận-Yên sóng vỗ nhè nhẹ nằm bên trái con đường với hàng dừa xanh tươi bên mặt dưới chân núi Tô-Châu đã tới có nghĩa là đôi phút nữa Hà-Tiên sẽ hiện ra trước mặt tôi.
Chiều đã xuống, từ bến đò Tô-Châu tò mò háo hức ngắm nhìn Hà-Tiên nằm im lìm bên kia sông, đoạn sông ngắn nối vịnh Thái-Lan và hồ Đông-Hồ,  tôi đang thở vào ra không-khí lạ như có pha mùi muối và cá của biển, tôi đang cảm nhận mùi đất quê-hương nồng-nàn mùi lá rừng, khai-phá bởi ngài Mạc Cửu; vùng đất mới mà tôi sẽ lăn lốc sống vài năm lúc mới ra trường. Không-gian này, thời-gian ấy đã hằn dấu sâu sắc trong đời tôi và tôi đã mang chúng theo mãi bên mình từ dạo ấy đến nay.
 
PHƯƠNG-THÀNH NỖI NHỚ
 
Phương-Thành ơi! chợt nhớ em da diết
Mấy mươi năm rồi cách biệt xa xôi
Bao kỷ-niệm thân-thương còn lưu giử
Tên ngọt ngào anh từng nhẩm không thôi.
 
Đò máy, nằm võng tìm em một thuở
Qua dốc đồi xe “lam” đến Thuận-Yên
Hàng dừa xanh lá rạt rào gió biển
Đưa chân anh ngơ ngẩn đến Hà-Tiên.
 
Bến Tô-Châu một chiều vàng nắng nhạt
Gió Đông Hồ vờn nước mặn Thái-Bình
Cửa sông nối hồ thơ và biển cả
Dừng chân anh chờ cô lái đò xinh.
 
Chạm thân em - dạt dào bao cảm xúc-
Thị-trấn đơn côi trấn ải biên-cương
Anh chọn cho lần đầu tiên dấn bước
Vào đời, như tàu thám-hiểm đại-dương.
 
Sạp báo Minh Xuân, Đại-Tân khách-sạn
Không ngỡ ngàng mà lại rất thân tình
Hiếu khách những chị/ anh/ em biên-giới
Xao động lòng, tim mở đón tình xinh.
 
Ngôi trường nhỏ nhắn, bạn bè mới gặp
Như là nhà, êm ái những vòng tay
Mai sẽ gặp những học-sinh mộc mạc
Nở nụ cười rạng rỡ đón ngày mai.
 
Đường Bạch-Đằng nơi đầu tiên ở trọ
Nơi thứ hai , ngỏ Nhật-Tảo thân thương
Ơn nghĩa ấy ghi sâu trong tâm-tưởng
Thời-gian qua nhưng tình vẫn còn vương.
 
Sau lớp học: Bải Nò , lăng Mạc Cửu
Lang-thang viếng thăm thập cảnh Hà-Tiên
Thương ánh điện (tợ đèn dầu) leo lét
Nước ao sen vẫn ngọt lịm lương duyên.
 
Đâu sá gì với đôi điều trắc-trở
Như vị cay, gia-vị bửa tiệc ngon
Kỷ-niệm đắng cho cuộc sống thêm dòn
Vẫn trân-trọng xấu/ xinh ngày tháng ấy.
 
Tình-yêu Phương-Thành làm sao nói hết      
Thôi thì giử-gìn trong những hóc tim
Đôi lúc nhớ nhung đem ra ngắm nghía                           
Để đời anh không tẻ nhạt im lìm.
 
Gần đây (18/7/2013) bất chợt tôi cồn cào nhớ về Hà-Tiên, bài thơ Phương-Thành Nỗi Nhớ thành hình, và xin chia sẻ với bè bạn hôm nay.
 
Anh Tú
September 7, 2013
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2015 05:29:20 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 15.11.2013 07:34:17

CÂY ỚT
 
Dòng đời đẩy đưa xa xứ. Khi đó… đã “mang theo quê hương”, là tất cả những gì về đất nước, người thân, bè bạn, gốc cây ngọn cỏ,... Hai bàn tay trắng, như câm, như điếc …ngu ngơ lo cho chén cơm manh áo nên quê hương mang theo ém vào góc tim.
Gặp người đồng hương, chợ Việt với chai nước mắm, lọ chao, nhánh xã, trái chanh, trái ớt,… lòng cũng xao xuyến, buâng khuâng.
Thời gian vá lành cuộc sống, tâm hồn thư thả thì quê hương mang theo từ từ lần bước ra ngoài với nhiều hình thức, lớn có nhỏ có.
Nho nhỏ như trồng rau thơm, diếp cá, dưa leo, khổ qua, bầu bí…Công việc này cho nhiều niềm vui, hạnh phúc; vui, hạnh phúc không vơi mà càng tăng thêm  mỗi khi nhìn thấy kết quả công sức của mình dù tốt, dù xấu…
Bà nhà tôi mấy năm nay cũng có chút thì giờ rảnh bày ra chuyện trồng rau, vì không có khiếu  nên chỉ trồng những loại rau dễ chăm sóc như diếp cá, rau thơm. Ớt cũng dễ trồng nhưng năm nào “loay hoay” mãi mà khi đông đến thì ớt mới vừa ra bông. Năm vừa qua bà nhà tôi trồng ớt trong chậu và khi đông đến thì đem vào nhà để nơi cửa sổ cho có ánh sáng. Mùa xuân trở lại thì chậu ớt được ra ngoài hưởng mưa gió, ánh sáng mặt trời, và đã “thâu hoạch” rất được mùa.   

Mua vài đồng ớt ở chợ cũng tươi tốt, cay nhưng trái ớt tự mình trồng, trồng ở xứ người nơi thời tiết không giống như ở quê hương, hình như “ngon” hơn gấp bội vì khi mình săn sóc thì có “ướp” tình quê hương vào nó chăng?
Ngay bây giờ, cuối thu đầu đông trời lạnh xuống đôi lúc gần không độ bách phân,  cây ớt ấy nằm trong một chậu kiểng được đặt trang trọng nơi phòng khách, có hơn năm mươi trái chín đỏ tươi, rất đẹp.
Nhà tôi nảy ra ý định chụp hình nó  khoe …khoan với bà con chơi.
Có một hôm ngắm nghía mấy trái ớt chín, chín cũng đã lâu mà chưa rụng, “phán” một câu “ Ớt già còn đẹp nhưng da đã nhăn nheo như da của mấy ông già rồi!” ( sao không nói bà già nhỉ?) và ngó tôi “bà ta” cười cười.
Thiệt tình!
 
A.
November 14, 2013
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2013 07:07:41 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)

Nguyệt Hạ
  • Số bài : 1104
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.10.2010
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 16.11.2013 02:17:47
 
Hello Anh Tú,
Thấy anh kể chuyện trồng ớt, NH mang thêm hình vào khoe với anh.
Cây có rất nhiều trái, và may mắn không phải mang vào nhà, hiện giờ cây vẫn đang có trái và tươi tốt.
(Khi nào không hái để lâu quá trên cây, trái mới "nhăn" )
 
 

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 20.11.2013 07:25:31
Chào chị Nguyệt Hạ,
Rất mừng đón chị bước vào "mảnh đất cằn cỗi" này của tôi. Thật hân hạnh!
Nhìn cây ớt của chị mà ham, trái xanh trái đỏ, da chưa nhăn nheo, "chen lấn" nhau rất hấp dẫn ; chúng sẽ không bao giờ phải mang vào nhà để tránh lạnh như của chúng tôi?
Cám ơn chị đã chia sẻ hình ảnh.
Tôi thường đọc các bài viết của chị, văn cũng như thơ; gần đây là thơ trên blog của YDT.
Chúc chị nhiều sức khỏe và sáng tác mạnh.
Thân ái,
Anh Tú
 
 
 
 

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 22.11.2013 01:31:18
                                               CON KIẾN VÀ THẦY TÔI
 
Tôi nhớ về ngôi trường làng, phía sau có bải cỏ dọc theo mé sông, phía trước là sân chơi kế bên con đường đất dẩn từ quê Hòa Tịnh ra ngôi chợ nhỏ Ngả Tư Long Hồ. Niên khóa 1952-1953, lớp nhì, lớp tôi học, do thầy Hai phụ trách (thường gọi là thầy Hai Lương)
Hiện nay tôi vẫn còn hình dung ra dáng thầy dạo ấy. Ốm, cao, da trắng với phong thái rất hiền từ, mỗi ngày thầy lái xe gắn máy từ tỉnh lỵ Vĩnh Long vượt 9 cây số của tỉnh lộ Vĩnh Long – Trà Vinh đến trường.
Thầy đem theo thức ăn trưa, thường là bánh mì thịt. Giờ nghỉ trưa là lúc thầy trò dùng bửa. Bàn viết của thầy làm bàn ăn. Bửa ăn đạm bạc bánh mì, nước lả của thầy không thấy thay đổi. Có lý do nên mới nhắc đến bửa ăn trưa của thầy. Số là không biết từ lúc nào một con chó ốm tong teo, lông rụng còi cọc, thờ thẩn đi xiêu vẹo (chúng tôi nói là đi bẻ bánh lái) xuất hiện bên thầy, ngồi “nhóc mỏ” nhìn miệng. Và thầy thương tình đã chia sẻ từng miếng bánh mì nho nhỏ cho con chó đói tội nghiệp. Ngày qua ngày thầy biến chú chó hoang ốm o trở thành “phương phi”, mập mạp, lông lá mướt rượt, quấn quýt bên thầy mỗi ngày.
Và một hôm sáng sớm vừa vào lớp chẳng bao lâu, thầy bước đến em học sinh tên NămThạnh, ngồi đầu bàn của bàn thứ nhất, bảo em này xoè bàn tay, chúng tôi ngạc nhiên không rõ chuyện gì sẽ xãy ra cho bạn. Thầy Hai rất hiền, thương học sinh, tận tâm dạy dỗ, không la hét hay phạt học trò của mình bao giờ như những đồng nghiệp của thầy thường cho học trò những hình phạt rất khắc nghiệt thuở ấy: nhẹ nhất là khẻ tay bằng thước, chẳng lẽ …khẻ tay Năm Thạnh? Chúng tôi chăm chăm theo dõi: bằng hai ngón tay cái và trỏ, thầy nhón giữ một chú kiến nhỏ, vì quá lâu tôi không nhớ loại kiến gì, và thả nó lên lòng bàn tay của Thạnh, bảo cẩn thận mang thả chú ta ngoài bải cỏ phiá sau trường. Thầy nhìn chúng tôi mĩm cười, không nói một lời…nhưng tất cả sự diễn tiến thẩm thấu vào tim óc chúng tôi một kỹ niệm nhớ đời, một bài học sâu sắc về lòng từ bi, tình thương vạn vật của thầy tôi. Đối với chú kiến mà còn như thế thì với đồng loại , đồng bào thì chúng ta phải làm sao rồi.
Năm sau, chúng tôi lên lớp nhất, không còn học với thầy, nhưng vẫn gặp và cung kính chào thầy mỗi ngày. Thầy vẫn còn tiếp tục nuôi chú chó hửu phước kia…Khi ra tỉnh lỵ để thi bằng Tiểu học, chúng tôi có dịp đến viếng nhà thầy, một căn phố hẹp nằm trên đường Gia Long, ngang Bungalow cũ. Buổi thăm viếng này củng cố thêm lòng mến yêu thú vật, nhất là thú vật nhà, của thầy vì tôi thấy rất nhiều chú mèo trên đầu tủ, trên ghế ngồi, dưới gầm bàn… đang tò mò giương mắt nhìn khách.
Thầy tôi tiếp tục nghề nghiệp tại tỉnh nhà, hình như có lúc thầy làm việc tại trường Sư Phạm Vĩnh Long, trong khi chúng tôi tiếp tục con đường học vấn và ra đời, sinh sống khắp nơi.
Bây giờ lớp học trò cở chúng tôi, đứa còn đứa mất, đầu bạc răng long thì thầy đã về miền miên viễn từ lâu.
 
Dịp khuyến khích làm thư Haiku VN của anh Hồng Băng trên tongphuochiep-vinhlong.com, Phú Thạnh nói nằm mơ thấy ai đó đã viết:
 
Con kiến nhỏ
Bỏ tay trò
Thảm cỏ

 
(Và trước đó cũng đã có mấy câu:
 
Con kiến thầy nhón lấy
Bàn tay trò
Bải cỏ.
 
Cửu Long)
 
Làm tôi nhớ lại thời gian cách nay 60 năm xa xôi…nhưng với tôi nhớ lại thì như mới hôm nào …vẫn còn rất ngọt ngào.
Tôi mạn phép góp vui cùng anh Hồng Băng, Phú Thạnh, Cửu Long (?...chắc là một bạn nào đó cùng lớp với tôi và Phú Thạnh) và tất cả bè bạn bằng mấy câu thơ …thẩn sau đây:
 
Nhỏ nhoi phận kiến lạc đàn
Phật tâm thầy cứu bởi bàn tay nhân
Dạy trò bài học thiết thân
Thương người thương vật cõi trần: từ tâm.
Thầy tôi giờ đã xa xăm
Dáng thầy, câu chuyện ngàn năm nhớ hoài.
 
NHA
November 21, 2013

<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2015 08:39:48 bởi Anh Tú >

Nguyệt Hạ
  • Số bài : 1104
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.10.2010
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 22.11.2013 04:20:46
 
Cám ơn anh Anh Tú đã kể một kỷ niệm thật đẹp của người Thầy đáng kính.
Vừa đúng dịp Lễ Tôn Sư Trọng Đạo ở bên nhà, món quà vô giá khi học trò còn nhớ đến Thầy giáo của mình sau bao nhiêu năm.
 
Xin chúc anh chị luôn vui mạnh.
 
Nguyệt Hạ
 
(NH còn nhỏ hơn anh rất nhiều, xin anh miễn cho chữ chị)
 
 
 
 
 
 
 

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 22.11.2013 19:34:00
Nguyệt Hạ

 
 
Cám ơn anh Anh Tú đã kể một kỷ niệm thật đẹp của người Thầy đáng kính.
Vừa đúng dịp Lễ Tôn Sư Trọng Đạo ở bên nhà, món quà vô giá khi học trò còn nhớ đến Thầy giáo của mình sau bao nhiêu năm.

Xin chúc anh chị luôn vui mạnh.

Nguyệt Hạ

(NH còn nhỏ hơn anh rất nhiều, xin anh miễn cho chữ chị) 
 
 


Khi chỉ  BIẾT văn thơ của một người viết nữ thì gọi chị là hợp lý nhất "chị" Nguyệt Hạ ạ. Qua ý kiến trên thì từ đây tôi xin phép chỉ gọi bằng bút danh Nguyệt Hạ.
Rất cám ơn Nguyệt Hạ về lời bình và lời chúc sức khoẻ cho chúng tôi.
Anh Tú và bà xã cũng xin chúc Nguyệt Hạ luôn vui khoẻ và sáng tác đều đặn.
AT
 

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 28.11.2013 02:17:56
NHỚ BẠN TÔI
 
Niên khoá 62-63, T.K.H. và tôi trúng tuyển vào Lớp Lý Hoá của trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ tỉnh lẻ Vĩnh Long, hai đứa  chen chân được vào đây là cả một sự may mắn. Ngày tựu trường với tâm trạng vui mừng có pha lẫn một chút bở ngở và lo sợ bâng quơ dầu bên cạnh đã có bạn chí cốt K.H., tôi ké né tìm một chỗ ngồi cuối lớp. Liếc mắt quan sát nhanh toàn lớp, ngoài T.K.H. thì toàn là những sinh viên xa lạ.Với tôi, họ là những đàn anh đầy tài năng, thật dạn dĩ, chào hỏi nhau, nô đùa, đang chuyện trò như pháo nổ.
Đầu một bàn gần giữa lớp, tôi thấy có một anh sinh viên mặt vuông chữ điền đẹp trai với chiếc răng khểnh đang cười cười ngó về hướng chúng tôi trong khi chân anh đang gỏ nhịp. Với nét mặt thân thiện đó, tôi nhận ra ngay nơi anh sự mời gọi kết thân. Trong khi tôi còn miên man suy nghĩ, anh đã chủ động đến bên chúng tôi thật nhanh và bắt chuyện: “Dân Tống Phước Hiêp phải không?”. Đã biết chúng tôi là ai, anh nhanh nhẫu tự giới thiệu về mình và kết luận tỉ lệ dân Vĩnh Long đậu vào lớp này “khá cao”: 3 trên 33, có nghĩa anh cũng là dân đất Long Hồ. Đó chính là Lương Văn Kiệt, cũng là đàn anh của chúng tôi tại Tống Phước Hiệp.
Từ đó ngoài tình đồng song, còn có tình đồng hương, hai cái tình này quyện vào nhau lần lần chúng tôi là ba đứa bạn thân thiết, bè bạn gọi đùa là “ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Đến năm thứ hai, chúng tôi ở chung nhà trọ 32/65 đường Cao Thắng, cùng chia vui xẻ buồn cho đến lúc tốt nghiệp.
Rất nhiều kỹ niệm, vui nhiều buồn ít, xảy ra tại nhà trọ, giảng đường, câu lạc bộ, phòng thí nghiệm, thư viện, lúc dạy thực tập tại các trường Trung học tại Sài Gòn.
Có những cuối tháng, tiền cạn túi, sáng ngồi học bài bụng đói meo, chữ nghĩa không nhét được vào đầu, “Có thực mới vực được đạo” kia mà! Tay lật từng trang sách, mắt lơ láo ngó qua cửa sổ của cô Bắc Kỳ nho nhỏ ngang đường hẻm. Bổng một chàng reo lên:“Đi ăn  phở tụi bây ơi! Tao bao!” “Có đùa dai không đó!” “Thật mà!!” trong khi tay anh quơ  quơ  tờ giấy 50 đồng. Thời đó tô phở chỉ có năm đồng  mà thôi thì thừa đủ cho mấy anh em vượt qua cơn đói buổi sáng sớm hôm nay. Thì ra khi lật từng trang sách, một trong chúng tôi đã “phát hiện” được tiền đã bỏ quên trong đó tự bao giờ!
Một hôm vào thư viện học bài, nhân lúc xả hơi chợt nhìn thấy có ba cô sinh viên ban Vạn Vật xinh đẹp ngồi ở bàn gần đó, một trong ba đứa bổng nảy ra ý đùa vui: Ai qua mượn được quyển sách của cô A. (cô đẹp nhất) đem về đây thì hai đứa còn lại sẽ bao ăn sáng. Mỗi đứa cố gắng nghĩ cách thực hiện lời thách đố. Cuối cùng một đứa đi qua bàn của các chị, gặp mặt nhau rất thường nhưng chưa  bao giờ dám làm quen, để mượn sách. Nói với các chị ấy “gì đó”, các chị mĩm cười và anh đem được quyển sách về bàn. Hai người còn lại trố mắt nhìn ngạc nhiên và…phục tài “sát đất”. Biết anh ta đã nói gì không? Đơn giản thôi, anh chỉ thật thà thú thật “sự việc” và nhờ các chị vui lòng “giúp đở”.
Dưới hầm giảng đường Đại Học Khoa Học là nơi lao công của trường bán thức ăn cho sinh viên nên mọi người xem nơi này như là câu lạc bộ. Mỗi sáng khi thấy chúng tôi đến là chú lao công biết ngay chúng tôi cần gì: ổ mì thịt ba đồng và ly sửa thêm tí cà phê. Những ngày cuối tháng hết tiền, chú lao công vui lòng cho chúng tôi “à la ghi” nghĩa là cho thiếu chịu, ghi sổ, đầu tháng lảnh học bổng sẽ trả lại.
Vào năm thứ hai, chúng tôi bắt đầu đi dạy thực tập tại các trường Trung Học như Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Trải, Vỏ Trường Toản. Khi đến nơi thực tập, học sinh các bàn cuối  được di chuyển ngồi chen chút ở phía  trên để nhường chỗ cho chúng tôi. Đối với các lớp của trường Gia Long hoặc Trưng vương: chúng tôi luôn tìm thấy các nữ sinh đem thức ăn vặt vào lớp như ổi, bưởi, mận, xí muội…để quên dưới hộc bàn.
Thầy Bùi Phượng Chì hướng dẫn dạy thực tập.. Một trong những kinh nghiệm thầy truyền dạy cho chúng tôi là không nên hỏi học sinh câu: “Các em có hiểu không?”Học sinh sẽ luôn trả lời là “ Không hiểu gì cả thầy ạ!!!” Tiếp theo đó là sinh viên thực tập phải giảng bài lần nữa; như thế thì không hoàn tất buổi thực tập trong thời gian ấn định. Kết quả là bị điểm thấp. Cũng như không bao giờ nói trước  kết quả thí nghiệm Vật Lý hoặc Hóa Học vì đôi lúc kết quả ra sẽ không đúng như ý, ta sẽ bị “hố”và “quê”trước mặt học sinh. Nếu tình huống này xãy ra, chúng ta tự động thực hiện thí nghiệm lại lần nữa và chỉ giải thích khi kết quả thành công.  
Cuối cùng thì chúng tôi tốt nghiệp, phải rời xa ngôi trường thân mến, giã từ đời sinh viên vô tư vui nhộn, giã từ căn nhà trọ tuy nhỏ hẹp thiếu tiện nghi nhưng tràn ấp biết bao kỹ niệm vui buồn, cũng như phải giã từ Sài Gòn vô cùng thân thương đầy những dấu chân kỹ niệm của chúng tôi như dạo phố Lê Lợi chiều cuối tuần với cái thú mua sách(mà hầu như không bao giờ đọc!), những hẹn hò ở bến Bạch Đằng nhìn sông nước hoàng hôn, những buổi rong chơi dưới những hàng me của  các đưòng phố quận nhất hoặc họp mặt pinic cùng bè bạn trong Thảo Cầm Viên,…. để bước vào đời tại những tỉnh lỵ hoặc quận lỵ xa xôi buồn tẻ.
Rồi trên bước đường mới thực hiện lý tưởng  đã chọn, chúng tôi tìm thấy những niềm vui mới đầy hứng thú, cao đẹp …của nghề nghiệp. Kiệt, H. đến Trà Vinh  còn tôi trôi giạt tận biên giới Việt Miên cuối miền đất nước: Hà Tiên,quê hương của nhà thơ Đông Hồ.
Vài năm sau, Kiệt được về phục vụ tại quê nhà Vĩnh Long như ước vọng. Còn tôi thì vẫn còn “lưu lạc xứ người”, từ Hà Tiên đến Cần Thơ rồi vào năm 1973 thì Bình Minh(Vĩnh Long).
Dù không dạy cùng trường nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Được biết Kiệt làm việc rất tích cực và được lòng đồng nghiệp, học sinh tại nơi sanh ra và lớn lên của mình.
Vào niên khoá 1973-1974 chúng tôi có dịp cùng sinh hoạt chung với nhau trong việc điều hành trại hè tại Hà Tiên cho học sinh toàn tỉnh Vĩnh Long do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Sau đó Kiệt và tôi cố gắng phối hợp  tổ chức một cuộc du ngoạn Hà Tiên lần nữa chung cho hai trường Trung học Tống Phước Hiệp và trường Trung học Bình Minh.Nhưng với những lý do ngoài ý muốn, cuối cùng đoàn của mỗi trường đi riêng biệt. Tôi còn nhớ rõ trong khi đoàn của Trường TPH trên đường trở về thì đoàn của Trường Bình Minh trên đường xuất phát. Chúng tôi gặp nhau vào buổi trưa của một ngày, một ngày mãi mãi không quên trong đời tôi, tại tỉnh lỵ Rạch Giá, nơi dừng chân nghỉ xả hơi trước khi mỗi đoàn tiếp tục hướng đi của mình. Kiệt và tôi gặp nhau trao đổi vài câu ngắn ngủi rồi mạnh ai nấy lo bổn phận của mình.
Tôi tiếp tục lao đầu vào việc hướng dẫn học sinh cùng với quý vị giáo sư của trường Trung học Bình Minh đến thị trấn Hà Tiên. Tôi nghĩ Kiệt cũng vậy, phải lo đưa đoàn du ngoạn của học sinh trường Tống Phước Hiệp trở về trong sự an toàn.
Hai hôm sau, vào một buổi chiều tôi đọc báo thấy có tin tức về vị trưởng đoàn du ngoạn của trường Tống Phước Hiệp bị tai nạn tại Ngả ba Lộ tẻ gần Tỉnh lỵ Long Xuyên và qua đời. Khi tôi nhận được tin này thì ở Vĩnh Long đang lo tang lễ cho Giáo sư Lương văn Kiệt, bạn thân thiết của tôi vì thời đó một tờ báo phát hành ở Sài Gòn phải hai ngày mới đến được Hà Tiên. Tôi liền xin ý kiến của đoàn, chúng tôi trở về ngay ngày hôm sau. Tôi về đến Vĩnh Long vừa kịp lúc gia đình đang tẩn liệm Kiệt. Quá xúc động tôi quỳ ngay trước quan tài vừa đậy nấp với dòng nước mắt không ngăn được. Lần gặp ngắn ngủi, vội vàng ở Rạch Giá không ngờ là lần gặp mặt cuối cùng của hai đứa. Đám tang của Kiệt diễn tiến sau đó rất trang nghiêm và là một đám tang đông đảo người đưa tiển tại tỉnh nhà. Kiệt được an tang tại nghĩa trang Đất Thánh Tây, và sau 1975 nghĩa trang này bị giải toả  nên gia đình phải cải táng đưa Kiệt về đất nhà trong một miền quê.
Qua những lời tường thuật lại, tai nạn do một đoàn Thiết vận xa M13 gây ra. Khi sắp đến lộ tẻ một xe trong đoàn du ngoạn cần sửa chửa, đoàn phải dừng lại và nhân đó cho học sinh nghỉ xả hơi luôn. Kiệt đang giải khát trong một quán ven đường, nghe đoàn xe M113 chạy đến, lo lắng cho sự an toàn của học sinh, Kiệt bước ra nhắc nhở học sinh phải vào lề đường. Kiệt đứng giữa hai chiếc “buýt” chở học sinh. Một tài xế của đoàn xe Thiết vận xa có ý biểu diễn(?) với nữ sinh nên lái lạn qua lạn lại và mất kiểm soát tay lái nên đụng phải một xe của đoàn du ngoạn, xe này bị đẩy tới và ép Kiệt với chiếc xe phía trước nên Kiệt bị bể bọng đáí, được chở đến bịnh viện Long Xuyên để cứu cấp nhưng không còn kịp nữa.
Nhớ lại những buổi tối thứ bảy ngày nào khi tôi có  dịp về Vĩnh Long, bất kể giờ giấc Kiệt đến “lôi” tôi đi “lai rai”đâu còn nữa; những “rủ rê” đó thường không làm hài lòng vợ tôi bây giờ trở thành một nét tưởng nhớ đặc biệt về Kiệt của chúng tôi khi có dịp nhắc đến anh. Mãi tới ngày hôm nay, sau mấy chục năm vật đổi sao dời, đôi buổi tối thứ bảy vẫn còn hình bóng của bạn tôi lởn vởn trong đầu.
Năm 2002 tôi có dịp đến thăm chị Kiệt. Chúng tôi hàn huyên lại chuyện cũ. Chị cũng kể cho tôi biết những khó khăn của gia đình chị sau khi Kiệt ra đi và cả những ngày tháng sau năm 1975. Nay thì mọi chuyện đã qua rồi, cuộc sống của chị và con cái đã ổn định. Đứa con trai đầu lòng của anh chị, Lương Tam Kha giờ đã trưởng thành, học hành đổ đạt thành tài. Nhớ lại mà xót xa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi trao cho chị Kiệt một sổ Trương Mục Tiết Kiệm thuộc Tín Nghĩa Ngân Hàng có tên của Lương Tam Kha và tên tôi trong đó có ghi  một số tiền. Đó là khoản tiền dành dụm đóng góp từ thân hữu bạn bè có lòng thương Kiệt, mục đích giúp LTK khi cháu vào Đại học mà tôi là người được giao phó giữ trương mục này. Với cuốn sổ mang nhiều ân tình mà vô dụng lúc bấy giờ, chị Kiệt và tôi chỉ biết ngâm ngùi nhìn nhau, chị nói lời cám ơn còn tôi thẹn lòng khi nghe lời nói xúc động của chị.Tôi xin chị giữ nó như là một kỹ vật.
Kiệt ơi, mầy ra đi trước bọn tao tới nay đã hơn 35 năm, không rõ điều đó xấu hay tốt cho mầy, nhưng chúng tao những người thương mầy còn ở lại nghĩ rằng mầy “chơi xấu”, để lại nỗi thương nhớ cho bọn tao mãi không nguôi.
Nói đùa cho vơi chút xót xa chứ nào có trách mầy đâu. “Tao tự hỏi: bây giờ mầy đang ở đâu?”
NHA

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.11.2013 02:26:31 bởi Anh Tú >

Anh Tú
  • Số bài : 514
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 22.09.2011
Re:Văn_Những Kỷ-niệm_A. - 04.01.2014 00:30:52
 

Đã cuối năm rồi em có hay
Trời xa đất rộng nước vơi đầy
Tình ta chia cách hoài mong đợi
Em vẫn phương trời tôi ở đây!

Bên ấy mùa đông tiết lạnh lùng
Có ngồi bên cửa ngắm mông lung
Nhớ về quê mẹ bao yêu dấu
Còn giữ trong tim nghĩa thủy chung?

Nhờ gió gởi em chút nắng hồng
Mang hồn sông núi tổ Tiên Rồng
Và thương nhớ của người xưa cũ
Sưởi ấm tim người xa núi sông.
Anh Tú
December 31, 2013

CHÚT TÂM SỰ

Tôi biết anh vào những ngày tháng mà cuộc sống về mọi phương diện bắt đầu khó khăn nhân khi chúng tôi mua gạo từng lít hằng ngày do anh bán ở một ngôi chợ nhỏ. “Cửa hàng” của anh tạm bợ dưới đất trong khu chợ với một bao, một thúng, một lít để chứa để đong đo gạo. Chỉ là buôn bán cò con để kiếm cơm qua ngày.
Cao ráo với đôi kính cận trông thật hòa nhã hiền lành…anh là nhà giáo mà! Là nhà giáo, sau này tôi mới rõ chớ lúc đó chỉ biết mến anh, một người buôn bán hiếu khách và thân thiện.
Rồi một ngày không ngờ bao giờ chợt đến khi mà chúng tôi đang vui, nhiệt tình  với công việc cũ trong một hoàn cảnh xã hội mới, vài chiếc xe GMC quân sự đưa chúng tôi những nhà giáo yêu nghề hơn bao giờ hết đi "nghỉ mát" ở một tỉnh lỵ ven bờ Thái Bình Dương; trong đám chúng tôi đó có anh. Vậy ra anh và tôi là những kẻ…đưa đò lỡ vận. Từ đó hai đứa  thân nhau.
Những ngày tháng “nghỉ dưởng” này rất có ý nghĩa, giúp tôi, có thể là cả bạn tôi,  hiểu cuộc đời nhiều hơn; nhiều kỷ niệm vui buồn nhưng thật sâu sắc đã bám trụ vào tâm hồn vốn rất khù khờ của tôi. Không cần phải kể ra những kỷ niệm này tại vì rất riêng cho mỗi cá nhân mà thật ra nhìn tổng thể là chung, chung cho nên ai cũng rõ, nhắc lại chỉ nhàm chán mà thôi.
Tôi và anh có một thú giải trí chung là đánh cờ tướng. Hai chữ cờ tướng khi nhắc lại là cả một cuốn phim hình như được chiếu lại chớp nhoáng trong đầu của anh và tôi, những phút giây hạnh phúc nhỏ nhoi trong khung đời nghiệt ngã một thời và còn dư vị cho đến ngày nay, lúc mái tóc bạc màu cằn cỗi.
Anh và tôi, mỗi người có một số phần, tốt hay xấu rồi tất cả cũng trở thành vô nghĩa. Ngặt nỗi biết vậy mà chúng tôi cũng phải ưu tư phấn đấu để mong được tốt hơn do lối mòn của con người vốn thế. May thì tốt hơn và ngược lại nhưng dù thế nào tôi muốn cho bạn tôi biết rằng giữa anh và tôi luôn có một sự quý trọng không bao giờ thay đổi.
Gần đây anh viết vài dòng tâm sự mà tôi nghĩ là gởi cho tôi, tôi thật sự cảm động, cảm thông và càng thương mến anh hơn.
Chính những dòng tâm sự này và tình bằng hữu của anh và tôi cho tôi cảm hứng viết bài Gởi Kẻ Miền Xa tựa như một bài thơ về tình trai gái. Đọc và hiểu theo hướng nào cũng được vì đó là thơ mà. Kèm bài thơ là một ảnh có chùm hoa ti-gôn màu đỏ. Đã có định kiến về loài hoa này do ảnh hưởng của những bài thơ mà tác giã là TTKH nên có một người bạn nghĩ là không thích hợp cho bài thơ và cho thời điểm cuối năm đầu năm. Tôi thích loài hoa hình trái tim này lắm lắm. Tôi nhìn những nụ hoa đỏ ti-gôn như hình tượng của trái tim thuộc về những người nhân ái, nhiệt huyết, tích cực ham sống với dòng máu nóng, khoẻ mạnh với tâm hồn thật trong sáng cho cuộc đời chứ không phải là trái tim rướm máu ủy mị.
Tấm ảnh với bài thơ cuối năm 2013 như là vạch ghi một thời điểm; thời điểm mà nhờ khoa học tiên tiến đã nối kết anh và tôi hai phương trời nhưng như là đang ngồi bên nhau…với bàn cờ tướng trước mặt là “chiến trường” cho hai đứa bạc đầu chúng tôi đấu trí.
Sẽ đăng bài này lên đâu đó, nếu anh đọc và sẽ hiểu tôi viết để tặng cho ai.


Anh Tú
1/1/2014.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2014 00:50:11 bởi Anh Tú >
Attached Image(s)

Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 33 bài trong đề mục