ĐÔNG HẢI: ĐAN THANH DẠ KHÚC

Tác giả Bài
thuyaust
  • Số bài : 21
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.04.2013
ĐÔNG HẢI: ĐAN THANH DẠ KHÚC - 02.06.2014 14:55:53
Xin Cảm ơn VNTQ cho tôi được lưu giữ một số tác phẩm về THƠ-VĂN-NHẠC của một nghệ sĩ tại Úc: thi-văn-nhạc sĩ Đông Hải. 
Thuỷ (Úc)  
       
LỜI NÓI ĐẦU

Kiếp nhân sinh vốn nhiều hệ luỵ!

Như những người Việt Nam đã sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến 20 năm (1954-1975) làm điêu tàn đất nước. Đông Hải đã bắt đầu viết những bi-khúc về thân phận và quê hương của mình từ những năm 1979-1980 khi còn ở trong trại cải tạo...

Hai mươi năm sau, trên mảnh đất thanh bình của Úc Châu; những bi-khúc mang nhiều âm hưởng Ngũ Cung đó, đã được tác giả chọn lựa lại, sửa chữa lại...để chuyển thành những tình khúc buồn chất chứa một nỗi sầu u-uẩn xa xăm...

Những "tình khúc buồn" nầy được chia làm hai phần:
 
*Phần 1 là THU KHÚC - gồm 10 tình khúc - từ Thu Khúc thứ nhất tới Thu Khúc thứ 10. CD THU KHÚC được cho ra mắt đồng hương tại tiểu bang N.S.W Úc Đại Lợi năm 1999.

*Phần 1 là CUNG BUỒN - gồm 10 tình khúc - từ Cung Buồn thứ nhất tới Cung Buồnthứ 10. CD CUNG BUỒN được cho ra mắt đồng hương tại tiểu bang N.S.W Úc Đại Lợi năm 2014.

-Nhạc cũng như thơ, văn hay kịch...nhưng dùng âm điệu, tiết tấu...để tạo thành, mà bằng cách nhìn nào đó vẫn là một phương tiện để chuyên chở tâm sự, kỷ niệm...của mình hay của người...rồi gởi đến hay để lại cho đời...

*Tuyển tập "ĐAN THANH DẠ KHÚC" của Đông Hải được xuất bản (2001 tại Úc) như một đóng góp văn nghệ nói chung của người Việt tỵ nạn nơi hải ngoại.

Trân trọng.
Trầm Thy 


Từ THU KHÚC đến CUNG BUỒN

Đông Hải là một nghệ sĩ đa tài: ông vừa làm thơ vừa viết nhạc, viết văn...

Năm 1999 ông phát hành CD THU KHÚC và những năm sau đó; lần lượt là: Thi tập Ở BÊN TRỜI năm 2000. Tuyển tập nhạc ĐAN THANH DẠ KHÚC năm 2001. Tiểu thuyết CẦU TRE LẮC LẺO năm 2002 và CD CUNG BUỒN năm nay, 2014.

Rõ ràng sức sáng tác nơi ông rất là mãnh liệt. Đông Hải đã sử dụng văn-thơ-nhạc để chuyên chở tâm sự, kỷ niệm chất ngất trong ông từ những năm nằm trong trại tù cải tạo. Đa số các tình khúc trong tuyển tập nhạc nầy là những bi khúc ông đã sáng tác từ lâu được chọn lựa và sửa chữa lại, vì thế THU KHÚC và CUNG BUỒN không chỉ đơn thuần là tình khúc mà còn là niềm uẩn khúc của thân phận con người từ một quê hương đau khổ.

"Đoản khúc đan thanh hoài nguyệt tận,
Trường nhai cô khách vọng hương suy." 

Cặp câu đối của Đông Hải được treo ở tư gia chính là tiếng lòng sầu lắng nơi Đông Hải: một bài thơ, một khúc nhạc ngắn, một âm vang đơn lẻ cũng đủ gợi lên trong ông một trời dĩ vãng. Đông Hải sống nhiều với quá khứ và kỷ niệm, dù ông còn rất trẻ. Mùa thu chính là cái gì gần gũi nhất cho các tình khúc buồn của ông: THU KHÚC. Mưa thu hiu hắt, gió thu buồn, trăng thu úa, tình thu xa vắng...những hình ảnh gần gũi nầy là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Lê bước đường khuya, một mình trong đêm thu để tìm lại một hình bóng cũ đã xa chính là hình ảnh người cô khách chốn trường nhai Đông Hải: "Tìm đâu bóng ngày xưa, đã vời xa như gió thu qua! Vầng trăng vẫn mãi trông mong, bóng xưa yêu kiều, mắt xưa vương sầu, sang thu..." (Thu Khúc 2) hay là "Mây bay về cuối trời, mây có kéo về đây, về trong gió thu bay, nỗi đau nào phai..." (Thu Khúc 6)...

Dĩ vãng đầy ắp kỷ niệm kéo về làm ray rứt, nhức buốt trong ông kết nên CUNG BUỒN là nỗi cô đơn, lạc lõng bên cuộc đời của người nghệ sĩ tỵ nạn buồn: "Tình yêu không mau phai như màu áo quanh đời! Tình yêu như dây tơ rung hoài những cung buồn..." (Cung Buồn 2) hay là: "Lặng nhìn trăng sao mênh mông, trong cõi đời còn nghĩa hư không, ngậm ngùi đưa ai sang sông, cho thuyền về xa xôi trông mong, để sầu khi mưa sang đông..." (Cung Buồn 8).

-Có thể khẳng định một điều: Đông Hải là con người đa cảm và hoài cổ. Hầu hết các nhạc phẩm của ông đều mang thể điệu chậm, buồn, tình cảm tha thiết. Các bài thơ ông phổ nhạc cũng không ra ngoài chiều hướng đó: Đoạ Đày, Nụ Hồng, Những Đêm Nay Đêm Mai, Biển Vẫn Đợi Chờ...và đó là những gì riêng và thuộc về Đông Hải.

Tuyển tập nhạc của Đông Hải là một đóng góp đáng kể làm phong phú thêm nền văn nghệ hải ngoại của người Việt tỵ nạn. Hy vọng người yêu nhạc tìm gặp nơi đây một phần tâm sự của mình...

Nguyễn Văn Chấn

                   
 

 

 


 

CD CUNG BUỒN CỦA NHẠC SĨ ĐÔNG HẢI LÀ MỘT NỖI BUỒN RAY RỨT KHÔN NGUÔI!
 
Phùng Nhân
 
Đã lâu lắm rồi, dễ chừng cũng ngót 5 năm, chúng tôi chưa có dịp ngồi uống với nhau một tách trà, hay một ly cà phê để mạn đàm thời cuộc. Vậy mà mối tình văn nghệ giữa tôi và nhạc sĩ Đông Hải, cũng vẫn liên lạc với nhau qua mạng lưới thông tin. Bởi lẽ Đông Hải ngoài việc sáng tác nhạc ra, anh còn là một nhà văn, nhà thơ và chủ nhiệm 2 tờ báo điện tử Diễn Đàn Dân Tộc và diễn đàn Tự Do Ngôn Luận.
 
Cũng chính vì bao lẽ đó, mà những gì sáng tác của anh tôi vẫn có dịp đọc qua. Để từ đó mới cảm nhận được một sức mạnh bền bỉ của một người nhạc sĩ. Ở nhà anh nơi phòng khách, có đặt một cây đờn Piano đã cũ kỹ, do một người bạn cho trong một dịp tình cờ. Ngoài ra anh còn treo vài bức tranh điêu khắc bằng cây, cũng do người khác tặng. Tất cả cuộc sống của anh, cuộc đời anh, dường như chỉ có bao hàm hai chữ nghệ sĩ mà thôi. Chớ không còn một thứ gì khác nữa…
 
Hôm tháng rồi, tôi có mail hẹn uống cà phê nhưng chưa có dịp. Sáng nay nhân lúc check Mail, thì mơi thấy Đông Hải đã hoàn thành một dĩa nhạc mang tên Cung Buồn, dự tính sẽ phát hành vào thượng tuần tháng 5/2014. Tôi giựt mình tự hỏi. Việc gì nữa đây. Ra mắt dĩa nhạc trong lúc nầy, liệu có được bao nhiêu bạn bè hưởng ứng. Nhưng rồi tôi chợt nhớ, người nhạc sĩ họ sáng tác nhạc không phải để kiếm tiền, mà họ viết nhạc như con tằm tới lứa phải nhả tơ. Nếu không nhả ra được những sợi tơ óng ánh cho đời, thì kiếp tằm phải chịu đau khổ tới lúc lột xác mà thôi.
 
Một món quà của người nhạc sĩ thật là nhỏ bé, nếu chúng ta đem nó ra so sánh với bạc tiền. Nhưng nó lại lớn lao về mặt tinh thần, về văn hoá. Bởi vì nó là một sự kết tinh qua bao nhiêu năm tháng làm việc không ngừng, của người nhạc sĩ tạo ra mà không bao giờ nghĩ tới lợi nhuận. Có lẽ nhờ vậy mà ca từ mới được thăng hoa, còn không thì nó cũng tầm thường theo cơm áo…
 
Với thói quen tôi lại mở nhạc ra nghe. Nghe lần đầu, tôi cũng không để ý gì nhiều. Bởi tôi không hiểu nhiều về âm nhạc, mà tôi nghe nhạc như một thói quen, để cho vơi bớt nỗi buồn năm tháng. Khi tôi nhìn dòng nhạc đang chạy trên máy, tới lúc đó thì tôi mới thấy người hoà âm là Quang Đạt, làm cho tôi suy nghĩ một hồi, rốt cuộc lại thì phải chịu thua. Bởi cái tên Quang Đạt sao nghe lạ quá. Rồi đến những ca sĩ hát trong dĩa nhạc nầy, tôi cũng chẳng biết ai. Tôi cũng không biết họ đang ở trong nước, hay ở nơi hải ngoại hiện giờ, mà sao những cái tên tôi nghe còn xa lạ. Nhưng giọng ca thì thật nhà nghề. Bởi tôi quen biết với nhạc sĩ Đông Hải hơn mười năm trời, tôi biết anh rất là kỹ tánh. Nếu không làm việc thì thôi, một khi đã bắt tay làm rồi, thì anh phải làm cho tới nơi tới chốn. Nhứt là thu âm cho dĩa hát, anh phải tuyển chọn giọng ca cho đúng với âm điệu, để chuyên chở cho hết nỗi buồn mà trong bản nhạc đã cưu mang.
 
Dường như nhạc sĩ Đông Hải không chọn lựa trên sự nổi tiếng, hay một giọng ca đã hái ra tiền, mà anh chọn lựa trong sự nhiệt tình, trong giọng hát của trời ban. Cũng chính vì vậy mà 10 bản tình ca trong dĩa nhạc Cung Buồn tôi nghe đi nghe lại đã nhiều lần, không bao giờ nhàm chán.
 
Trong CD CUNG BUỒN gồm có 10 bài hát. Bài thứ nhứt có tên Cung Buồn thứ 1, rồi cho tới Cung Buồn thứ 10. Mỗi bài ca, là một nỗi buồn riêng cho thân phận. Mười nỗi buồn bốn phương đó, nó phối hợp lại thành một Cung Buồn lớn của một con người, của những mối tình thề non hẹn biển nhưng lại phụ nhau. Đó là nội dung của 10 bài hát đã thu vào trong dĩa…
 
Mở đầu trong Cung Buồn, thì bài Cung Buồn thứ 1 do Mạnh Tuấn hát, có những câu chữ làm cho tôi nghe mà cảm thấy thật sự bứt rứt xốn xang. Chẳng hạn như: “Yêu người người có yêu ta, ngày tháng phôi pha, qua dần qua như trùng khơi xa vời, dù còn đâu đó những phut vui tuyệt vời... ”.
 
Tại sao phải hỏi một câu đau lòng như vậy. Chính câu hát nầy đã khơi dậy lòng tôi. Thời trai trẻ của tôi đã từng như vậy. Nhưng vì tôi không biết làm thơ, không biết viết nhạc cho nên những nỗi buồn đó nó cứ nằm sâu trong ký ức. Ngày hôm nay được khơi dậy, tôi cứ nghe đâu đó vọng lại một cách mơ hồ. Rồi tôi đến đây cũng bằng “trùng khơi” biển động, bằng những cơn bão táp phong ba. Nên khi nốt nhạc được ca sĩ nâng cao, tôi nghe mà có cảm tưởng như mình đang lướt đi trên ngọn sóng bạc đầu, mặc cho trời cao định đoạt...
 
Cung Buồn thứ 2 do Hà Vân hát. Một giọng ca thật là điêu luyện. Hát mà dường như không hát. Khiến người nghe có cảm tưởng như một lời kể từ quá khứ vọng về. Qua những câu như: “Ai đã bâng khuâng bên cuộc đời, một mình cùng nỗi cô đơn bên niềm thương nỗi nhớ, em đã yêu anh muộn màng, dù rằng đời vẫn mênh mông trong buồn vui vội qua ”.
 
Một câu chữ được nhạc sĩ Đông Hải cô đọng lại thành những giọt buồn. Cứ nhỏ xuống như một chiều mưa, khiến cho người nghe luôn hoài cảm về một nỗi xa xăm, khi năm canh thức giấc để thấy cõi lòng trống vắng. Mỗi đời người là một sự cô đơn, được nhốt kín trong lòng. Rồi một sáng mai bất chợt thức dậy, nghe tiếng chim sẻ hót trong vườn, hay tiếng chim bìm bịp kêu lên thảm não thê lương, để báo hiệu con nước lớn cho những chiếc ghe thương hồ đẩy mái chèo tìm về bến đậu. Chính những lúc đó, nhạc sĩ Đông Hải sẽ dệt lên một Cung Buồn hết sức tài hoa, khiến người nghe dường như âm thầm rơi lệ, để nhớ về một quãng thời gian xa xăm đi qua trong tiềm thức. Mà ở nơi đó cũng có thể là trước sân trường, có tiếng ve sầu, có hàng phượng vĩ đang trổ bông khoe sắc. Hay một chốn cô thôn, có một nàng thiếu nữ mỗi chiều gánh nước tưới vườn. Cho dầu ở đâu cũng đều mang chung một nỗi nhớ, mà Đông Hải đã vẽ lên, như một sợi khói buồn trong túp lều tranh ở một nơi thôn vắng.
 
Cung buồn thứ 4 do Nhật Huy hát. “Đàn ơi, nhớ ai khôn nguôi, tiếng buông chơi vơi, khóc cho tình tôi, cho cung đàn, mang nhớ thương đầy vơi... Đàn ngân phím rung mênh mông, tiếng rung trong lòng, cố nhân buồn không. Đàn đã lỡ nhịp rồi đàn ơi…”  
 
Một câu hỏi đời thường, ai cũng thấy trong văn chương chữ nghĩa. Nhưng đem đặt nó nằm đúng nơi, đúng chỗ. Đúng tâm cảnh của người nghe, của dòng nhạc buồn, phải đòi hỏi tới một tài hoa sáng tác. Ở đây tôi không muốn nói riêng cho nhạc sĩ Đông Hải, mà tôi muốn nói tới chính giọng hát của Nhật Huy. Sự ngân nga, sự luyến láy theo cung bậc, lúc lên bổng, lúc xuống trầm làm cho bản nhạc được chắp cánh bay cao. Theo tôi đây là một bản nhạc với những lời ca thật là thống thiết, nó không trừu tượng, nó không giấu kín một điều gì, mà nó chỉ nêu lên một câu hỏi, làm cho chúng ta chạnh nhớ đến trong đời, nhớ đến cố nhân, mà trong lứa tuổi thanh xuân của chúng ta đã có lần ấp ủ…
 
Cung Buồn thứ 5 do ca sĩ Thúy Huyền hát, có những câu nghe se thắt cõi lòng “Chuyện tình như đã phôi pha, mà lòng mình sao bổng xót xa, yêu thương rồi vùi chôn trong mộng”...
 
Một bài hát, ghi lại một chuyện tình. Một người ca sĩ hát, là đang thể hiện lại một sự tan vỡ đau thương. Nhưng muốn phối trí hài hoà, để cho người nghe cảm nhận, thì người nhạc sĩ phải biết đặt lời ca cho thích hợp. Rồi từ đó người ca sĩ họ mới rung động được, có rung động thì mới tiết ra những âm điệu nức nỡ trong lòng. Chính vì vậy mà đôi khi, người ca sĩ họ khóc trên sân khấu. Nếu làm được bao điều đó, thì chính người nhạc sĩ sẽ làm được một điều kỳ diệu trong dòng nhạc của riêng mình, không lẫn lộn với dòng nhạc của ai, mà nó ung dung một cõi...
 
Cung Buồn thứ 8 do Hà Vân hát. Qua những câu như: “Buồn nào trong em hôm nay, bên tuổi hồng em đan trên tay. Tình nào cho em mê say…”
 
Có lẽ nhạc sĩ Đông Hải vốn là một nhà văn, nhà thơ, nên hằng ngày anh đã tiếp xúc quá nhiều chữ nghĩa, để từ đó chắt lọc lại thành của riêng mình. Một câu hát; chỉ có bao nhiêu chữ. Vậy mà nó chuyên chở cả một mối tình sầu. Tuổi hồng thường làm cho người ta yêu nhau say đắm, rồi cũng chính tuổi hồng đó làm cho con người phải thương đau. Tiếng hát của Hà Vân trong Cung Buồn. Tôi có cảm tưởng đây là những trang nhựt ký, mà nhạc sĩ Đông Hải đã thay mặt ghi dùm. Còn Hà Vân, chỉ là một người cất lên giọng hát, để từ đó đi vào lòng người lãng đãng thương đau. Nếu nghe nhạc thưởng thức theo một cách bình thường, thì “ca từ” là linh hồn bái hát. Một nhạc sĩ cho dầu có phối trí cung bậc hay tới đâu chăng nữa, nhưng ca từ không truyền đạt được những nỗi khổ đau trong cuộc sống, không vận chuyển được tín hiệu của tình yêu, không nói lên được thân phận của con người, thì những bản nhạc như vậy thường hay chết yểu. Bởi nó không làm cho người ta cảm nhận, nếu không cảm nhận thì không có sự ngâm nga, mà chính bản thân của bài hát những điều đó phải cần thể hiện.
 
Cung Buồn thứ 7 do ca sĩ Tấn Đạo hát có những câu làm đau buốt cõi lòng như: “Đoạn đường nào dìu em qua lối mộng, có áng mây trôi chiều buông, gió đưa mây đến chân trời về đâu. Một chiều hồng tình yêu trong cõi mộng, ngắm áo em trong hoàng hôn, tóc mây bay dáng thơm gầy thơ ngây…”
 
Mở dầu bài hát là một câu hỏi nghẹn ngào, có kỷ niệm ngắm áo em bay, có dáng thơ ngây một thời mới lớn. Quả thực nhạc sĩ Đông Hải đã vẽ lại một bức tranh toàn cảnh của thơ ngây, của tình yêu một thời trong trắng, mà thông thường trong văn chương họ hay ghi lại những chuyện như vầy. Nhưng âm nhạc thì lại khác. Bởi nó là những ca từ, hoàn toàn hạn chế trong khuôn, trong một cung bậc nhất định mà thôi. Nếu viết dư, thì không còn là một bài hát nữa. Nhưng với sự thưởng ngoạn của tôi, thì trong CD Cung Buồn của Đông Hải, là một cung buồn trọn vẹn, có cả cung bậc thương đau, có cả nghẹn ngào, có cả hạnh phúc khi ngồi cảm nhận.
 
Cung Buồn thứ 10 do ca sĩ Kim Ngân hát có những câu như: “Nhớ ai chiều mưa, đàn nhẹ buông những tiếng bơ vơ, lòng nhẹ rung những khúc nên thơ, bên niềm riêng mịt mờ! Tiếng mưa ngoài hiên, làm thương đau thêm giấc cô miên, làm lòng ai xao xuyến tơ duyên, bên chờ mong muộn phiền …”
 
Lời hát thật nhẹ nhàng, nhưng ý nghĩa của nó đi vào tâm hồn người thưởng ngoạn. Ca sĩ Kim Ngân có giọng hát trời cho, khi ca không cần kìm giọng. Chính giọng ca như vậy, mới hợp với dòng nhạc Đông Hải dâng trào. Nó thúc đẩy ca từ bay bổng giữa không gian, nó mới giàn trải được tâm sự của lời ca tiếng hát. Mà khi sáng tác, chính nhạc sĩ Đông Hải đã gởi gấm âm thầm. Chỉ đến khi Kim Ngân cất giọng, thì những tâm sự đó mới được bung ra, mới vỡ òa nức nở…
 
Cũng chính vì bao lẽ đó, tôi xin trân trọng giới thiệu đến những người bạn thân quen, những người bạn chưa quen. Nếu có dịp nên nghe cho biết. Tôi không dám nói nó sẽ hay, hay là dở. Nhưng tôi dám nói, nó là một Cung Buồn làm cho lòng mình ray rứt không nguôi. Cuối cùng tôi chúc nhạc sĩ Đông Hải sẽ thành công trong tác phẩm văn nghệ  thứ 5 của mình. Tôi biết hiện nay anh rất bận, vì đang điều hành 2 trang báo điện tử: Diễn Đàn Dân Tộc và diễn đàn Tự Do Ngôn Luận do anh làm chủ nhiệm. Hằng ngày phải tiếp nhận đọc bài, lược bỏ, đưa lên... Nên việc cho ra mắt một CD Cung Buồn, phải đòi hỏi anh thêm nghị lực. Cố lên, rồi sẽ vượt qua. Khi ca từ còn đang réo rắt . 
 
NSW 4/2014
Phùng Nhân
  
 
 
 
 
 
 
 

 

 
Vài cảm nghĩ về 
ĐAN THANH DẠ KHÚC của ĐÔNG HẢI 

Mùa thu bao giờ cũng là chủ đề gợi cảm nhất cho tâm hồn của những người nghệ sĩ… 
  
Cũng như những nhạc sĩ khác, Đông hải đã gởi gấm nỗi niềm, tâm sự, những tình cảm nghẹn ngào chứa đầy tính trữ tình lãng mạn vào những bản nhạc mùa thu của mình. 
  
Mùa thu – mùa thu là những gì huyền bí nhất, tình tứ nhất, thu hút nhất. Mùa thu buồn trên tà áo của em. Mùa thu quyến rũ trong ánh mắt của em. Mùa thu cũng là những tâm sự thương đau và cũng là những kỷ niệm bùi ngùi nhất của lòng anh… 
Qua Thu Khúc và Cung Buồn lãng mạn này. Nhũng người yêu thích âm nhạc sẽ tìm thấy những thố lộ lúc nhẹ nhàng da diết, lúc mãnh liệt thiết tha, lúc đau thương ray rứt của một người nghệ sĩ đã từng yêu, đã từng đau khổ và cũng đã từng đánh mất tình yêu… 
*** 
Autumm is the time of lovers and those seeking romantic inspiration from that most haunting of seasons. 
  
The composer-writer, Dong Hai draws on autumm’s reflections to the panoply of feelings and resultant moods that this sensual of all seasons invokes in lovers of all ages. 
  
Deeply entrenched in the rich traditions of mother-Vietnam. Dong Hai attempts to bring to life all the senses of fall to his audience; joy, happiness, sadness, erotica, pain, ultimately rejection… 
  
He provides a rich tapestry of traditional emotional responses to this emotive melodious season in an attempt to stir personal feelings from within the well of inherited memories deeply entrenched in the bosom of every person born in Vietnam, no matter where they may reside. 
  
NINA NGUYỄN (Chicago – 2/2001) 
Nina Nguyễn
Nhạc viện HàNội 1978-1980         





 
       


Cùng một tác giả:
Mời bấm
ĐÔNG HẢI (Thơ)=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=793856

ĐÔNG HẢI (văn)=> http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?high&m=822855&mpage=1#822855 

ĐÔNG HẢI (Nhạc)=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?high&m=822409&mpage=1#822409 

Tin tức âm nhạc(ĐÔNG HẢI)=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=822352
 
ĐÔNG HẢI tổng quát=> https://www.facebook.com/DongHaiNDH 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.07.2014 08:50:51 bởi thuyaust >
TRẦM THY TRANG
 
Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại, 
Ch