Anh Tư quí mến!
Cám ơn bài hát anh gửi tặng bé Mít.Sẵn đề tài thiếu nhi em gửi anh câu chuyện viết về 2 đứa trẻ để anh đọc nghe.
Hai đứa trẻ
Đến lượt anh đi rồi đấy! – Lâm giục Phúc.
- Đi cái con khỉ, tao chuyển con xe sang đây mày mất toi thằng tướng rồi còn đánh đấm gì mà đi … Thôi, quá tam ba bận chẳng còn ân hận gì nữa …
- Dở quá! Thế mà em không tính ra nên mới đi như vậy … Anh cho em hầu thêm một ván nữa để em còn “gỡ gạc” tý chút, Lâm năn nỉ.
- Gỡ làm đếch gì cho mệt! Hôm nay coi như hòa, tao không bắt chú mày phải khao rượu như đã thỏa thuận đâu. Khi nãy tao đã nói chỉ chơi thêm một ván này nữa là kết thúc cơ mà. – Phúc đứng dậy.
- Em đùa vậy thôi chứ thua anh ba ván liên tiếp mà chỉ mất có “xì tô gờ ram vốt ka”(100ml rượu trắng) thì nhằm nhò gì! Nhạt toẹt! Cái chính là em muốn được chơi tiếp để “sư phụ” chỉ giáo thêm mà học hỏi chứ em biết thắng được “thiên hạ đệ nhất …cờ” như anh đâu phải dễ mà dám mơ …
- Chợ búa đuội như thế này thiếu chó gì cơ hội cho chú mày học đánh. Riêng hôm nay chỉ đánh “ví dụ” vậy thôi , vì tao còn muốn dọn hàng sớm để về nhà chuẩn bị tối cho cháu đi dự Tết …
- Ừ nhỉ! Anh nói em mới nhớ ta … Vậy thì tối nay anh em mình nhất định sẽ uống với nhau ở đó nhé! Giờ em cũng dọn hàng luôn …
Phúc gật đầu rồi lững thững đi về sạp hàng của mình.
Rõ khốn nạn! Năm nay thật là xui xẻo hết chỗ nói … Chẳng bù cho năm ngoái, trời rét đậm lại kéo dài nên hàng áo đúp -lôn-ka* bán chạy chợ. Mỗi ngày bán lẻ cũng được dăm chiếc, có những ngày thứ bảy chủ nhật nhiều nhà bán được 15, 20 chiếc, lãi suất thấp nhất cũng từ 18 đô trở lên chứ có ít đâu. Nhìn họ bán mà chóng mặt, xót cả ruột. Trong khi đó, Phúc không có vốn nên phải lấy toàn những loại quần len, thể thao, áo phông dài tay … rặt đồ rẻ tiền lại tồn kho lâu không bán được, người ta mới giao xu-khôi** cho anh nên nhiều khi chẳng cả có người mua mở hàng … Đúng là lực bất tòng tâm! Cứ cái cảnh không vốn, đi lấy hàng tồn bán chẳng đủ chi phí cho tiền thuê chỗ chứ có đâu mà dành dụm được tiền …
Sau nhiều đêm trăn trở, Phúc quyết định gọi điện về Việt Nam, nhà nghèo nhưng thương cảnh gà trống nuôi con nơi đất khách quê người, mẹ Phúc phải cắt nửa mảnh vườn bán đi chuyển sang cho anh làm vốn. Nhận được ba ngàn đô mẹ gửi, Phúc hăm hở đi lấy hàng từ đầu vụ, hy vọng năm nay sẽ kiếm được ít tiền đủ mua hai vé máy bay đưa thằng Đức về cho bà cháu gặp mặt. Trớ trêu thay, năm nay lại không có mùa đông! Suốt từ tháng 11 đến bây giờ tuyết chỉ rơi có mấy ngày mà chưa kịp chạm đất đã tan hết rồi còn đâu … Đã thế tình hình an ninh, chính trị luôn biến động, bất ổn. Ai đời có mấy tháng mà bầu cử tới ba lần, rồi lại còn ngày lễ, ngày tết nữa, toàn rơi vào thứ 7, chủ nhật thì lấy đâu ra người đi chợ mà mua hàng cơ chứ ???
Tháo gấp xong đống hàng Phúc thấy rời rã cả người …
- Mẹ kiếp! Nhanh thế, ngày mai đã đến hạn phải đóng tiền thuê nhà rồi, chợ đuội mọi người cũng chẳng bán được thì biết xoay đâu ra tiền bây giờ? – Phúc lẩm bẩm chửi thầm khi bước chân về tới cửa căn hộ hai bố con đang thuê .
- Con chào bố! Hôm nay bố về sớm quá nên con chưa kịp làm mì cho bố rồi …
Miệng nói, tay thằng Đức định cầm bình đi lấy nước để đun, nhưng Phúc ngăn lại bảo:
- Thôi con không phải úp mỳ cho bố nữa đâu. Con chuẩn bị giày dép, bố tắm xong sẽ đưa con đi dự Tết như năm ngoái ấy …
- Thật hả bố? – Thằng Đức reo lên sung sướng. Thế thì con phải chuẩn bị để hôm nay bố con mình mặc đẹp mới được. Con sẽ lau giày cho cả bố nữa. Thằng Đức hăm hở chổng mông bò vào gầm giường lôi ra cho bố đôi giày bám đầy bụi và mạng nhện. Nó vớ lấy cái giẻ rồi hí hoáy lau. Xong việc nó để giày, tất, quần áo của bố lên ghế rồi tự chuẩn bị mặc quần áo, tìm tất, đi giày cho mình và háo hức ngồi đợi bố.
* *
*
Hai bố con Đức đến nơi cả hội trường đã chật kín. Sau phần phát biểu của ban tổ chức, của các vị đại biểu, đến phần liên hoan mừng Xuân. Tiếng mở sâm-panh nghe lốp bốp, tiếng cụng ly lanh, tiếng chuyện trò, chúc tụng nhau … bị nuốt chửng bởi tiếng nhạc đã nổi lên.
- Bố ơi! Cho con ra chơi với các bạn một lát được không?
- Nhưng con nhớ phải ăn gì đi kẻo đói nhé. – Phúc dặn con.
- Vâng. – Thằng bé hớn hở chạy.
Phúc nhìn theo thì thấy cu Đức đang chạy về phía bé Thảo. Anh yên tâm … Nào, anh em mình cạn ly … Phúc ngửa cổ dốc cạn chén.
Đức chạy đến gần đám trẻ con thì dừng lại. Đúng lúc ấy, bé Thảo nhìn thấy, nó liền bỏ đám bạn chạy ào về phía Đức, mừng quýnh hỏi:
- Cậu đến lâu chưa? Ra đây chơi với các bạn đi, vui lắm. Đi nào … - Bé Thảo định kéo tay Đức nhưng nó rụt lại lắc đầu:
- Tớ không muốn chơi đâu …
- Cậu làm sao thế? Vừa mới đến à? Chắc là đói phải không? Ra kia bọn mình lấy bánh chưng ăn xong thì chơi nhé!
Thằng Đức khẽ gật đầu vẻ bẽn lẽn.
Thảo chạy ra chỗ mẹ nó đang đứng rồi quay trở lại với đĩa bánh chưng trên tay. Nó kéo Đức đi tìm chỗ để ngồi. Vất vả lắm hai đứa trẻ mới tìm được một chỗ trống cuối góc bàn đặt cành đào, khuất sau cột nên chẳng có ai trông thấy chúng nó.
- Này, cậu phải ăn hết góc bánh chưng, mấy cái nem với miếng chả này không đói thì chẳng có sức mà chơi đâu. Thảo đưa đĩa bánh cho Đức.
- Thế cậu không ăn à?
- Không! Tớ chẳng thích. Hôm qua mẹ tớ gói bao nhiêu là bánh nên tớ đã ăn chán rồi. Giờ cậu cứ ngồi đây ăn một mình nhé, tớ chạy ù ra ngoài kia, chỉ một loáng là vào ngay thôi. Vừa nói Thảo vừa chạy biến vào đám đông. Quả nhiên, chưa đầy chục phút sau nó quay trở lại, hai tay lại lễ mễ bưng đĩa thức ăn đựng trong chiếc đĩa nhựa mỏng mảnh nên nó chỉ sợ đổ, đã thế ở nách nó còn kẹp thêm một chai nước khoáng còn non nửa.
- Nước đây, cậu uống đi không nghẹn đấy! Còn đĩa bánh này tớ lấy phần để tý nữa cậu mang về lúc nào đói thì ăn – Thảo đặt đĩa bánh xuống bàn rồi đưa tay ngang mặt quệt mồ hôi.
- Sao Thảo lấy nhiều thế? Không sợ người ta mắng à? – Đức tròn mắt hoảng hốt.
- Cậu chẳng biết gì cả! Người ta mời mọi người đến đây, ăn bao nhiêu mà chẳng được, đồ ăn còn thừa đầy trên bàn kia kìa. Cứ việc ăn tự nhiên, thoải mái có mất tiền đâu mà lo. Nếu không ăn ở đây, mình có thể lấy phần ấy để mang về lúc nào thích thì ăn chứ có phải mình ăn cắp đâu mà cậu sợ. – Bé Thảo giải thích cho bạn theo cách suy nghĩ của nó đến là ngộ nghĩnh.
Thằng Đức uống một ngụm nước rồi lại tiếp tục ăn. Lâu lắm rồi nó mới có được bữa ăn ngon miệng và no nê như thế, còn bé Thảo ngồi nhìn bạn ăn. Chợt nó như nhớ ra điều gì quan trọng, nó bảo Đức:
- Cậu ngồi dịch ra ngoài này một chút.
- Để làm gì? – Đức ngơ ngác không hiểu.
- Đưa lưng đây cho tớ xem dạo này cậu còn hay bị bố đánh nữa không?
- Không! – Thằng Đức oằn người để tránh nhưng Thảo đã nhanh tay lật áo lên.
- Thế này mà cậu bảo không á? Vẫn còn đầy vết tím trên lưng mà còn định giấu. Tớ biết ngay mà …. Какой он злой!!!*** – Mặc dù bị mẹ bắt phải thường xuyên tập nói tiếng Việt, nhưng đôi lúc gặp từ nào khó Thảo lại dùng tiếng Nga.
- Đấy là vết cũ từ lâu rồi. Thằng Đức chống chế. Mà cũng chỉ tại rượu làm bố tớ say, chứ bình thường bố tớ yêu tớ lắm, chứ chẳng đánh tớ đau thế đâu …
- Xì … ì …ì! Tớ chẳng tin! – Bé Thảo trề môi phản đối. Bố tớ thỉnh thoảng cũng bị say rượu nhưng có bao giờ đánh tớ hay nói to đâu. Say rượu bố tớ kêu đâu đầu rồi đi ngủ. Mẹ tớ bảo bố cậu có chuyện buồn nên hay cáu giận vô cớ, khiến cậu bị đòn oan thôi. Bố mẹ tớ thương cậu lắm nhưng tiếc là nhà tớ lại chuyển đi chỗ khác mất rồi. Mỗi lần mẹ tớ nấu món gì ngon lại nhắc tới cậu. Nếu ở gần thì ngày nào mẹ tớ cũng sai tớ mang đồ ăn xuống cho cậu như trước kia cho mà xem. Chán thật! – Thảo buông tiếng thở dài, mắt thoáng buồn …
- Ừ! Từ ngày nhà cậu chuyển đi tớ nhớ lắm.. . Cả ngày tớ bị nhốt trong nhà, chẳng có ai để chơi ngoài cái máy điện tử bấm tay với trò chuột hứng trứng … nhìn mãi nhức hết cả mắt mà vẫn phải chơi vì chẳng có trò gì khác. Thằng Đức buồn rầu than thở.
- Cậu đừng chơi trò ấy nữa không thì sẽ hỏng mắt rồi lại phải đeo kính cận như tớ đấy. Hôm nào tớ xin mẹ gửi cho cậu mấy hộp xếp hình, ghép tranh hay hơn. – Bé Thảo an ủi bạn.
Ngày trước nhà Thảo ở tầng trên, nhà Đức ở tầng dưới, hai nhà chơi thân với nhau từ khi chúng nó vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Rồi chúng nó được sinh ra cùng một năm, bé Thảo sinh sau gần 3 tháng và hai gia đinh cứ trêu nhau là thông gia. Tất nhiên chúng nó chẳng biết gì chuyện đùa của người lớn mà chỉ biết ngày nào mẹ Đức cũng lên nhà Thảo chơi, nếu không mẹ Thảo lại dắt Thảo xuống. Người lớn ngồi xem phim, tán gẫu, còn chúng nó ngồi xếp hình, nghịch đồ chơi với nhau. Đó là tháng ngày hạnh phúc nhất của Đức mà khi ấy nó đâu có biết …
Cuộc sống tưởng như bình lặng trôi đi. Bỗng dưng, giông tố ở đâu bất ngờ ập xuống gia đình của Đức và bố nó đã không có đủ sức chèo chống, níu giữ nổi con thuyền hạnh phúc của mình trước cơn bão cuộc đời … Mẹ Hạnh đã bỏ bố con nó đi theo người bạn mà hai người vẫn cùng đi thành phố xa để lấy hàng …
Lúc ấy nó mới gần 5 tuổi. Đức chỉ nhớ rằng bố mẹ nó cãi nhau rất là nhiều. Mẹ nó khóc sưng cả mắt, còn bố nó quát tháo, chửi mắng, đập phá chán rồi cũng khóc. Mỗi lần như thế, mẹ Thảo đều có mặt. Công việc đầu tiên, mẹ Thảo đưa Đức lên nhà rồi mở phim hoạt hình cho Thảo và Đức ngồi xem, sau đó mới xuống nhà nó để khuyên giải … Ít lâu sau, mẹ Đức đi lấy hàng rồi chẳng thấy về nhà nữa. Bố nó thì say bí tỉ. Mẹ Thảo chăm cả hai đứa chúng nó. Suốt ngày chúng mải mê xếp hình chán rồi lại xem hoạt hình nên có biết buồn, nhớ gì đâu. Bẵng đi một thời gian, mẹ nó đột ngột trở về, mua cho Đức bao nhiêu là quần áo, đồ chơi, bánh kẹo ….. Nó hỏi mẹ đi đâu mà lâu thế. Mẹ nó nói phải đi làm xa, thỉnh thoảng mới thăm nó được … rồi mẹ ôm nó khóc … Nó mải nghịch đồ chơi say sưa tới mức mẹ nó lặng lẽ đi từ lúc nào chẳng biết …
Chiều tối, bố nó đi chợ về. Vừa nhìn thấy túi quà và hộp đồ chơi, bố nó giận giữ vơ tất cả rồi thẳng tay ném vèo qua cửa sổ. Đức òa khóc ăn vạ đòi khiến bố nó thêm điên tiết, vớ luôn cái roi vụt nó tới tấp. Đau quá nó hét lên thất thanh và cố sức giãy giụa … Cũng may hàng xóm nghe thấy, họ đập cửa mãi rồi phải gọi cả công an đến bố nó mới chịu dừng tay. Khi ấy thằng Đức quằn quại rồi lịm đi trong đau đớn, sợ hãi …, còn bố nó bị lập biên bản về tội ngược đãi, hành hung trẻ em. Nhờ có bố mẹ Thảo xuống giải thích nguyên nhân, hoàn cảnh của gia đình nó và xin bảo lãnh cho bố nó chỉ phạt hành chính. Sau trận đòn nhớ đời ấy, thằng Đức thật sự khiếp đảm và hoảng sợ. Chẳng thế mà có đôi lần mẹ nó cũng vẫn lén lút đến thăm, dù nó nhớ mẹ tới mức vừa nghe tiếng gọi cửa, nó đã bật dậy như lò so định lao ra mở … nhưng rồi nó vội khựng lại khi nhớ lời bố dặn và trận đòn chí tử nó đã nếm trải … Đức vội vã trở lại giường nằm ép sát vào tường, người run cầm cập và tức tưởi khóc một mình, miệng thì thầm gọi mẹ trong tiếng nấc nghẹn ngào đứt quãng …
Từ ngày mẹ nó bỏ đi, nó không còn nhớ nỗi đã bị bố đánh bao nhiêu trận … Ngày nào đi chợ, bố nó cũng uống rượu , về đến nhà là chửi bới, đập phá. Có hôm vừa mở cửa vào đến nhà, bố nó cúi xuống định cởi giày thì nôn thốc nôn tháo ra khắp nhà rồi gục xuống cạnh đó ngáy … Có hôm thì vô cớ quát tháo thằng Đức rồi đánh đập nó dã man. Những lúc ấy, trước mắt bố nó không phải thằng Đức mà có lẽ là hình ảnh mẹ Hạnh – người vợ lăng loàn, đổ đốn đã làm cho gia đình tan nát, bố con nó phải khổ …, cho nên bao nhiêu thù hận bố nó dồn hết vào ngọn roi trút lên người thằng Đức. Nó đã quen dần với tính thất thường của bố nên mỗi lần thấy bố quát tháo , nó hình dung ra trận đòn roi khủng khiếp sắp sửa giáng xuống đầu nó … thằng Đức chỉ còn biết co rúm người lại, nép vào góc nhà chuẩn bị chịu trận …
Thực ra bố nó là người đàn ông hiền lành tốt bụng và rất yêu thương vợ con, dù hơi cục một chút - ấy là bố nó ngày trước, nhưng từ khi mẹ nó bỏ đi, bố nó đã trở thành một người hoàn toàn khác, hay cáu kỉnh, tức giận vô cớ và uống rượu rất nhiều … Đôi lúc tỉnh rượu, ngồi lặng lẽ hút thuốc trông bố nó rất hiền. Hình ảnh này của bố, Đức rất hiếm gặp vì thường là nửa đêm, khi nó đã mệt mỏi, chìm sâu trong giấc ngủ. Bố lấy dầu xoa bóp những vết roi hằn tím trên người nó. Nhìn nó nằm co quắp ngủ, bố nó lại lặng lẽ bế nó đặt ngay ngắn, kéo chăn đắp lại rồi ngồi ngắm nó. Thỉnh thoảng nó giật mình ngủ mơ, miệng ú ớ, hoảng hốt, người đầm đìa mồ hôi và khóe mắt long lanh giọt nước …bố nó vội ôm ghì sát nó vào lòng, người bố nó rung lên để kìm chế tiếng khóc không bật ra …
- Đức ơi! Cũng may có con là niềm an ủi, nguồn động viên trong cuộc sống này, vậy mà bố lại hành hạ, làm khổ con. Bố đúng là thằng khốn nạn … Trăm ngàn lần xin con tha lỗi … Từ nay bố sẽ không bao giờ đánh con đau thế này nữa đâu. Bố sẽ cố gắng kiếm tiền để bù đắp những thiếu thốn cho con …Bố sẽ quên tất cả, sẽ làm lại từ đầu, sẽ sống cho con, vì con …
Khổ nỗi, chưa quên được nỗi đau vợ bỏ theo người khác thì lại buồn vì chuyện làm ăn thất bại. Bán đất có được ít tiền dồn hết vào lấy hàng thì lại bị đắp đống, ngày nào cũng chở ra, chở vào, mắc lên, tháo xuống mà chẳng bán được. Sang năm hết vụ, lỗi mốt bán rẻ như cho chưa chắc đã được … Mỗi ngày hàng trăm thứ tiền phải tiêu pha, chi phí, biết đào đâu ra? Thằng Đức suất ăn mỗi ngày vẫn là ba gói mỳ tôm chứ đã được cải thiện gì hơn ngoài một vài gói phở ăn liền nhưng rất hãn hữu … Làm sao mà Phúc không khỏi chán đời và anh lại tìm đến rượu để quên đi mọi chuyện.
Phải nói, thằng Đức là đứa trẻ khôn ngoan và rất có hiếu. Bao nhiêu lần bị bố đánh đập , dù rất sợ nhưng nó vẫn thương và quấn bố. Cả ngày nó lủi thủi tự chơi trong nhà một mình rồi lại dọn dẹp nhà cửa, nhặt quần áo bẩn ngâm vào chậu. Đến tối, xả nước sẵn cho bố đi chợ về tắm rồi quay sang đun nước làm mỳ tôm cho bố tắm xong vào ăn. Hôm nào bố nó uống say quá mà ngủ luôn thì nó sẽ phải chờ cho bố ngủ vài tiếng mới đi lấy khăn ấm lau mặt, đắp lên trán chờ bố tỉnh rượu, nó đi đun nước làm mỳ tôm cho bố ăn xong nó mới yên tâm đi ngủ. Hình như trong tiềm thức non nớt của mình nó cũng mơ hồ hiểu rằng, nếu bố nó không ăn mà đói quá sẽ lả đi …, lúc ấy nó biết sống và trông cậy vào ai nữa?
- Sao cậu ăn ngắc ngứ thế, no rồi hả? Thế thì bọn mình ra kia chơi cùng các bạn đi, ngoài ấy vui lắm! – Bé Thảo đập mạnh vào vai khiến Đức giật cả mình.
- Còn đĩa bánh chưng này thì để đâu? – Đức hỏi Thảo.
- Đưa đây tớ dồn vào túi rồi giấu ngay dưới chỗ cành đào này sẽ chẳng ai thấy đâu, tẹo nữa chúng mình quay lại lấy sau.
Hai đứa trẻ tung tăng dắt tay nhau hòa vào đám trẻ con đang ríu rít nô đùa. So với các bạn cùng trang lứa, hai đứa này tỏ ra khôn ngoan và “già” hơn hẳn. Thằng Đức thì dễ hiểu vì hoàn cảnh đã tạo cho nó sự khôn ngoan để thích ứng, còn con Thảo thì có lẽ mấy năm sống cạnh nhà thằng Đức nó đã được chứng kiến mọi chuyện … Con bé vốn thông minh và nhạy cảm nên nó sớm hiểu lẽ đời: biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ cho bạn mình chăng???
Đùa nhau với đám trẻ một lúc, Thảo chạy đi uống nước, thằng Đức cũng chạy theo. Uống nước xong thằng Đức bảo bạn:
- Tớ không đi chơi đâu, cậu ra chơi tiếp với các bạn nhé!
- Cậu làm sao thế, mệt rồi à? – Bé Thảo ngạc nhiên hỏi.
- Tớ phải đi tìm bố tớ đây, suốt từ tối đến giờ chắc bố tớ đã say ở đâu rồi ... – Thằng Đức lộ vẻ lo lắng.
- Lại uống say, thế thì tý nữa làm sao mà về nhà được? – Bé Thảo càu nhàu.
- Thôi Thảo à, cậu chả bảo hôm nay ai cũng vui vì cả năm có một ngày Tết họp mặt mà. Hiếm khi lắm bố tớ mới vui vẻ, cứ để bố tớ uống. Nếu say rồi thì phải bảo bố mẹ Thảo đưa về thôi, tớ sợ rằng, đường xa thế này chắc bố tớ chẳng nhớ mà về nhà đâu.
Thảo im lặng một lát rồi gật đầu.
Không khí trong hội trường vẫn ồn ào, náo nhiệt, rượu bia đồ ăn, hoa quả … nằm ngổn ngang trên bàn. Mọi người càng sôi nổi và tự nhiên hơn khi hơi men đã ngấm. Họ nói cười hỷ hả, nét mặt rạng rỡ niềm vui, nụ cười luôn trực sẵn trên môi … Chỉ có hai đứa trẻ duy nhất không có được tâm trạng ấy. Niềm vui, nét hồn nhiên thơ ngây của chúng đã bị những người lớn đánh cắp mất rồi …
Tiếng nhạc ngày càng chát chúa hơn khi rượu trên bàn đã ngấm hết vào mạch máu của người điều khiển nó … Thảo và Đức cố luồn lách qua đám vũ hội một cách khó khăn …
- Ối … ối ….i …! – Bé Thảo kêu toáng lên khi một cậu thanh niên đang nhảy, tay vung mạnh hất cả vào cặp kính cận của nó. Thằng Đức vội nhoài lao theo chiếc kính. Nó vội chộp lấy rồi đeo cho bạn, miệng xuýt xoa khen may vì kính không bị vỡ … Đám thanh niên vẫn đang quay cuồng, say sưa theo tiếng nhạc, chẳng ai để ý đến hai đứa trẻ trong hội trường đông nghịt người ấy …
- Cậu đưa túi bánh cho tớ xách, một tay cậu giữ kính, một tay túm lấy tớ cho khỏi lạc. Phải cẩn thận , lần này mà bị rơi kính là vỡ mất đấy. Đức quay sang dặn Thảo. Hai đứa trẻ 9 tuổi: một gầy nhẳng như cò hương, một đeo kính cận nom “già” như “bà cụ” lại chen lấn, len lỏi, luồn lách cố nghển cổ, kiễng chân nghiêng ngó tìm … một người lớn giữa mấy trăm con người trong không khí ồn ào của bữa tiệc mừng Xuân.
Xuân Kỷ Dậu – 2005
TG
*-Áo khoác bằng da thú may lộn rất ấm.
**-Lấy hàng trước sau đó mới thanh toán trả chậm dần.