Văn Nghệ Sĩ & Quốc Hương_VDN (Paris)
Thay đổi trang: << < 131415 | Trang 15 của 15 trang, bài viết từ 211 đến 225 trên tổng số 225 bài trong đề mục
Viet duong nhan 28.01.2011 07:02:20 (permalink)

NS Tấn Tài và NS Bạch Tuyết trong vở Một bóng xương khô.
Ảnh tư liệu Huỳnh Công Minh

Anh sinh ra từ dòng kênh Thoại Hà, cất tiếng khóc chào đời giữa lòng núi Sập - trái núi lớn nhất nằm trong cụm núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có dáng hình như con thỏ, trải dài theo những cánh đồng bát ngát… Núi không cao, sông không sâu nhưng đủ dưỡng nuôi cho anh một chất giọng ngọt ngào, nồng ấm, nhẹ tênh… Anh là nghệ sĩ (NS) Tấn Tài - "Hoàng đế đĩa nhựa" của sân khấu ca kịch cải lương.

Năm 1963, hai năm sau ngày đặt chân lên sàn diễn, tôi vinh dự được nhận giải triển vọng Thanh Tâm, cùng anh - đã là một thần tượng của bao khán giả mộ điệu. Đêm trao giải, Ban tổ chức quyết định chọn vở Khói sóng tiêu tương của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng để trình diễn. Khỏi phải nói về cái cảm giác vừa tự hào vừa… run rẩy bởi những cô cậu diễn viên tuổi mới mười tám đôi mươi – như tôi và anh lại được sánh cùng những ngôi sao lớn. Đó là chưa kể, tôi vào vai nữ chính Vương Thúy Mai bên cạnh vai nam chính tráng sĩ Hoàng Hoa Lữ của Tấn Tài. Làm bệ phóng cho chúng tôi lại là NS Hoàng Giang, NS Thanh Nga. Cả tháng trời chúng tôi tập dợt không ngơi nghỉ. Đêm trình diễn, những chú chim được cất cánh. Đó mãi là khoảnh khắc không bao giờ có được, choáng ngợp, nhẹ tênh và mình như không còn là mình nữa.

Không nồng nhiệt và hừng hực như Hùng Cường; chẳng điệu đàng, thanh tú như Minh Cảnh, NS Tấn Tài hồn nhiên tỏa sáng với chất giọng ngọt ngào, nhẹ bổng “trời cho” của anh. Đáng quý hơn nữa là anh biết cách khai thác để đạt đến độ hoàn mỹ cái vẻ đẹp tự nhiên ấy bằng vốn hiểu biết khá rộng của một người thầy giáo, cứ thế vào sâu với nghề. Anh từng là một thầy giáo trước khi làm NS. Cái chất mô phạm khiến anh, ngay cả khi đã thành danh ca lẫy lừng, vẫn khiêm cung, từ tốn, chuẩn mực trong cả nghệ thuật lẫn đời thường.

Mới đây, trong lần tái ngộ sau gần 40 năm, tôi và anh lại sánh vai trong Tiếu ngạo giang hồ. “Doanh Doanh ơi! Đừng nói tiếng yêu đương với một hình hài tiều tụy, nắng đã ngã về tây thì đừng nhặt tia nắng rụng mà tạo bình minh cho phí công… trình. Trăng cuối tháng trăng về non lạnh, vạn vì sao không thể gợi hình…”. Tôi vẫn lịm người như thuở nào bởi thời gian như bất lực trước những thanh âm của núi Sập. Tôi la lên giữa sàn tập, trời ơi, mấy mươi năm rồi mà anh vẫn ca thần sầu vậy là sao… Anh cười, hiền lành, chất phác, nhờ Tổ nghiệp thương đó Bạch Tuyết ơi…

Năm 1964, sau khi đoạt giải Thanh Tâm, Tấn Tài rời Thủ Đô về Dạ Lý Hương cùng tôi. Đó cũng là thời điểm anh cất cánh với độ phủ sóng dày đặc các hãng đĩa danh tiếng như hãng đĩa Việt Nam, Hoa Hồng, Continental, Việt Hải… đưa anh lên ngôi vị “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài. Một sự tiếp nối Minh Cảnh từ Tấn Tài đầy ngoạn mục và xứng đáng.

Trên sân khấu, anh và tôi gắn bó qua những vở tuồng kiếm hiệp như Vô Kỵ - Triệu Minh, Võ Tòng sát tẩu… Còn nhớ trong Cô gái Đồ Long có đoạn “Nghĩa phụ ơi, người ta đã rạch nát mặt Hân Ly và xẻo tai Chu Chỉ Nhược, còn Đồ Long đao và kiếm Ỷ Thiên đã theo nàng quận chúa nhà Nguyên mà rời khỏi đảo Linh…Xà”. Đây là một câu vọng cổ rất “khó nuốt” chứ chưa nói là “nuốt” sao cho lọt và ngọt. Ca từ toàn danh từ riêng, lại là những động từ gây… cảm giác mạnh như xẻo tai, rạch mặt… Vậy mà qua làn hơi nhẹ bổng, độ luyến láy như không, Tấn Tài đã hóa giải mọi kỹ thuật đánh đố trong bút lực của Hà Triều – Hoa Phượng.

Báo chí thời đó đưa tin, năm 1961 bầu Thành của đoàn Song Kiều ký với Tấn Tài một hợp đồng trị giá 100.000đ. Ngay lập tức, Tấn Tài thối lại cho bầu Sinh Tân Hương 60.000đ vì anh chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, còn 40.000đ anh chia làm đôi, gửi về cho cha mẹ và vợ ở quê nhà. Hay như đêm trao giải Thanh Tâm, anh sắp cho bằng được cha mẹ ruột và cha mẹ vợ ngồi ngay hàng ghế danh dự. Hai ông thầy dạy ca cho anh từ thuở lọt lòng là Hai Tỉnh và Út Thôi cùng bà con ở xã Vĩnh Trạch, núi Sập cũng được anh trân trọng đón lên Sài Gòn xem hát. Cái hiếu thảo, tận tình tận nghĩa của anh cũng tự nhiên, chẳng cần mài giũa, như chính giọng ca của anh. Đêm hát ấy, bà con núi Sập xúc động, tự hào về người thầy giáo làng đức độ, tài năng của họ… Còn anh, như đã trả được phần nào món nợ ân tình với người thân, thầy dạy và quê nhà.

Cũng có những thời kỳ anh lâm cảnh ngặt, khi đoàn hát của anh và người vợ thứ hai là NS Như Ngọc vướng nợ nần do gánh hát mới lập, chưa có kinh nghiệm điều hành. Từ đại bang Dạ Lý Hương, tôi xin phép ông bầu Xuân về với anh chị một năm. Một năm, đúng ra là vào mùa mưa ở Nam bộ, chúng tôi rong ruổi ở miền Trung, vậy mà trả hết nợ, gầy dựng trở lại cơ nghiệp. Cái tình trên sân khấu cộng thêm cái nghĩa của những người đồng sự giúp nhau giữa cơn khốn khó, anh cứ hàm ơn tôi mãi chuyện này. Riêng tôi, cũng nhẹ đi một phần bởi những gì anh chăm sóc, chỉ vẽ ân cần trong mỗi câu ca, cách diễn ở những vở tuồng tôi đóng chung cùng anh, giờ tôi đã có thể làm được một việc gì đó cho anh, thay lời cảm ơn. Bài học vỡ lòng mà cha tôi dạy, má Bảy và ba Năm dạy là sự biết ơn, tôi đã được học và hành từ chính anh.

NSƯT Bạch Tuyết
Viet duong nhan 28.01.2011 07:04:17 (permalink)
NS Tấn Tài qua đời:
"Hoàng đế" đã băng hà lúc 6h sáng 27/1 - Xem NS Tấn Tài hát tại Mỹ
http://www.cailuongvietnam.com/modul...iewst&sid=6260



Chiều tối hôm qua 26/1/2011, ở nhà của NS Tấn Beo:
Số 109 - Nguyễn Duy - P.9 - Quận 8.
Xe bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa Ông về...Tình hình là: Ông đã chết lâm sàng từ mấy hôm nay ở bệnh viện, đem về nhà tiếp tục dùng bình oxy để trợ thở, cơ thể đang chết dần từ chân lên...
Và sáng sớm hôm nay ngày 27/1. Trang nhà đến nhà NS Tấn Beo: NS Tấn Tài đã chính thức ra đi lúc 6 sáng. Sẽ liệm vào lúc 4h chiều cùng ngày...
...Thời gian gần đây sức khỏe của NS Tấn Tài không tốt, sau khi đi đám tang NS Kim Ngọc về, NS Tấn Tài đau khắp mình và sốt, và nhập viện vào hôm 19/1/2011, sau khi 2 bệnh viện đều bó tay, sang BV Chợ Rẫy thì dù mỗ hay không mỗ thì "Hoàng Đế Dĩa Nhựa" cũng ra đi. Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật đường ống dẫn mật (3 năm trước đã có phẩu thuật rồi), sau khi phẫu thuật thì NS Tấn Tài bị tuộc huyết áp, đau đớn và yếu dần đi, rồi chết lâm sàng...

Ngoài việc nhiễm trùng đường ống dẫn mật, ông còn bị bệnh gan và nhiễm trùng máu...Nói chung là toàn bộ cơ quan trong cơ thể của NS Tấn Tài đều vướng bệnh nặng, không thể cứu chữa.



NS Tấn Tài đi đám tang NS Kim Ngọc.
Tang lễ sẽ được tổ chức tại nhà: Số 109 - Nguyễn Duy - P.9 - Quận 8.
* Qua đời lúc: 6h sáng ngày 27-1-2011 (nhằm ngày 24 âm lịch)
* Hưởng thọ: 73 tuổi
* Động quan lúc: 8h ngày 31-1-2011, tức ngày 28 âm lịch.
* Chôn cất: Nghĩa trang NS Gò Vấp - cạnh mộ của vợ ông là NS Như Ngọc


NS Tấn Tài qua đời: Hai cơn địa chấn cải lương

Tin nghệ nữ nghệ sỉ Kim Ngọc "đột ngột" về chầu đất phật chưa làm nguôi đi sự bàng hoàng, ngỡ ngàng của hàng triệu khán giả yêu cải lương cũng như kịch nghệ thì hung tin lại đền nữa như là một cơn dư chấn gieo thêm nổi kinh hoàng, lo sợ cho những người đang sống , có điều cơn dư chấn lần này không thua gì cơn chấn động lần thứ nhất, khi nghệ sĩ Tấn Tài- Hoàng đề đĩa nhựa đã ra đi không bao giờ trở lại.

Sao thế hệ vàng dường như đi vào mùa rơi rụng làm chúng ta không thể nào không lo lắng cho một nền tảng cải lương. Khi hay tin ông mất, tôi vội nghe lại tuồng "Mộ chồng ngọn cỏ còn xanh, Bóng Hồng Sa Mạc, Sở Bá Vương Hạng Võ, An Lộc Sơn, và bài Bên ràng Ô Môi" .
Tôi thích nhất là câu " bao giờ đậy nấp áo quan, mới tin là vợ tào khang của mình " trong tuồng " Mộ chồng ngọn cỏ còn xanh", chắc hẳn chúng ta học được bài học khi dùng phương pháp " thử lòng người" mà đôi khi đưa đến hậu quả tệ hại hơn.

Như nhiều nghệ sỉ nhận xét, nghệ sỉ Tấn tài có làng hơi nhẹ như gió ngay khi cả lên cao, nghe rất lạ. Tài Sản của ông là hơn 400 trăm tuồng cải lương và 1000 nghìn bài tân cồ, được phong là "Hoàng đề đĩa nhựa", ông là một trong những ít nam nghệ sỉ có trình độ học vấn cao, ông vốn là một nhà giáo trước khi đi vào đường nghệ thuật chuyện nghiệp. Ông cũng là một trong ít nghệ sỉ thành công về mặt thành lập , quàn lý đoàn hát. Ngoài những vở tuồng, bài tân cồ, ông còn đề lại hai danh hài cho hậu thế, Tấn Bo, Tấn Beo.

Nam nghệ sỉ Tấn Tài cùng với nữ nghệ sĩ Mỹ Châu là đại diện những đứa con nghệ sĩ có hiếu với cha mẹ, có đạo đức nghề nhiệp và có một giọng ca chứa nhiều tâm sự, lột tả được mọi cảm xúc của nhân vật...hai giọng ca chuyên chỡ trái ngang, buồn man mác.

Dũng Thanh Lâm, Minh Phụng, Kim Ngọc rồi đền Tấn Tài về chốn vỉnh hằng, có điều hy hửu rằng cách hai hôm trước khi tạ từ dương thế, Tấn Tài còn cố gắng dự tang lễ của nữ nghệ sĩ Kim Ngọc.

Tất cả bốn nghệ sĩ trên đều thành công và góp phần tạo sự sống lâu dài cho một tuồng hương xa Á rập không được đánh giá cao khi mới trình làng, đó là tuồng "Bống Hồng Sa Mạc". Nếu chúng ta có một chút dị đoan thì chúng ta sẻ lo cho các nghệ sỉ còn lại trong ê kíp "Bống Hồng Sa Mạc" là Văn Hường, Văn Chung, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Diệu Nga ./.


TAN TAI : CUOC DOI & SU NGHIEP
Hình: ngocanhTừ năm 1975 về sau, ông gắn bó duy nhất chỉ với tỉnh Hậu Giang (Cần Thơ) cho tới năm 1990. Vì sức khỏe không thể đi lưu diễn, ông được NSUT đạo diễn Đoàn Bá, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang mời về cộng tác với đoàn II, phục hồi lại vở cải lương nổi tiếng một thời ''Chiều đông gió lạnh về'' của hai tác giả tài danh Hà Triều - Hoa Phượng, cùng hát với ê-kíp nghệ sĩ trẻ Vương Cảnh, Cẩm Tiên, Thanh Ngân, Linh Trung...

Sau đó, thì ông từ giã sân khấu, chỉ đi hát show lẻ, vui chơi với bè bạn... Mấy năm nay ông thường sang Mỹ biểu diễn, ở tuổi xấp xỉ 70, ông còn ca rất hay, vẫn ca dây xề (hò nhì) vô vọng cổ chồng hơi, khán giả bên Mỹ rất mến mộ. Dẫu thời gian có khắc nghiệt, không ai có thể trẻ mãi, giữ phong độ lâu dài, trải qua bao cơn bạo bệnh rất nguy hiểm, nhung khi khỏe lại, mọi ngươi lại gặp một Tấn Tài khác tươi vui, duyên dáng và vẫn ca
hay như ngày nào. Có lẽ sự lạc quan yêu đời chính là phương thuốc thần tiên giúp ông luôn khỏe, sống hạnh phúc với gia đình, với bạn bè đồng nghiệp...

Tâm sự với bạn bè, ông cho rằng mình rất may mắn, được Tổ nghiệp ưu đãi, đi hát chỉ gặp chút ít gian nan buổi đầu, còn lại là chuỗi ngày vinh quang rực rỡ. Từ một chàng trai
nghèo ở nông thôn, bỗng chốc trở thành một danh ca, một triệu phú...
Có một người vợ đẹp, tài hoa, ngay lần gặp đầu tiên ở đoàn Thủ Đô, ông có cảm giác đây chính là người đàn bà sẽ làm chủ cuộc đời ông. Đúng vậy, bà đến với ông suốt cả một đời.
Nhũng năm tháng hạnh phúc thật dài, nghệ sĩ Như Ngọc, vợ ông chính là người có công vun đắp sự nghiệp lừng lẫy của chồng, tuyệt vời hơn là bà đã sinh cho ônghai chàng trai để ngày nay khán giả có hai danh hài Tấn Beo - Tấn Bo.
VIỆT KHANG

Nghệ sĩ Tấn Tài, thầy giáo làng mê đào hát, trở thành ngôi sao sân khấu
02.06.2007 22:22

Trong hai thập niên 60, 70, nam nghệ sĩ Tấn Tài được báo chí kịch trường tặng cho danh hiệu “Hoàng đế dĩa nhựa” khi anh thực hiện trên 100 đĩa vọng cổ và tuồng cải lương được thính giả ưa thích. Nam nghệ sĩ Tấn Tài là một trong sáu nam nữ nghệ sĩ đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 (đó là các nghệ sĩ Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Kim Loan tức Mộng Tuyền và Trương Ánh Loan.)

Nghệ sĩ Tấn Tài tên thật là Lê Tấn Tài, sanh năm 1940, quê ở xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, tỉnh Long Xuyên. Cha là ông Lê Thành Tâm, Mẹ là bà Nguyễn Thị Đang, hành nghề thương mãi. Trong gia đình không có người nào theo nghiệp cầm ca.
Tấn Tài thi đậu Trung Học đệ nhất cấp ở Long Xuyên, anh làm giáo chức dạy học ở trường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Phong trào đờn ca tài tử ở miền Hậu Giang rất là rầm rộ, thấy giáo làng Tấn Tài bị cuốn hút theo phong trào, anh đi học ca vọng cổ và cổ nhạc với hai nhạc sĩ ở địa phương là Hai Tỉnh và Út Thôi.
Giọng ca truyền cảm : Tấn Tài có một giọng ca truyền cảm, anh biết cách diễn đạt nội dung bài ca nên tạo được một lối ca riêng có khả năng thu hút khán, thính giả nên anh mau chóng nổi danh ở địa phương. Các đoàn hát nhỏ về hát ở xã Vĩnh Trạch thường có tiết mục ca vọng cổ ngoài màn trước khi chánh thức hát vở tuồng đêm đó.
Đầu năm 1959, đoàn cải lương Bướm Vàng của ông Bầu Văn Thà đến xã Vĩnh Trạch hát, theo lệ hát vọng cổ ngoài màn, đoàn hát đã mời Ban ca nhạc tài tử của xã tham dự. Tấn Tài lên ca, được khán giả nhiệt liệt vổ tay khen thưởng đồng thời được mời hát nhiều lần. Giọng ca và phong cách biểu diễn của Tấn Tài được khán giả đánh gíá là hay hơn anh kép chánh của đoàn hát.
Bầu Văn Thà thấy Tấn Tài có giọng tốt, ca hay, được khán giả ái mộ nên ông bảo con gái của ông là cô đào Thanh Lệ o bế quyến rũ Tấn Tài. Ông muốn luyện Tấn Tài trở thành kép chánh và sẽ làm rể của ông để Tấn Tài giúp ông nắm vững và phát triển đoàn hát.
Nhưng khi đoàn Bướm Vàng hát ở Chợ Bà - Cái Vồn, mẹ anh đến đoàn hát bắt anh trở về nhà, nhưng Tấn Tài thề quyết theo nghiệp cầm ca, nếu không thành danh thành tài, quyết không trở về quê hương xứ sở.
Cha mẹ của Tấn Tài đành chìu theo ý nguyện của con nhưng thời vận của Tấn Tài chưa thông nên chỉ sáu tháng sau, đoàn hát Bướm Vàng tan rã, cô đào Thanh Lệ bỏ đi đâu mất. Tấn Tài không dám trở về quê, anh tá túc nơi nhà của một người ái mộ anh tên Hiền ở Mươn Điều, Cao Lãnh, cuốc đất trồng khoai, sống tạm qua ngày.

Mối tình với cô Năm Ðủ
Thời gian này Tấn Tài được anh Hiền giới thiệu đi đờn ca tài tử ở các xã lân cận, nhiều cô gái quê mê giọng ca của anh giáo làng thất cơ lỡ vận này, nhưng Tấn Tài chỉ đáp lại mối tình thắm thiết của cô Năm Đủ, giáo viên trường Tiểu học xã Mỹ Hiệp.
Không ngờ là ông Xã Trưởng Mỹ Hiệp muốn cưới cô Năm Đủ nhưng cô không ưng thuận mà chí quyết chỉ yêu Tấn Tài thôi. Ông Xã Trưởng chụp mũ Tấn Tài là Cộng Sản nằm vùng, ông đem lính tới bao vây rạp hát tìm bắt Tấn Tài, anh phải trốn trong ao nước sau đình, núp dưới dề lục bình. Đêm đó, sợ quá, anh trốn qua Sadec, anh Hiền cũng bỏ nhà trốn theo anh.

Đoàn cải lương Hữu Tâm của ông Bầu Ba Khuê hát tại rạp Sadec, Tấn Tài và anh Hiền đến xin gia nhập nhưng soạn giả Tứ Lang sau khi nghe thử giọng ca của Tấn Tài, bèn dẫn Tấn Tài đi gia nhập gánh nhát Tân Hương Hoa của Bầu Sinh vì anh nói theo đoàn Tân Hương Hoa có tương lai hơn là theo đoàn Hữu Tâm. Trước khi đi Bãi Sào gia nhập đoàn hát Tân Hương Hoa, Tấn Tài viết thư về cho cô Năm Đủ, hẹn khi ổn định công ăn việc làm, sẽ rước cô về chung sống.
Trong nghề hát, có giọng ca tốt cũng phải cần có dịp may thì mới mau phất lên được. Tấn Tài gia nhập đoàn Tân Hương Hoa, gặp dịp may là kép chánh Hoàng Sương nghĩ đoàn để hát cho đoàn Thúy Nga, Bầu Sinh liền giao Tấn Tài cho kép Nam Hùng huấn luyện cấp tốc để thế vai của Hoàng Sương.
Tấn Tài có giọng ca lạ, hấp dẫn, học tuồng mau thuộc nên lầu đầu tiên mới bước ra sân khấu hát, Tấn Tài được khán giả tán thưởng và được Bầu Sinh nâng lên thành kép chánh của đoàn, có lương cao và được ký contrat sáu chục ngàn đồng, hát hai năm cho đoàn Tân Hương Hoa. Cô Năm Đủ là người vợ đầu tiên của Tấn Tài. Hai người chung sống, có được một đứa con gái tên là Lê Thị Thanh Hà, hiện nay là chủ một garage sửa xe hơi ở vùng Phú Thọ.
Ở đoàn Tân Hương Hoa, Tấn Tài thủ vai chánh trong các tuồng Hắc Y Nữ Hiệp, Tiếng Ai Khóc Trên Đồi, Hoàng Tử Song Sanh, Hoa Tình trong Gió Lốc, Nam Du Huê Quang.
Năm 1961, ông Bầu Thành đoàn Song Kiều ký với Tấn Tài một conbtrat 100.000 đồng để anh về hát cho đoàn Song Kiều. Tấn Tài thối lại cho bầu Sinh Tân Hương Hoa 60.000 đồng vì hát chưa hết thời hạn contrat. Còn 40.000 đồng anh chia làm đôi, gởi hết số tiền đó về cho cha mẹ của anh và cha mẹ vợ anh.
Báo chí kịch trường đăng nhiều bài báo khen Tấn Tài là con có hiếu vì thời đó nhiều nghệ sĩ ký tiền contrat cao thường lo sắm xe hơi, mua hột xoàng thay vì giúp đở cho cha mê già.

Ðoạt nhiều giải thưởng
Năm 1962, Tấn Tài cộng tác với đoàn hát Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, được nghệ sĩ Ba Vân hướng dẩn, Tấn Tài thành công trong vai Điệp Nhứt Lang trong tuồng Cát Dung Phương Tử của soạn giả Thiếu Linh, anh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 nhờ vai tuồng nầy.
Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Tấn Tài đoạt giải nghệ thuật cao qúy Thanh Tâm mà các nam nữ diễn viên cải lương đồng thời đều mơ ước.
Đêm phát giải Thanh Tâm được tổ chức tại rạp Quốc Thanh, Tấn Tài thủ vai Hoàng Hoa Lử, diễn chung với Bạch Tuyết trong vai Chu Cẩm Luyện trong vở Khói Sóng Tiêu Tương của Hoa Phượng và Nhị KIều.
Cha Mẹ của Tấn Tài và cha mẹ vợ của anh được mời ngồi hàng ghế danh dự. Bà con ở xã Vĩnh Trạch và đặc biệt hai ông thầy dạy ca Hai Tỉnh và Út Thôi cũng đến Saigon xem đêm hát nhận huy chương vàng của ông thầy giáo làng kiêm nghệ sĩ Tấn Tài.
Sau đêm hát nhận huy chương vàng, Tấn Tài được ký contrat thêm 150.000 đồng và được nghĩ 5 ngày để cùng cha mẹ và bà con xã Vĩnh Trạch về quê. Tại xóm cũ, Tấn Tài vật bò, mổ heo, làm thịt gà tổ chức tiệc khoản đải chánh quyền xã và tất cả bà con láng giềng nào đến chia vui với gia đình anh.
Tấn Tài hát các vai chánh trên sân khấu Thủ Đô, tuồng : Tình Người Tử Tội, Bóng Người Bên Song Cửa, Nhạc Nữ Qúy Xuyên, Cây Quạt Lụa Hồng, Khi Mặt Trời Lên, Năm Xưa Nàng Lổi Hẹn, Cát Dung Phương Tử.
Tấn Tài thu dĩa vọng cổ cho hãng diã Hoành Sơn của ông Ba Bản các bài nổi tiếng :Ai lên xứ hoa đào, Dưới rặng Ô môi, Đà lạt mưa rơi, Kiều Phong A tỷ. Dương Qúy Phi, Mùa Thu Lá Bay…
Năm 1964, Tấn Tài và Bạch Tuyết là đôi diễn viên chánh của đoàn hát Dạ Lý Hương của Bầu Xuân. Tấn Tài có những vai hát để đời trong các tuồng Cô Gái Đồ Long, Anh Hùng Xạ Điêu, Tiếng Vọng Ba Đèo, Võ Tòng Sát Tẩu, Sương Mù Trên Non Cao, Thần Anh Cô…
Khi hát cho đoàn Dạ Lý Hương, Tấn Tài hết bị ràng buộc với ông bầu Ba Bản và hãng dĩa Hoành Sơn nên anh ca thu dĩa cho nhiều hãng dĩa Việt Nam của cô Sáu Liên, hãng dĩa Hồng Hoa (tức Asia cũ), hãng Continental của ông Đông, hãng dĩa Việt Hải của ông Tứ Hải… các bài vọng cổ được khách mộ điệu ưa chuộng như Hàn Mạc Tử, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Thương miền đất đỏ, Tâm sự anh gù, Qua đò Mỹ Thuận… và Tấn Tài nổi danh Hoàng Đế dĩa nhựa.
Năm 1966 đến năm 1969, Tấn Tài là diễn viên chánh đoàn Kim Chung 5, hát chung với Mỹ Châu, rồi Lệ Thủy các vở tuồng : Bức họa da người, Băng Tuyền nữ chúa, Tâm Sự loài chim biển, Đường Minh Hoàng, Đào Hoa Khách, Tuyệt tình nương, Hồng y nữ hiệp…

Cưới vợ lần thứ hai

Năm 1968, (Têt Mậu Thân) Tấn Tài theo đoàn Kim Chung 5 lưu diễn miền Trung, hát ở đảo Lý Sơn (cù lao Ré, Quảng Ngãi) thì ở Saigon vợ anh, cô Năm Đủ mất, không hiểu vì nạn nhân chiến cuộc hay vì bạo bịnh. Gia đình và Ban giám đốc Kim Chung không biết đoàn Kim Chung 5 đang lưu diễn ở đâu thành ra không báo tin cho Tấn Tài được.
Mãi tới ba tháng sau, khi Kim Chung 5 về tới Nha Trang thì Tấn Tài mới biết tin vợ anh mất. Con gái của anh Lê Thị Thanh Hà được ông bà nội đem về nuôi dưỡng và cho đi ăn học ở Saigon.
Năm 1969, Tấn Tài lập gánh hát mang bảng hiệu Tân Thủ Đô - Tấn Tài, anh cưới người vợ thứ hai là nữ nghệ sĩ đệ nhất đào lẵng Như Ngọc, có hai trai tên Lê Tấn Danh tức hề Tấn Beo và Lê Tấn Phúc tức hề Tấn Bo.
Sau năm 1975, Tấn Tài giao gánh hát lại cho tỉnh Hậu Giang, anh mở quán có ca nhạc, rồi đi hát cho đoàn hát Song Hậu của nhà nước. Anh đi hát từng show khi có yêu cầu. Nữ nghệ sĩ Như Ngọc mất năm 2001 vì tai biến mạch máu nảo.
Hai con trai của anh là Tấn Beo và Tấn Bo không phải danh ca vọng cổ, họ chọn nghề chọc cười thiên hạ nên nổi danh hề Tấn Beo và Tấn Bo

Nghệ sĩ Như Ngọc qua đời năm 2001, sau thời gian dài bạo bệnh, ông chợt hiểu, đời người như một kiếp phù sinh... Nhìn Tấn Beo, Tấn Bo ông rất nhớ đến bà, bởi trên gương mặt của hai cậu con trai yêu quý có nét phảng phất giống cả cha lẫn mẹ. Ông hài lòng vì sự thành đạt của hai con. Cha là hoàng đế dĩa nhựa, mẹ là đệ nhất đào diễn, con là danh hài, đúng là hậu sinh khả úy, xứng danh con nhà tông. Ông luôn dặn dò hai con phải sống khiêm tốn, hòa nhã, kính trên nhường dưới, bạc tiền, danh vọng chỉ là phương tiện nhất thời, đạo đức mới trường tồn. Với Tấn Beo ông có phần an tâm hơn Tấn Bo, cậu út nhà còn nông nổi, bồng bột lắm...
Với các diễn viên trẻ, ông có lời nhắn nhủ: ''Các em đều có giọng tốt, nhưng hay bắt chước, rập khuôn hoặc không dám đột phá, tìm ra cái mới, tạo cho mình nét riêng, chính nét riêng, cái mới, mới tạo nên giá trị đích thực của mình. Ngày nay không thiếu tài năng trẻ, chỉ thiếu đoàn, thiếu nơi hoạt động thường xuyên, thiếu sự định hướng phát triển cho cải lương.''


Sau ngày góa vợ, ông sống hạnh phúc bên chị Kim Ly, một khán giả ái mộ và yêu ông từ thời còn con gái... Mấy mươi năm xa nhau, ông góa vợ, chị góa chồng, hai người bạn cũ gặp nhau, an ủi, chăm sóc nhau trong những ngày về chiều, nắng xế. Ông vẫn luôn cho rằng mình là người may mắn, hòa nhã, vui vẻ với mọi người là phương châm sống. Tấn Tài - Hoàng đế dĩa nhựa - Tài hoa,hiền lành, hóm hỉnh...

tancogiaoduyen (Theo SG Nguyễn Phương - ĐACTD)
Nguôn :
http://www.cailuongvietnam.com/modul...iewst&sid=3270


From: linda77
Date: 2011/1/27
Subject: Một nghệ sĩ mới qua đời
Một nghệ sĩ mới qua đời

Hôm nay đọc báo thấy tin nghệ sĩ cổ nhạc Tấn Tài qua đời ...một giọng ca mà tui rất ưa thích ...xin mời nghe 1 bài tân cổ tui nghe hằng đêm
Viet duong nhan 28.01.2011 07:11:22 (permalink)
Viet duong nhan 28.11.2011 21:30:00 (permalink)
Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường

Nguyễn Phương - RFI - CHỦ NHẬT 27 THÁNG MƯỜI MỘT 2011

Có lẽ vì sân khấu cải lương thường diễn những vở tuồng Tàu và tuồng lịch sử, nhân vật trong tuồng có vai Vua, Hoàng Đế, Hoàng Hậu, nên các ký giả kịch trường và khán giả ái mộ có thói quen khi thấy nghệ sĩ nào có tài ca hay, diễn giỏi mà họ cho là giỏi bực nhứt trong nghề thì họ tặng cho nghệ sĩ đó những mỹ danh có kèm chức vị Vua hay Hoàng Hậu trước cái tên chính của người nghệ sĩ đó.

Vì vậy sân khấu cải lương có Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn, Hoàng Đế Dĩa Nhựa Tấn Tài, Vua Xàng Xê Minh Chí, Hoàng Hậu Sân Khấu Thanh Nga, Nữ Vương Sầu Mộng Út Bạch Lan, Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường….

Nghệ sĩ Văn Hường tự giới thiệu về mình:

"Tôi là một nông dân, một nghệ sĩ rất là nông dân, nông dân ở xã nghèo, xã Long Thạnh Mỹ. Tôi mới bèn xuống dưới Saigon ở. Đó, lúc đó thì khổ sở lắm. Đó…mới là đi học ca, mà học ca là toàn anh em dìu dắt mình học, đó chẳng hạn, rồi lúc tôi ca được thì lúc đó tôi gặp anh Văn Vĩ, anh Năm Cơ, rồi gặp nhiều anh nghệ sĩ lớn tuổi mà rất là thương yêu nghệ sĩ Văn Hường, đó…thương mới bèn đưa đi đây đi đó, đám giỗ, đám cưới gì tôi ca hết, đó…lúc đó thì ca tốt rồi đó, cái bà Lệ Liễu mới mời tôi về ở giải trí trường Lệ Liễu ca, lúc đó là quán Lệ Liễu ở giải trí trường… Đó , rồi được anh em thương, rồi bà con đều thương, đó lúc đó thì có anh Viễn Châu cũng vô đó chơi, nhậu nhẹt rồi ca hát, lúc đó anh Viễn Châu thấy Văn Hường ca được quá, mới bèn mời về hợp tác với hãng dĩa, với cái bài đầu tiên của tôi ca, đó là cái bài Đêm Tân Hôn của soạn giả Viễn Châu viết.

Rồi cái lần hồi ảnh viết qua cái bài Tư Ếch đi Saigon, Vợ tôi nói tiếng Tây, Pháp Sư giải nghệ… nhiều bài lắm, bây giờ kể không hết được… Lần hồi cái rồi anh Bảy Cao cũng về đó hát…, đó anh Bảy Cao đoàn Hoa Sen, gặp Văn Hường, cũng vô ngồi nhậu nhẹt, rồi nói chuyện, đờn chơi, mới mời tôi hợp tác với đoàn Hoa Sen… Hát được mấy năm trời, kế Kim Chung thấy tôi hát được quá, bèn mời tôi hợp tác với đoàn Kim Chung. Lúc đó thì ký giao kèo hơi lớn đó… hà hà…rồi từ từ hát… đâu 9, 10 năm, mười một năm… A ký hợp đồng với Kim Chung Hát mười mấy năm…"

Thông thường, nghệ sĩ tự giới thiệu mình thì ít khi có mạch lạc và chi tiết.

Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sanh năm 1934 tại xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức. Cha mẹ là nông dân, có mười mấy người con mà Văn Hường là người con thứ sáu nên bạn bè gọi anh là anh Sáu Văn Hường.

Trước năm 1975, tôi sáng tác nhiều bài ca cải lương hài hước cho Văn Hường ca thu dĩa cho hãng Capitol, tôi hỏi do đâu mà anh luyện được giọng ca đưa hơi ự ự hài hước độc đáo đó. Văn Hường cho biết là vì anh nghe danh ca Tám Thưa ca rất hay nhờ cái giọng đưa hơi ợ ợ của ảnh, nhờ đó Văn Hường nảy ra sáng kiến, chế cái tiếng ự ự thay cho cái tiếng ợ ợ, cái tiếng ự ự ăn khách dữ lắm.

Nghệ sĩ Văn Hường trả lời đơn giản như vậy, vì nếp sống và cách suy nghĩ của Văn Hường rất đơn giản. Văn Hường không nghĩ là nếu gặp một bài ca vọng cổ có nội dung lịch sử như bài ca ca ngợi chiến thắng Đống Đa hay Trần Hưng Đạo Bình Nguyên hay một bài ca tình yêu như Lan và Điệp hay bài Đồi Thông Hai Mộ, Văn Hường có ự ự hay cách mấy thì thính giả cũng không cười được, mà nếu thính giả cười thì là cười Văn Hường làm hư nội dung bài ca. Ví dụ Văn Hường đã ca bài Đời là gì, thính giả chỉ mỉm cười vì nội dung trách hờn đời, chớ thính giả không cười rộ lên khi nghe anh ca những bài hài hước khác.

Muốn có một bài ca vọng cổ hài hước làm cho thính giả cười lên được, phải có một sự kết hợp chặt chẽ giữa người viết bài ca, nội dung bài ca diễu, người ca sĩ có chất giọng và kỹ thuật ca diễu kết hợp với dàn đờn đờn ăn ý với người ca. Cái lối ca dùng tiếng ự ự thay cho tiếng ơ ơ chỉ là một kỹ thuật ca góp một phần nhỏ vào cách chọc cười thính giả.

Khi khởi nghiệp cầm ca, nghệ sĩ Văn Hường được cái may mắn là gặp được soạn giả kiêm nhạc sĩ Viễn Châu. Anh Viễn Châu khám phá giọng ca lạ của Văn Hường nên viết nhiều bài ca hài để khai thác giọng ca hiếm có với nội dung viết về những trái khoáy trong xã hội từ chuyện sợ vợ, chuyện mê gái, chuyện mê tín dị đoan, đến nạn tứ đổ tường, những chuyện bình dị trong đời thường.

Lối viết khéo léo của Viễn Châu và các tác giả chuyên viết vọng cổ hài cộng với lối ca duyên dáng dễ thương của nghệ sĩ Văn Hường đã đánh trúng tâm lý của người nghe. Trong các buổi tiệc đám cưới , đám giỗ, các buổi đờn ca tài tử, người ta bắt chước Văn Hường ca : "Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm…." ( bài Năm con vợ), hoặc "Uống chi cho đã rồi lủi vô bụi cây cho chó ăn chè…"( bài tâm sự Ba xi đế ).

Sau bài vọng cổ vui đầu tiên Đêm tân hôn, Văn Hường được soạn giả Viễn Châu sáng tác cho rất nhiều bài vọng cổ hài hước như Tư Ếch đi chợ Saigon, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch coi cải lương, Tư Ếch coi hội chợ, Vợ tui tui sợ, Vợ tui nói tiếng Tây, Tôi mê tài xỉu, Văn Hường thua số đuôi, Pháp sư giải nghệ, Chó mực đầu cáo, Lá sớ Táo Quân…


DR
Văn Hường ca Vợ tui tui sợ của soạn giả Viễn Châu:


"Hỡi những bậc nam tử tu mi, hỡi các đấng trượng phu từ thanh niên râu chí mấy cụ già lão nhược, hãy đứng lên chung lưng đấu cật mà cùng nhau sợ vợ cho vui cửa….

Vọng cổ câu 1 … Vui nhà…Bà con lối xóm họ điệu thì họ kêu là mình thương vợ, còn họ ghét thì gọi là thờ bà…nhưng ở đời mà, hơi sức đâu bận tâm tới miệng lằn lưỡi mối, ăn no cái rồi bươi móc chuyện của người ta hoài vậy hà… Sách có câu Trị Quốc Tề Gia, phu phụ thuận hòa thì gia đạo mới yên, tơ hồng nguyệt lão se duyên, kẻ được vợ hiền còn người rinh con vợ dữ…ư…ư…

Câu 2… : Nói không phải khoe với anh Ba, chớ tôi dám chắc nội cái xóm Nancy nầy không có tay nào sợ vợ cho bằng Văn Hường sợ vợ hết á… nhưng cái sợ của tôi là cái sợ có sách có vở. Mà cái sợ vợ cao cấp, cái sợ vợ có nghệ thuật à…chứ đâu phải thứ sợ vợ tay mơ của mấy cha lục đục thường tài… vì hồi ban sơ mới lấy nhau, tôi nhè lỡ sợ nên tới ngày nay tôi tiếp tục sợ hoài…. Vậy bà con lối xóm họ đâu có thông cảm, họ xậm xì xậm xịt, họ nói là hiếu phụ nha nha… sợ vợ như là sợ…sợ…sợ…ối, nhưng mà anh Ba ôi, tôi gẫm lại thì vợ mình mình sợ, phải hông É chớ mình đâu có điên dại gì mình lại sợ vợ của người ta…

Câu 5 : Nhỏ cũng sợ mà già cũng sợ… Sách có câu sợ vợ mới nên! Tại tôi muốn ăn ở cho đúng sách Thánh hiền, chớ thân bảy thước, ai sợ gì phụ nữ…Ủa , lạm gì mà ngó tôi rồi anh cười chúm chím, làm tôi quê quáa É Anh nhớ lại mấy lần đến thăm tôi, anh đều thấy tôi mặt mày sưng húp, mắt bầm đen và lỗ mũi ăn trầu…Ạ, đó là tại con vợ tôi nó nựng tôi hơi nặng tay, nên tôi mới bể đầu… thì đâu có sao…chết chóc gì anh Ba… Sách có câu, đèn nhà ai nấy sáng, thương nhau lắm mới đánh nhau đau, lổ đầu gẫm chẳng có sao, băng keo dán lại, lấy dầu xức vô, máu ra một lát nó khô, chớ còn cãi lại thì ô hô sanh buồn.

Câu 6 : Đọ…Anh Ba thấy hông… từ vua chúa đến thứ dân, tứ khố rách áo ôm cho tới tai to mặt lớn, từ quê tới tỉnh, từ ruộng rẫy tới thị thiền, ai ai cũng sợ vợ ráo trơn ráo trọi hết, bởi vì cái vụ sợ vợ là cái sự dĩ nhiên mà anh Ba…xấu hổ gì chuyện đó … Đàn bà là sếp gia đình, Nam tử tụi mình phải rắc rắc tuân theo, Sợ nào bằng sợ vợ làm reo, nổi giận nó dám bỏ chèo queo một mình. Sách Nhị Thiên Đường có câu : Phu xướng phụ tùy, dạy một cách khác nữa là chồng phải quỳ ( oui ) khi vợ gọi, anh Ba ôi, nên hư số hệ nơi trời, vợ mình mình sợ, ai cười mặc ai.

Sau 200 bài vọng cổ hài của Viễn Châu sáng tác cho Văn Hường, có rất nhiều vọng cổ hài của các tác giả khác viết khai thác giọng ca hài của Văn Hường như bài Thằng Lãnh bán heo của soạn giả Quy Sắc – hãng dĩa Hồng Hoa, bài Văn Hường đau khổ, Văn Hường ba con vợ của soạn giả Văn Giai hãng dĩa Quê Hương, bài Già Đa dạy lái Honda, Văn Hường trúng số hụt, Ông Thần ve chai, Văn Hường làm thầy bói, Văn Hường đi Suzuki, Chàng Rễ độc đắc, Ông Táo cảilLương của hai soạn giả Yên Sơn và Nguyễn Phương hãng dĩa Capitol, bài Anh hùng náo quán bia hơi của Hoàng Việt hãng dĩa Việt Hải… đưa danh tiếng của Văn Hường đến tột đỉnh của nghệ thuật ca hài hước lúc bấy giờ.

Viết vọng cổ thật ra không khó, nhưng muốn viết hay, có tính văn học lại là chuyện khác. Người viết biết giữ đúng lề lối, đúng khung nhạc, đúng chữ đờn cuối khung và văn chưong có vần điệu là có thể sáng tác vọng cổ, nhưng viết một bài vọng cổ hài thì tác giả phải có cái nhìn sự việc độc đáo và phải biết sử dụng ngôn ngữ hài. "Nhìn sự việc độc đáo" là nhìn ra khía cạnh nào có thể châm biếm được, chọc cười người nghe, khám phá ra những hủ tục cần đả phá và phải dùng lời châm biếm nhẹ nhàng, gây cười khiến cho người nghe dù là kẻ bị châm biếm cũng phải cười mà không phật lòng, người bình thường thì tán thành lối châm biếm đó như là họ đã nhờ tác giả nói thay cho họ vậy.

Trước danh ca hài Văn Hường, có nhiều nghệ sĩ ca hài hước vọng cổ như Hề Lập ca trong tuồng Lý Chơn Tâm cưỡi củi, hề Tư Xe trong vai Lôi Nhược ca trong tuồng San Hậu, danh ca Tám Bằng ca bài vọng cổ Thầy bói nói mò, danh ca Hồng Châu ca hài bài vọng cổ Cọp cọp, Bonjour thầy Ba…các nghệ sĩ đó dùng cách ca cà lăm để tạo tiếng cười, nhưng khi đến Văn Hường thì anh biết sáng tạo, khai thác thêm giọng ca và cách ca cho phù hợp với nội dung bài vọng cổ hài, với làn hơi độc đáo, anh sử dụng cách luyến láy, nhấn nhá, kéo dài phụ âm " R ", hoặc lên giọng thật cao, ca "sét" ở những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, đặc biệt câu vô với chữ "Ự…Ự" lên xuống trước khi xuống chữ hò vô vọng cổ. Ngoài ra, Văn Hường còn có một làn hơi phong phú, bộ nhịp vững chắc cho phép anh tùy ý ngân nga, chạy nhảy trong bài vọng cổ hài, vốn có những câu rất nhiều chữ và không có khoản nghỉ lấy hơi trong lòng câu vọng cổ. Những sáng tạo của nghệ sĩ Văn Hường trở thành khuôn mẫu để những danh hài sau này bắt chước như Hề Sa, Hề Thanh Nam. Cho đến nay, chưa có nghệ sĩ ca vọng cổ hài nào tìm được sáng tạo mới, thoát khỏi cái khung mà Văn Hường đã định.

Vọng cổ hài đã có một thời kỳ lên ngôi, Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường cũng có một thời vàng son rực rỡ. Sau năm 1975, ca hài hước không thể tồn tại vì nhà cầm quyền mới cho là cười như vậy là khách quan tư sản, không được phép cười nông dân vì nông dân là thành phần cốt cán của cách mạng. Phải cười có "định hướng chính trị" mà cái định hướng theo nhà cầm quyền muốn thì lại không đúng với ý muốn của người dân, vì vậy không có soạn giả nào viết được bài ca hài hước nữa, kể cả ông vua chuyên viết bài ca hài hước là soạn giả Viễn Châu cũng đành gác bút. Vậy đó, từ sau năm 1975 đến nay, vọng cổ hài hước đã bị khai tử, bị giết chết tiêu giống như họ đã giết chết nghệ thuật sân khấu cải lương.

Nguyễn Phương

RFI
Viet duong nhan 11.05.2014 00:52:50 (permalink)
Vua ca vọng cổ Út Trà Ôn

Thứ bảy 10 Tháng Năm 2014
Nghe (17:09)




Vua vọng cổ Út Trà Ôn (DR)


Lê Phước RFI


Bản vọng cổ được xem là “bài bản vua” của làng tài tử- cải lương. Và mỗi khi nhắc đến tài viết lời thì người ta nghĩ ngay đến “vua soạn lời vọng cổ” Viễn Châu, còn khi đề cập đến tài ca vọng cổ thì người mộ điệu nghĩ ngay đến Út Trà Ôn, nghệ sỹ được mệnh danh “Vua vọng cổ” và “Đệ nhất danh ca” suốt hơn nửa thế kỷ qua.





Trong làng tài tử-cải lương Nam Bộ, có một đôi nghệ sỹ cầm trịch cho bản vọng cổ từ hơn nửa thế kỷ qua, mà có một điều trùng hợp thú vị là nghệ danh hai nghệ sỹ này lại bắt đầu bằng chữ “Út”: Út Trà Ôn và Út Bạch Lan.
Nghệ danh Út Bạch Lan là sự kết hợp giữa “Út”, cái tên quen thuộc mà bé Đặng Thị Hai (Tên thật của Út Bạch Lan) được mẹ gọi hàng ngày. Đó cũng là sự thể hiện lòng hiếu thảo của Sầu nữ Út Bạch Lan.


Nghệ danh Út Trà Ôn

Còn đối với Út Trà Ôn, ông tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919 tại làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông là con thứ mười trong gia đình và cũng là cuối cùng, tức thứ Út theo cách gọi của người Nam Bộ. Xuất thân là nông dân ‘‘thứ thiệt” của miền Nam, giọng ca của nghệ sỹ Út Trà Ôn luôn thắm đượm nét chân phương, phóng khoáng và trữ tình của người Nam Bộ. Hồi tuổi lên mười, giọng ca Nguyễn Thành Út đã nổi tiếng trong các sân chơi tài tử địa phương.

Năm 18 tuổi, tức vào năm 1937, Nguyễn Thành Út rời quê lên Sài Gòn và đoạt Giải nhất trong cuộc thi ca vọng cổ do hãng rượu Bình Tây tổ chức. Sau đó, Nguyễn Thành Út được giới thiệu ca vọng cổ trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn và bắt đầu mang nghệ danh Út Trà Ôn. Nghệ danh này là sự kết hợp giữa tên “Út” và huyện “Trà Ôn”, một cách thể hiện sự tri ân đối với quê hương nguồn cội của chàng trai Nguyễn Thành Út.

Các hãng đĩa bắt đầu chú ý tới giọng ca Út Trà Ôn nên thường xuyên mời ông thu âm. Thời gian gắn bó với các đài phát thanh và các hãng đĩa đã dần đưa tên tuổi Út Trà Ôn lên đỉnh cao vinh quang. Đầu những năm 1940, Út Trà Ôn bắt đầu bước chân vào sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Tên tuổi Út Trà Ôn dần trở thành tên tuổi ăn khách hàng đầu của sân khấu cải lương.

Út Trà Ôn là một trong những nghệ sỹ đầu đàn cùng với Phùng Há, Ba Vân, Năm Nghĩa, Năm Châu … có nhiều đóng góp quan trọng cho sân khấu cải lương từ thời kỳ sơ khai của bộ môn nghệ thuật này đến thời vàng son vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật hơn 60 năm, Út Trà Ôn đã đi qua nhiều đoàn hát danh tiếng miền Nam. Có khi ông cũng đứng ra thành lập đoàn hát như đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn với nghệ sỹ Kim Chưởng, Thanh Tao, hay đoàn Thống Nhứt với nghệ sỹ Hoàng Giang.

Các nghệ sỹ cải lương trước khi ra sân khấu thường lạy tổ nghiệp, và người tổ nghiệp của họ không phải là một người cụ thể nào, mà là những bậc tiền hiền có công khai sáng và nuôi dưỡng cải lương. Trong ý nghĩa đó, Út Trà Ôn xứng đáng được xếp vào một trong những vị tổ nghiệp hàng đầu của sân khấu cải lương Nam Bộ.

Diễn xuất mộc mạc, chân phương

Út Trà Ôn đã để đời nhiều vai diễn, trong đó vai Ông Cò Quận 9 trong vở tuồng cùng tên (tức Tuyệt tình ca), có thể nói là một trong những vai đến hiện tại chưa có người thay thế. Với cách diễn xuất mộc mạc, chân phương, lại là người rất khó tính trong nghề, bởi vậy Út Trà Ôn là một bậc thầy trong diễn xuất: diễn như không diễn.

Trong Tuyệt tình ca, Út Trà Ôn đóng cặp với Sầu nữ Út Bạch Lan. Lớp ca diễn để đời là lớp ông tái ngộ vợ hiền sau nhiều năm xa cách, Út Trà Ôn ca với Út Bạch Lan ba câu vọng cổ, đây là ba câu vọng cổ để đời của đôi nghệ sĩ bậc thầy này. Chỉ với bốn câu nói lối gối đầu để vô vọng cổ cũng đủ để khẳng định đẳng cấp thượng thừa của Út Trà Ôn.

Đó là một tài diễn trong ca, ca trong diễn. Đặc biệt, Út Trà Ôn có biệt tài nói trong ca và ca trong nói, rất cần thiết cho một nghệ sỹ cải lương. Đến hiện tại, chưa thấy có một nghệ sỹ cải lương nào, cả nam lẫn nữ, có được biệt tài như vậy.

Út Trà Ôn nói lối như sau “Tôi đứng đây tưởng chừng như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, lúc mình quay xuồng trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc”. Chỉ một “chiêu” đó thôi mà biết bao nhiêu thế hệ nghệ sỹ cải lương sau ông chưa ai biểu đạt được đến trình độ như vậy. Khi nghe ông ngâm đoạn này người ta cảm nhận được hình ảnh những đám lục bình đang trôi rời rạc trên sông, cũng giống như nỗi đau xé từng đoạn ruột của hai người yêu nhau khi đưa tiễn.

Út Trà Ôn đã đưa trọn tình cảm và nghệ thuật ca diễn thượng thừa vào lời thoại để nó trở nên truyền cảm một cách thần sầu. Bên cạnh Ông Cò Quận 9, người mộ điệu cũng không thể nào quên hai vai gây khó dễ cho thế hệ sau của Út Trà Ôn là vai Võ Minh Thành trong Đời Cô Lựu và vai Ông Tám Khỏe trong Người ven đô.

Đệ nhất danh ca, vua vọng cổ

Tuy vậy, hễ nhắc đến Út Trà Ôn là người mộ điệu nghĩ ngay đến tài ca vọng cổ. Giọng ca Út Trà Ôn được mến mộ đến mức mà nó làm lu mờ tất cả những vai diễn của ông, để cho người mộ điệu mỗi khi nhắc đến ông là nhắc đến tài ca vọng cổ.

Từ những thập niên 1960, khi hai danh ca nữ Út Bạch Lan và Thanh Hương chập chững vào nghề, thì giọng ca Út Trà Ôn đã làm khuynh đảo làng cổ nhạc. Vào năm 1960, tờ báo Tiếng Dội của ký giả Trần Tấn Quốc, người chủ sự giải thưởng Thanh Tâm danh giá của sân khấu cải lương, đã trưng cầu ý kiến độc giả, và Út Trà Ôn được bầu chọn là “Đệ nhất danh ca” bên cánh nam nghệ sỹ, còn bên cánh nữ là danh ca Thanh Hương.

Cũng trong thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu đã viết bài Tình anh bán chiếu cho Út Trà Ôn ca thu đĩa. Giọng ca Út Trà Ôn đã mở đường cho bài Tình anh bán chiếu trở thành “bài vọng cổ vua”. Từ đó, cái tên Út Trà Ôn bắt đầu gắn với Tình anh bán chiếu. Đây là một cú hít quan trọng cho vọng cổ nhịp 32 bởi trong các bài bản vọng cổ, thì đến hiện tại vọng cổ nhịp 32 vẫn là thịnh hành nhất.

Chính những bài vọng cổ của Viễn Châu qua giọng ca Út Trà Ôn đã góp phần quan trọng cho sự “chiến thắng” của vọng cổ nhịp 32. Và trong rất nhiều bài đó, thì Tình anh bán chiếu phải được xếp hàng đầu, bởi vì không chỉ ngày xưa, mà đến hiện tại, hễ nhắc đến vọng cổ là nhắc đến Tình anh bán chiếu. Ở miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, dù biết hay không biết tài tử-cải lương, thì hầu như ai cũng biết đến bài Tình anh bán chiếu. Đây cũng là một bài quan trọng đưa Viễn Châu-Út Trà Ôn lên cương vị “Vua viết lời vọng cổ” và “Vua ca vọng cổ”.

Út Trà Ôn mất vào năm 2001 với hơn 60 năm đóng góp cho sân khấu cải lương. Thế nhưng, không chỉ có đến lúc ông tạ thế, mà ngay đến hiện tại, đối với người mộ điệu và các nghệ nhân tài tử hay các nghệ sỹ cải lương chuyên nghiệp lẫn các nhà nghiên cứu, danh hiệu “Đệ nhất danh ca” và “Vua ca vọng cổ” vẫn được gắn với giọng ca Út Trà Ôn.

Có phải vì Út Trà Ôn có số lượng đĩa vọng cổ nhiều nhất trong giới nghệ sỹ? Hay vì ông đóng góp nhiều năm cho cải lương nên được thế hệ sau “nể” mà khen ngợi? Câu trả lời thuyết phục nhất đó là do tài năng ca vọng cổ của Út Trà Ôn đã đạt đến một trình độ chưa có ai đạt tới.

Út Trà Ôn có giọng đồng, trầm, mạnh mẽ và rất nam tính. Thế nhưng, chỉ có thiên phú thôi thì chưa đủ để cho Út Trà Ôn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ca vọng cổ, mà đòi hỏi phải có sự khổ luyện nghiêm túc. Người trong nghề đến hiện tại mỗi khi nhắc về ông thì vẫn không quên chi tiết khi hóa trang cho vai diễn, Út Trà Ôn phải bỏ ra tới hai tiếng đồng hồ để chỉ để … vẽ một bên chân mày. Chỉ vậy thôi cũng thấy sự nghiêm túc với nghề và sự trân trọng khan giả đến mức nào.

Bàn về bộ nhịp, thì ta thấy rằng, Út Trà Ôn có bộ nhịp thuộc hàng “sư phụ của sư phụ”. Nhờ có nhịp nhàng chắc chắn mà Út Trà Ôn có thể triển khai điêu luyện lối ca sắp chữ theo kiểu chẻ nhịp một cách thượng thừa của mình. Út Trà Ôn ca không theo khuôn, mà rải chữ đều ở các câu. Khi nghe Út Trà Ôn ca, người nghe khó biết được ông đã tới nhịp nào, khuôn nào, mà chỉ biết là khi ông xuống song lang thì như đặt khuôn vậy.

Nếu chỉ có bộ nhịp chắc thôi còn chưa đủ để đạt đến trình độ sắp chữ như vậy, mà cần phải có một sự khổ luyện và một cái tâm làm nghề nghiêm túc mới ca được như vậy. Cách sắp nhịp và cách ca của Út Trà Ôn đến hiện tại vẫn chưa có nghệ sỹ nào đạt tới. Thế hệ sau ca theo lối của Út Trà Ôn thành công nhất và có thể duy trì được lối ca này có lẽ là nghệ sỹ Phương Quang, nhưng để đạt được trình độ của “Thầy Út Trà Ôn” thì chưa tới.

Kiểu ca và giọng ca của Út Trà Ôn đã được xếp thành một trường phái ca vọng cổ riêng và luôn được xếp hàng đầu khi có người tìm hiểu về các trường phái ca vọng cổ. Ông được xếp đầu cũng đúng thôi vì trước và sau Út Trà Ôn rõ ràng chưa có giọng ca vọng cổ nào ca thần sầu và trứ danh đến thế.

Cái hồn của bản vọng cổ

Để giải thích cho sự thành công của Út Trà Ôn người ta không thể nào không nhắc tới sự tương đồng đến kỳ lạ giữa giọng ca Út Trà Ôn và với cái hồn của bản vọng cổ. Bản vọng cổ thoát thai từ bài Dạ cổ hoài lang do nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng tác vào khoảng năm 1918-1919. “Dạ cổ“ tức là “tiếng trống đêm khuya”, “hoài lang” tức là “nhớ chồng”. Đây là bài mà ông Sáu Lầu viết trong lúc nhớ thương người vợ trẻ khi hai người bị gia đình bắt phải xa nhau.

Nhạc sỹ Sáu Lầu quê ở vùng nông thôn Bạc Liêu hồi trước, nên bài Dạ cổ hoài lang cũng mang đậm dấu ấn làng quê : nhẹ nhàng, mênh mang, chân phương và trữ tình. Nghe Dạ cổ hoài lang có khác nào đang nghe một điệu hò câu lý của bà con vùng sông nước Cửu Long. Nhà nghiên cứu Sơn Nam nhận định: “Điệu hò đối đáp đã tìm được ở bản Hoài lang một hình thức sang trọng để mà nương náu”.

Nói như vậy thì giá trị của bản Hoài lang là ở chỗ bình dân, gần gũi với điệu hò câu lý, bởi vậy mà nó được người Nam Bộ tiếp đón nồng nhiệt. Từ bản Hoài lang nhịp đôi (có hai nhịp), dần dần, qua sự đóng góp của nhiều thế hệ, bản Hoài lang phát triển lên thành nhịp Tư, nhịp Tám, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 rồi nhịp 128. Cái tên Dạ cổ hoài lang sau được đổi thành Vọng cổ Hoài Lang, Vọng cổ Bạc Liêu, rồi sau là Vọng cổ.

Bản vọng cổ dù xuất thân bình dân nhưng có tính bác học, bởi vì không phải muốn ca thế nào thì ca mà phải ca cho đúng nhịp, đúng cái tinh thần của bài ca. Tuy nhiên, người ca không phải lúc nào cũng bị ràng buộc theo khuôn.

Trong bản vọng cổ, có một số chỗ ở cuối câu người ca bắt buộc phải giữ đúng nhịp, còn lại trong lòng bản thì người ca được tự do sáng tạo : sắp chữ, ca nhanh, ca chậm, ca dồn … Chính nhờ có sự tự do này, mà người ca có điều kiện thể hiện cái riêng của mình. Có người ca đúng theo khuôn bốn nhịp, có người ca tự do trong lòng bản miễn sau giữ được nhịp ở cuối câu.

Vọng cổ xuất thân bình dân nên đương nhiên cái hồn của nó là chân phương. Thế nhưng, người ca tùy theo giọng ca, cách ca mà thêm thắt, lạng bẻ, vuốt chữ, ca trầm ca bổng… để tô điểm thêm màu sắc cho bài ca. Thế nhưng, sự điểm tô không được quá đà, mà phải làm sao đảm bảo được cái hồn chân phương của vọng cổ.

Tức là, ca vọng cổ thì phải “chân phương hoa lá”. Điều đó hoàn toàn tương thích với bản tính người Nam Bộ. Người miền sông nước Cửu Long vốn bình dân, xuề xòa, thích phóng túng tự do, rất lãng mạn, nhưng luôn coi trọng sự chân thành và nặng tình nặng nghĩa. Tức là người miền Nam cũng có cải bản tính “chân phương hoa lá” như bài vọng cổ vậy.

Giọng ca Út Trà Ôn tương thích hoàn toàn với yêu cầu của bản vọng cổ. Út Trà Ôn ca chân phương, mùi mẫn, hùng tráng, âm vực rộng, không ngân mà thường "hơ" đúng chất đờn ca tài tử. Cách phân nhịp độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Nghe Út Trà Ôn ca người nghe không cần nhìn ông diễn cũng có thể cảm nhận được rõ ràng sắc thái tình cảm mà người viết gửi gắm, người nghe không còn chú ý đến nhịp nhàng tới câu mấy nữa, mà bị ru hồn bởi nội dung bài hát mà ông “tự sự” và bởi kỹ thuật ca điêu luyện, cách xếp chữ và ca chẻ nhịp độc nhất vô nhị.

Vua soạn lời vọng cổ Viễn Châu nhận xét về giọng ca Út Trà Ôn như sau: “Cách rèn giọng của anh được người trong nghề kính phục vì biết tạo âm vực đủ để khi phát âm được tròn vành rõ chữ. Anh còn có khiếu sắp văn chẻ nhịp …. Nếu lắng nghe Út Trà Ôn ca và có óc phân tích, bạn sẽ nhận biết ngay thế mạnh của anh trong câu vọng cổ là chữ “hơ” điêu luyện và dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã chất chứa sự giàu có của làn hơi”.

Nếu nhắc đến Vọng Cổ lập tức người yêu thích hay không yêu thích cổ nhạc đều nghĩ ngay đến bài Tình anh bán chiếu, mà hễ nhắc đến Tình anh bán chiếu thì lập tức nghĩ đến Út Trà Ôn và Viễn Châu. Tên tuổi Út Trà Ôn trước khi đến với bài Tình anh bán chiếu cũng đã có tiếng rồi, thế nhưng với bài Tình anh bán chiếu thâu ở hãng đĩa Hồng Hoa, giọng ca Út Trà Ôn đã thật sự làm chấn động làng cổ nhạc, và bài ca này đã làm bất tử tên tuổi của ông.

Ngoài Tình anh bán chiếu, Út Trà Ôn còn để đời vô số bài vọng cổ khác, có thể kể ra một số sau đây: Sầu vương biên ải, Tôn Tẩn giả điên, Trụ Vương thiêu mình, Gánh nước đêm trăng, Ông lão chèo đò, Gánh chè khuya, Tình người phu xe, Kiều Phong A Tỷ … Đây là những bài ca mà Út Trà Ôn đã để lại cái bóng quá lớn cho thế hệ sau.

Mấy năm gần đây, nữ nghệ sỹ Diệu Hiền nổi danh với vài Trụ Vương thiêu mình của soạn giả Viễn Châu. Thế nhưng, mỗi khi bắt đầu ca, nghệ sỹ Diệu Hiền đều bộc bạch cùng khán giả rằng: “Đây là bài ca mà sư phụ Út Trà Ôn đã thể hiện thành công hồi hơn 40 năm về trước”. Đó là sự tri ân của thế hệ học trò đối với “sư phụ” Út Trà Ôn, cũng cho thấy dấu ấn quá lớn của Út Trà Ôn trong lòng thế hệ sau.

Cái gien ca vọng cổ của Út Trà Ôn đã được truyền lại cho người con gái út của ông, ca sỹ Bích Phượng. Đúng với câu “cha nào con nấy”, nếu Út Trà Ôn thống lĩnh bên lĩnh vực vọng cổ, thì Bích Phượng hiện cũng là bậc thầy về dân ca Nam Bộ. Bích Phượng ca vọng cổ cũng rất hay: giọng ca ngọt ngào đậm chất Nam Bộ, cách phân nhịp và điều hơi rất giống Út Trà Ôn. Bích Phượng tâm sự là do mê giọng ca của ba mình từ lúc nhỏ, nên nó thắm vào người lúc nào cũng không hay.

Giữ gìn nét chân phương của vọng cổ

Út Trà Ôn đã thành danh hơn 70 năm, nhưng giọng ca và cách ca của ông vẫn thống trị làng vọng cổ. Đó là một giọng ca chuẩn mực nhất thể hiện được trọn vẹn tính “chân phương hoa lá” của bản vọng cổ. Giọng ca Út Trà Ôn là một lời khẳng định thuyết phục nhất cho tính cần thiết phải lấy chân phương làm gốc trong bản vọng cổ.

Nói một cách cụ thể hơn, đó là phải thể hiện cái hoa lá trên nền tảng của chân phương. Ngày nay, có một số nghệ sỹ cải lương, hoặc do mới vào nghề còn trẻ tuổi nên thích khoe giọng, hoặc do đã có thâm niên nghề nghiệp và có danh hiệu này nọ, nên muốn phô trương tài năng, do đó khi ca vọng cổ đã thể hiện quá điệu đà, làm mất đi cài hồn của bản vọng cổ.

Nói như vậy không có nghĩa là người nghệ sỹ chỉ chăm chăm vào cái tính chân phương mà bỏ đi phần hoa lá, mà phải biết dung hòa thế nào cho vừa phải, cho phù hợp, tức đảm bảo được cả chân phương và hoa lá, và lấy chân phương làm nền tảng. Để tóm lược về cái hồn cần thể hiện của bài vọng cổ, xin dẫn lời của nhà nghiên cứu Sơn Nam như sau :

“Bản vọng cổ Bạc Liêu như bức chân dung không bao giờ vẽ xong. Nó giống như bức tranh tố nữ chỉ có đôi mắt u buồn là rõ rệt; mái tóc, làn môi, nếp áo thì để chìm trong sương khói, mặc cho ai thêm bớt tô điểm thế nào cũng được”. Người nghệ sỹ giống như là họa sỹ đứng trước bức tranh tố nữ đó, nên có quyền thêm thắt tô điểm, nhưng đừng quên rằng đó là bức tranh tố nữ, nên mọi sự thêm thắt phải làm sao cho bức tranh vẫn còn là tranh tố nữ chứ không biến dạng thành một cái gì khác!

TỪ KHÓA : Âm nhạc - Tạp chí - Văn hóa
Thiên Hùng 11.05.2014 05:40:13 (permalink)
... lâu ghê không gặp chị Bảy kề từ Đặc Trưng đổi thành Phố Rùm ... TH (Hoàng Thu Diệp) kính thăm chị, chị vẫn khỏe và còn hát cải lương chứ ... tình thân
Viet duong nhan 28.02.2021 18:46:58 (permalink)
Trong forum VNTQ minh khong con TOPIC THƠ NÀO CA HUHU
Ct.Ly 28.02.2021 23:32:20 (permalink)
Viet duong nhan 11.03.2021 17:19:40 (permalink)

::: TÂM :::
Thơ: Việt Dương Nhân
Tâm bất dục, Tâm tươi, Tâm sáng,
Tâm dục tình như áng mây đen,
Tha Tâm ngăn chận đảo điên,
Bình Tâm thanh thản an nhiên giữa đời.
(Ivry sur Seine, 1993)

Chổi Tâm

Chổi tâm quét dọn bao lần
Gió-đời-tám-ngọn sao còn đâu đây ?
Mắt nhìn tan hợp áng mây
Vô-thường, huyển hóa đêm ngày trôi qua

Có gì để dạ xót xa
Cho lòng chao động, lệ sa mi huyền
Bao năm học Đạo, Phật truyền
Thấm nhuần Bát-Nhã, đưa thuyền qua sông.
(Bạch-am, chiều đông 09-02-2003)

Mài Tâm

Thắm thoát trôi. Trôi mấy mươi năm.
Vẫn tay cầm bút viết âm thầm.
Văn chương chữ nghĩa không thông suốt.
Vậy mà mãi moi óc mài tâm ! ! !
(Chuyến đi thăm Philippe-Trí-Tâm - Los-Angeles, hotel Sofitel, chiều 20-09-1996)

Bình Tâm
Kính dâng Thầy Thích Minh T.

Bạch thầy con tỉnh mộng rồi
Mới hay là gió giữa đời bay nhanh
Cố quên những chuyện quẩn quanh
Giữ tâm Bình-Lặng cầu lành nơi-nơi.

Xả Tâm

Hạ bút...
Xả-tâm con viết gởi Thầy,
Thân con Tứ-Đại dạn dày gió sương.
Thăng-trầm xuôi ngược mười phương,
Ngày nay xin gởi khói hương nương nhờ.

Nhứt tâm con nguyện tôn thờ,
Như-Lai Tam-Bảo đợi chờ mãn viên.
Khổ đau tai nạn triền miên,
Đó là con bước vào miền nước TU...
(Tư gia T. Nga - Germany, Hamburg S.M., hè 15-08-1995)

Rửa Tâm

Nhứt nhứt, như như chùi rửa tâm,
Hằng ngày niệm niệm Quán-Thế-Âm.
Cho lòng không nổi cơn sóng gió,
Thân xác được êm lúc 'nghỉ nằm'.
(Ivrys/Seine, mùa Vu-Lan 16-8-2000)

Hoa Tâm

Sáng nay bỗng thấy một cành Hoa
Từ xa ẩn hiện bay là đà
Cánh hoa màu trắng trong tinh khiết
Tạm gọi : "Hoa Tâm" cõi Ta-bà...

Gươm Tâm

Bao lần nắm lưỡi Gươm Tâm
Chặt Anh tham dục, chặt Em tham tiền
Chặt bao tình ái cuồng điên
Chặt luôn những sợi ưu phiền đứt tan.
(Bạch-Am, 11 giờ 55 sáng 18-2-2000)

Tâm Nguyện

Nhục-vinh lên xuống bao lần
Áo thô, áo gấm cõi trần đã qua
Ngày nay ta hỏi cùng ta
Làm sao ở lại thiết tha với đời ?

Mong tất-cả cõi đời êm đẹp
Dẹp tình riêng, lòng tặng người-người
Có bao nhiêu tỷ trên đời
Bấy nhiêu Tâm-Nguyện cầu người bình-an...
(France, Ivry s/Seine, đêm 22-08-1990)

Bồ-Đề-Tâm

Tiếng chuông mõ vang vang đây đó
Hòa nắng vàng cây cỏ mừng vui
Xuân sang hoa lá xinh tươi
Động hồn thi sĩ, Tâm khơi Bồ Đề.

Hạ bút đề năm ba câu kệ
Mộng hồng trần nhân thế dứt mê
Cùng chia vui khổ vạn bề
Cuối đường chung cuộc cận kề Tòa Sen.

Giữa cảnh đời bao phen lận đận
Tìm nẻo tu lẫn tránh mây mù
Vầng Dương tan biến si, ngu
Tham-Sân ấy là, ngục tù nhốt tâm.

(France, Villemomble, tư gia Hồng-Lộc, xuân 14-05-1999)

Việt Dương Nhân



Viet duong nhan 11.03.2021 17:25:19 (permalink)
Cám ơn Lỵ Ở đây Bảy trả lơi bai viết được. Trong Trang Thơ Sáng Tác thì không được
Bonne jouree em.
 
http://diendan.vnthuquan....rofile.aspx?memid=4536

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2021 19:21:21 bởi Viet duong nhan >
Ct.Ly 11.03.2021 17:35:00 (permalink)
Viet duong nhan 11.03.2021 19:24:31 (permalink)
Cám ơn em
Topic nay trả lơi được 
****
Cánh tay trái vẫn hanh đau nhức quá đị Tuổi gia khổ thật 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.03.2021 00:42:07 bởi Viet duong nhan >
Viet duong nhan 12.03.2021 00:43:47 (permalink)
Trả lơi Ly OK.
mở dưới post bai mới ko được
 
Nói vây ne
  • Đánh dấu bài viết hay
  • Chuyển bài viết
  • Sửa nội dung
  •  
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.03.2021 00:45:38 bởi Viet duong nhan >
  • Ct.Ly 12.03.2021 03:11:15 (permalink)
    Viet duong nhan 13.03.2021 16:16:46 (permalink)
    OK, được rôi cám ơn Em Ly

    Chúc em va cả nha VNTQ vui vẻ WK
     
    ** A non, a non, trả lơi em thì được. Nhưng trả lơi Bảy thì không
    Không thể tiếp nối post bai 
    Vẫn như vây thôi
  • Đánh dấu bài viết hay
  • Chuyển bài viết
  • Sửa nội dung
  •    
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.03.2021 16:20:40 bởi Viet duong nhan >
  • Thay đổi trang: << < 131415 | Trang 15 của 15 trang, bài viết từ 211 đến 225 trên tổng số 225 bài trong đề mục
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9