Huyền Băng
-
Số bài
:
3826
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 08.09.2005
- Nơi: rừng thu 1953
|
RE: Niềm vui của tôi ...
-
11.08.2013 15:45:47
Lên nương, Lang thang có lẽ là cái máu của tôi, trên con đường Bãi Dâu, thuộc địa phận Vũng Tàu tôi đón chuyến xe buýt số 22 đi Phú túc, chuyến xe đi từ Vũng Tàu qua Bà Rịa rồi qua các địa phận như Ngải Giao, Cẩm Sơn, Cù Bị, Cẩm Mỹ, Thanh Phong , Cẩm Tân, Long Khánh, rồi quay về ngã ba Dầu Giây để hướng lên Phú Túc, một thị xã nằm gần Định Quán. Chiếc xe chạy cà rich cà tang qua những vùng đất hoang vắng, nhà cửa loáng thoáng. Tôi thích như thế! Vì là xe buýt vùng quê, không thiết kế máy lạnh, cánh cửa sổ của xe mở toang, cái hương đồng nội ùa ập vào người tôi, với đầy đủ mùi vị. Nhiều người ghét cái không khí đó vì thỉnh thoảng có những hương không được thơm do đi ngang qua những nơi nuôi gia súc, hoặc phơi phóng gì đó, nhưng tôi lại thấy cái hay trong việc thay đổi khứu giác, và chuyến đi có vẻ bớt đơn điệu hơn trong cái xe máy lạnh đóng kín cửa. Cả một vùng xanh ngát, với những nông trường, ruộng rẩy, tôi thầm nghĩ , không biết đây có phải là nơi mà các sĩ quan chế độ trươc 1975 đã học cải tạo, bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt đã đổ vào đấy... giờ với một khoảng xanh mà tôi đã đi qua tôi cảm thấy một chút bùi ngùi. Công sức của những người… lao động giờ cũng đạt được thành quả. Cũng tạo thêm mãng xanh cho đất nước, cho quê hương … ! Tôi cố tập trung để định hướng xem xe qua những đâu rẻ về lúc nào, nhưng hình như tôi không tập trung được, và cuối cùng thì xe cũng đến điểm phải đến là bến cuối, một cây xăng trong thị xã Phú Túc, cũng là điểm mà mọi người có thể bắt xe đi tiếp chặng đường mà mình muốn đi về hướng cao nguyên Lâm Đồng hay Daklak. Xe ở đây bắt khách một cách kinh khủng, nếu ai mơ màng mới đi lần đầu sẽ bị những xe dù dẫn dụ, và khi lên xe đi được một quảng họ thâu tiền của khách xong, sẽ sang khách qua xe khác rất phức tạp. Khi bị sang xe, bạn không thể lựa chọn chỗ ngồi, hay giá cả gì nữa, vì mọi việc đã xong. Qua kinh nghiệm lắng nghe từ những người đi xe thường xuyên họ bảo, nếu thấy những xe nhỏ mà có lơ thì không phải là xe từ bến đến bến, mà là những xe bắt khách dọc đường rồi thả dọc đường. Xe nhỏ chạy đúng tuyến đúng đường, chỉ có tài xế. Cho nên dầu được rất nhiều xe mời mọc, nhưng tôi quyết chí, chờ chiếc xe đò lớn, có tên hãng mà mình quen biết, để được đến nơi mà tôi muốn không phải vướng mắc những phiền toái. Một quán ăn to ở ven đường, tôi vào đó, chọn một chiếc bàn trống để ngồi, tôi nghĩ mình phải ăn hay uống gì thôi ở đó để chờ xe, vì chiếc xe đưa tôi đến điểm đến phải hơn hai tiếng nữa mới tới. Ngồi khá lâu, tôi vẫn không thấy nhân viên của quán đến hỏi ăn hay uống gì. Tôi hơi bức xúc, và ngẫm nghĩ, quán gì mà tiếp thị chán quá. Chẳng hỏi han khách khứa gì cả. Ngồi thêm một lúc nữa, tôi cũng chẳng thấy ai hỏi đến mình, cũng chẳng làm phiền mình. Suy nghĩ tôi lại thay đổi, quá ra thế mà hay, vì đâu phải ai đi trên đoạn đường dài đều có tiền dư trong túi, mà nếu để phải chờ xe và phải ăn uống thì sẽ thêm tốn kém, vị chủ nhân quán có sự thông cảm cho những người khách phương xa phải chờ đợi phương tiện, đã cho khách ngồi chờ thoải mái, không phải ăn uống tốn tiền. Suy nghĩ này làm tôi có thiện cảm với chủ quán hơn. Và tôi nghĩ, mình phải vào mua gì đó để ủng hộ người chủ quán tốt bụng này, mặc dù thời gian để ăn uống của tôi không còn bao nhiêu. Tôi mua một hợp cơm để có thể ăn, hoặc mang theo khi xe tới. Tôi có cảm tình với cái vùng đất quê này, qua cách cư xử của quán. Và hy vọng đa số người ở đây đều có những suy nghĩ cởi mở, tình người như thế. Tôi chạnh nghĩ đến những thông tin về những quán cơm tù ở miền Trung, phải chi những nơi đó đều có cách cư xử đẹp như ở đây thì thì dù là người ngoài nước hay trong nước, có nhiều tiền hay ít tiền vẫn không ngại đi tham quan đây đó và nơi nào cũng là chỗ du khách có thể đi qua, ghé lại không ngần ngại. Người dân địa phương sẽ thêm thu nhập từ việc dừng chân tham quan, và nơi nào có nhiều người tham quan thì cuộc sống sẽ phồn thịnh hơn. Với tâm tình hiền hòa cởi mở không quá hám lợi của người dân địa phương, du khách sẽ có cái nhìn về địa phương đẹp hơn, quyền rủ hơn và không ngần ngại một lần quay lại ... Coi như tôi đã gặt được một niềm vui trong bước lang thang. Nơi tôi sắp đến là một vùng sâu vùng xa, nên nếu đón được chiếc xe từ địa phương đó xuất phát tôi sẽ đi đến nơi dù sớm hay tối, không sợ nguy hiểm. Những chuyến xe hãng lớn như Phương Trang, Thành Bưởi, chạy qua đó rất nhiều, nhưng nếu đến lộ rẽ mà trời mưa hay tối thì quả là giữa đường giữa ngõ tiến thoái lưỡng nan, lúc đó chỉ còn nước đi thẳng lên Đà Lạt, rồi ngủ đêm ở đó sáng hôm sao mới vào làng được. Tôi chọn giải pháp chờ đợi để có một buổi tối yên tâm. Thời gian chờ đợi có dài hơn dự tính một chút, nhưng kết cục thì xe cũng đến. Khi lên xe tôi có hơi một chút phật ý, vì chẳng còn ghế nào trống cả, xe lại là loại xe giường nằm, nên chẳng có ghế súp, chỉ có sàn súp, thế là tôi phải ngồi bệt trên sàn lưng không biết dựa dạo đâu, đoạn đường còn lại hơn 200 cây số, cứ mỗi đoạn xe ngừng xuống để cho người đi vệ sinh hay giải lao, thì tôi lại phải thu người lại cho họ di chuyển qua, tôi không có chỗ riêng để cất hành lý, nên không thể bỏ hành lý xuống xe theo họ, trong nổi khó khăn đó tôi thầm tiếc, phải chi tôi đón chiếc xe Phương Trang hay Thành Bưởi, rồi đến ngả ba Liên Khương xuống xe bắt xe thồ vào chắc cũng tốt hơn vì lúc đó thời gian còn sớm…! Đó cũng chỉ là suy nghĩ, vì giờ không còn điều kiện chọn lựa, phải chấp nhận thôi. Một ông kia, hấp tấp sao đó xách đôi giày đi ngang tôi, rơi vào đầu tôi một cái cốp, bực thì có bực, nhưng họ vô tình thôi mà. Chiếc xe đi được một đổi, tôi thấy chiếc xe Thành Bưởi tôi gặp lúc sáng đang nằm ban dọc đường với cầu xe bị gảy. Vậy là hên hay xui đây? hihi, thêm một đoạn nữa, tôi lại thấy chiếc xe Phương Trang tránh ai hay va chạm gì đó, leo lề nằm chênh vênh. Tôi lại lẩm cẩm với mình, Trong cái bất tiện cũng có sự may mắn của nó, và với những phương tiện di chuyển, không hẳn xe mới, xe tốt, lại đưa mình đến nơi về đến chốn an toàn, mọi cái còn tùy thuộc vào cái vận may rủi của mình. Thôi thì vui với vận may nhỏ bé của mình đi. Cho hay, trong cuộc sống, có những sự lựa chọn mình nghĩ là hoàn hảo, nhưng nó chẳng hoàn hảo tí nào. Và có những cái tưởng chừng khập khiểng nhưng nó lại dẩn ta đến chốn bình an. Con đường cao nguyên lầy lội hư nát kéo dài chuyến hành trình đến trời sập tối, mưa thì rỉ rả, nhưng cũng may, khi xuống xe, tôi chỉ phải dầm mưa một đoạn ngắn để đến nơi. Bữa cơm tối đơn sơ ấm cúng cùng cộng đồng nử tu ở đây làm tôi vui, mặc dù mọi người rất yên lặng vì trong thời gian tỉnh tâm. Ánh mắt nào cũng hiền lành, cũng trìu mến, phát xuất từ cuộc sống dâng hiến cho đời cho xã hội, từ những việc làm đơn sơ nhỏ bé, cho đến những nhọc nhằn mà người thường chưa ắt làm được. Tôi được cho vào nghỉ ở một cái phòng đơn sơ, với những tiện nghi tạm đủ, và hai cái mền. Mặc dù đã chuẩn bị áo ấm, khăn quàng, vớ, nhưng hai cái mền vẫn không giúp tôi đủ ấm. Và tôi nghĩ, hóa ra, người dân sống vùng nhiệt đới vậy mà ổn hơn, vì không cần nhiều quần áo, chăn mền để ủ ấm, nghèo quá, một bộ đồ dính da thì cũng xong, chứ ở những nơi lạnh lẽo, nghèo mà không có quần áo để ủ ấm thì việc đau ốm bệnh hoạn là không tránh khỏi, nhất là vào những lúc thời tiết bất thường, mưa gió lạnh lẻo. Buổi sáng, loa phóng thanh của xã vang lên, nhắc nhở tôi biết mình đang ở một vùng quê. Đêm qua, tôi trải qua một giấc mơ khá kinh dị, tôi thấy người vú đở đầu của tôi đã qua đời ngồi cạnh tôi, tay ôm một cái hủ, tôi hỏi bà đi đâu thế, bà bảo đi lấy hủ cốt đem về. Tôi bảo bà chờ tôi xuống chỡ cho về, trên lối đi xuống đường, tôi thấy xác người cũng như những phần thân thể nằm rải rác, tối phải thật cẩn thận để không phải giẫm lên họ, và ngay cạnh chân tôi, một thi thể vẫn còn hoi hóp. Tôi nghe có tiếng ai nói, xác kia còn thở kia... khung cảnh trong giấc mơ thật u ám. Tôi đã choàng ra khỏi giấc mơ trong cái lạnh lẽo nơi đây...! Cố vổ giấc ngủ lại và tận hưởng cái êm ả của buổi sáng thôn quê. Thế nhưng tin buổi sáng cho biết về thiệt hại của cơn bảo ngày 2 tháng 8 với số lượng nạn nhân tại một vài vùng trong các tỉnh phía bắc, tôi bàng hoàng với những tin tức này...Trước đấy mấy khắc, tôi đã dị ứng vì những tiếng ồn vào buổi sáng tinh mơ này giờ nghĩ lại, nếu không có những cái loa phóng thanh này thì dân chúng ở đây coi như cách biệt với mọi diễn biến trong nước. Buổi ăn sáng đơn sơ bằng mì gói diễn ra, sau đó ai vào việc nấy, người thì quét sân, người thì tỉa cây, kẻ đi chợ, người lên rẩy, ai cũng có việc của mình. Tôi phụ mọi người quét sân tí, rồi chọn một nữ tu lớn tuổi làm rẩy theo bà… Bà có những luống bắp, khoai, rau mồng tơi, xu, rau muống, để bổ sung cho thức ăn của cộng đồng cũng như trẻ em nghèo trong cuộc sống hằng ngày. Với độ tuổi gần 70, nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, bắt ghế trèo lên giàn để thụ phấn nhân tạo cho cây dưa tây. Bà nhờ tôi giữ ghế hộ. Tôi khom lưng có xíu mà đã mỏi, cuối cùng tôi phải tìm một cây xào, cắm xuống đất, và một cây khèo móc, móc lên giàn, giữ nó trong tư thế đứng thẳng, để bà vịn vào xào trèo lên… Những trái dưa tây to đùng trên dưới 2kg lủng lẳng trên giàn, bà nói, loại cây này khó thụ phấn, nên nếu mình chịu khó thụ phấn nhân tạo cho nó, thì nó sẽ cho nhiều trái. Bằng chứng là giàn dưa của bà lủ khủ lớn nhỏ đong đưa dưới giàn bà trồng bạc hà, có thể số cây bà trồng không đáp ứng được nhu cầu ăn uống hàng ngày cho cộng đồng và trẻ, nhưng nó cũng góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí. Muốn chấm phấn cho 10 nụ hoa cũng mất mấy tiếng đồng hồ, nhưng bù lại 10 nụ hoa ấy có thể đậu trái được 8, trẻ tuổi hơn bà, nhưng lay hoay với bà buổi sáng tôi cũng chóng mặt, hoa cả mắt… Tôi chào bà để về phòng riêng. Trên lối về phòng riêng, tôi lại thấy người nữ tu trưởng, tuổi lớn hơn, chính xác là 72 tuổi, đang ngồi khâu từng mủi kim bao để vá một tấm đệm chắc phải mấy chục thước. Tấm đệm dùng để phơi cà phê vào mùa sắp tới. Bà cắt một manh bao nhỏ, hơ lửa cho đừng tuột sợi, sau đó đấp vá vào từng lổ một trên manh bao. Những mũi kim rất cẩn thận, kiên nhẫn. Chỉ nhìn cái manh bao trải dài trên đất là tôi đã ngán ngẫm. Tôi ghi nhận sự cần mẩn của bà trong im lặng, và lòng thầm cảm phục. Vẫn là những buổi chiều êm ả thanh tịnh, những bữa ăn đơn sơ đạm bạc cá kho với chút rau trong vườn, với trái dưa tây xanh bị gảy cuống, nhưng không khí thật bình yên vui vẻ, mọi người chấp nhận cuộc sống phục vụ cộng đồng, không mưu cầu tích lủy riêng gì cho mình và chính những ý nghĩ đó đã toát lên trong họ nét thánh thiện mà trong cuộc sống đua chen bên ngoài khó mà bắt gặp. Ngày thứ ba, hôm nay tôi chọn đi theo một nữ tu năng nổ nhất trong nhóm, bà có thể lái xe từ máy cày đến xe thường để phục vụ công việc vận chuyển lương thực, thực phẩm cũng như trong công việc sản xuất. Bà chỡ tôi bằng xe hai bánh, đến rẩy… nơi được trồng một số cà phê, cũng như tre măng, cũng là hổ trợ cuộc sống cho cộng đồng và các trẻ em nghèo được nuôi dưỡng để đi học cho tốt. Con đường ngoằn nghoèo lên đồi xuống dốc, đi vào một khu đồi thuộc khu vực Phitô. Trời hôm ấy nắng tốt, mây thật cao, bầu trời trong xanh với những áng mây trắng bàn bạc vắt ngang. Tôi cảm thấy cả một trời thơ quanh đó. Những rặng đồi chập chùng chen nhau xanh ngắt cả một vùng, những chòm cây tự tạo dáng cho mình những nét đẹp rất riêng. Những nương rẩy, được vun quén thành từng ô dưới thung lủng. Và không khí trong lành tràn ấp trong nơi đó. Tôi ước thả mình dưới một rặng cây nào đó ngẫm nghĩ mọi chuyện trên đời. Tôi muốn nhảy tòm xuống một suối nước gần đó để tận hưởng cái khung cảnh hoang sơ… nhưng đó là cái nghĩ của tôi. Người nử tu chậm rãi nói, chị biết không, nếu hôm nay mưa thì tôi đỡ lo lắng, nhưng trời lại nắng, những bao phân mà tôi vừa bỏ xuống hôm qua, không có mưa xuống để tan thấm đất, sẽ bị nắng thiêu hủy, bốc hơi. Và coi nhiêu tiền phân bón của mình tiêu tán hết. Đúng là ông trời không thể chìu hết mọi người, tôi đang sung sướng với cái đẹp hùng vĩ nên thơ nơi đây lúc trời trong mây tạnh, thì người nông dân đang lo lắng vì mưa không đến kịp lúc. Đến một cạnh sườn đồi, chiếc xe rẻ vào đổ dốc xuống rẩy, quanh tôi hàng hàng lớp cà phê, trà bao phủ ngọn đồi. Rặng tre nhúng nhẩy theo nhịp điệu của gió làm nao lòng khách tham quan. Dựng xe bên căn nhà kho, cả hai chúng tôi đi theo hàng để kiểm soát phân bón, cũng như những tượt non vừa mới đâm ra. Vị nử tu dạy tôi cách bẻ tượt, vì theo như kinh nghiệm của họ, khi mưa xuống tượt non đâm chồi, người chăm sóc phải bẻ tượt bỏ đi, để tránh việc nó ăn bớt phân làm giảm sản lượng của trái. Vì dẩn tôi đi tham quan, nên vị nử tu này về sớm, cho tôi nghỉ ngơi, hôm sau bà phải trở vào đó dài ngày kiếm thêm người phụ bẻ tượt cho rẩy. Chúng tôi lại trở về chỗ ở sau khi vượt 32 cây số đường đồi, Chiều hôm ấy, thả người trên chiếc giường gổ đơn sơ, tôi ngẫm nghĩ về những con người ấy. Những người làm hết sức, hết khả năng mình, không để mưu lợi riêng tư, mà chỉ để phục vụ lý tưởng cao cả, giúp những người miền cao đến gần với nền văn minh, văn hóa dân tộc trong việc học. Một gia đình thông thường có vài mẫu cà phê có thể nuôi một hai đứa con ăn học thành tài, để nhờ vả sau này. Nhưng gia đình lớn này chỉ với mấy mẫu cà phê đã nuôi hàng trăm em ăn học, dĩ nhiên, là cần sự hổ trợ của nhiều nhà hảo tâm...Cái cốt lỏi là một thời gian những người này sẽ được dời đi nơi khác, họ chẳng dính dáng gì với cái thành quả mà họ tạo nên, một xã hội tốt, nhiều trẻ biết chữ hơn, nhiều trẻ biết sống hợp vệ sinh hơn và nhiều trẻ học hành tới nơi tới chốn hơn. Đây là một mô hình cần được khuyến khích mở mang ở những vùng xa xôi hẻo lánh, để người dân vùng biên có điều kiện bám đồi bám đất …mà không bị thiệt thòi vì dốt nát. Huyền Băng
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.08.2013 09:38:10 bởi Huyền Băng >
|