MỘT LẦN “CHUYỀN” LẠI CHƯƠNG TÁM/9 Quê của Mít Ướt, chùa là nơi gần gũi, thân thuộc được bà con lui tới nhiều nhất. Có thể nói đó là một ngôi nhà chung, một bà mẹ chung cho tất cả mọi người. Hầu như ngày nào cũng có người đến viếng, vào những ngày rầm thì đông hơn đến gấp trăm lần .
Một năm có bốn ngày rầm lớn : Rầm tháng giêng, rầm tháng tư, rầm tháng bảy và rầm tháng mười. Vào những ngày nầy, không khí trong làng sống động hẳn lên, một niềm vui bàng bạc khắp nơi. Ở ngoài đường, nhất là bến đò lúc nào cũng có đông người, già, trẻ, gái trai mặt mày rạng rở, ai cũng mặc những bộ quần áo vừa may trong dịp tết.
Chị Cà chèo đò hôm ấy cũng diện hơn ngày thường. Thay cái áo bà ba vải ú màu đen hàng ngày bằng chiếc áo tơ Bắc màu xanh lá mạ. Cái nón lá dầy cui có lót thêm một lớp lá chuối khô ở giữa đã bung vành cũng được nghỉ giải lao ít hôm. Thế chỗ nó là cái nón bài thơ có viền lớp vải xoa màu tím quanh vành với cái quai cũng bằng nhung tím. Chị chải tóc thật tươm tất, hai bên mép tai được vén cao kẹp lại bằng bốn cây kẹp xước chia đều mỗi bên hai cây. Mái tóc dài chấm eo được tóm gọn lại giữa lưng bằng cây kẹp ba lá. Đuôi tóc đen bóng với mùi dầu dừa phảng phất, ló ra ngoài cái nón lá cứ đong đưa theo từng nhịp chèo của chị. Hai hàm răng cũng được chị chùi trắng bóng bằng vỏ cau chấm than Đước cà nhuyễn. Hai trái tai có hai chiếc bông tòn ten với hai hột bẹt. Hột phía trên nhỏ gắn sát vào lỗ tai, phía dưới lớn hơn nằm trong cái lồng bằng vàng mười tám, làm gương mặt của chị sáng hẳn lên.
Những cô gái trong xóm đều ăn mặc đẹp, chải đầu, kẹp tóc và đeo bông na ná giống chị. Mấy chàng trai cũng diện sơ mi tay ngắn, quần tây hẳn hoi chớ không ăn mặc tuềnh toàng như ngày thường, bởi đây là dịp để họ gặp gở, thăm dò nhau một cách kín đáo.
Mấy ngày nầy chị Cà mệt lử, chèo không ngớt tay vì khách đi đò lúc nào cũng đứng chờ đầy bến. Anh Ba Đực thấy vậy bèn đem xuồng qua chở giúp. Đến trưa thì chị Cà Em, em của chị Cà ra thay cho chỉ còn anh Hai Hỉ thay cho anh Ba Đực. Đến tối thì lại có thêm hai người khác nữa ra chèo thế.
Thường thì quá chạng vạng đò không đưa nữa, nhưng vào những ngày rầm lớn có quí thầy thuyết pháp bà con nán lại chùa để nghe. Họ lác đác ra về nên đò phải đưa lai rai đến tận nửa đêm.
Cái nghề chèo đò có thể nói là cực nhất vì giờ giấc co giản, luôn bị kêu ca hối thúc. Có khi ngồi chờ cả buổi chẳng thấy ai, vừa chèo đến nửa sông để rước khách đang kêu inh ỏi bên bờ bên kia, thì nghe tiếng gọi giật ngược của một vị vừa mới tới. Thế là phải quay mũi đò, chèo ngược lại để rước. Có những người khách nóng tính vừa chờ một chút là kêu réo om sòm, đò rước chậm thì cự nự õm tỏi. Lắm khi vừa bưng chén cơm lên tay chưa và được miếng nào, lại phải lật đật bỏ xuống vì khách cần đi gấp để bắt kịp xe.
Nhà Mít Ướt ở sát bến đò. Có những đêm khuya lơ, khuya lắc cả xóm đều chìm trong giấc ngủ, kể cả mặt trăng cũng không còn thức. Bỗng nghe tiếng kêu đò lồng lộng. Tiếng kêu đò trong đêm khuya nghe rờn rợn làm sao! Nó mang mùi vị của chết chóc, của điềm dữ, của bất trắc làm người nghe cứ cồn cào trong ruột. Sáng ra mọi người tìm đến chị Cà để hỏi thăm, thường đó là những trường hợp bệnh nặng hoặc tai nạn phải đi rước thầy khẩn cấp.
Khi ông ngoại Mít Ướt còn sống vào những ngày rầm ông thường bao đò trọn hai ngày, mười bốn và mười lăm âm lịch để chở bà con đi chùa miễn phí, vì cả hai ngôi chùa : Ngói và Lá đều nằm bên kia sông.
Chùa Ngói lâu đời hơn chùa Lá. Gọi chùa Ngói vì mái chùa được lợp bằng ngói. Chùa rộng và lớn gấp đôi, gấp ba chùa Lá, lại nằm ở giữa một khu vườn sầm uất trồng rất nhiều cây ăn trái, nên trông đầy vẽ thâm u, cổ kính. Vị sư trụ trì đã già lắm ! Ông có rất nhiều đệ tử đang tu ở các ngôi chùa trong nước, chỉ giữ lại bên mình có hai vị sư trẻ, mà bà con hay gọi là "thầy Lớn" và "thầy Nhỏ ".
Mỗi năm đến ngày rầm tháng bảy, các vị đệ tử cùng trở về chùa thăm thầy. Nhiều vị trên đầu có những dấu phỏng hình tròn như đầu đũa, do đốt "lều" để lại. Người ba chấm, người sáu chấm, người chín chấm. Vị cao niên nhất còn có đến mười hai chấm.
Vào hai đêm mười bốn, mười lăm các vị nầy đăng đàn thuyết pháp cho bà con. Ai có thắc mắc về đạo cứ hỏi thoải mái các thầy sẽ trả lời rốt ráo cho đến khi bà con thông suốt. Những buổi giảng ấy thường kéo dài đến hơn nửa đêm mới dứt.
Dịp nầy chùa được trang hoàng và làm mới lại. Những lớp rêu trên mái ngói được cạo xuống. Cổng được sơn màu đỏ chói, cờ ngũ sắc được giăng dọc lối đi. Mấy cây cột tròn rất to được phết dầu bóng lưỡng, bệ thờ cũng được đánh Vẹc Ni lại. Chánh điện thật lộng lẫy với những pho tượng được phết thêm lớp nhủ. Tất cả như vừa tắm gội và mặc áo mới nên trông hết sức uy nghi, sinh động. Khu vườn cũng được dọn sạch cỏ, lá vàng được gom lại đốt, thậm chí cả cây, hoa và lá hầu như cũng tươi hơn, đẹp hơn và xanh hơn.
Nhà bếp ngày thường rộng rinh, hôm nay như nhỏ lại bởi chất đầy phẩm vật và tấp nập người nấu nướng. Mấy miệng lò với những cái nồi rất to đang bốc hơi thơm phức, được nấu liên tục. Chủ yếu là để đải khách thập phương vì các tăng, ni chỉ thọ thực mỗi ngày một bữa vào đúng ngọ.
Mít Ướt, con Thẹn, Sáu Ngón và con Ý rủ nhau đi chung. Đứa nào cũng mặc đồ mới, mặt mũi tóc tai gọn gàng sạch sẽ. Bà Sáu, bà dì của Sáu Ngón hổm rày ở luôn trong chùa để lo việc bếp núc. Bà nấu ăn rất khéo nên những dịp lễ lạc rất được trọng dụng. Sáu Ngón dựa hơi nên hôm nay cũng được nhóm bạn nể mặt, tụi nó kéo nhau vào bếp tìm bà. Bà đang ngồi tét bánh vào những chiếc dĩa to. Mấy đòn bánh tét nầy được nhuộm nhiều lớp màu, màu tím từ lá Cẩm, màu xanh từ lá Dứa, màu đỏ cam của trái Gấc và màu vàng của Nghệ. Bà cho mỗi đứa một khoanh đầu đòn bánh, mấy khoanh nầy không đẹp nên không được chưng trong dĩa. Ăn xong tụi nó còn được bà cho thêm mấy miếng bánh bò nướng, bánh da lợn, bánh khoai mì ...cái nào cũng hết sức là ngon.
Trước rầm mấy ngày, bà con đã mang thực phẩm đến cúng dường. Trong chùa có rất nhiều người lớn tuổi đến làm công quả, gương mặt người nào cũng hết sức rạng rỡ. Hầu như ai cũng ao ước khi về già được khỏe mạnh, được làm việc cho nhà chùa để tích phước lại cho con cháu. Câu " ráng để đức lại cho con cháu" là điều mà những ông già bà cả hay khuyên nhủ với nhau, thường được lập đi lập lại trong các câu nói nhiều nhất, cũng như câu "làm lành lánh dữ", "một câu nhịn chín câu lành" và " có đức không sức mà ăn" vậy!
Cả làng hầu như đều tập trung ở chùa vào ngày rầm tháng bảy. Đây là ngày lễ "Vu Lan" còn gọi là "Báo Hiếu", là dịp để con cái cầu an , cầu siêu cho cha mẹ. Ở nông thôn chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu, ca dao có câu:
Mỗi đêm, mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Thế nên nhà nhà đều chong một ngọn đèn trứng vịt suốt đêm trước bàn thông thiên để cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Những người con có hiếu được xem như đạt tiêu chuẩn làm dâu, làm rễ, khỏi có lo ế vợ, ế chồng.
Người lớn đến chùa để nghe giảng về giáo lý, để trình bày nguyện vọng và xin ơn trên gia hộ. Trai, gái đến chùa ngoài việc lễ Phật còn có mục đích gieo duyên với nhau. Đám loi choi thì đến chùa để được ăn chè, xôi, bánh, trái thả dàn [điều nầy phổ biến đến nỗi cái chữ "chùa" đi theo sau một động từ, thường mang ý nghĩa là một hành động miễn phí. Thí dụ như "ăn chùa" là ăn khỏi trả tiền, "làm chùa" là làm không tính công...].
Mít Ướt ăn "chùa" ở chùa Lá nhiều hơn chùa Ngói. Má nó qui y ở chùa nầy nên vào ngày rầm và thỉnh thoảng ngày thường hay dắt nó đi theo để thắp nhang lạy Phật.
Chùa lá chỉ có một vị Sư Ông vừa làm từ vừa trụ trì. Ông rất già nhưng trông vẫn còn khỏe, gương mặt có nhiều nép nhăn và ánh mắt rất tinh anh, hay mặc cái áo vạt hò màu nâu và quần đáy nem cùng màu. Ông ít nói, ít giảng dạy, nhưng chính cái đức bình dị, tính hiền từ của ông làm cho mọi người kính mến muốn gần gũi, thân cận.
Chùa cất ở giữa cánh đồng, theo kiểu một gian hai chái. Mái và vách đều bằng lá dừa nước chầm lại thành từng tấm, chỉ hơi rộng hơn các căn nhà bình thường một chút. Nếu không có tấm bảng để tên chùa và hai ông Thiện, Ác đứng trước cửa thì người ta sẽ cho đó là một căn nhà để ở bởi nó không có vẽ gì đặc biệt.
Xung quanh chùa là một khu vườn với những cây xoài đã già cổi lắm. Trước sân trồng toàn hoa và kiểng. Hôm tết mấy chậu Mai trổ hoa đầy kín các nhánh. Vô số cánh hoa vàng ngủ nướng trên tấm thảm xanh làm bằng Cỏ Sữa, Càng Cua, Me Đất...chắc êm ái lắm nên chúng nằm hoài không chịu dậy!
Mùa hè nầy những cây Lựu gom hết màu sắc của từng tia nắng lại, tô hết lên những cánh hoa có hình dáng như chiếc kèn nhỏ xíu bằng ngón tay cái. Màu đỏ hừng hực ấy làm chúng trở nên quá đỗi rực rở, kêu sa. Những trái lựu to, nặng trĩu kéo mấy cái cành ốm nhom la đà gần sát đất. Tụi con nít cứ nhìn chầm chập, xốn con mắt và ngứa tay quá chừng mà đâu dám bẻ. Chúng sợ bị đòn và nhất là sợ mang tội "phá chùa" vì đó là cái tội lớn nhất. Phạm phải là bị thiên lôi đánh chết tươi liền và không bao giờ được đi đầu thai, suốt đời nằm dưới mười tám tầng địa ngục!
Dù chỉ có một vị sư nhưng chùa và vườn đều được chăm sóc kỹ bởi hàng ngày đều có người đến làm công quả. Ngày rầm, người đến viếng đông không thua gì chùa Ngói. Lúc ấy Sư Ông mới mặc cái áo choàng màu nâu dài phết gót, mang đôi giày vải và cầm trên tay một xâu chuỗi dài có đến một trăm lẻ tám hột.
Nhà bếp nhỏ nên mấy dịp nầy các ông táo phải dời gót ra bên ngoài, tạo cơ hội cho mùi thức ăn len lỏi vào chánh điện. Mít Ướt ngồi sát bên má cứ phồng mũi đánh hơi, nào là mùi Cà Ri, mùi tương xào nước cốt dừa xả, ớt, đậu phọng, mùi chè Thưn, mùi xôi Vị...làm cho nó cứ nuốt nước miếng thay vì niệm Phật.
Ngày thường chùa vắng lắm, có nhiều khi má và nó vô chùa chẳng gặp ai. Hai má con cứ tự tiện ra sau bếp mượn dĩa sắp bánh, trái cây, nhang đèn dâng lên bàn thờ, lấy nhang đốt cúng lạy xong rồi về. Nếu có việc cần hỏi ý kiến Sư Ông, má dắt nó ra ngoài vườn tìm. Sư Ông hay nằm trên chiếc võng giăng ở hai cây xoài tận cuối vườn để đọc sách. Nó khoanh tay lại chào:
-Thưa Sư Ông con mới tới!
Sư Ông vói tay kéo võng, đu mình ngồi lên, bỏ chân xuống đất rồi vừa đi vừa hỏi:
-Tụi con lễ Phật chưa?
-Dạ rồi! Con định nhờ thầy xem giùm ngày cất chuồng heo với ngày bắt heo, con tính nuôi một con heo nái.
Đây là một trong những lý do mà má nó và bà con trong xóm thích đến chùa Lá, vì ngoài việc lễ Phật họ còn nhờ Sư Ông coi tuổi, coi ngày, cúng sao, giải hạn...Tóm lại, những điều không hoàn toàn thuộc phạm vi đạo Phật.
Sư Ông lật quyển sách rất dày để sẵn trên bàn. Nó rất cũ được viết bằng chữ Tàu. Sửa lại cặp mắt kiếng đã gãy mất một gọng, phải cột sợi dây thun vòng ra phía sau đầu cho nó nằm yên trên mắt, nhìn chăm chú rồi nói :
-Ngày mốt dựng chuồng là hay nhứt, nếu không kịp thì để qua mùng bảy tháng sau cũng được nhưng không tốt bằng, còn bắt heo thì...
Trong khi má ngồi hầu chuyện, Mít Ướt lẻn ra vườn để tìm trái rụng. Nó đi dọc theo con mương cho đến cuối vườn. Cái võng Sư Ông nằm khi nãy bỏ trống đong đưa rất nhẹ như mời gọi. Nó hơi e ngại nhưng rồi không cưỡng lại được, leo lên nằm lót tay sau ót nhìn xuyên qua lớp lá. Tàng cây rộng y như cái rây lọc bớt ánh sáng làm nắng trở nên rất dịu. Những đám mây trắng trôi bềnh bồng giữa bầu trời xanh thẫm trên kia đang cố nghiêng đầu nhìn lén nó qua từng kẻ lá. Tiếng chim ríu rít và mùi ổi chín thoang thoảng làm tai và mũi nó mở to nhưng mắt thì cứ từ từ nhắm lại. Nó ngủ cho tới khi nghe nhột dưới lòng bàn chân cùng tiếng thôi thúc của má liên tục bên tai:
-Dậy lẹ, dậy lẹ đi con, vô thưa Sư Ông rồi về!
Cất chuồng xong, má lên nhà dì ÚT Hơn mua một con heo con về để nái. Dì Út Hơn giàu nhờ nuôi heo, dỉ toàn là nuôi heo nái. Heo của dì đẻ khỏe, đẻ sai. Một bầy từ mười con trở lên, có bầy lên tới mười bốn mười lăm bởi vậy bán đắc lắm. Ai muốn mua đều phải dặn trước.
Hôm má đi bắt heo có cho Mít Ướt đi theo. Má xách theo cái bao bố để lát nữa bỏ nó vô trùm lại. Đến nơi gặp lúc con heo mẹ đang cho bầy con bú. Nó nằm nghiêng đám heo con xúm xít bên mình, mỗi con ngậm một cái vú màu hồng hồng căng tròn của con heo mẹ mà nút chùn chụt. Tội nghiệp mấy con chọn những cái vú nằm phía dưới. Tụi nó phải nằm sát xuống đất mà bú, tư thế không hề thoải mái, đã vậy cứ bị mấy con kia giẫm lên mình. Chúng vừa bú vừa húc mỏ thật mạnh, có con tinh nghịch cắn và kéo cái vú dài ra hết cỡ. Con heo mẹ bị đau, ngóc cái đầu lên nạt to một tiếng nó mới thôi không kéo nữa. Hẩm hiu nhất là cái con heo đèo. Nó xí nhầm cái vú lép bú chút xíu là sữa cạn queo, cứ chạy tới chạy lui năn nỉ mấy đứa kia cho nó bú chực một miếng mà không có con nào chịu hết. Dì Út thấy vậy lấy cái bình sữa, đổ nước cơm sôi có bỏ đường vào rồi bồng nó lên tay cho bú y như con nít vậy. Bú no nê xong tụi nó bỏ đi, một vài con nán lại không biết vì còn đói hay ghiền bú. Dì Út chỉ một con heo Lang [heo lông trắng có những đốm đen], đang chúi đầu bú mãi miết nói:
-Dì bắt con heo nầy nè, nó tham bú nhất đàn đó, có tới mười sáu cái vú, con heo nầy để nái tốt dữ lắm!
Má Mít Ướt bồng con heo đó lên, nó kêu "ét, ét" và cong người cố vùng ra. Thấy má đếm mấy ngón chân của nó, dì Út bèn nói:
-Dì đừng có lo, bầy heo của tui hổng có con nào năm móng đâu!
Mít Ướt hỏi:
-Heo năm móng thì sao hả dì?
-Mấy con heo đó đâu có ai dám nuôi. Lỡ mua rồi cũng đem thả thôi chớ bỏ tiền, bỏ công nuôi tới lớn cũng đâu có ai dám mua xẻ thịt. Tại cái cốt của nó là người ta đầu thai lộn chỗ đó con.
Má kêu Mít Ướt banh miệng cái bao bố ra rồi bỏ con heo vào. Dù được má ôm thật nhẹ trên tay nó vẫn cứ kêu suốt dọc đường, chỉ khi về đến nhà bỏ vô chuồng mới im miệng lại.
Mấy hôm sau má qua nhà dì Sáu Tý đổi lúa lấy một giạ nếp ngon đem về xay để mang qua chùa cúng tạ lễ. Má đem cái cối xay ra lau chùi cho thật sạch .
Cối xay lúa cũng tương tợ như cối xay bột, gồm hai phần: Thân dưới cố định, thân trên có khoét một miệng cối rộng khoảng một gang để đổ thóc vào đó. Hai thân cối có đường kính bằng nhau, khoảng chừng năm tấc, bộ khung làm bằng tre với cả hai mặt cối trám bằng đất sét. Trên hai mặt cối những nan tre xếp đồng tâm nhô lên chùng nửa li, miệng cối rất rộng. Thân cối trên có hai tay quay, mỗi tay quay có khoét một lỗ nhỏ để cắm cái mỏ của càng xay hình chữ T vào.
Má đổ thóc vào miệng cối rồi hai má con đẩy càng xay thật đều tay tạo thành một lực giúp thân cối trên quay tròn. Thóc lọt xuống rãi đều trên mặt cối, được mấy nan tre nhô lên xát vào nhau làm tróc vỏ. Nếp và trấu văng ra xung quanh hông cối, rớt vào tấm đệm lót sẵn phía dưới.
Xay xong má đổ nếp còn lộn trấu vào máy giê để tách trấu ra. Nếp vẫn còn lẫn một ít thóc, má cho vào cối để giả. Cối làm bằng thân cây to khoét một hố tròn ở giữa. Má đổ nếp vào đó rồi dùng chày cây giả thật đều tay cho đến khi cám bay ra mới dừng chày lại. Cuối cùng má sàng để tách cám ra khỏi nếp.
Đầu tiên má dùng cái sàng lỗ rộng gọi là "sàng bắt tấm" để lấy nếp còn nguyên hột. Tay má xoay chiếc sàng thật tròn và thật đều tay. Nếp chạy theo vòng xoáy hướng tâm đẩy thóc gom lại thành một nhóm ở giữa. Má hốt thóc ra rồi trút nếp vào bao bồng bột để hôm sau mang qua chùa tạ lễ .
Phần nếp nát còn lẫn cám được má dùng cái sàng lỗ nhỏ hơn gọi là "sàng bắt cám" để lọc lấy tấm. Tấm nầy được ngâm nước rồi xay thành bột để làm bánh Ít Trần, bánh Ú, bánh Tai Yến...còn cám thì trộn chung với chuối cây giả nhuyễn để cho heo ăn.
Việc cởi bỏ cái áo cho hạt lúa qua nhiều công đoạn vất vả như vậy [ấy là còn chưa tính đến việc gieo trồng, gặt hái...], cho nên người nông dân rất quí trọng, chẳng những lúa gạo mà tất cả những sản vật được thiên nhiên ban tặng hay do con người tốn sức làm ra. Trong các tính xấu, tính hoang phí, lười biếng được coi là hành vi vô đạo đức, bị lên án nhiều nhất.
Hồi đó mỗi lần theo ông ngoại ra đồng, Mít Ướt thấy ông cứ lượm từng hột lúa rơi bỏ vào túi áo, nó hỏi:
-Nhà mình lúa nhiều lắm rồi, ngoại lượm thêm làm chi vậy ngoại!
Ông ngoại liền rầy:
-Con không được xem thường mấy hột lúa nầy. Nó là hột ngọc của ông trời cho mình, phải biết quí trọng, bỏ là ông trời giận lắm, không cho có cơm ăn đó con !
Từ đó nó cũng bắt chước ông, hễ gặp lúa là cúi xuống lượm, ăn cơm không dám bỏ mứa, ăn xong là vét cái chén sạch bách không chừa một hột cơm nào sót lại.
Chẳng riêng gì nó mà hầu hết con nít trong xóm đều được dạy bảo y như vậy! Đứa nào lỡ hái trái ổi còn chát cũng ráng ăn cho hết chớ liệng bỏ là bị la dữ lắm!
Ngoài ra chúng còn được dạy phải biết yêu thương mọi người. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, hạt mầm nhân ái đã được gieo vào. Khi lớn lên, biết nói bập bẹ và đi chập chửng, mọi người giúp phát huy thêm bằng cách cứ hỏi đi hỏi lại hoài cái câu:
-Con thương má[ ba, ông, bà...] không? Để ở đâu?
Rồi dạy chúng trả lời:
-Thương, để trên đầu.
Quê của Mít Ướt không có đội cứu hỏa. Không có những tổ chức cứu tế, từ thiện bởi đó là bổn phận chung của tất cả mọi người. Tính lương thiện của hầu hết cư dân giúp cuộc sống luôn an ninh, chẳng ai lo chuyện bị mất mát và cho dù ra đồng suốt ngày cũng không nhà nào đóng cửa. Ai cần mượn món gì cứ vào lấy tự nhiên, xài xong đem trả lại liền.
Bà con hay đặt rau, trái, "cây nhà lá vườn" bày bán trong những cái rỗ để trên ghế đẩu chổng ngược đưa bốn cái chân lên trời đặt sát lề đường. Bỏ đó rồi đi làm công việc, ai mua thì cứ lấy rồi để tiền vô rỗ. Giá cả được mặc định là năm cắc bạc một bó rau. Các thứ trái cây như ổi, mảng cầu, vú sữa...được bọc trong lá chuối thành từng gói, giá mỗi gói cũng là năm cắc bạc. Có lẽ nhờ thế mà ông trời thương, quê Mít Ướt không có ai bị đói. Trời còn cho tôm cá đầy sông, nhà nào hầu như cũng biết cách bắt cá và giữ gìn không cho nguồn cá nầy cạn kiệt. Ai hớt tép mà lỡ dính cá đòng đòng [cá lóc con] là phải bắt ra đem trả lại sông liền.
Có một lần Mít Ướt thấy má Hai Ốm lấy cục đất sét bọc buồng trứng cá, gói vào tấm lá chuối rồi thả vào nước. Nó hỏi:
-Mợ bọc trứng vô đất để chi vậy mợ?
Má Hai Ốm trả lời:
-Để nó nở ra cá con .
-Sao mợ hổng ăn cái chùm trứng luôn?
-Ăn như vậy uổng lắm, lủm một miếng là hết, để nó nở ra cả trăm, cả ngàn con cá nữa mặc sức mà ăn.
Từ lúc đó Mít Ướt không còn thích ăn trứng cá nữa. Khi nào thấy con cá có trứng bị giết là trong lòng nó không vui.
Nông dân, kẻ làm ra lương thực để duy trì cuộc sống ấy, đều là những người chân chính. Họ sống lành mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, nhiều tình thương và lòng trắc ẩn, luôn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Có thể nói họ là tác phẩm hoàn hảo nhất của thượng đế, nếu người muốn tạo ra ra một sinh linh sống hài hòa, thân thiện với muôn loài khác.
Dân tỉnh, thành thường đem cái tính đơn sơ chơn chất của họ ra trêu. Hễ thấy người nào ngơ ngác, dễ tin, ăn mặc không đúng mốt thì gọi là dân " lúa, ruộng, quê", và thường cho họ là những người thiếu văn hóa. Thực ra họ chính là những người ứng xử văn minh nhất, nhân đạo nhất, ít xâm hại thiên nhiên nhất. Họ không bòn rút đến cạn kiệt tài nguyên của trời ban rồi hoàn lại toàn những thứ độc hại. Họ là người gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi hơn những ngành nghề khác, công sức bỏ ra rất nhiều mà thu nhập chẳng đáng là bao!
Cần, kiệm là tính chất căn bản của người nông dân, má Mít Ướt là một trong những nhân vật điển hình cho hai đức tính nầy. Hai bàn tay của má hầu như chẳng được nghỉ ngơi trừ lúc ngủ. Hai bàn tay với mười cái móng cắt sát rạt đầy những dấu chai, luôn luôn chạm vào một thứ gì đó. Hai bàn tay thoăn thoắt như đôi chân trên đường đua bất tận ấy, không phải lúc nào cũng được tưởng thưởng bởi nghề nông luôn gặp nhiều bất trắc. Bà con hay ví là " bưng cơm đưa tới miệng còn chưa ăn được". Rất nhiều lần trên mặt má đầm đìa nước mắt, vì bầy heo chết, vì đám đậu xanh bị sâu, rầy triệt hạ... Rồi cũng phải chùi nước mắt và tiếp tục làm lại bởi đâu ai đành lòng nhìn đất bỏ hoang!
Tính tiết kiệm của má được thể hiện mọi lúc mọi nơi, bằng những cây tăm được chẻ từ những lóng tre vụn. Bằng từng chiếc lá , cọng rơm được gom lại để đốt thành tro làm phân bón. Bằng mấy cái ống khói đèn bị bể, mảnh kính, chiếc dép đứt, hủ chao, lon sữa bò... để dành bán ve chai.
Trên sợi dây phơi giăng giữa hai cây Sầu Đâu trồng cặp sát bên vách nhà, xen giữa mấy cái quần đen, áo bà ba của má, áo kiểu cổ lá sen của Mít Ướt là những cái bọc ni lông trong suốt được má giặt đến lần thứ hai, thứ ba gì đó! Chúng được lộn trái, giũ thẳng, bị ghìm chặt trên dây bởi nhũng chiếc kẹp làm bằng cây, chúng cứ chặn đường những cơn gió lại, vẫy tay mãi miết xin quá giang nhưng nào có được, đau lòng quá nên chúng cứ cất tiếng rên "phần phật" mãi không thôi!
Những cơn gió đa tình, chẳng những làm tan nát lòng mấy cái bọc ni lông ấy, còn mang theo rồi bỏ lại phía sau vô số thân xác và trái tim khô héo của những chiếc lá vàng. Lôi cuốn tất cả những gì bắt gặp trên đường kể cả cái ca nhôm treo tòn ten trên nhánh điệp, vốn hết sức chung tình, cũng rung động vì chúng. Nó cứ đu đưa qua lại như chực bay theo, cho nên cái khạp da bò đứng ngay bên dưới nó, sát gốc điệp, cạnh cái cầu thang đúc bằng xi măng rất to dẫn lên nhà ngoại, cứ lặng người đi vì hồi họp.
Cái khạp ấy có tên là " khạp rửa chân", nó chứa được gần hai đôi nước. Mỗi ngày Mít Ướt có nhiệm vụ xách cái thùng thiếc nhỏ dung tích năm lít - vốn là cái thùng đựng dầu cải đã xài hết- xuống bến múc lưng thùng rồi mang lên đổ cho đầy khạp. Cầm cái ống tre có đục mấy cái lỗ nhỏ, chứa sẵn một cục phèn chua nằm gọn bên trong, khuấy đều trong nước. Động tác nầy gọi là "lóng phèn" mục đích làm cho đất kết tủa lại, chìm xuống giúp nước được trong. Mít Ướt rất thích ngắm những cái xoáy nước bị hút sâu như bột chạy trong họng cối xay ấy nên cứ khuấy mãi mê. Có lần tan hết cả cục phèn to bằng ngón chân cái làm cái lu nước chua lè, cũng may là nước rửa chân nên không bị đổ bỏ.
Miếng gạch Tàu được kê sát gốc cây Điệp để đứng rửa chân trước khi bước lên sàn gỗ. Mục đích tận dụng nước để tưới cho cây, nhờ vậy mà bông của cây điệp rất đỏ và trái rất lớn.
Cái ca nhôm được treo tòn ten trên nhánh thấp nhất của cây, những ngày đầu Mít Ướt phải nhón chân mới chạm tới rồi lần lần lấy xuống dễ dàng. Mỗi lần đi ra ngoài về đến cầu thang là bị nhắc rửa chân cho dù có mang dép hẳn hoi. Nó rửa chân rất nhiều lần trong ngày nên khi ông ngoại còn sống, sợ cây điệp bị úng nước, ông cứ luân phiên dời miếng gạch Tàu theo thứ tự qua gốc cây lý, ổi "Xá Lỵ", vú sữa rồi trở về dưới gốc cây điệp lại.
Từ ngày ông ngoại mất đi miếng gạch ấy cứ ở hoài dưới gốc cây lý, cái cây ấy bắt đầu rụng dần lá rồi chết, không biết vì bị ngộp nước hay vì nhớ ông. Chẳng riêng gì nó cả cây mai, cây ổi "Xá Lỵ", cây lồng mứt, cây xoài "Tàu"... cho dù đã được để tang ông, chúng cũng bỏ đi theo chớ không thèm ở lại.
Cứ mỗi lần "ông già E" [người ta gọi ông già bị câm đi xin bằng cái tên ấy] ghé vào, ổng hay lại cái khạp đó múc nước rửa mặt, tay rồi uống.
Mặc dù nước trong khạp nầy cũng giống hệt như cái lu nước uống đặt trước hiên, cũng được gánh từ dưới sông lên rồi lóng phèn cho trong. Nhưng vì bị gọi là "khạp rửa chân", nên khi thấy ổng uống nước trong ấy là Mít Ướt không chịu được. Nó canh ổng vừa tới là ba chân bốn cẳng chạy ra hàng ba múc một ca nước uống đem xuống cho ổng, rồi mới chạy vô bếp xúc cho ổng nửa lon sữa bò gạo.
Có một lần ổng dùng ca nước của nó đưa để rửa mặt rồi múc nước trong cái "khạp rửa chân" uống làm nó tức muốn phát khóc. Nó bèn nghĩ ra một cách. Hễ nghe tiếng gậy khua từ ngoài cổng là rót liền một ly cối nước trà mang ra đợi sẵn, riết rồi ổng quen, chờ uống nước trà rồi mới đi.
Bà con trong xóm hay mượn cây gậy của "ông già E" để chọc vô cái rún bị lồi của mấy đứa con nít, đây gọi là chửa mẹo. Người ta cho rằng cứ mỗi lần ổng giộng cây gậy xuống đường là cái rún được đè thụt vô một chút, rồi từ từ sẽ trở lại bình thường. Mấy người có bầu hơn chín tháng mười ngày mà chưa nằm ổ, phải đi xin gạo khắp xóm ăn để đẻ. Thay vì vậy họ xin lại của ổng một nắm gạo để khỏi mắc công vác cái bụng đến từng nhà. Mỗi lần có ai mượn gậy hay xin gạo là ổng vui lắm, chỉ ghét mấy đứa con trai hay le lưỡi giả câm để ghẹo. Thằng Mum, thằng Mại bị ba của tụi nó đánh quá chừng vì cái tội nầy nên từ đó không dám chọc ổng nữa.
Cái lối chữa mẹo được bà con tin dùng lắm ! Mỗi lần Mít Ướt bị nổi mục lẹo trên mí mắt, má đều lấy sợi chỉ trắng cột vào ngón tay áp út. Hễ mắt trái thì cột tay mặt và ngược lại, không hề uống hay xức một miếng thuốc nào vậy mà mấy ngày sau cái mục ấy lặn mất tiêu mất biệt.
Chị Tư Thợn bị trúng gió méo mặt được chửa bằng cách lấy máu lươn phết lên cái phía không méo [cơ bên đó bị liệt], làm vài lần là trở lại bình thường liền, rất ư hiệu nghiệm !
Ngày mùng năm tháng năm, đúng lúc đứng bóng. Mít Ướt cùng tụi con nít trong xóm đứng chùm nhum lại với nhau. Cùng ngước mắt nhìn mặt trời, nháy mấy cái để đảm bảo năm đó không bị nhặm mắt. Rồi kéo hết xuống sông tắm để giải mấy lời thề ẩu và trút hết mọi tội lỗi.
Tắm xong nó cảm thấy trong lòng hết sức nhẹ nhàng, tự hứa sẽ sống thật đàng hoàng, không nói dóc, không thề tùm lum... Nhưng rồi sang năm, đến ngày ấy, nó lại xuống sông và xem ra còn lội nhiều hơn năm trước.
Cái lối chữa "mẹo" ấy còn áp dụng cho cây cối. Chiều ba mươi tết, để hù mấy cái cây không chịu có trái người ta hay cho một đứa bé leo lên cây rồi gia chủ cầm cái rựa đứng dưới gốc ngước lên hỏi:
-Dạ xoài [ Nhản, Cam, Bưởi...]
Thằng bé đó trả lời :
-Dạ!
-Năm nay mầy chịu có trái hông?
-Dạ chịu!
-Nhiều hông?
-Dạ nhiều!
-Thiệt hông? Mầy mà nói láo là tao đốn bỏ đó! [vừa nói vừa đưa cái rựa lên cao như sắp chém xuống]
Thằng bé ngồi trên cây nói lẹ:
-Ông đừng đốn con, năm nay con trổ trái đầy cành cho ông.
Thế rồi nó leo xuống, chắc chắn năm ấy cái cây đó sẽ có trái, mọi người tin như đinh đóng cột vậy!
Ngoài ông già "E", hàng năm dưới bến dì Sáu Tý đều xuất hiện một chiếc ghe tam bản chở hai vợ chồng của một ông bác lớn tuổi với cô con gái trạc bằng chị Hai Bé. Đó là một gia đình hành khất.
Lần đầu gặp họ Mít Ướt rất ngạc nhiên. Họ không nói những câu gợi lòng thương của mọi người mà chỉ ngắn gọn mấy tiếng: "Mỗi năm đáo lệ một lần..." rồi chìa cái bị có hai cái túi ra. Nó chưa biết phải làm sao thì má bảo:
-Vô múc nửa lon gạo ra cho đi con!
Nó ngạc nhiên đực mặt ra đến mấy giây, vì trong đầu nó những người đi xin phải rách rưới, tiều tụy ...Còn ba người nầy mặt mũi tươi tắn, ăn mặc tươm tất gọn gàng.
Chờ cho họ đi khỏi, má mới giải thích rằng đó là những người có ông bà hay cha mẹ đi xin ăn nên theo tục lệ, mỗi năm gần đến ngày giỗ của thân nhân [người ngày xưa đi hành khất], họ phải đi xin gạo, tiền về làm đám giỗ. Má nói thêm:
-Coi bộ cái gia đình nầy giàu dữ lắm!
-Sao má biết vậy má? Nó ngạc nhiên hỏi.
-Thì hai mẹ con đều mặc quần Mỹ A láng mướt , bộ con hổng thấy sao?
Lãnh Mỹ A, niềm hãnh diện của quê hương Mít Ướt, là một loại tơ lụa nổi tiếng nhất vùng. Nó bắt nguồn từ những sợi tơ bé xíu được nhả ra từ miệng con tằm, được kéo sợi, dệt thành những tấm lụa, rồi đem nhuộm bằng mủ của trái mặc nưa để có màu đen tuyền. Lúc đó mới được mang cái tên là "Lãnh Mỹ A".
Để có những sợi tơ ấy việc đầu tiên là phải nuôi tằm hay thường gọi là "chăn tằm".
Chăn tằm là một nghề rất cực, được so sánh với nghề nông bằng hai câu:
Làm ruộng ăn cơm nằm
Chăn tằm ăn cơm đứng.
Thật vậy, để có được những mãnh lụa mềm sờ tay vào nghe như lướt trên mặt nước ấy, ta phải vất vả qua rất nhiều công đoạn:
Trước tiên tằm được ươm từ mấy cái trứng nhỏ xíu cho đến khi nở thành những con giống hệt con sâu. Những cánh đồng dâu bạt ngàn là nguồn thức ăn của nó. Lá dâu được hái khi trời bắt đầu hửng nắng, đem về xắt nhuyễn rải vào những cái nong tre chứa tằm trong đó. Mấy con sâu nhỏ xíu ấy tiêu thụ một lượng lá dâu nhiều gấp mấy mươi lần trọng lượng cơ thể của nó. Chúng chỉ nằm một chỗ và làm một công việc duy nhất là ăn ! Chúng nhai lá dâu suốt ngày, phát ra tiếng rào rào êm tai y như tiếng mưa rơi rất đều rất nhẹ. Để chỉ một người ăn không biết mệt bà con thường ví "ăn như tằm ăn rổi".
Khi con tằm bắt đầu chuyển sang màu đỏ, gọi là tằm "chín", nó sẽ bắt đầu nhả tơ bao phủ khắp thân. Lớp tơ nầy dầy dần lên lấp kín toàn bộ cơ thể nó, tạo thành một khối hình bầu dục to cỡ cái trứng cúc gọi là kén. Kén thường chỉ có hai màu vàng và trắng. Những cái kén nầy được lấy tơ bằng cách thả vào nồi nước đang sôi trên bếp để nó bung cái mối tơ ra. Người ta dùng đũa để vớt mối tơ đó ra khỏi nồi nước, quấn vào ống, cho vào Guồng quay rồi mới dệt thành những tấm tụa.
Những tấm lụa màu trắng hoặc vàng óng, có chiều dài hơn hai mươi thước ấy được đem nấu cho mềm đi, rồi mới được mang đi nhuộm.
Để nó có màu đen tuyền người ta phải dùng đến mủ của một loại trái nhỏ, tròn như viên bi có màu xanh như cẩm thạch, thường trồng ở Campuchia và các miền gần biên giới có tên là mặc nưa.
Trái mặc nưa được cho vào cối quết nhuyễn, nhồi trong nước để lấy cho hết chất mủ màu vàng chứa bên trong nó, rồi vắt y như vắt dừa nạo cho đến khi sạch hết mủ, nước trắng bóc họ mới thôi. Những tấm lụa được đem nhúng vào đó, vắt khô, đem phơi, xả, nện, hồ bóng ...Cho đến khi nó đen tuyền, bóng mượt và phải mất cả tháng trời mới xong.
Mủ mặc nưa chẳng những làm tấm lụa trở thành màu đen, mà làm đen luôn móng tay của những ai làm nghề "nhuộm hàng", kể cả mấy đứa con nít hay lượm hột Mặc Nưa ăn. Mấy cái hột nầy màu trắng, to cỡ gấp hai, gấp ba hột gạo, ăn lạt nhách, dẻo dẻo như trái Dừa Nước. Móng tay và răng của chúng cũng đen thui luôn! Phải tẩy bằng thuốc, nếu không sẽ mất một thời gian rất dài chúng mới trắng trở lại như xưa.
Do cần nhiều công sức để hoàn thành nên lãnh Mỹ A đẹp và mắc tiền hơn tất cả loại vải vóc, tơ lụa khác. Giá trị của nó vượt qua công dụng, hầu như không còn là hàng hóa nữa mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên nó được xem như một món quà tặng vô cùng quí giá. Thể hiện tình thương và lòng trân trọng của người tặng một cách rất hùng hồn. Thậm chí trở thành một sính lễ bắt buột mà nhà trai phải mang qua nhà gái, cùng với đôi bông cưới, để khẳng định giá trị của cô dâu.
Và hầu như tất cả phụ nữ vào thời ấy, ai ai cũng đều mong có một cái quần bằng lãnh Mỹ A. Bởi khi làn da chạm vào lớp lụa mát rượi mềm mại ấy, nó sẽ cho họ một cảm xúc ngọt ngào, êm ái y như được ve vuốt. Giúp họ có cảm giác như mình được nâng niu, được đẹp hơn, trở nên hãnh diện và tự tin hơn!
(Xem tiếp CHƯƠNG CHÍN/9)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2019 18:41:30 bởi Lâm Du Yên >