RE: CHUYỆN VỀ CHÚNG TÔI
-
08.09.2006 20:43:28
Ri ta
Tôi quen Ri ta rất tình cờ. Hôm ấy tôi có việc đi ra ngoài thành phố, khi trở về thì đã xế chiều. Mới đầu tháng tư nhưng bầu trời đã trong xanh như dịp hè tháng bảy, tuy nhiên trên các cánh đồng và các con đường nhỏ trong làng tuyết vẫn còn chưa tan hết. Tuyết tan chảy ra lênh láng, đọng thành từng vũng lớn hai bên đường. Cây cối vẫn còn trọc lóc giơ cành xơ xác. Thỉnh thoảng trên một số cành bạch dương mọc ở vùng đất ẩm đã nhu nhú chồi, tuy nhiên chúng có mọc được ra sớm nhất thì cũng phải vào đầu tháng năm. Tới khúc quanh vào thành phố, nhìn thấy con đường nhỏ đi qua một làng ven đường, xa hơn là một quãng đồng. Nhìn những ngôi nhà tầng thành phố đã lấp ló phía sau, tôi nảy ra ý định đi tắt. Đó là ý định hoàn toàn bất ngờ nhưng xem ra là lô gíc bởi đèn báo xăng hết trong xe đã nhấp nháy, ngoài ra tôi cũng tò mò muốn biết tận mắt cảnh nông thôn Nga thế nào. Tuy nhiên tới quãng đồng thì tôi mới biết là có thể đã tính toán sai. Quãng đồng tuy ngắn, nhưng có một đoạn lầy lội, vết bánh máy kéo cày sâu xuống bùn. Tôi xuống xe lội tận nơi xem xét. Sau một lúc băn khoăn suy tính tôi vẫn quyết định đi qua, bởi nếu quay trở lại thì có thể xăng không còn đủ. Dù đã chọn lựa lối đi khả dĩ nhất nhưng khi ra đến giữa quãng đồng xe tôi vẫn bị sa lầy. Đi tìm mấy hòn gạch vỡ bỏ xuống, tôi lên xe rồ ga trồi lên tụt lại mấy lần nhưng vô hiệu. Bánh sau bên phải còn bị ngập xuống bùn sâu hơn. Tình thế thật là tuyệt vọng. Trời đã gần tối mà ở gần đây tôi lại chẳng quen ai cả. Có lẽ phải bỏ xe lại đây rồi đi bộ ra đường bắt xe về thành phố, sáng mai đến sớm tìm cách kéo lên vậy. Đang lắc đầu ngao ngán bởi sự rồ dại của mình thì một giọng con gái cất lên ngay sau lưng làm tôi giật mình:
- Tại sao chú lại đi lối này? Phải hơn một tháng nữa thì xe con mới qua đây được. Thôi để cháu giúp chú vậy. Chú tìm thêm ít gạch đá bỏ vào dưới lốp, cháu sẽ đẩy hộ thêm phía sau may ra thì có thể lên được.
Tôi ngoảnh lại. Một cô gái xinh xắn khoảng mười lăm tuổi người tầm thước đã đứng ngay sau lưng tôi tự lúc nào. Một cô gái thuần Nga. Mái tóc dài màu nâu nhạt hơi xoăn phủ dài xuống gần mông. Mấy sợi phía trước bay phất phơ trên khuôn mặt trái xoan với cái mũi nhỏ xinh xắn không quá cao như ở nhiều người Nga khác. Đôi môi mỏng được tô son hồng một cách vụng về. Bộ ngực tròn căng phồng sau lần áo len mỏng màu tím nhạt bó chặt lấy vòng eo thon và vóc dáng nhỏ nhắn. Chiếc váy ngắn màu đen phủ lên đôi chân thẳng sau lớp vớ dài màu da. Nhưng gây ấn tượng nhất cho tôi là đôi mắt. Sau bộ lông mi cong vút là đôi mắt xanh biếc màu da trời, tuy trong sáng nhưng không che được nét buồn phảng phất trong đó. Phải nói là cháu rất đẹp, cái đẹp riêng hòa với cái đẹp mơn mởn vốn có của tất cả các cô gái Nga tuổi mười lăm mười bảy.
Tôi lúng túng làm quen, và được biết cháu tên là Ri ta, cháu sống với ông bà ngoại ngay xóm trước mặt. Sau khi cùng với tôi bê thêm mấy hòn gạch vỡ cho vào dưới lốp, Ri ta ra sức đẩy phía sau trong khi tôi mở cửa đứng ngoài xe thò chân vào rồ ga, còn vai cũng ghé vào thành xe đẩy. Bánh xe quay tít, bùn cuộn bắn ra phía sau ào ào, nhưng rốt cục xe cũng chẳng lên được. Tôi ái ngại nhìn Ri ta, bùn đã lấm hết từ chân tới đầu. Ri ta nói với tôi:
- Để cháu về nhà bảo ông cháu mang máy kéo ra. Chú đứng đợi vậy nhé.
Tuy thật là phiền nhưng không còn cách nào khác nên tôi đồng ý. Tôi nhìn cháu đi về mà thấy ái ngại. Chắc là cháu sẽ bị ông bà mắng cho một trận bởi hơi đâu mà lại đi giúp một người không quen biết ngoài đường, hơn nữa đó lại là một người nước ngoài. Tôi chờ nhưng ít hy vọng cháu quay trở lại. Thế nhưng chỉ hơn mười lăm phút sau một chiếc máy kéo từ từ lăn bánh đi về phía tôi. Trên xe có cả Ri ta. Đến chỗ tôi, cả hai nhảy xuống. Ông của Ri ta là một ông già người nhỏ thó, xương xẩu. Tầm vóc ông chỉ bằng người Việt Nam cao trung bình. Tôi dự đoán ông gần bảy mươi tuổi. Tôi chào, bắt tay ông và giới thiệu tên mình. Ông nói:
- Tôi là Xasa, ông già Xasa. Cứ gọi Xasa là đủ. Còn anh là người Việt Nam?
Tôi trả lời phải.
- Ngày xưa lúc vợ tôi làm công nhân trong nhà máy hóa chất cũng có rất nhiều người Việt nam làm ở đó. Có mấy cô cũng đã đến nhà tôi chơi. Một người trong số đó rất thân với bà nhà tôi. Cô ta tên là Hòa. Đã lâu chúng tôi không nhận được tin tức gì của cô ấy cả. Chỉ biết cô ấy sống ở Hải Phòng. Chúng tôi cũng thường kể với Ri ta về những kỷ niệm ngày xưa này.
Vậy là tôi có thể chút ít giải thích về sự nhiệt tình của Ri ta. Ngoài lòng tốt vốn có của cô, chắc hẳn cô còn có cảm tình nhất định đối với người Việt Nam thông qua các câu chuyện kể của ông bà.
Nói rồi ông lùi máy kéo lại sát vào đầu xe tôi, xong lấy dây cáp ra. Tôi móc vào và ngồi lên xe. Chiếc máy kéo khẽ rùng mình một tý rồi nhẹ nhàng kéo xe tôi qua khỏi chỗ lầy lên chỗ khô ráo. Thế mà đầu tiên là tôi, sau còn cả Ri ta nữa hỳ hục mãi mà không làm gì được. Thật là may cho tôi quá, chắc là khi ra khỏi nhà ngẫu nhiên tôi đã bước ra bằng chân phải!
Cuộn dây lại trả ông già xong tôi nói lời cảm ơn và móc túi ra lấy năm chục rúp, số tiền khi đó có thể mua được hai chai rượu đưa cho ông già và nói là để ông mua dầu ma dút chạy máy kéo. Ông già đẩy tay tôi ra cười to thoải mái và nói:
- Chàng trai trẻ ơi, ông cháu tôi giúp cậu lúc khó khăn chẳng với ý định lấy tiền đâu. Đó là chuyện nhỏ mà, cậu đừng bận tâm. Mà trời còn sớm chán, mời cậu ghé nhà tôi chơi để bà nhà tôi còn có dịp hỏi thăm về người bạn. Bà ấy vừa nấu nồi xa-ma-gôn ngon tuyệt. Hãy ghé vào làm với tôi vài chén đi.
Quả thực là lúc đấy tôi thật sự lúng túng. Nếu trả lời không thì thật bất nhã trước thịnh tình của ông già, nhưng nếu đồng ý thì cũng bất tiện. Tôi đã làm phiền cả hai ông cháu, nếu ông lấy tiền thì đã là một nhẽ. Lẽ nào tôi lại vào để phiền cả bà phải tiếp đón tôi nữa, vả lại quần áo của tôi bùn đất nhem nhuốc. Tôi tìm cách khoái thác:
- Thôi có lẽ để lúc khác, chẳng hạn vào chủ nhật này. Hôm nay tôi còn có việc bận, nhưng tôi nhất định sẽ đến thăm.
Tôi nói vậy và cũng nghĩ như vậy. Tôi tự nhủ rằng sẽ đến thăm để cảm ơn ông cháu Ri ta. Và rồi sau khi chỉ dẫn cặn kẽ cách đến nhà cho tôi, hai ông cháu lên xe đi về. Còn tôi vuốt tạm bùn trên áo quần và lấy giẻ lau những vết bẩn trên xe. Để xe bẩn thế này mà vào thành phố thì thế nào cũng bị mất tiền cho cánh công an giao thông. Họ nhìn thấy chúng tôi, những người nước ngoài, nhất là dân châu Á thì thường ách xe lại kiểm tra bắt bẻ đủ điều để kiếm tiền phạt. Dĩ nhiên là muốn thoát khỏi phải vào nhà băng nạp tiền phạt và sau đó đến đồn cảnh sát giao thông đợi hàng tiếng đồng hồ để lấy lại bằng lái xe thì tốt nhất là cho tiền vào túi riêng của ngài cảnh sát. Nếu không có vướng mắc gì như lốp hơi bị mòn hay phanh tay làm việc không được tốt v.v, thì cuối cùng xe bẩn cũng là một lý do: lý do làm mất mỹ quan thành phố. Khi tôi nổ máy xe thì máy kéo của ông già đã khuất sau ngôi nhà đầu tiên của xóm. Nhưng niềm vui của tôi đã không có được lâu. Chỉ đi được non nửa cây số thì xe hết sạch xăng. Ra đến đường cái còn gần hai cây số nữa. Hơn nữa để mua được xăng thì còn cần phải có can và lại không được là can nhựa. Lấy đâu ra bây giờ. Cuối cùng tôi nghĩ cũng chỉ còn cách là lại vào nhà ông già để nhờ cậy tiếp. Nếu ông có xăng để mua lại thì tốt, nếu không thì mượn tạm cái can vậy. Đúng như chỉ dẫn của ông già tôi tìm đến ngôi nhà sơn màu xanh nằm cạnh nhà hai tầng đang xây dở. Nhà ông mái lợp tôn, dài nhưng thấp; trên nóc nhà một ống khói to nằm chệch về bên trái một tí. Tôi nhìn quanh, các nhà ở đây đều na ná giống nhau và nhà nào cũng không được đánh số cả. Nếu như ông già không chỉ dẫn kĩ và không có nhà xây dở bên cạnh thì chắc tôi phải tìm lâu mới ra. Bờ rào gỗ vây quanh mảnh vườn con. Trong vườn phía trước nhà một gốc táo già tỏa tán rộng chen lấn với một cây khác nhỏ hơn mà lúc đó tôi đoán là cây mận bởi chúng chỉ trơ cành không nhận biết được. Một chú chó ngao to nằm cạnh ngõ phía trong bờ rào đang lim dim ngủ. Cỡ này mà xông vào cắn xé ai thì phải nói là hết đường chạy. Tôi chột dạ nghĩ vậy và rón rén đi lại sát cánh cửa cổng bằng sắt để bấm chuông. Thấy động nó lao ra sủa to lên mấy tiếng, hai chân trước bắc lên bờ rào. Tôi hoảng hốt lùi lại mấy bước, nhưng thấy nó bị xích hơn nữa nó lại thôi sủa ngay và ngoắt đuôi mừng nên thấy yên tâm. Ra mở cửa là một người đàn bà tuổi trạc ngoài sáu mươi, khổ người nhỏ và không to béo như những bà già Nga khác. Bà mặc bộ quần áo vải xanh công nhân, chắc là còn tất bật làm gì đó trong bếp. Khuôn mặt phúc hậu toát lên sự hiền lành và dễ gần. Chắc thời con gái bà cũng xinh lắm, và Rita đã thừa hưởng được nhiều từ ren của bà ngoại. Nhìn thấy tôi bà gật đầu chào xong vội vã quay trở vào gọi ông già. Như vậy là ông cháu cũng đã kịp kể cho bà về chuyện của tôi. Ông bước ra mở cửa và cười rất sảng khoái:
- Tôi đã bảo mà, vội về làm gì. Chắc hết xăng rồi phải không? Thôi chuyện đó nói sau. Đi vào với tôi làm mấy chén xa-ma-gôn đã, tôi đang ngồi uống một mình buồn lắm đây.
Nói rồi nắm tay tôi kéo xềnh xệch vào nhà. Trong phòng con cạnh bếp trên bàn một chai rượu chỉ mới vơi một tí nằm cạnh một đĩa dưa chuột muối, một đĩa với mấy khoanh giò mỏng và hai lát bánh mỳ đen để lên trên cùng với một cốc nước lọc to. Bảo tôi tháo giày ra và sau khi đưa cho tôi đôi dép đi trong nhà ông bước lại bàn và rót thêm một ly rượu nữa. Tôi thấy khó xử quá, bởi xe còn nằm ngoài kia, hơn nữa nếu uống rượu thì chốc nữa làm sao mà về; tôi sẽ chẳng có đủ tiền phạt để nạp cho cảnh sát giao thông. Như hiểu ý của tôi, ông già nói:
- Đừng bận tâm đến chuyện xe. Ta chỉ làm vài chén thôi, sau đó tôi sẽ chở cậu ra. Xe của tôi ngay ga ra trước nhà, và xăng thì cũng đã có sẵn trong can rồi. Cậu có thể nghỉ lại ở nhà tôi, sáng mai về sớm cũng kịp chán. Còn nếu dứt khoát muốn về thì tôi sẽ chở cậu về. Cậu đừng lo, bọn cảnh sát giao thông không làm gì tôi đâu; họ đã nhẵn mặt tôi rồi.
Thế là tôi chẳng còn cớ gì để chối từ nữa. Tôi ngồi vào bàn của ông và cụng ly. Tôi đã suýt sặc vì không ngờ rượu nặng độ đến vậy. Ông cười bảo tôi rằng thứ xa-ma-gôn này tự nấu nên lấy cao độ, chứ chẳng như loại rượu nhà nước nấu bán đâu. Rượu này vừa rẻ, lại vừa ngon.
Chúng tôi uống mỗi người ba ly, xong ông già ra ga ra lấy xe và can xăng mười lít chở đến chỗ xe của tôi. Ông bảo:
- Tôi cho anh vay xăng nhé. Hôm nào có điều kiện thì ghé thăm và trả lại cho tôi. Mà cậu cũng phải xem mà sửa cái tính lơ đễnh ấy đi. Phải dự trù các tình huống chứ bất trắc xẩy ra thì có lúc sẽ còn vất vả hơn hôm nay đấy. Cứ học tôi đây này, cậu thấy tôi còn có cả xăng dự trữ trong can nữa.
Quay trở lại nhà thì cả bà cả cháu đã ngồi bên bàn đợi chúng tôi. Trên bàn còn thêm mấy món ăn nữa, đặc biệt là món xalát ngô và cá rán tẩm bột. Chắc bà làm thêm để đãi khách. Và rồi chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi kể chuyện về cuộc sống bây giờ ở Việt Nam, về bản thân tôi. Rằng tôi hơn mười lăm năm trước nhận tấm bằng đại học tại Mátxcơva, nay mới có dịp quay trở lại để học nghiên cứu sinh. Còn ông bà kể về gia đình họ. Họ sinh ra và lớn lên ở tỉnh bên cạnh và cùng học phổ thông với nhau. Tình yêu cũng nảy nở khi còn ở dưới mái trường. Cả hai rủ nhau đến đây làm công nhân ở nhà máy hóa chất, rồi cưới nhau, rồi đẻ con, rồi mua ngôi nhà này. Nay thì họ đã về hưu. Họ có hai cô con gái. Rita là con gái đầu lòng của cô chị. Cháu đã ở với ông bà từ khi cháu chưa đầy hai tuổi. Nay Rita đã mười sáu và đang học lớp mười. Còn vợ chồng cô con gái thứ hai cũng ở ngay trong thành phố. Câu chuyện đưa đẩy đã làm cho ông già uống nhiều hơn thường ngày, có lẽ ông đã say. Còn tôi cũng chuếnh choáng. Bởi vậy khi tan cuộc thì ông già đã không thể thực hiện lời hứa là đưa tôi về. Tôi đành ngủ lại trên chiếc đi văng ở phòng ngoài, sau đó sáng dậy mới trở về trường. Nhưng cũng từ ngày đó trở đi tôi thường ghé thăm gia đình ông và dần dà trở nên thân thiết với cả nhà. Tôi thường giúp Rita giải bài tập toán mỗi khi tôi có mặt, còn cháu uốn nắn tôi nói tiếng Nga cho đúng, giới thiệu cho tôi về các ca sĩ Nga mà cháu ngưỡng mộ, tập nhảy cho tôi v.v. Và tôi cũng đã giải thích được điều mà tôi có nhận xét từ đầu rằng trong mắt cháu chứa đựng một nỗi buồn thường trực. Rita là sản phẩm của tình yêu vội vàng của bố mẹ cô. Sau khi Rita mới được sinh ra thì bố cô bỏ mặc mẹ con cô để đi với một người đàn bà khác. Còn mẹ cô cũng phải lòng một người đàn ông khác. Ông ta không chấp nhận để mẹ cô mang Rita theo. Bởi vậy để nhận được tình yêu cho bản thân thì mẹ cô đành phải gửi Ri ta cho ông bà ngoại khi cháu chưa đầy hai tuổi. Và thế là Rita lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà ngoại, thiếu hẳn tình thương của bố và cả của người mẹ.
Thời gian thấm thoắt trôi đi. Hơn một năm sau Rita tốt nghiệp phổ thông và thi đậu vào đại học. Cháu chọn đúng trường mà tôi đang làm nghiên cứu sinh để thi vào.Từ đó chúng tôi càng thân thiết vói nhau hơn. Tuần vài ba lần cháu ghé vào kí túc xá thăm tôi, còn thứ bảy hàng tuần cháu lại đợi tôi để chúng tôi cùng về nhà cháu. Ri ta chuyển gọi tôi bằng bố. Cháu tâm sự với tôi rằng cháu chưa biết thế nào là tình thương của bố, cho nên cháu nghĩ tình cảm từ tôi chắc là cũng giống thế. Có lúc cháu lại bảo tôi như một người bạn tin cậy. Điều này tôi cũng cảm nhận được bởi cháu đã tâm sự với tôi tất cả những chuyện thầm kín nhất của mình. Ai tán tỉnh, ai theo đuổi cháu, còn cháu có cảm tình với người nào cháu đều thổ lộ với tôi, nhất là khi cháu bắt đầu yêu. Mối tình đầu của Rita không phải là bạn học cùng lớp, không phải là bạn cùng làng. Đó là một anh chàng mà cháu tình cờ quen trong một buổi sinh nhật của Lê na, là bạn gái thân nhất của cháu. Đó là một chàng điển trai, nhiều hơn cháu gần chục tuổi, tên là Xéc gây. Hôm sinh nhật đó tôi cũng có mặt. Tôi cũng cảm nhận được là tình yêu sét đánh đã đến với cháu. Nhưng tôi linh cảm một điều gì đó không ổn sẽ đến với Rita, linh cảm của một người lớn tuổi. Họ lập tức quấn quít lấy nhau, và đến cuối buổi sinh nhật thì hầu như cháu đã quên mất mục đích của cuộc vui, quên mất bạn gái Lê na thân thiết và cả tôi. Tan cuộc đã gần một giờ sáng cháu còn theo Xéc gây đi đến sàn nhảy chơi đến tận sáng sớm hôm sau. Tôi một mình về nhà ông bà ngoại cháu. Cả hai ông bà suốt đêm không ngủ được, bởi đó là lần đầu tiên cháu đi chơi cả đêm không về. Hôm sau đến tận chiều lúc ngủ dậy trên gương mặt cháu nét mệt mỏi còn hằn rõ nhưng trong đôi mắt lại phảng phất hạnh phúc. Cháu kể với tôi tất cả mọi chuyện xảy ra tối hôm qua sau khi chia tay với tôi và đúng như tôi linh cảm, cháu đã trao đời con gái cho anh ta. Nhưng điều làm tôi lo lắng hơn là khi cháu kể về lai lịch của Xéc gây. Hóa ra từ lâu cháu đã biết và ngưỡng mộ anh ta, nhưng nay thì mới có dịp tiếp cận. Xéc gây là con trai độc nhất của một gia đình khá giả. Anh ta bị đuổi học khi đang học năm thứ ba đại học bách khoa. Từ đó đến nay anh ta chỉ lêu lổng không chịu làm gì cả, hàng ngày đốt tiền của bố mẹ. Gần đây để đánh đổi lại việc anh ta chịu vào học tiếp một trường đại học tại chức, bố mẹ Xéc gây phải tậu cho anh ta một chiếc xe Auđi đời mới sang trọng. Ri ta còn kể cho tôi nghe rằng bố mẹ anh ta còn cố ép anh ta cưới vợ. Đối tượng là một cô gái đang học năm cuối của trường Đại học sư phạm, con nhà tử tế nhưng nghèo. Bố cô ta là bạn cũ của bố Xéc gây.
Thời gian tiếp theo là những ngày tháng nặng nề đối với Ri ta. Hầu như sau đó cháu thường xuyên đi học với bộ mặt thiếu ngủ. Đầu tiên là do đi chơi với anh ta quá nhiều, mà đối với Xéc gây thì đêm lại là ngày. Sau thì còn nhiều chuyện khác. Một là khi Ri ta biết anh ta nghiện rất nặng. Bị xốc cháu đã định bỏ chạy khỏi tình yêu, nhưng không thoát nổi. Hai là khi cháu biết anh ta bắt cá hai tay: anh ta vẫn đi chơi với cô sinh viên sư phạm và nhất là việc anh ta cưới cô ta sẽ là sự thật. Điều này thật sự làm cho cháu choáng váng. Tất cả những điều này Ri ta giấu biệt ông bà, chỉ kể cho tôi nghe. Nhưng rồi bỏ mặc những lời khuyên giải của tôi, cháu vẫn lao theo cuộc tình như một con thiêu thân. Rita còn tự bào chữa rằng anh ta chỉ thực sự yêu cháu, còn quan hệ với cô kia chỉ là để bố mẹ anh ta an lòng và cấp tiền cho anh ta ăn chơi. Ngây thơ hơn là dần dần cháu cho rằng chính cô gái kia đã quấy phá tình yêu của cháu. Ri ta đã mu muội. Tôi hiểu và chỉ chờ đợi một phép thần nào đó sẽ giải thoát cho cháu. Hoặc là anh ta cưới vợ và Rita hiểu ra, hoặc anh ta tự nhiên trở thành người tốt và anh ta yêu cháu thực sự...
Và phép thần đó đã đến nhưng với một hoàn cảnh mà không một ai trông đợi. Sau mấy ngày tết ăn chơi trác táng, anh ta bị sốc thuốc và chết. Anh ta đã bơm vào mình một lượng thuốc phiện quá liều. Rita khóc lóc vật vã mấy ngày liền. Trông cháu tiều tụy hẳn đi. Anh ta được chôn cất trong một nghĩa trang ven đường mà hàng ngày cháu đi học phải đi qua. Thời gian đầu ngày nào Rita cũng ghé vào thăm mộ. Những lần cùng với cháu từ trường về chơi nhà ông bà, lần nào tôi cũng ghé vào đợi cháu và yên lặng đứng nhìn cháu bỏ lên nấm mộ một vài bông hoa, nhổ mấy gọng cỏ, thì thầm với anh ta mấy câu gì đó...Tôi không thể giải thích được vì sao Rita đã yêu anh ta đến vậy. Tôi nghĩ rằng thời gian sẽ là phương thuốc nhiệm màu và Rita sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng thực tế không như tôi nghĩ. Từ đó Rita dửng dưng với đàn ông. Cháu tâm sự với tôi lửa tình trong cháu giờ tắt ngấm, cháu không thấy rung động trước một ai nữa. Cháu càng thân thiết và tin cậy tôi hơn. Lần lượt các bạn gái của cháu đi lấy chồng. Tôi đã cùng với cháu tham dự tất cả các đám cưới đó. Đến dự các đám cưới này các cô cậu đi thành từng đôi : hoặc đã thành vợ thành chồng, hoặc đang yêu nhau. Duy chỉ có Rita đơn độc, chỉ có tôi đi cùng như một người cha, một người bạn.
(Còn tiếp)
HBĐ