Trích đoạn: BINH_SVATY
gửi bác LÁ VÀNG MƠ
đệ thấy bác LÁ quả là tuyệt vời...xin góp mấy vần cho vui lòng bác LÁ...đừng chê thơ đệ nha...học và học nữa....bác LÁ à
MƠ TIÊN
_____________
tới nắp chai đầy rót mỏi tay
người khỏe uống cạn chắc phải quay
rượu ấp hơi nồng thân im ắng
bạn ẩm đối kề...đã quên ngay.
giữa trưa rượu uống trong phòng vắng
lối nhỏ rèm treo tưởng hết ngày
tiếng hát tình ca đâu réo rắt
gặp mộng KÊ VÀNG.. tưởng trong say..
bác LÁ mãi vui..
Chào người bạn mới BINH_SVATY
Xin nhận những cảm tình thân mến nhưng không dám nhận sự quá khen.
Tôi chỉ nhờ "sống lâu lên lão làng" chứ hiện vẫn còn được một ông thầy luôn tiếp tục chỉ điểm những điều hay/dở.
Thơ của bạn cũng như của bạn Nguyên Hùng, chứa đầy ý tứ dồi dào chứng tỏ có nhiều sức sáng tạo cá nhân.
Chỉ chưa vào khuôn khổ Bằng Trắc.
Nói ví thì giống như các bạn là người có nhiều vật liệu tốt, nhưng chưa nắm vững kỹ thuật xây dựng.
Cũng không khó lắm như sau :
* hoặc quí bạn tham khảo vấn đề nầy trong bài Luật làm thơ của VDN, nếu muốn học kỷ và đầy đủ.
* Còn như nếu muốn nhanh và chỉ cần biết về thơ Ðường Luật thì luật Bằng Trắc tóm gọn như sau :
* Câu thơ Ðường có 7 chữ, các chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 ra sao cũng được. Nên có câu thiệu về điểm nầy là : nhất tam ngũ bất luận.
* Các chữ thứ 2, thứ 4 và thứ 6 là phải theo luật Bằng Trắc như sau :
- nếu chữ thứ 4 là Bằng, thì chữ thứ 2 và thứ 6 phải là Trắc
- nếu chữ thứ 4 là Trắc, thì chữ thứ 2 và thứ 6 phải là Bằng
câu thiệu về điểm nầy là : nhì tứ lục phân minh
(Thơ Ðường Luật dùng vần Trắc rất hiếm nên tạm thời không nói tới.)
Phần tiếp theo là nói cho thơ Ðường Luật dùng vần Bằng như sau :
* Chữ thứ 7 của các câu 1, 2, 4, 6, 8 phải theo cùng một vần/Bằng. Ví dụ : đông, giông, không, vòng, phong. (Ngoại lệ chữ thứ 7 của câu 1 có thể là một chữ Trắc.)
* Chữ thứ 7 của các câu 3, 5, 7 phải là những chữ Trắc.
Phần Bằng/Trắc trong một câu thì được gọi là Luật và như vừa nói ở phần trên
Phần Bằng/Trắc của câu trên so với câu dưới thì gọi là Niêm, như sau đây :
Ví dụ là tất cả các câu đều đã đúng Luật như trên
Muốn xét về Niêm chỉ cần nhìn chữ thứ 2 của mỗi câu :
- Nếu chữ thứ 2 của câu 1 là Bằng :
- thì chữ thứ 2 của câu 2 và 3 phải là Trắc
- chữ thứ 2 của câu 4 và 5 phải là Bằng
- chữ thứ 2 của câu 6 và 7 phải là Trắc
- chữ thứ 2 của câu 8 phải là Bằng (giống như câu 1)
ví dụ : Bài Họa bài TÔN PHU NHƠN QUI THỤC
Cài TRÂM(B) sửa áo vẹn câu tòng
Giả MẶT(T) trời chiều biệt cõi đông
Khói TỎA(T) đồi Ngô un sắc trắng
Duyên VỀ(B) đất Thục đượm màu hồng
Hai VAI(B) tơ tóc bền trời đất
Một GÁNH(T) cương thường nặng núi sông
Anh HỠI(T) Tôn Quyền anh có biết
Trai NGAY(B) thờ chúa gái thờ chồng.
Phan-Văn-Trị
Và nếu chữ thứ 2 của câu 1 là Trắc thì tất cả đều ngược lại như sau :
Ví dụ : Bài TÔN PHU NHƠN QUI THỤC
Cật NGỰA(T) thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn NĂM(B) rạng tiết gái Giang Ðông
Lìa NGÔ(B) bịn rịn chòm mây bạc
Về HÁN(T) trau tria mảnh má hồng
Son PHẤN(T) thà cam dày gió bụi
Ðá VÀNG(B) đâu để thẹn non sông
Ai VỀ(B) nhắn với Châu Công Cẩn
Thà MẤT(T) lòng anh được bụng chồng.
Tôn Thọ Tường
Chúc quí bạn vui và hăng say với thơ Ðường Luật.
Thân mến,
LCR