Chuyện ngày xuân ... Đinh Dậu!
-
31.01.2017 01:30:29
Xuân Đinh Dậu 2017
Một thoáng suy tư
Mỗi lần xuân về, người ta thường nói đến những mong ước, những niềm vui và hy vọng. Người ta khoát cho mùa xuân một cái áo lộng lẩy, mượt mà để thấy đời vui. Tôi cũng không ngoại lệ...! Tôi vẫn thường viết những vần thơ với hình ảnh những sắc hoa mượt mà, lộng lẩy, những bầu trời trong xanh, tươi mát và những đàn bướm sặc sở sắc màu tung tăng bên những khóm hoa. Ngắm hoa xuân là một cái thú mà tôi rất yêu thích. Và cũng như mọi năm, tôi đến những trung tâm bán hoa trước để ngắm, sau tìm cho mình một vài chậu hoa ưa thích làm quà cho chính bản thân mình trong những ngày xuân.
Công viên Lê Văn Tám là một công viên thường tập trung nhiều thương lái cũng như những nhà vườn đem hoa đến bán. Năm Đinh Dậu 2017 này, tôi rãnh rổi, muốn xem hoa sớm hơn để có thể tìm được những chậu hoa ngộ nghỉnh, nhưng tươi tắn... Thế nhưng đã là 27 tết, mà sao vắng vẻ quá! Lác đác một vài khóm tắt kiểng, đào từ Hà nội, một vài khóm cúc, một khúm lan, một ít cúc Đà Lạt dạng mini, và một ít kiểng... thế thôi. Dạo một vòng tôi suy nghĩ, chẳng nhẻ người nông dân năm nay không trồng bông tết bán ? Hay là còn sớm? Nhưng không từ rất lâu, nhà vườn thường mang hoa lai rai từ trước cả tuần và họ bán dài cho tới trưa ngày 30. Khi chợ trung tâm dẹp, họ sẽ chuyển hoa còn tồn đọng về những khu dân cư thả đại xuống lề đường và bán đổ bán tháo để về đưa ông bà. Những chậu hoa ngày đầu tươi tắn được bán với giá cao, và những chậu hoa cuối chợ thì được bán với giá rẽ thậm chí chẳng đủ tiền xe, nhưng đấy là quy luật để có thể sống bằng nghề hoa tết.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người ta có khuynh hướng chờ vào những ngày cuối cùng mới đi mua hoa cho rẽ, thậm chí chờ nhà vườn bán ế , bỏ đi rồi lụm nhặt ... Và những người trồng hoa tết thường lổ nặng phải bỏ nghề.
Ngắm hoa là một đam mê, trồng hoa cũng là một đam mê... Người trồng hoa phải chọn giống, nghiên cứu thời gian nở hoa cho đúng ngày tết, phải gieo cấy chăm bón cẩn thận, và phải canh nắng, canh mưa để có những đóa hoa tươi tốt. Trong niềm đam mê đó, họ vui mừng khi có những chậu hoa tươi đúng thời điểm, và hy vọng sẽ gặt hái được công sức của mình trong mấy ngày giáp tết. Để có nồi thịt, mâm bánh cúng tổ tiên ông bà
Người làm công chức, làm công nhân, dựa vào lương tháng mà sống, dựa vào lương tết mà tiêu pha thong thả cho việc sắm tết. Người buôn bán thông thường thì dựa vào thu nhập hàng ngày và giành giụm để sắm tết. Người nông dân thì trông vào những vụ mùa được nhiều hay ít mà có dư để sắm tết. Và với những món nông sản khác dù thất hay được mùa họ vẫn có thời gian tương đối để bán, nhưng với việc trồng hoa tết thì việc làm là thật, vốn liếng là thật mà kết quả thì như một canh bạc và chỉ diễn ra mấy ngày ngắn ngủi.
Tôi đã trở lại chợ hoa ngày hôm sau để xem hoa. Người bán hoa nói với tôi, cô mua giùm em đi, hàng em mới lên có ít thôi, em bán rẽ để về sớm. Đúng là hoa của hàng này bán rẽ hơn những hàng khác, nhưng mới lên thôi mà tại sao lại phải bán rẽ ! Vấn đề là chợ vắng vẻ, người mua không có nên họ lo ngại sẽ không bán hết và lại phải bỏ của, bỏ mồ hôi công sức, đi về tay không ! Tôi cảm thấy có gì đó chua chát khi bước đi trong chợ hoa này! Ngẫm nghĩ lại, đã mấy mươi năm trôi qua, tình cảnh của những người bán hoa tết đã không khá mà ngày một tệ hơn, và chắc đến một lúc nào đó hoạt động này không còn nữa!
Chúng ta cùng nhau tìm nguyên nhân xem vì sao mà hoạt động này ngày một èo uột. Không khí chợ hoa không còn rầm rộ phong phú như xưa nhất là những thập niên 60, 70.
Để có một địa điểm bán hoa, người bán phải thuê giá cao. Nếu bán được sau khi trang trải chi phí, họ lấy được vốn, và có chút lời về đón tết. Trường hợp bán không được nhiều, họ phải có tiền trang trải chi phí chỗ ngồi và tiền về xe. Đó là lý do họ phải bán những chậu hoa đầu với giá cao, vì không ai biết kết quả thế nào.
Người mua vào những năm khó khăn, tiền sắm tết còn không đủ, phải bỏ nhiều tiền mua hoa thì họ không bỏ, nên chờ buổi chợ chót hoa bán rẽ thì mua về chưng chơi, không thì thôi. Và việc này sau nhiều năm thành thói quen, và cho đến thời buổi cuộc sống có cao hơn, nhưng tư tưởng chờ hoa rẽ để mua đã ăn sâu trong tư tưởng, thậm chí đợi người ta không bán được bỏ đi về để lượm. Chuyện nghe cũng đơn giản, vì người bỏ thì phí, người lụm về chưng thì đở tội cho hoa. Nhưng chua chát lắm khi ngắm những cánh hoa mà gia đình trồng nó phải lâm cảnh nợ nần túng thiếu vì không bán lấy vốn được ...chớ đừng nghĩ đến việc ăn tết.
Hoa mang lại không khí tươi vui cho mùa xuân, hoa làm đẹp thành phố, người đi ngắm, mua hoa làm nhộn nhịp khung cảnh tết. Và đấy là một trong những yếu tố tạo nên sự háo hức mừng xuân. Thế nhưng, hoa thật dần mất đi, và đường phố toàn hoa giả ... những hình tượng hoa, mang màu sắc của hoa nhưng không phải là hoa, và đôi khi tôi ngẫm nghĩ, mọi người đang ngắm vẽ đẹp của hoa hay của màu sắc..! Và khi những chợ hoa thật biến mất, thì mọi người sẽ tìm hương xuân ở đâu! Hay giống như những phim giả tưởng, ăn chất tổng hợp, ngắm hoa giả, bướm giả, ngửi mùi tổng hợp...
Chúng ta phải hợp tác như thế nào để cứu sống khung cảnh sống động của mùa xuân, với hoa bướm cây kiểng, với khách du xuân, và với những gia đình tạo mùa xuân cho thành phố: những người trồng hoa!
Những con đường giăng đèn, làm hoa giả tốn hàng trăm triệu trong ngân sách nhà nước, mục đích làm đẹp cho thành phố trong những ngày xuân, thu hút khách tham quan du lịch. Nhà nước có bao giờ nghĩ đến việc chia sẻ kinh phí đó tài trợ chỗ ngồi bán trong những công viên cho những người “trồng hoa” (họ chỉ phải đóng một cách tượng trưng cho chi phí vệ sinh dọn dẹp), để họ yên tâm bán với giá phải chăng ngay từ lúc đầu, mà người mua dễ dàng chấp nhận. Người “trồng hoa” được đăng ký chỗ bán nếu chứng minh được vườn mình sản xuất hoa, xem như họ có công trồng hoa đem vào làm đẹp thành phố và được bán đến tay người yêu hoa với giá phải chăng mà họ vẫn lấy lại được công sức của mình. Người yêu hoa có thể tùy theo túi tiền của mình mà mua hoa quý hay hoa thường để làm đẹp ngôi nhà từ cảnh trí đến ý thức (ý thức quan tâm làm đẹp nhà mình nhưng không quên công sức của người trồng tỉa) Điều mà tôi được biết ở Sài Gòn xưa !
Huyền Băng