Ngày xưa không mấy xa xưa
Ngày tôi chưa lớn cũng chưa biết buồn
Chẳng buồn chiều hạ mưa tuôn
Chỉ riêng đôi mắt mẹ buồn sang thu
Ngày xưa đông đến sương mù
Hết đông vui nhộn mỗi mùa xuân qua
Giãi dầu giông bão nắng mưa
Đong đưa chiếc võng năm xưa mỗi chiều
Mẹ ru trong gió hiu hiu
Lời ru trong cõi tiêu điều gian nan
Giọng ru trong tiếng võ vàng
Hôm nay như vẫn ẩn tàng trong tôi
Ru tôi từ thuở nằm nôi
Đến khi khôn lớn thành người Việt Nam
Việt Nam- Mẹ bảo Việt Nam
Việt Nam Bách Việt họ hàng chi tông
Bách Việt con cháu Thần Nông
Cùng trong một giống Tiên Rồng mà ra
Bách Việt trăm họ một nhà
Thời xưa Âu Việt sau là Quảng Tây
Dương Việt ắt đất Giang Tây
Ngày xưa U Việt sau này Triết Giang
Quảng Đông: Đông Việt rõ ràng
Mân Việt: Phúc Kiến nối giang san nhà
Lạc Việt tức bắc Việt ta
Việt Thường: Thanh-Nghệ-Tĩnh là hôm nay
Năm mươi thế kỷ cách nay
Dần dà đất nước về tay người Tàu
Mẹ ru trong tiếng thương đau
Mẹ thương Bách Việt mất nhau phũ phàng
- Việt Nam; mẹ bảo Việt Nam
Việt Nam sau gọi Văn Lang, Hồng Bàng
Văn Lang với họ Hồng Bàng
Hồng Bàng dựng nước Văn Lang: Vua Hùng
Văn Lang mười tám đời Hùng
Một thời con Lạc cháu Hồng hoan ca
Một thời non nước thái hòa
Văn minh, văn hóa khởi đà từ đây
Yêu thương, đùm bọc, xum vầy
Yêu thương như việc: Giây, cây, cau, trầu
Ẩn trong sự tích trầu cau
Sau thành tục lệ ăn trầu nhuộm răng
Con ơi có nhớ hay chăng
Cũng trong huyền sử Văn Lang, vua Hùng
Ta còn sự tích bánh chưng
Mặt trời, trái đất: Bánh chưng, bánh dày
Lưu truyền cho đến hôm nay
Khúc quanh lịch sử sau ngay thời này
Tổ tiên Bách Việt loay hoay
Loay hoay đoàn kết để xoay cuộc thời
Thế là Âu Lạc ra đời
Hùng Vương hết nghiệp đến thời Thục lên (*)
(*) Văn Lang nhà Thục và vua An Dương Vương 257-207 trước Tây lịch (ttl).
Đóng đô ở đất Phúc Yên (Phong Khê)
Cổ Loa được dựng để yên sơn hà
Vì Tần xâm chiếm nước ta
Tần không thắng được chúng đà lui binh
Bách Việt tái thống nhất mình
Triệu Đà dựng nghiệp dấy binh ngập trời
Thế là Nam Việt ra đời
Một trời, một đất, một thời mênh mông
Quảng Tây, bắc Việt, Quảng Đông
Tuy chưa đủ đất cha ông giống nòi
Nhưng là nước Việt hẳn hòi
Đến khi Tần phải vào thời cáo chung
Lưu Bang, Hạng Võ tranh hùng
Lưu Bang thắng Hạng vẫy vùng bắc phương
Nam Việt với Triệu Vũ Vương
Khởi suy từ buổi Vũ Vương băng hà
Hán xua quân đánh nước ta
Nước ta tể tướng Lữ Gia kiên cường
Nhưng không chống nổi bạo cường
Vua, tôi bị giết quê hương thuộc Tàu (*)
(*) Văn Lang nhà Triệu 207-111 ttl Thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhất từ năm 111-39 ttl
Con ơi khởi sự thương đau
Ngàn năm bắc thuộc khởi đầu từ đây
Hơn trăm năm trước lịch Tây
Đau thương, oan nghiệt đắng cay cho mình
Cái thằng Tô Định yêu tinh
Nó làm Thái thú đất mình gian tham
Gian tham, ác độc, bạo tàn
Thế nên Thi Sách mưu toan dựng cờ
Nhưng ông chẳng đặng thời cơ
Bị giặc bắt giết, mưu cơ không thành
Vợ ông: Trưng Trắc xuân xanh
Cùng em, Trưng Nhị dấy thành động binh
Tô Định thất vía hoảng kinh
Nó cùng bè lũ yêu tinh tan tành
Hai Bà cứu nước công thành
Đóng đô ở đất kinh thành Mê Linh (*)
(*) Hai bà Trưng: 40-43 stl. Hai Bà ở tại ngôi được gần hai năm.
Một năm đất nước yên bình
Nào ngờ Đông Hán xua binh đánh mình
Mã Viện là tướng cầm binh
Nó bao vây đất Mê Linh đánh bà
Thế cô, lực cạn quân ta
Hai Bà thua trận, nước nhà tan hoang
Trầm mình khi đến Hát Giang
Trưng Vương liệt nữ danh vang một trời
Hò ơi con hỡi, con ơi
Thế là non nước tái hồi gian nan (*)
(*) Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai: 43-544 stl
Dân ta xuống biển lên ngàn
Để tìm châu báu bạc vàng mà dâng
Dâng cho cái lũ ma quân
Để thằng Mã Viện về dâng Hán triều
Con ơi non nước tiêu điều
Suốt hai thế kỷ Hán triều trị ta
Chúng mưu diệt chủng dân ta(*)
(*)Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt.
Chúng mưu đồng hoá nước ta với Tàu
Trầm luân, tang tóc, bể dâu
Tiếng than dân Việt niềm đau của mình
Nhưng mưu chúng dệt chửa thành
Hán triều tan rã; tưởng lành cho ta
Cục diện Tam quốc bày ra
Đông Ngô, Thục, Nguỵ chia ba nước Tàu
Dân ta thống khổ thương đau
Máu xương tang tóc bể dâu trội phần
Đông Ngô nối tiếp Hán, Tần
Giữ nguyên chánh sách nô dân nước mình
Nữ hùng họ Triệu tên Trinh
Cùng anh: Quốc Việt dấy binh phạt Tàu
Cỡi voi xuất trận đi đầu
Đánh cho bọn chúng về Tàu mấy phen
Nhưng Ngô vẫn giữ mộng hèn
Truyền cho Lục Dận, một tên bạo tàn
Binh đông, tướng dữ dẫn sang
Nhuỵ Kiều nữ tướng hiên ngang vẫy vùng
Quyết là giữ lấy non sông
Nhưng không chống nổi thế công giặc thù
Hờn này mang đến thiên thu
Bà hy sinh bởi quân thù Đông Ngô(*)
(*) Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu: 248 stl
Con ơi một mảnh cơ đồ
Bao nhiêu thế kỷ tựa hồ diệt vong
Mẹ tri mối hận quốc vong
Người mình giống Việt long đong bởi Tàu
Đến thời Nam-Bắc bên Tàu
Nước ta vẫn cảnh thương đau tủi hờn
Có người họ Lý tên Bôn (*)
(*) Lý Bôn khởi nghĩa năm 541. Chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.
Nước ta được tự chủ từ năm 544-602 stl
Anh hùng đứng dậy rửa hờn quê hương
Đánh tan lũ giặc nhà Lương
Dẹp yên Lâm Ấp biên cương thu hồi
Vạn Xuân: Tên nước một thời
Minh quân Nam Đế, vua, tôi một lòng
An dân thái quốc những mong
Xây chùa dựng điện nối công nhân hiền
Kiên cường nối nghiệp tổ tiên
Giang sơn một mối, Rồng Tiên một nhà
Một năm thịnh trị hoan ca
Một năm tự chủ, vua ta, quan mình
Những đâu khói lửa đao binh
Giặc thù phương bắc tướng, binh dẫn vào
Chúng gieo máu lửa thương đau
Vua, tôi nước Vạn lao đao bởi thù
Sáu năm mai phục chiến khu
Việt Vương họ Triệu rửa thù quê hương (*)
(*) Năm 544, Lý Nam Đế lên ngôi, chưa đầy một năm thì giặc nhà Lương lại
sang đánh. Ông thua nhiều trận, sắp mất nước. Ông giao binh cho tả tướng quân
Triệu Quang Phục. Lý Nam Đế mất; Triệu Quang Phục đánh bại quân địch và lên
ngôi vua. Cháu của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử không phục. Nội chiến xảy ra.
Vẫn thời đất bắc nhà Lương
Loạn ly đến mất nghiệp vương đế Tàu
Nhà Trần nối tiếp theo sau
Vạn Xuân thoát cảnh quan Tàu, dân ta
Nhưng là nội chiến xảy ra
Việt Vương thua trận, khởi đà quốc suy (*)
(*) Lý Phật Tử đầu hàng nhà Tuỳ. Mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ
ba: 602-938 stl
Phật Tử họ Lý trị vì
Nước ta bị mất bởi vì vua suy
Bỉ cực tái diễn bởi Tuỳ
Mười lăm năm hậu Tuỳ suy đến Đường
Suốt ba thế kỷ đau thương
Suốt ba thế kỷ đoạn trường dân Nam
Đường cai trị nước An Nam
Ác ôn, quỷ quyệt gian tham khôn cùng
Con ơi đất nước khốn cùng
Bao nhiêu nghĩa sĩ, anh hùng đứng lên
Đánh tan lũ giặc mấy phen
Như Mai Hắc Đế vùng lên diệt Tàu (722 stl)
Thằng Quang Sở Khách về Tàu
Nước ta lại được ít lâu an bình
Đường say giấc mộng nam chinh
Sai Dương Tư Húc kéo binh phạt mình
Cùng Quang Sở Khách điều binh
Đường-Ngu; ngu thật với mình với ta
Con ơi xã tắc sơn hà
Vua ta bại trận, nước ta thuộc Tàu
Thuộc Tàu: Ôi! Lại thuộc Tàu
Nước mình mảnh đất thương đau dặm trường
Đến năm Đai Lịch nhà Đường
Có người hảo hớn can cường vùng lên
Phùng Hưng tên gọi thương quen (*)
(*)Bố Cái Đại Vương791 stl
Ông cho lũ phỉ teng beng về Tàu
Thái lai non nước đồng bào
Yên vui xum họp cùng nhau một nhà
Một lòng kiến quốc bảo gia
Phùng Hưng một đấng quả là minh quân
Chăn dân với cả lòng nhân
Đại Vương Bố Cái minh quân băng hà
Phùng An nối nghiệp vua cha
Nhưng không giữ nổi sơn hà An Nam
Đường cho quân đến dụ hàng
Phùng An nhu nhược đầu hàng Triệu Xương
Con ơi tái cảnh đau thương
Con ơi có xót quê hương của mình
Một dân tộc với tử sinh
Một ngàn năm với chiến chinh chống thù
Hiểm nguy nhất vẫn Đường-Ngu
Chúng dùng văn hóa xây tù nước Nam
Chúng nuôi mộng huỷ An Nam
Chúng nuôi mộng biến người Nam thành Tàu
Nhưng rồi chẳng đặng vào đâu
Suốt bao thế kỷ vẫn Tàu vẫn ta
Cuối Đường loạn lạc xảy ra
Nguy ra cho giặc, may ra cho mình
Khúc Thừa Dụ dấy nghiệp binh (906-907)
Đánh cho lũ phỉ hoảng kinh tời bời
Tử, Sinh, yểu, thọ tại trời
Một năm Thừa Dụ tại ngôi trị vì
Nhưng là sao sáng một vì
Khai thời tự trị, tôn ty tự mình
Khúc Hạo nối nghiệp cha mình (907-917)
Giữ yên bờ cõi, dân tình an cư
Minh quân Khúc Hạo nhân từ
Ở thời đất bắc họ Chu diệt Đường
Lập ra giòng dõi hậu Lương
Vẫn nuôi mộng chiếm quê hương Lạc Hồng
Ngàn đời mộng chúng chẳng xong
Ngàn năm đô hộ đã xong một thời
Con ơi hùng sử một thời
Con ơi bi sử một trời đau thương
Ngàn năm lũ giặc nhiễu nhương
Chỉ còn Lạc Việt, Việt Thường có nhau
Nước ta Bách Việt là đâu
Đất mình vẫn trải ở Tàu hôm nay
Bao nhiêu thế kỷ cách nay
Nhưng mà vẫn mới như ngày hôm qua
Vẫn ghi trong dạ dân ta
Vẫn chờ ngày nổi phong ba lôi đình
Để đòi lại đất của mình
Để thôi nhược tiểu như mình hôm nay
Thế thời vận nước chẳng may
Quảng Châu, vùng đất trên tay Lương triều
Lưu Nham phản lại Lương triều
Chiếm vùng đất ấy lập triều đình riêng
Lập ra Nam Hán một miền
Lũ này là mối oan khiên cho mình
Lý Tiến với Lương Khắc Trinh
Hai thằng chiếm giữ Tống Bình nước ta
Hán triều bắt giữ vua ta
Tướng Dương Diên Nghệ quả là trung quân (931-937)
Ông nuôi chí với ba quân
Vùng lên một trận đuổi quân hung tàn
Nối trang lịch sử vẻ vang
Vua quan nhà Hán như tan cả hồn
Cho quân tiếp viện rửa hờn
Tướng giặc: Trần Bảo xác chôn quê mình
Hán triều thất vía hoảng kinh
Nước ta lại được thái bình dân an
Nhưng Kiều Công Tiễn phản thần
Giết Dương Diên Nghệ vương quân đoạt quyền
Kiều là tuỳ tướng đương quyền
Rể Dương Diên Nghệ: Ngô Quyền dấy quân (938)
Dấy quân diệt kẻ phản thần
Kiều liền xin Hán cho quân đến nhà
Ngô Quyền đoán biết phong ba
Giết Kiều để chiếm Đại La kinh thành
Rồi mau đối phó chiến tranh
Chiến tranh chống Hán, chiến tranh giữ nhà
Quyết tâm nối chí nhạc gia
Quyết tâm bảo vệ san hà nước Nam
Hoằng Thao dẫn thuỷ binh sang
Còn vua cha trấn ở đàng Hải Môn (Quảng Đông)
Sẵn sàng tiếp ứng cho con
Hoằng Thao theo vịnh Hạ Long đánh vào
Ngô Quyền dụ chúng đuổi vào
Đến khi nước rút ào ào tấn công
Hoằng Thao tháo chạy trên sông
Tàu thuyền thủng đắm bởi chông bịt đồng
Máu thù nhuộm đỏ dòng sông
Xác thù chìm nổi khắp sông Bạch Đằng
Hoằng Thao chết trận Bạch Đằng
Vua Nam Hán khóc để rằng lui quân
Ngô Quyền đại thắng Hán quân (*)
(*) Ngô Quyền đại thắng Hán quân năm 938 đã thật sự chấm dứt một ngàn
năm đô hộ của giặc phương bắc. Mở thời tự chủ cho dân tộc.
Mở thời tự chủ cho dân tộc nhà
Xưng vương đóng ở Cổ Loa
Năm năm đất nước thái hòa yên vui
Ngô vương vắn số qua đời
Tam Kha em vợ; cướp ngôi cháu mình
Khai thời nội chiến đao binh
Hăm hai năm lẻ điêu linh nước nhà
Mười hai quân sứ một nhà
Mười hai quân sứ trong nhà nước Nam
Tổ tiên phò trợ nước Nam
Ông Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan quần hùng
Chỉ trong mấy tháng vẫy vùng
Sơn hà thống nhất trùng phùng quê hương
Đinh Bộ Lĩnh: Vạn Thắng Vương (968-980)
Nước Đại Cồ Việt; quân vương Tiên Hoàng
Hoa Lư là đất cưu mang
Hoa Lư cũng đất Tiên Hoàng đóng đô
Giữ yên non nước cơ đồ
Mười hai năm hậu cơ đồ Đinh tan
Tướng quân thập đạo Lê Hoàn
Lên ngôi để giữ giang san nước nhà
Nhà Tiền Lê được mở ra
(nhà tiền Lê 980-1009)
Đại Hành hoàng đế quả là xứng danh
Bình Chiêm, phá Tống công thành
Chi Lăng chiến thắng vang danh một thời
Hăm bốn năm ở tại ngôi
Sơn hà xã tắc một thời an khang
Khởi suy từ lúc vua băng
Các hoàng, thái tử lăng xăng tranh giành
Lê Long Đỉnh giết vua anh
Phá tan sự nghiệp thanh danh Lê triều
Thế là hậu Lý lập triều (1010-1225)
Một triều bền vững với nhiều minh quân
Sống thời tự chủ quân, thần
Tống kiêng, Xiêm nể, Chiêm thần phục ta
Thánh Tông vua Lý băng hà
Nhân Tông bảy tuổi thay cha nối giòng
Bên Tàu thời Tống Thần Tông
Với Vương An Thạch nghênh ngông bạo tàn
Mưu toan thôn tính nước Nam
Vua ta biết được mưu toan của Tàu
Sai hai tướng giỏi phạt Tàu
Thường Kiệt, Tôn Đản: Hai đầu xuất binh
Tôn Đản thống lãnh bộ binh
Lý Thường Kiệt dẫn thuỷ binh tiến vào
Đánh Tàu ngay tại đất Tàu (1075)
Đánh cho chúng hết mưu cầu nhiễu nhương
Ta tiên hạ thủ vi cường
Biết mình, biết địch, biết nương thiên thời
Vua quan nhà Tống tơi bời
Vừa cay, vừa thẹn với người với ta
Năm sau chúng tiến binh qua
Tống, Chiêm, Chân Lạp kết ba đánh mình
Hai năm vây bủa nước mình
Cuối cùng chúng phải điều đình rút quân
Bởi Lý Thường Kiệt đại thần
Với thơ khích lệ dân, quân một lòng
Bốn câu thơ dậy bể đông
Nức lòng chiến sĩ, nức lòng dân Nam
“Nước Nam là của vua Nam
Sách trời đã định rõ ràng chẳng sai
Quân xâm lăng trái ý trời
Một phen thảm hại tời bời một phen” (*)
(*) Bàng Bá Lân dịch
NAM QUỐC SƠN HÀ
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghich lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”
LÝ THƯỜNG KIỆT
Quả như tiếng sấm vang lên
Bài thơ như triệu mũi tên chống thù
Lưu truyền cho đến thiên thu
Sáng ngời chính nghĩa chống thù cứu quê
Thế rồi hậu Lý suy hề
Nhà Trần dựng nghiệp ta hề vẻ vang (*)
(*) Nhà Trần 1225-1400. Nhà Trần thắng quân Mông cổ ba lần Lần thứ
nhất:1257. Lần thứ hai: 1285. Lần thứ ba: 1288
Năm châu cũng phải ngỡ ngàng
Bởi dân nước Việt ba lần thắng Mông
Lần đầu với Trần Thái Tông
Rồi sau liên tiếp Nhân Tông hai lần
Khởi nghiệp Mông: Thiết Mộc Chân
Vượt qua Vạn lý trường thành; Trung Hoa
Vua quan nhà Tống xuýt xoa
Đông Âu, trung Á cũng đà hàng Mông
Vương quân các nước rúng lòng
Giặc Mông như trận cuồng phong được đà
Thành Cát Tư Hãn băng hà
Cháu Hốt Tất Liệt; con A Loa Đài
Chia nhau đánh chiếm khắp nơi
Một nửa thế giới như rơi cả hồn
Trung Hoa; nhà Tống phải vong
Triều Tiên, Tây Tạng cũng trong cảnh tình
Ba Lan, Hung phải mở thành
Nga La Tư cũng dâng thành cho Mông
Hẳn là một trận cuồng phong
Thế mà Mông phải hết ngông bởi mình
Ba lần tiến đánh nước mình
Ba lần đại bại tan tành thảm thương
Trần Quốc Tuấn: Hưng Đạo Vương
Vân Đồn, Tây Kết, Chương Dương, Bạch Đằng
Hàm Tử, Vạn Kiếp lừng danh
Xác thù như núi xứng danh Lạc Hồng
Toa Đô chết giữa binh đông
Thoát Hoan phải rúc ống đồng mà đi
Phàn Tiếp với Ô Mã Nhi
Bị ta bắt sống trong khi rút về
Sài Thung chột mắt chạy về
Mông-Nguyên phải bỏ mộng hề chiếm ta
Một lòng “sát Thát” quân ta
Diên Hồng hội nghị quả là trứ danh
Đại Vương Hưng Đạo xứng danh
Anh Hùng dân tộc lưu danh muôn đời
Hưng vong cũng tại bởi trời
Nhà Trần hết nghiệp đến thời suy vi
Tiếm ngôi bởi Hồ Quý Ly (1400-1407)
Non sông tái cảnh lâm ly đoạn trường
Nhà Minh được dịp nhiễu nhương
Nối mưu thôn tính quê hương của mình
Mượn danh đánh tiếng phò Trần
Mộc Thạnh, Trương Phụ tướng quân Minh Tàu
Dẫn binh hai ngả tiến vào
Con ơi đất nước rơi vào tay Minh (1414-1427)
Mười ba năm thuộc nhà Minh
Sơn hà xã tắc điêu linh tủi hờn
Địa linh nhân kiệt Lam Sơn
Phất cờ khởi nghĩa rửa hờn quê hương
Ông Lê Lợi: Bình Định Vương (*)
(*) Cuộc khởi nghĩa 10 năm của Lê Lợi 1418-1427 Đã chấm dứt thời đô hộ
của giặc Minh và lập ra nhà hậu Lê: 1428- 1527.
Đại thần Nguyễn Trãi phò vương đuổi thù
Chí Linh dưỡng địa chiến khu
Chi Lăng, Tuỵ Động ngàn thu lẫy lừng
Mười năm khởi nghĩa oai hùng
Liễu Thăng bị giết, Vương Thông đầu hàng
Mộc Thạnh bao bận chạy làng
Nước Nam linh địa ngổn ngang xác thù
Lê Lai gương sáng ngàn thu
Bình Ngô Đại Cáo; chứng từ vẻ vang
Hậu Lê dựng nghiệp hiên ngang
Với Lê Thái Tổ nối trang sử hùng
Nối thời tự chủ non sông
Nối giòng hào kiệt, nối công anh hùng…
Sau gần ba tháng ở nhà thương, hôm nay bà Tám được xuất viện về nhà. Đi từ sân trước vào trong, tới các phòng rồi ra sân sau. Nhìn quanh; bà thấy lại hình ảnh quen thuộc của quê hương ngày cũ - Sự “điêu tàn, hoang phế” - Cha của bé Hoài đã vĩnh viễn ra đi và bà cũng đã vắng nhà hơn ba tháng. Thời gian này Hạnh không đi học được. Hiếu phải nghỉ làm và mất việc. Trong ánh mắt của bé Hoài không còn biểu lộ nét ngây thơ của hơn ba tháng trước. Nó biết cha nó đã chết và nó đã sống trong sự điêu tàn, hoang phế của gia đình hơn ba tháng nay…tất cả đã xảy ra như một cơn ác mộng…
Cả nhà lo dọn dẹp lại nhà cửa trong sự im vắng tiếng cười của bé Hoài. Bà Tám lau chùi lại bàn thờ của ông bà, bàn thờ của ông Tám và lập bàn thờ cho dượng. Bà nhớ lại những năm tháng cuối đời của ông nội thằng Hiếu; ông cũng trầm ngâm bên những bàn thờ như thế này…Bà thắp nén nhang cho những người đi trước. Bà cũng nghiệm lời nói của ông nội thằng Hiếu và cầu nguyện cho quê hương, cho tổ quốc, cho một vùng đất bất chiến tự nhiên thành…
Từ đó; bà Tám trở thành người mắc bệnh tâm thần "Lúc tỉnh - lúc mê”.
Lúc mê; bà trở lại với vùng quá khứ mênh mông ở thời thơ ấu của tuổi lên năm, lên bảy...trở lại với vùng dĩ vãng sâu hút, mịt mờ nơi quê cũ xa xăm của bà...
Lúc tỉnh; bà trở về với Hiếu, với Hạnh, với bé Hoài, với những cái bàn thờ nghi ngút khói nhang…và dĩ nhiên với cả câu kinh cứu khổ, cứu nạn…
Cũng may bà Tám tỉnh nhiều hơn mê và cơn mê nếu có đến, cũng chỉ kéo dài một vài ngày; bù lại, những lúc tỉnh thì sáng suốt lạ thường…
Hạnh đã đi học trở lại. Hiếu quyết định đi học về ngành xã hội với ý muốn được đóng góp bàn tay bé nhỏ của mình vào việc giúp cho sự quay đầu trở lại của giới trẻ đang hư hỏng. Song song đó Hiếu vẫn tiếp tục cố gắng viết tiếp phần sau bài thơ của cha mình; dựa theo tài liệu của sách vở và với sự giúp đỡ của mẹ mình, những khi bà tỉnh táo.
Bây giờ và cũng là lần đầu tiên, với sự cố vấn của mẹ, Hiếu đã viết được một bài viết bằng hai thứ tiếng, Anh và Việt; bài viết có tựa đề là “Một suy nghĩ về tuổi trẻ Việt Nam trong xã hội Úc” được đăng tải trên cả báo Việt lẫn Úc.
Hôm nay, khi thắp nhang lên bàn thờ; Hiếu thấy dưới di ảnh của dượng có thêm một khung hình nhỏ màu đen, bên trong là một tấm vải nhung đỏ có hai hàng chữ được viết rất khéo léo. Hiếu đọc kỹ lại và nhận ra đó là một cặp câu đối mà mẹ mình đã làm cho dượng:
Giấc ngủ ngàn thu thôi tiếc nuối,
Cầu tre bao đoạn hết ưu phiền!
HẾT./.
(1) Kiếp Người: Thơ Đông Hải - S.A 1986
(2) Rồi Từ Đó: Thơ Đông Hải - Z-30-D 1978
(3) Quê Hương Tôi: Thơ Đông Hải - S.A 1986
(4) Trường Ca - Lời Ru Của Mẹ: Thơ Đông Hải - S.A 1986-1987
Trầm Thy Trang – Úc Đại Lợi 2005
ĐÔNG HẢI - Nguyễn Đức Hiền.
Chủ nhiệm Diễn đàn Dân Tộc: diendandantoc@yahoogroups.com diễn đàn TựDoNgônLuận: tudo-ngonluan@yahoogroups.com và dantoctuquyet@yahoogroups.com
*Cùng một tác giả; mời quý vị nhàn lãm thi tập Ở BÊN TRỜI qua đường dẫn cũng trong VNThưQuán nầy=> http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=793856
Đông Hải-Nhạc=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=822409
Tin tức âm nhạc=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=822352
ĐÔNG HẢI (Đan Thanh Dạ Khúc) http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?high&m=822504&mpage=1#822504
ĐÔNG HẢI tổng quát=>https://www.facebook.com/DongHaiNDH