Một Cuộc Đổi Đời Bà Tư cố nén tiếng ho, bà sợ ông Tư sẽ mất ngủ vì tiếng ho của bà. Bà nhè nhẹ bước xuống giường, đến bàn gần bên tìm ly nước uống. Nhưng cũng không còn giọt nào trong chai. Bà nhíu mày, đặt cái chai xuống bàn, ngoài trời hôm nay trăng sáng tỏ, ánh trăng vằng vặt, tuy mắt giờ đã yếu kém rất nhiều, không còn tỏ như xưa, nhưng bà vẫn nhìn được ánh sáng xen qua cửa.
Trời đã bắt đầu lạnh, gió lùa vào khe cửa sổ, làm bà phải che miệng, cho tiếng ho đừng phát to, bà nhìn sang, ông Tư chắc là mệt với những công việc lam lũ, mà ngày xưa ông không bao giờ lao lực như vậy, sau ngày 30 tháng tư, cuộc sống gia đình bà, đã mất hoàn toàn không còn những ngày an lành như ngày xưa nữa.
Bà ngước nhìn ánh trăng xuyên qua cửa, bà nhớ lại những năm hai vợ chồng bà cũng cực nhọc, cũng buôn bán tảo tần, cũng đồng vào đồng ra, và ước mơ của ông bà cố gắng sao, có một mãnh vườn, về già trồng trọt, sống nơi miền quê trong những ngày về hưu. Nhờ các con phụ một tay, ông bà được một mảnh vườn trái cây ở vùng Bình Dương gần chợ Búng.
Với cây nhà lá vườn, ông bà trồng thêm rau cải, nuôi heo, gà vịt, sống qua ngày, không cần sự giúp đở của con cái nữa. Mấy đứa con của ông bà cũng có công ăn việc làm ổn định, cho nên lâu lâu chúng dắt con cái về vườn thăm ông bà cũng để thưởng thức trái cây trong vườn. Ông cưng con cháu lắm, những trái cây đầu mùa, là ông giữ cho con cháu, ông không bán, nên chúng nó tuần nào cũng muốn lên để leo trèo và tắm sông, dân thành phố lúc nào cũng thích cái không khí nhà quê cả.
Con gái Út, cũng ở Sài Gòn đi học, nó ở chung với anh chị Ba nó, nhưng tuần nào cũng muốn về thăm Ba Má nó, chỉ khi nào bận học thi hay anh chị Ba nó nhờ làm việc gì thì tuần đó nó buồn lắm.
Sau khi con gái Út sang Pháp, Bà Tư buồn lắm, là con gái Út, tuổi tác lại kém anh chị nó nhiều, đến đứa cháu ngoại đầu lòng của ông bà cũng lớn hơn nó vài tuổi. Bà không muốn con cái xa bà, nhưng ông Tư đã quyết định bà cũng không dám cản trở. Cho nên những lúc già yếu, bà lại nhớ con rưng rức,
Sau ngày 30 tháng 4, chế độ CSVN đã làm ông bà Tư có cuộc sống đổi đời. Vườn tược là bị tịch thâu, vì lúc mua ông Tư đã để tên con cái, để khi ông mất chúng nó vẫn còn gặp nhau như xưa, nên" chế độ mới" nói là trong gia đình có người trong lính Ngụy, và có con sang Pháp, Mỹ cho nên họ kê ông bà Tư vào thành phần « phản động », họ tịch thâu tài sản, cho ông bà đến vùng kinh tế mới.
Ông Tư không phải là người dễ dàng cho người ta cướp của mình đâu, nhưng thấy vợ vì đau buồn, mà mang bệnh, nên với sự tranh đấu ông Tư chỉ có quyền lấy bàn ghế mang theo mà thôi.
Nếu không vì bà Tư, chắc là ông cũng muốn sống chết một phen với đám ăn cướp này. Nhưng ông chợt nhớ ông còn các con, một thằng trong quân đội Ngụy mất tích, thằng Ba và gia đình nó trong ngày 30/4 không biết di cư ở đâu ? Khi ông đến Sài Gòn, trong cảnh hổn loạn, ông cũng cố đến nhà xem con cái ra sao, không thấy đứa nào, vừa buồn, vừa lo và mệt nhọc, ông té xỉu bên lề đường, may có nhiều người gần bên giúp đỡ, khi tỉnh lại, ông buồn bã lấy xe máy trở về nhà. Bà Tư chỉ nhìn thấy nét mặt ông, bà không cần hỏi han, bà cũng biết chuyện gì đã xảy ra, vì từ khi chung sống với nhau, Bà chưa bao giờ thấy ông chảy nước mắt.
Khi được giấy về vùng kinh tế mới, ông Tư lại xin được về quê, ở đó còn có gia đình người em trai đang sinh sống. Dù sao cũng còn chút tình anh em.
Lúc này bà Tư rất yếu, bà vừa buồn vì mất của, vừa nhớ con, vừa tức giận, nên bà ngày càng yếu dần. Đến quê ông Tư cất một căn nhà, và người con gái thứ Tư đã về chung sống với ông bà Tư, trước là ông bà có con cháu gần bên, sau là còn có thể lo cho bà trong những ngày ốm đau, vì ông Tư ngoài 70 tuổi, mà còn lam lủ mọi việc, việc làm không như xưa, cho nên nhiều khi ông phải đi ghe ban đêm mua gạo lậu, để bán, và ngày thường để che mắt công an, ông phải đi cắt lát, đem về phơi khô. Có những đêm nước cạn, ghe không di chuyển được, ông phải lội xuống bùn, đẩy cho ghe qua khỏi nơi cạn, khi đêm xuống trở lạnh, ông cũng không dám hút thuốc, sợ lính canh nhìn thấy.
Nhiều khi ông Tư đi cắt lát, bà Tư cũng muốn đi bộ cho thoải mái, nằm ngồi mãi cái cái chân cũng muốn chùn, khi đến nhà người em chồng, trở về nhà, bà càng buồn hơn, vì cách đối xử của người em dâu, tánh bà cũng không muốn than thở với chồng, ông đã nhọc nhằn vì bà, nói sợ ông lại buồn, lại giận lại sanh thêm chuyện, vì bà biết tánh ông Tư rất nóng. Nên bà đành để bụng, nhưng cứ thui thủi ở nhà với đứa cháu ngoại.
Nhiều khi bà chỉ nhìn ông, rươm rướm nước mắt, khi thấy ông lấy muối xát vào chân, nơi bị lát cắt. Thấy chồng cực nhọc quá, bà cũng đau lòng, có lần, bà nói với ông Tư :
- Ông nè, ở đây sống không nổi, sao ông không tìm đường đi qua con Út hay thằng Ba đi, ở đây coi bộ khó khăn quá, ông thấy không ?
Ông Tư vuốt vai bà, đó là thói quen của ông khi an ủi vợ mình :
- Ừ, tui cũng muốn lắm, nhưng bà yếu quá, không biết đi xa, gian nan bà có chịu nỗi không?
Bà nhìn ông :
- Ông đi một mình, tôi ở lại được mà.
Ông Tư nhìn bà, buồn bã :
- Vợ chồng mình đã sống với nhau đến tuổi này, sống chết có nhau, khi nào bà còn thì tôi chưa muốn xa bà đâu, sau này hãy tính sau.
Bà Tư nhìn ông, chỉ biết chảy nước mắt, không biết nói gì hơn.
*****
Con cái gửi tiền qua cho ông Tư, để lo cho bà, nhưng khi tiền đến ông chỉ nhận được với số tiền đã dự định của nhà nước, còn tiền dư thì phải để trong quỷ tiếc kiệm. Nhưng quỷ tiết kiệm này, không biết đến bao giờ người gửi mới được lấy ra. Tại vậy, khi nhận được vài lần, ông gửi thư cho con, bảo đừng gửi nữa, ông không muốn lại thêm lần nữa bị cướp trắng trợn trong tay mình.
Với số tiền dành dụm, ông Tư đã cố gắng lo cho bà Tư, nhưng bệnh tình càng tệ hơn. Có những lúc bà yếu lắm, bà muốn nói với ông Tư đừng đi, ở nhà nhở bà có chuyện gì còn thấy mặt ông, nhưng bà không nở nói, sợ ông Tư lo lắng quá.
Có lần bà thèm ăn một chén cháo thịt bằm, bà kêu con Tư đi mua thịt, đến trưa, con gái bà chỉ đem về một miếng vỏn vẹn khoảng chừng 200g, toàn là mỡ. Bà nhìn miếng thịt, bà la con :
- Mày đi cả buổi mà mua được có miếng thịt như vậy sao ?
Con gái thứ Tư của bà vừa lau mồ hôi, vừa nói :
- Má biết không, con đứng xếp hàng từ sáng đến giờ, khi đến phiên con, là thịt chỉ còn như vậy thôi, con cũng mua đại, dù sao má cũng có một chén cháo nhỏ, ăn đở thèm.
Khi ông về nhà, nghe con cái nói, ông mới nói :
- Thôi con ráng dậy sớm chút đi, mua có thịt thà chớ mỡ không ăn cái gì ?
Thế là ngày hôm đó, chị Tư rời nhà thật sớm, nhưng cũng trưa lắm, chị Tư về đến nhà, cũng một miếng thịt khá hơn hôm qua, chị cười với bà Tư :
- Má coi, hôm nay miếng này ngon hơn hôm qua hông, nhưng mắc hơn, vì con năn nỉ mua lại của người ta đó má. Nghe con nói Má đau thèm ăn, nên họ nhường lại miếng này, còn miếng mỡ họ lấy, nhưng con cũng trả cho họ chút tiền, để lần sau mình có năn nỉ họ cũng ráng nhường cho mình.
Đó là lần đầu tiên, bà Tư được ăn một chén cháo nóng, có thêm chút thịt heo bằm. Vừa ăn xong, bà Tư xin chén nước nóng để uống, thì Tuấn thằng cháu ngoại trai của bà chạy về, mặt mày hốt hoảng, cà lăm cà lặp :
- Bà ngoại ơi, ông … ng… oại say rượu, con năn nỉ ông … ngoại đi về nhà, mà ông ngoại vừa uống, vừa chửi, con sợ ông ngoại bị tụi Việt Cộng bắt (Tuấn lúc này mới 10 tuổi, chỉ biết là CSVN mang tên Việt Cộng mà thôi) bây giờ con không biết làm gì đây bà ngoại ơi,
Vừa nói Tuấn vừa khóc, vừa chạy lại ôm tay bà Tư.
Bà Tư xỏ đãi đôi dép, vừa nói :
- Vậy con … con dẫn bà ngoại đến đó đi?
Tuần chùi nước mắt ;
- Dạ.
Rồi nắm tay bà ngoại nó dắt ra ngoài
Chị Tư thấy con mình dẫn bà ngoại nó ra ngoài, chị chạy theo la lớn :
- Tuấn, mày khùng hả, bà ngoại bịnh mà mày dẫn bà ngoại đi đâu vậy.
Thằng Tuấn ngoãng đầu lại, vừa dẫn bà nó đi, vừa nói :
- Con dắt bà ngoại đi đây chút, con sẽ dắt bà ngoại về liền má đừng lo.
Nó biết bà nó bịnh và yếu lắm, nhưng chỉ có bà mới có thể lôi ông ngoại nó về nhà mà thôi, nếu không ….?
Khi bà Tư đến nơi, ông Tư đang đứng xần xộ với vài người, vừa nói lớn, vừa như trong lúc đang say:
- Tức quá mà, tui mà còn giữ mấy cây súng là tui bắn tụi nó hết, đồ ăn cướp, đồ sát nhân.
Bà giựt mình, lê chân nhanh về phía ông :
- Ông ơi, sao ông uống nhiều dữ vậy, thôi đi về nghỉ đi ông.
Ông Tư chợt giật mình, khi thấy bà Tư, ông quay lại, nhưng vẫn cái giọng nhừa nhựa :
- Sao bà ra đây làm gì ? Tuấn sao mày dắt bà ngoại mày ra, coi chừng bà mày bị lạnh đó mày.
Vừa nói, ông vừa quay lại, ôm cánh tay bà dìu trở về nhà, mặc dù, chân đi quàng thiên, nhưng ông cũng cố nắm chặt cánh tay bà, làm như ông sợ bà té hơn là ông. Nhưng bà cũng nhờ thằng cháu trai ôm tay bên kia, chứ bà cảm thấy chân bà hình như đi không muốn nổi nữa.
Về đến nhà, chị Tư dìu má vào ngồi trên xạp, lấy nước cho bà Tư uống, còn ông Tư về nói được vài câu đã thì lăn đùng ra ngũ vùi.
Nhìn ông Tư về đến nhà, bình an, bà đã mừng lắm rồi, nên nhìn ông bà cũng hiểu vì sao ông nóng nảy như vậy, nhưng ông còn nói ra được, còn bà … Bà nhìn ông rồi tự than cho thên bà. Lúc này, là lúc ông cần có bà hơn lúc nào, để cùng nhau xây lại cuộc đời mới, nhưng bà thấy hình như bà phải để ông một mình gánh chịu nhiều và phải đương đầu cho cuộc sống đang tiếp nối theo chân ông rồi.
Tối đó, trăng lên cao, bà cảm như có một sức mạnh nào đó, nhập vào cơ thể yếu đuối của bà. Bà nhìn ông Tư đang chuẩn bị quần áo, để ra bờ sông, hồi chiều thấy ông say quá, không biết cắt được bao nhiêu lát, bà nhìn ông, nói :
- Thôi tối nay ông ở nhà với tui một bữa đi nha ông, hôm nay trời sáng trăng quá, ra bãi coi chừng họ thấy dễ hơn đó ông.
Ông Tư sau cơn say, ông mới thấm được cái mệt mõi, chán chường của ông lại tăng hơn, nên ông cũng gật đầu.
- Ờ cũng được, để thằng Tửng nó ngủ thêm, tội nghiệp, theo tui bỏ học hành, lại nhiều đêm lại phải theo tui, thức khuya, thức hôm. Hôm nay cho nó ngủ bù lại đi.
Bà Tư lần lại giường chị Tư, rờ vào tay con bái, bà nói với giọng thật nhỏ :
- Tư à, con dậy đi, má nhờ con chút.
Chị Tư chàng thức dậy, mở mùng nhìn bà :
- Sao má không ngủ tiếp đi, trời chưa sáng à má.
- Ừ, con ra bếp hâm chút cháo thịt cho Ba con ăn đi, hôm nay ổng ở nhà, sáng nay má cũng muốn lau mình, cho khoẻ chút, con lấy bộ quần áo, mà má xếp trong tủ đó, thay cho má bộ đó nha con.
Chị Tư tuy còn buồn ngủ lắm, nhưng nghe bá Tư nói vậy, chị cũng mỉm cười chọc bà Tư :
- Coi má kìa, thấy Ba ở nhà là muốn diện cho Ba coi hả ?
Bà Tư, khẻ cú vào đầu con gái :
- Bây thiệt, già rồi, còn muốn ai coi nữa?
Nói rồi, bà lần tay lò mò đến giường, nằm xuống, bây giờ bà lại thấy mệt mõi đến cả tứ chi.
Sau khi hâm cháo xong, chị Tư cho ông Tư một chén, và bà Tư một chén, vừa nói với ông Tư :
- Ba hên nha, hôm nay con mua được miếng thịt có nạc, Má nói chừa cho Ba ăn đó.
Ông Tư, vừa ăn, vừa ngẹn lời. Ngày xưa một chén cháo thịt heo này, đâu có khó khăn lắm mới nấu được, bây giờ cho là một món ăn xa xỉ, vì cơm độn bobo, gần như ông ăn chưa quen, lâu lâu ông nhờ chị Tư nấu độn khoai lang hay bắp cho dể nuốt. Ông nhìn bà Tư nằm, thấy chị Tư nấu nồi nước, pha cho ấm :
- Bây định lau mình cho má bây hả.
- Dạ, má kêu con lau mình cho má, còn kêu con thay bộ đồ mới, mà má cất trong tủ nữa đó ba, chắc má làm đẹp cho ba coi đó nhen.
Chị Tư vừa nói, vừa cười cười, riêng ông Tư làm như có cảm giác là lạ, ông nói, thôi để tao lau cho bả, đưa nước đây.
Bà Tư khẻ nói :
- Thôi ăn cháo đi, nguội khôg ngon đâu, chiều tui ăn rồi, còn dư để cho mấy nhỏ nó ăn, có chút thịt chắc tụi nó thích lắm, ăn cá hoài chắc tụi nó cũng ngán rồi.
Nhưng ông Tư vẫn cầm thau nước đến gần bà, chị Tư cũng đến phụ với ba lau mình cho bà Tư, dù sao công việc mà chị Tư làm hằng ngày cũng quen tay hơn ông Tư.
Bà Tư lấy tay khê cái gối cao hơn chút, nhìn ông Tư, giọng tuy yếu mà vui vẻ lắm :
- Ông nhớ ăn chén cháo nóng nha, ăn nguội không ngon đâu, ăn nóng đỗ mồ hôi cho khoẻ. Ừ, sao tuần nay không có thư con Út hả ông, không biết bên đó, nó ra sao ? Con Hai, vợ chồng thằng Ba ở Mỹ, có sang Pháp thăm em nó không?
- Đời sống ở bển cũng khó khăn, nhất là thằng Ba mới di cư qua, giấy tờ chưa cho phép nó rời khỏi Mỹ đó bà. Khi nào được thư con, tui đọc cho bà nghe, bà đừng có chờ, thư từ về đến Sóc Trăng cũng lâu hơn Sài Gòn mà.
Bà định đưa tay ra cầm lấy tay ông Tư, nhưng bà cảm thấy bà không còn sức đưa tay lên nữa, thều thào bà nói :
- Khi nhắm mắt, tui không thấy mặt vợ chồng thằng Ba, con Hai và mấy cháu, nhất là con Út, nó sang đó gần 10 năm nay, không biết lúc này nó ra sao, nó còn nhỏ mà xa cha mẹ sớm quá, tui …
- Thôi bà đừng nói nữa, bà nằm nghỉ đi.
Ông Tư không muốn bà nói tiếp, vì nói nữa ông cũng khôg tránh được rơi nước mắt, Giải phóng làm sao mà gia đình ông phải tan nát hết như vậy, gia tài tự tay vợ chồng ông tự lập, cũng bị cướp đi một cách trắng trợn, mà người dân không thể nào phản án vì luật lệ của họ lập ra. Nếu không nhờ bà con láng giềng, người một chữ viết đơn xin xỏ, ông cũng không giữ được miếng vườn của ông, vì tuy của ông nhưg đứng tên năm đứa con của ông, nên họ chỉ cho đem ra khỏi nhà bàn ghế, tủ, giường là họ đã ân xá lắm. Ông Tư muốn trả ơn tất cả bạn bè đã ký tên xin cho ông, ông chia cho mọi người nào là cái bàn tròn bằng đá hoa cương mà con trai ông mua cho ông để ở ngoài hiên, một cái tủ mà ông Một Đông cứ ngắm nghé và 1 cái ván gõ, cho vợ chồng ông Ba ở cạnh bên, và những món nào, bạn bè thích cứ nói ông sẽ vui vẻ biếu tặng. Nhưng không ai muốn, ông nói:
- Đây là quà để lại cho các bạn, nhìn nó mà nhớ vợ chồng tui nha.
* * *
Ông nhìn bà, mắt bà nhắm lại, ông lấy tay bóp những ngón tay của bà, giọng ông cũng buồn buồn :
- Bà hôm nay thấy sao rồi bà.
Bà Tư, mở mắt, nhìn ông, mỉm chút nụ cười héo hắt:
- Hôm nay tui thấy khoẻ hơn chút. Trời đã sắp sáng rồi hả ông.
- Ừ, tại hôm nay rằm, nên trăng sáng, chứ còn sớm lắm.
Bà Tư, khẽ nhìn ông, buồn buồn, nắm tay ông nói :
- Nếu tui đi rồi, ông cứ lo đi qua tụi nhỏ đi, chứ ở đây, lúc ông say rượu, tui sợ ông khổ thân thêm, còn gia đình con Tư, sau này ông lo được thì lo.
Ông Tư nhíu mày :
- Bà nghỉ ngơi đi, khi nào tới đâu hay tới đó, bà đừng lo.
Bà nhìn lên trần nhà :
- Sao tui nhớ con Út quá,
- Ừ, tui nói rồi, có thư là tui cho bà hay mà.
Chị Tư tay cầm ly nước ấm, hỏi :
- Má muốn uống thêm nước nữa không ?
Bà Tư lắc đầu, nhìn chị Tư
- Con nhớ làm ăn, lo cho mấy đứa nhỏ nhen, nhất là con Tuyết và con Tú đó, nó còn nhỏ quá, má lo cho hai đứa này.
Chị Tư ngồi bên, vuốt má bà Tư, vừa nói như mếu :
- Má lo cho sức khoẻ của má đi, con Trâm, thằng Tuấn cũng lớn, lo phụ con được mà.
Bà nắm tay đứa con gái bất hạnh này, khi chồng bị vào tù cải tạo, đưa ra miền Bắc, nó không còn tin tức gì nữa, nên đã quyết định theo ba má về quê, vì thấy má mình ngày càng yếu dần.
Bà Tư chỉ biết nhìn con, rồi nhìn chồng, nước mắt tự nhiên chảy dài theo khoé mắt, bà thấy có cơn gió lạnh đâu đây thổi vào thân bà, bà để hai tay xuống, mắt nhắm từ từ, và không nói nữa.
Ông Tư quay qua nói với chị Tư :
- Con để cho má con nghỉ chút đi, nói chuyện nhiều mệt thêm đó.
Ông vấn một điếu thuốc, chăm lữa, vừa phì phà, vừa hỏi :
- Bà hôm nay còn thèm ăn gì không, nói cho con Tư nó mua cho bà ăn.
Không nghe bà trả lời, ông quay lại, lấy mềm đắp lại cho bà, ông cảm thấy, tay bà hơi lạnh, ông lấy tay bóp chân và tay bà cho nóng, nhưng vô hiệu. Ông lay bà:
- Bà à, bà !
Nhưng bà vẫn im lặng, ông sợ quá, kêu chị Tư :
- Tư, mày kêu thằng Tửng dậy, đi kêu thầy Tám, sao má mày lạnh quá vậy, sẵn đốt thêm than, cho má mày hơ nóng chút luôn.
Chị Tư nghe nói, hoảng hốt, chạy vô kêu thằng Tuấn dây :
- Tửng à Tửng, dậy đi con, chạy đi rước thầy Tám qua, coi bà ngoại sao rồi.
Thằng Tuấn, chưa kịp nghe hết câu, đã tung mùng, chạy thẳng ra cửa, không chờ rửa mặt, đánh răng xong mới đi.
Thầy Tám, cầm tay, coi mạch, rồi lắm đầu :
- Bà đã qua đời rồi ông Tư,
Ông Tư vừa nghe xong thấy lạnh cả người, và bắt đầu tiếng thằng Tuấn, sau đó tiếng chị Tư khóc la, mấy đứa cháu gái đang ngủ ngon lành trong mùng, nghe tiếng khóc lớn của thằng Tuấn và má nó, con Trâm biết chuyện gì đã xảy ra, nó cũng tung mùng chạy ra, hòa tiếng khóc cùng má và em trai nó.
Thế là bà Tư cũng được nằm yên trong sự thương tiếc của chồng, con và cháu. Bà giờ đã được an giấc rồi, không còn vương vấn vì sự sân si, thương ghét của cuộc đời nữa, ông Tư ngồi bên mộ vợ, những giọt lệ của ông bắt đầu lăn trên gò má hóp của ông, những giọt nước mắt tiếc thương người vợ của ông vừa từ giã ông mà đi thật xa rồi.
Những lúc bà Tư đau ốm, tiền bạc cũng eo hẹp, nên khi chôn cất bà, ông có đến vay thằng em mình một số tiền, thằng em nhìn anh mình:
- Em không có dư tiền đâu anh ơi, để em hỏi vợ em coi nó có không ?
Ông Tư chỉ nghe thằng em mình nói câu đó, là ông đã hiểu việc, nhưng vì lúc này cần để làm đám tang cho vợ, ông đành làm ngơ, giả điếc :
- Em có cất chút đỉnh đây, nhưng khi nào anh trả cho tụi em.
Ông Tư, nhíu mày, nếu như lúc bình thường là ông đã đấm thằng em nhừ thân rồi, lúc ông làm ăn khá giả, ai giúp đỡ vợ chồng nó, đến con cái của ông cũng phụ giúp cho gia đình nó, mới làm ăn được như vậy. Bây giờ ông tưởng về đây, có em có anh cũng còn hơn về miền kinh tế mới. Về đến đây rồi ông mới hiểu lòng dạ con người. Chỉ có đứa con thứ Năm của thằng em, mới cầm một số tiền, nhét nhanh vào tay ông, cố ý không cho má nó thấy :
- Bác cầm mà lo cho bác gái, con hôm nay bán được bao nhiêu đó thôi,
Ông Tư định từ chối, nhưng tiền đâu mà chôn cất. Ông đành cầm mà nghẹn ngào.
Sau khi chôn cất bà Tư xong, ông Tư không đủ tiền để hoàn lại cho em dâu, nên hứa sẽ trả sau. Cô em dâu, lại nhà, thấy cái tủ thờ, nói với anh chồng ;
- Thôi thì anh đưa cho tụi em cái tủ này đi, trừ số tiền đó.
Ông Tư hình như không còn muốn gì nữa, nghe nói là ông gật đầu ngao ngán.
- Thì bây muốn lấy gì thì lấy đi.
Sau ngày cúng 49 ngày cho vợ, ông cũng muốn tìm đường vượt biên, nên ông hay xuống Gành Hào, ông nói láo với đám cháu là :
- Ngoại đi đến đó xem có chuyện gì làm không, mấy con ở nhà nhớ giúp má con đó.
Thằng Tuấn, nắm tay ông ngoại :
- Sao lần này, ngoại đi mà không cho con theo vậy ?
- Theo sao được, khi nào có việc làm ngoại mới về rước con theo nhen.
Vừa nói ông vừa bước nhanh ra cửa.
Lyn đang ngồi cắt mấy nhánh hoa hồng khô, hôm nay sao trời ấm thiệt, tuần trước mưa ơi mưa, cô nàng ngồi dậy, cắn ngón tay, bất cẩn sao bị gai đâm, nên cô nàng cắn cho máu chảy ra, họa may gai cũng ra theo.
- Lyn, có thư nè
Chị hai, vừa đi ra, vừa xem mấy bao thư tiếp,
- Thư ai vậy chị Hai.
- Thư ai thì không biết, vì không thấy ghi tên ngoài bì thư, nhưng, ủa mày có quen ai ở Mã Lai vậy, thấy dán tem Mã Lai.
Lyn vội chạy lại, nhìn bì thư,
- Ủa, ai vậy ta ? nhớ mình đâu quen ai ở xứ này chứ, mấy người bạn đi nghỉ hè thì …. nếu có đi thế nào tụi nó cũng nói cho mình biết trước. Không phân vân gì, Lyn vội xé thư ra, mắt chợt sầm lại.
- Chị Hai thư của Ba.
- Hả, Ba làm gì ở Mã Lai, nhưng chỉ một thoáng, chị Hai giựt lá thư trên tay Lyn
- Đâu đưa chị coi.
Pulau bidong, ngày … tháng … 1979 Con gái của Ba Con nhận được thư này, là Ba đang ở Mã Lai, Ba đã sang đây được hơn tháng nay rồi, vì không biết làm sao liên lạc với con và chị Hai con, sẵn có ông bác sĩ này, ổng nói là ở Pháp, nên Ba nhờ ông chuyển thư này đến cho hai con. Được thư này, hai con nhớ liên lạc với Ba Vì không biết thư này có đến tay hai con không, nên Ba viết ít hàng cho hai con đây Địa chỉ của Ba là : XXXX Pulau bidong. ( Chị hai này là chị em cô cậu của Lyn)
Lyn chưa nghe hết ý của lá thư, nhưng nước mắt đã chảy dài, cầm lá thư trên tay, Lyn chỉ biết khóc, đầu óc thật nặng trĩu, vừa mừng, vừa lo, tràn ngập cả trong lòng, nàng không biết làm sao, chỉ nhìn người chị bà con « cô cậu » cầu cứu.
- Chị Hai lo dùm cho Ba em sang đây được không ?
- Ừ, để chị nhờ thằng Khánh, coi luật lệ, giấy tờ gì cần thiết để lo cho cậu sang đây sớm mới được.
Và giấy tờ làm xong, tháng sau, ông Tư đã có mặt tại Paris, ôm đứa con gái hơn mười năm, bao nhiêu chuyện dồn dập, ông Tư ôm chặt đứa con trong cánh tay già nua, nước mắt hai cha con chan hòa, không ai nói được câu nào, Paris trời vào thu nên cũng lạnh, Lyn đã chuẩn bị sẵn một cái áo anorack dầy cho ông Tư.
Lên xe, Lyn cũng chỉ nhìn ông Tư qua hàng nước mắt, tai vẫn nghe ông Tư nói về má của Lyn trong những ngày cuối đời, dựa vào vai ba, Lyn nghe hạnh phúc tràn đầy, và Lyn chỉ muốn dựa vào Ba, để nghe ba nói chuyện thật nhiều, thỉnh thoảng anh Khánh ngó ra sau, hỏi ông cậu mình vài điều thăm hỏi.
Lyn nhìn ông Tư, mới kể chuyện về mình, về Chị Hai và anh chị Ba :
- Anh chị Ba cùng gia đình chị Hai sang đến Mỹ rồi, chị Hai hiện giờ ở gầnChicago, vì mấy đứa con học ở trển, còn anh chị Ba thì vẫn ở Florida, lúc nghe anh chị sang Mỹ, nhưng con chưa làm gì ra tiền, cũng chưa biết làm sao ? nên con chưa có dịp sang thăm, nhưng con vẫn thư từ thăm anh chị ba và chị Hai thường. Chưa chắc gì anh chị sang thăm Ba bây giờ đâu, nghe đâu giấy tờ, công việc làm, con cái không biết sao ?
- Ba cũng mong sao, cuộc sống của tụi nó bình yên là Ba mừng rồi, và từ đây, Ba cũng bắt đầu bước vào một cuộc đổi đời lần nữa, nhưng chắc là không như lúc ở Việt Nam.
Lyn nhìn ông Tư, ông Tư tánh tình rất vui vẻ, nhưng đây là lần đầu tiên gặp lại, Lyn thấy ba có cái nhìn rất buồn, như đang lo lắng chuyện gì. Lyn nhìn ba, vuốt tay ông Tư khẻ nói :
- Ba đừng lo gì, sang được bên đây rồi, không bị tai nạn gì khi vượt biên, là cái phúc của cha con mình, Con cũng cảm ơn Trời Phật đã phù hộ cho Ba sang được đến nơi bình yên, giờ cha con mình làm lại từ đầu vậy.
- Ba sang được bên này gặp con, là điều má con mong ước, và dù có đổi đời lần nữa, ba cũng chấp nhận, giờ ba chỉ lo cho con Tư và mấy đứa nhỏ ở bển thôi, khi nào ba có điều kiện sẽ bảo lãnh tụi nó sang đây, đây cũng là một cuộc đổi đời lần thứ tư, và chắc là cũng là lần cuối cùng trong đời ba.
Ông Tư nhìn đứa con gái Út, mỉm cười, mắm tay đứa con gái mà ông cưng yêu nhất khi còn ở Việt Nam :
- Và ao ước cuối đời ba, là con sẽ được một mái gia đình hạnh phúc, vậy nơi suối vàng má con cũng yên lòng rồi.
Ngoài trời, những cơn gió lốc cuốn theo những chiếc lá rời cành bay lả tả, kéo cổ áo cho ba lên, Lyn cười. Chưa biết sau này ra sao? Nhưng hiện tại Trời đã ban cho nàng một hạnh phúc lớn nhất đời của nàng rồi.
Nắng đang vương lên những ánh sáng hiếm hoi của mùa thu, ánh dương đang chiếu sáng cả một góc trời từ phía xa xa, bánh xe vẫn lăn đều trên xa lộ, nàng nhìn thấy đây là phút bình yên của những năm tháng đang dần tới trưóc mắt nàng, Lyn nắm lấy tay ông Tư thật chặt, nhìn vào mắt ba, nàng nở một nụ cười mãn nguyện.
Le Mans
Ngày 30 tháng Tư 2014
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.10.2014 03:10:16 bởi Ct.Ly >